Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ bám trụ giúp dân vùng lũ

Thứ Tư, 05/10/2011, 15:35
Những ngày qua, mực nước lũ tại vùng thượng nguồn sông Cửu Long lên nhanh từng ngày, đe dọa hàng ngàn héc ta lúa Thu Đông và hoa màu của người dân. Trước tình hình đó, hơn 1.000 CBCS đã có mặt tại vùng lũ, phối hợp cùng bộ đội, các lực lượng khác và nhân dân tại chỗ, trắng đêm gia cố đê bao. Có mặt tại vùng “rốn lũ”, PV Báo CAND ghi nhận nhiều điều hết sức cảm động...

Trắng đêm bám đê “cứu lúa”

Tại các xã Thông Bình, Tân Thành A, Tân Hộ Cơ, Tân Công Chí được xem là các “rốn lũ” của huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), hằng ngày hơn 500 CBCS Công an tỉnh Đồng Tháp đã phải “vật lộn” từng phút, từng giờ với nước lũ, giành giật từng tấc đất trên các bờ đê bảo vệ lúa đang bị nước lũ đe dọa bởi nước lên nhanh, muốn “nuốt chửng” hàng ngàn héc ta lúa của người dân. Trong “cuộc chiến” với nước lũ, bảo vệ tài sản của nhân dân, ngày và đêm các CBCS Công an tỉnh Đồng Tháp đã phải túc trực 24/24h, tuần tra, kịp thời phát hiện những sự cố do nước lũ gây ra.

17h ngày 29/9, một đoạn đê dài gần 3m thuộc đê Bắc Viện (ấp Thi Sơn, xã Tân Thạnh A, huyện Tân Hồng) bị vỡ, nước lũ tràn dữ dội vào đồng và có khả năng lan rộng ra, nếu không khắc phục kịp thời thì hơn 340 héc ta lúa vụ 3 của người dân ở ấp Thi Sơn sẽ bị ngập trắng trong con lũ “dữ”.

Ngay khi phát hiện sự cố, hơn 200 CBCS Công an tỉnh Đồng Tháp được tăng cường cho “rốn lũ” ở xã Tân Thạnh A được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Từng tốp CBCS ai nấy nhanh chóng vào vị trí trực chiến, vác bao cát, đóng xà cừ trong không khí hết sức khẩn trương để ngăn dòng nước lũ đang ào ạt tràn vào đồng. Sau 4 giờ đồng hồ “vật lộn” với con nước, đến 21h đêm cùng ngày, đoạn đê vỡ đã được khắc phục, hàng trăm héc ta lúa được cứu thoát khỏi miệng “Hà Bá”.

Công an tỉnh Đồng Tháp nỗ lực giúp người dân gia cố đê bao, chống lũ ở huyện đầu nguồn Tân Hồng.

Nỗ lực hộ đê

Tuy nhiên, trong đêm 29 và rạng sáng ngày 30/9, nước lũ vẫn tiếp tục lên nhanh và kèm theo mưa lớn “uy hiếp” cánh đồng Thi Sơn. Ngay trong đêm, các CBCS Công an, Quân đội, lực lượng cứu hộ của địa phương vẫn tiếp tục nỗ lực gia cố đê bao… để giữ vững tuyến đê Bắc Viện. Sau một đêm trắng, đôi mắt cay xè, Thượng tá Lê Thanh Sơn – Phó phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Đồng Tháp nói: “Tối qua nước lên dữ quá, mặt nước lúc đó lên rất cao, cách mặt đồng khoảng 4m. Vì vậy, khi bờ kênh Bắc Viện bị xì cống, nước lũ tràn nhanh qua mặt kênh và đánh mạnh vào bờ đê làm vỡ từng tảng đất nước. Lực lượng cứu hộ phải vật lộn với nước lũ suốt đêm mới khắc phục được đoạn đê bị vỡ. Trên hết là phải bảo vệ được tài sản của người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do nước lũ gây ra. Vì vậy, các CBCS luôn túc trực 24/24h, nỗ lực hết mình để gia cố những đoạn đê bao xung yếu”. 

Sau 10 ngày bám trụ, nỗ lực cùng với các lực lượng quân đội, dân quân, đoàn thanh niên và nhân dân hai huyện Châu Phú và Châu Thành (tỉnh An Giang) chống lũ. Đến 10h sáng ngày 4/10, hơn 500 CBCS thuộc các phòng ban, đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang đã được điều động về TP Long Xuyên. Đại tá Dương Thanh Bình – Phó trưởng Phòng CSBV-CĐ Công an An Giang, cho biết: Công an tỉnh đã điều động tiếp một Đại đội hơn 50 CBCS xuống túc trực tại các “rốn lũ” để cùng với người dân hộ đê, chống lũ. Số CBCS đã được điều động về TP Long Xuyên vẫn đang trong tư thế sẵn sàng, khi có lệnh của Ban giám đốc là lên đường làm nhiệm vụ ngay. Để hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thị, thành phố, ngoài đảm bảo công tác chuyên môn, các CBCS cũng tích cực cùng ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương tham gia tuần tra, gia cố các tuyến đê bao xung yếu để phòng chống lũ.

Vào trưa 28/9, chiến sĩ Nguyễn Thành Trung - thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đồng Tháp trong khi cùng với hơn 50 đồng đội được tăng cường xuống tuyến đê bao ở xã Thông Bình (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) phối hợp cùng các lực lượng cứu hộ gia cố các đoạn đê bao xung yếu để bảo vệ 1.400 hécta lúa vụ 3 của người dân.

Trong lúc chiến sỹ Trung, đang nỗ lực cùng với đồng đội đắp bao cát để ngăn dòng nước lũ tràn vào đồng thì bất ngờ một cây xà cừ lớn đổ ầm xuống đập mạnh làm chân anh bị gãy. Nén cơn đau, anh vẫn giữ vững vị trí, không để đoạn đê bị vỡ lan ra, chờ đồng đội đến tiếp ứng. Sau đó, anh đã được đồng đội đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp để cấp cứu và băng bó vết thương

V.Vĩnh - V.Đức
.
.