Hồi ức về một chuyến Nam tiến

Thứ Tư, 26/04/2006, 07:52

Đối với trung úy Vũ Trường Thi - chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Quảng Ninh, chuyến “Nam tiến” 21 ngày đêm, bắt 11 đối tượng truy nã (trong đó có 4 đối tượng đặc biệt nguy hiểm) trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố phía Nam mãi in đậm trong ký ức của anh.

Với chiến công đặc biệt ấy, hai năm liền Vũ Trường Thi là chiến sĩ thi đua cơ sở, được UBND tỉnh Quảng Ninh trao tặng danh hiệu “Tài năng trẻ trên lĩnh vực phòng chống tội phạm”, là một trong những người trẻ nhất được mời tham gia chương trình “Vinh quang Việt Nam” và được cử về dự Hội nghị báo cáo điển hình tiên tiến toàn quốc trong công tác đấu tranh chống tội phạm của Lực lượng Cảnh sát hồi tháng 6/2005.

Đến nay, tuy không còn đảm nhiệm việc đi bắt đối tượng truy nã nữa, nhưng mỗi lần nhắc lại, Vũ Trường Thi vẫn rất hào hứng và xúc động khi kể lại những ngày tháng gian khổ đáng nhớ ấy.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát), cuối năm 2002, Vũ Trường Thi về nhận công tác tại Đội trinh sát tuyến Miền Đông, chuyên làm án trinh sát và bắt đối tượng truy nã gây án dọc tuyến từ bến phà Bãi Cháy đến cửa khẩu Móng Cái.

Chuyến công tác đầu tiên của anh bắt tội phạm truy nã là khi thực hiện kế hoạch bắt tên Nguyễn Văn Trọng, quê ở xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, (Thanh Hóa). Tên này phạm tội giết người cướp tài sản của tàu trên biển và bỏ trốn tính tới thời điểm bắt được là hơn 10 năm. Tết Quý Mùi 2003, thu thập tin tức, anh em biết rằng tên Trọng sẽ từ ngoài biển “lẩn” về ăn tết với gia đình. Thi cùng đồng đội bàn nhau hãy để cho đối tượng được ăn một cái tết ở nhà trước khi có những cái tết trong trại giam.

Qua tìm hiểu, Vũ Trường Thi đã nắm được phong tục đi biển của ngư dân kiêng nhất là xuất hành vào ngày mồng 3, đặc biệt là họ phải sửa lễ cúng tiễn đưa ông bà tổ tiên đàng hoàng rồi mới đi. Vậy là sáng mồng 3 tết năm đó, Vũ Trường Thi lên đường và phối hợp với Công an Thanh Hóa thực hiện lệnh bắt gọn tên Trọng, đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn.

Sau một thời gian làm quen với công việc, đến cuối năm 2003, Trung úy Vũ Trường Thi đã xác định được các nguồn tin về 30 đối tượng có lệnh truy nã của Công an tỉnh Quảng Ninh đang lẩn trốn ở các tỉnh thành phía Nam, Thi đã mạnh dạn đề xuất một kế hoạch “Nam tiến” dài hơi. Lãnh đạo phòng duyệt kế hoạch, không quên nhắc nhở, động viên và cử Trung úy trẻ Vũ Văn Tiến cùng phối hợp lên đường.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh không giấu được nỗi xúc động, bởi vì đó chính là chuyến đi đầy… bão táp. Các anh đã phải nhịn đói đi bộ cả ngày đường sang tận biên giới Việt Lào, hết nằm mật phục trong bụi rậm làm mồi cho muỗi “xơi” suốt 8 tiếng lại lênh đênh trên biển ra tận Côn Đảo…  Cơm là những bữa ăn vội vàng trên đường, còn nghỉ ngơi là những khi ngồi trên xe đang chạy trên đường sóc đến lộn ruột, các anh không hề nản chí cho tới khi đã bắt được 11 đối tượng, dẫn giải về Công an tỉnh Quảng Ninh.

Chuyến dừng chân ở tỉnh Kon Tum, họ không thể ngờ tới những gian truân mà mình gặp phải. Đó là trường hợp truy bắt đối tượng Trần Văn Vấn quê ở Nghĩa Hưng (Nam Định), phạm tội mua bán phụ nữ. Theo tài liệu trinh sát, sau khi gây án, tên Vấn đã bỏ trốn xin vào làm công nhân của một công ty xây dựng đập nước mãi tận xã Đắk Long, huyện Đắk Lây (Kon Tum). Vào những ngày đó, Tây Nguyên đang mùa mưa, nước trút xuống từng đợt, từng đợt không ngớt. Đường đã trơn trượt, nhiều đoạn vòng qua các ngọn núi hẹp khúc khuỷu với một bên là vách đá cao vời vợi, một bên là vực sâu thăm thẳm, khiến xe có thể lộn nhào xuống vực bất cứ lúc nào.

Mừng vì tìm được một anh xe ôm giàu kinh nghiệm đường trường nhận chở, họ phải hì hục quấn xích vào lốp xe để tăng độ bám. Nhưng mới đi được vài cây số, đường xấu quá, anh xe ôm nọ cũng… nói lời thông cảm với hai cán bộ trẻ rồi… chào thua! Nhưng với quyết tâm từ lúc lên đường, họ tiếp tục trèo đèo, lội suối, mỗi bước đi đều phải động viên nhau và nhủ lòng không được chùn bước. Đói, họ tạt vào nhà đồng bào xin bất cứ thứ gì có thể ăn được; khát thì uống nước suối trong rừng, đến khi trời tối mịt thì cũng đến được nơi đối tượng ẩn náu.

Khi đã bị tra tay vào còng rồi, tên Trần Văn Vấn bắt đầu tỏ ra ngoan ngoãn, khâm phục nói với hai chiến sĩ trẻ đang xanh mặt vì đói: “Các bác tài thật. Chỉ  còn mấy bước chân nữa là sang Lào, em tưởng “ẩn” ở đây thì chẳng ai có thể tìm đến được. Em chịu các bác!”--PageBreak--

Vũ Trường Thi tâm sự: “Kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm truy nã của mình là phải tạo cho đối tượng quên đi mình là ai và phải tạo cớ để nó quên, tạo ra sơ hở của đối tượng để áp dụng nghiệp vụ thì mới khiến chúng xuất đầu lộ diện được”. Đó cũng chính là trường hợp mà anh gặp phải khi thực hiện lệnh bắt đối với tên Nguyễn Văn Tùng, quê ở xã Quảng An, huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

Tên Tùng phạm tội rồi trốn vào TP. Hồ Chí Minh đã hơn 10 năm, đổi tên thành Nguyễn Văn Chung và  kịp lấy vợ, sinh con. Vì thế khi tới bến xe Miền Đông nơi hắn làm ăn, hỏi Tùng thì ai cũng trả lời: “Không có Tùng nào người Quảng Ninh cả mà chỉ có người tên Chung thôi!”. Khi tìm được đến nhà Tùng, Thi hô: “Nguyễn Văn Tùng, anh đã bị bắt!”, thì đối tượng bình tĩnh nói: “Các anh nhầm rồi, tôi tên là Nguyễn Văn Chung cơ!”. Rồi hắn lấy cả chứng minh thư ra để chứng minh.

Điều khó khăn với Thi và đồng đội của anh là trong lệnh truy nã tên Tùng lại không có ảnh của hắn. Lúc đầu hai chiến sĩ trẻ cũng lúng túng nhưng ngay sau đó, đồng chí Thi đã nhanh trí nói: “Chúng tôi bắt được một tên chuyên trộm cắp xe máy, hắn đã khai ra anh nằm trong đường dây tiêu thụ xe gian. Chưa biết đúng sai, mời anh lên công an phường để chúng tôi làm việc”. Vậy là tên Tùng ngoan ngoãn lên phường. Sau khi lấy được dấu vân tay, các chiến sĩ cũng phải đấu tranh với hắn gần 10 tiếng đồng hồ, Tùng mới chịu cúi đầu nhận tội.

Liền sau đó, khi thực hiện lệnh bắt hai anh em Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Tú phạm tội giết người, Trung úy Vũ Trường Thi đã bị tên Tú rút súng chĩa vào ngực ở cự ly rất gần. Phối hợp quật ngã được đối tượng, tước được súng, các anh mới thở phào nhẹ nhõm khi biết đó chỉ là khẩu súng… nhựa mà tên Tú lúc nào cũng mang theo người, hòng khống chế để tẩu thoát. Tôi hỏi: “Lúc ấy anh có run không?”. Vũ Trường Thi cười: “Quả thật cũng hơi run vì chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống này. Hơn nữa, cự ly lại gần khiến mình còn cảm thấy cả hơi lạnh của nòng súng…”.

Khi đã bắt được 10 đối tượng truy nã, hai chiến sĩ đã bàn phương án làm thế nào để đưa được chúng về Quảng Ninh, hai đồng chí Thi và Tiến phát hiện tung tích tên Phùng Văn Triệu ở phường Hà Tu (TP. Hạ Long). Tên Triệu phạm tội giết người, cướp tài sản rồi trốn vào Bà Rịa – Vũng Tàu làm nghề đánh cá trên biển. Nhưng khi tìm được nơi ở của hắn thì chủ nhà cho hay: Tàu của gia đình này cứ 3 tháng mới cập bến một lần. Còn tên Triệu thì ranh mãnh rất ít lên bờ, mà tàu này cập bến thì lại theo tàu khác nhổ neo ngay để trốn tránh pháp luật.

Được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, Vũ Trường Thi vào vai một chiến sĩ biên phòng cùng hai chiến sĩ nữa tiến thẳng ra Côn Đảo. Sau gần một ngày lênh đênh trên biển, họ đã phát hiện ra thuyền của Triệu, áp sát và tóm gọn tên này khi hắn đang trong tư thế sẵn sàng nhảy xuống biển để tẩu thoát.

Được tin hai chiến sĩ trẻ Vũ Trường Thi và Nguyễn Văn Tiến đã lập một kỷ lục về bắt đối tượng truy nã trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Phòng  đã cử đồng chí Trần Xuân Trường bay vào TP. Hồ Chí Minh để cùng anh em dẫn giải đối tượng về Quảng Ninh. Trên tàu, phạm nhân thì họ bố trí cho ngồi ghế tàu, còn 2 chiến sĩ ngồi 2 ghế nhựa trấn giữ hai đầu. Suốt 2 ngày đêm trên tàu không chợp mắt, mà cứ một lát lại có đối tượng xin đi… vệ sinh, khi về tới ga Hà Nội đã là 2 giờ sáng.

Đơn vị đã bố trí sẵn xe để chở các đối tượng về “địa chỉ” mà đáng lẽ chúng đã phải tới từ lâu. Cả đơn vị nhìn họ bằng ánh mắt cảm thông, trìu mến và thán phục. Mấy chú trong đơn vị còn đùa: “Để hai đứa đứng lẫn với phạm, chúng ta cũng chả nhận ra nữa rồi!”. Bởi sau chừng ấy ngày ăn ngủ thất thường, các anh vừa gầy vừa đen, áo quần thì lôi thôi, nhem nhuốc bụi đường…

Trung úy Vũ Trường Thi tâm sự: “Kiên trì lần ra tung tích đối tượng, dùng lý trí đấu tranh với đối tượng, buộc đối tượng phải cúi đầu nhận tội, kể cả việc bị đối tượng chống trả quyết liệt hay bị thân nhân mua chuộc là chuyện thường gặp trong đấu tranh trấn áp tội phạm nói chung, truy bắt đối tượng truy nã nói riêng. Chuyến đi “Nam tiến” của chúng tôi đã có đủ màu sắc đặc trưng của công việc bắt đối tượng truy nã mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên được!”

Nguyệt Hà
.
.