Đặc xá dịp Quốc khánh 2/9:

Hối cải phải chính tâm

Thứ Sáu, 07/08/2009, 08:25

Gặp một số phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam nhân đợt xét đặc xá dịp Quốc khánh 2/9, Thượng tướng Lê Thế Tiệm nhắc nhở: Hối cải phải chính tâm, tích cực cải tạo không phải chỉ để hưởng đặc xá mà điều chính yếu là khi trở về cộng đồng tu chí hoàn lương, không tái phạm.

Chuyến công tác của Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng đặc xá, Trưởng ban Chỉ đạo đặc xá Bộ Công an tới một số trại giam phía Bắc nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 theo Quyết định của Chủ tịch nước.

Vào thời điểm cách ngày đặc xá chỉ còn hơn 3 tuần, các trại giam đã hoàn tất việc lập hồ sơ theo tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá. Tổ thẩm định hồ sơ của Hội đồng tư vấn đặc xá sau khi kiểm tra, rà soát kỹ, cơ bản thống nhất với đề nghị của Ban giám thị trại.

Quyết định về đặc xá dán công khai tại các bảng tin của trại.

Tại Trại Ngọc Lý (Bắc Giang), Thượng tá, Giám thị Nguyễn Bá Sản cho biết, quá trình bình chọn tại cơ sở đảm bảo dân chủ, công khai... Thứ trưởng bất ngờ rẽ vào bảng tin, nơi có nhiều phạm nhân đang theo dõi danh sách đề nghị đặc xá đợt 2/9 của trại. Một phạm nhân có tên Nguyễn Thị Thanh, 49 tuổi, phạm tội môi giới mại dâm, án phạt 42 tháng, đã chấp hành được 26 tháng...

- Chị có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá không? - Thứ trưởng hỏi.

- Báo cáo thủ trưởng, dạ… có tên ở đây ạ - người phụ nữ thụ án hơn 2 năm chỉ vào dòng có tên mình.

- Khi bình chọn, những người trong tổ, đội bình chọn như thế nào, có ai thắc mắc gì không và được giải đáp ra sao?

- Báo cáo, chúng tôi đã xem kỹ các hướng dẫn về đặc xá được dán công khai ở bảng tin, cửa phòng, sau đó được cán bộ quản giáo thông báo chi tiết, nếu ai còn băn khoăn, thắc mắc thì hỏi thêm. Khi bình chọn, các trại viên bỏ phiếu kín. Như trường hợp của tôi, trước đó nhiều người trong tổ, đội nói rằng, đối chiếu quy định thì lần này tôi đủ điều kiện xét đặc xá và mọi người đã tín nhiệm bỏ phiếu.

Trại Ngọc Lý, thành phần phạm nhân chấp hành án tại đây khá đa dạng: tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự công dân, tội xâm phạm sở hữu, tội phạm về ma tuý, hình sự... Sau khi bình xét tại cơ sở, phân trại đề xuất 213 trường hợp song hội đồng xét đặc xá của trại chấp thuận 189, số còn lại tạm gác do chưa đủ điều kiện như: thiếu kỳ xếp loại cải tạo, có tiền sử nghiện ma tuý, chưa thực hiện trả tiền bồi thường, có nhiều tiền sự...

"Việc hội đồng của trại để lại 24 trường hợp thể hiện quy trình làm việc hết sức chặt chẽ, rà soát kỹ từng trường hợp để đối chiếu điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định" - Giám thị Nguyễn Bá Sản giải thích. Thượng tá Sản cho hay, quy định về đặc xá lần này rất cụ thể, kể cả các trường hợp không được đặc xá, nên các phân trại tiến hành thuận lợi, phạm nhân cũng dễ dàng tự đối chiếu. Ngay sau khi Chủ tịch nước có quyết định và Hội đồng đặc xá có hướng dẫn, các văn bản này được dán công khai và phổ biến chi tiết tới từng tổ, đội, buồng giam. Đặc biệt, trại tích cực làm công tác tuyên truyền để những phạm nhân có hình phạt bổ sung là hình phạt tiền nộp các khoản tiền phạt, bồi thường dân sự. Tới nay, trại Ngọc Lý đã thu hơn 11 tỷ đồng của 827 phạm nhân về các khoản nói trên, nộp kho bạc Nhà nước.

Trong quyết định của Chủ tịch nước ghi rõ, người đang chấp hành án trên 70 tuổi là một trong các điều kiện để xét đặc xá. Trực tiếp xuống phân trại, Thứ trưởng dừng lại trước một phạm nhân cao tuổi nhưng sức khoẻ còn khá tốt. Hỏi chuyện được biết, phạm nhân tên Nguyễn Thị Nhường, quê Bắc Ninh, năm nay đã 77 tuổi. "Tôi có 10 người con, chết một. Trước đây, tôi dại dột khi thương con mà nhiều lần đi mua ma tuý cho nó hút, giờ nó chết rồi. Đó là đứa thứ 9" - phạm nhân Nguyễn Thị Nhường hối hận. Bà nói rằng, tuy tuổi cao nhưng nhờ sự chăm sóc của các cô y tá ở trại nên những chứng bệnh như đau đầu, mất ngủ trước đây giảm hẳn, nay ăn uống bình thường, chỉ làm những việc nhẹ như nhặt rau, đãi gạo...

Thứ trưởng Lê Thế Tiệm căn dặn: Nhà nước có chính sách với phạm nhân tuổi cao, sức yếu, ưu tiên xét đặc xá, do vậy cần hiểu được ý nghĩa chính sách này.

Khuôn viên trại Hoàng Tiến (Hải Dương) nổi bật với các tác phẩm nghệ thuật do chính phạm nhân tạo nên như non bộ, đài phun nước, hoa văn điêu khắc... Hôm nay, danh sách 274 phạm nhân đề nghị xét đặc xá được in ấn cẩn thận, dán tại bảng tin và trước cửa buồng giam. Trong số này có 2 phạm nhân còn mức án trên 7 năm, 3 phạm nhân còn mức án dưới 1 tháng.

Đáng chú ý, thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, số phạm nhân có huân, huy chương, bản thân là thương binh, gia đình có thân nhân liệt sỹ... được ưu tiên xét đặc xá, con số ghi trong danh sách là 7 người. Số phạm nhân phạm tội khi chưa thành niên, nay cải tạo tốt cũng được xét với 51 người. Phạm nhân trên 70 tuổi có 3 người...

Thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là một quy định bắt buộc trong xét đặc xá. Đợt này, gia đình các phạm nhân đã nộp được trên 2,4 tỷ đồng. "Đối với các trường hợp già yếu, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, chúng tôi xem xét và có báo cáo cụ thể Hội đồng đặc xá" - Giám thị Nguyễn Đức Số giải thích.

Cũng như tại trại Ngọc Lý, trại Hoàng Tiến khẩn trương trả lời các đơn thư có liên quan để phạm nhân, gia đình phạm nhân được rõ. Đến nay, trại đã trả lời 11 trường hợp có kiến nghị, tất cả đều hiểu rõ và không có ý kiến gì thêm.

"Trường hợp của tôi, ngay hôm đầu đọc tiêu chuẩn, điều kiện về xét đặc xá, tôi thấy mình có đủ điều kiện. Mấy hôm sau, khi cán bộ trại xuống phổ biến và cho bỏ phiếu kín, kết quả tôi được 100% số phiếu" - phạm nhân Trần Ngọc Tiến, quê Bắc Ninh kể. Phạm nhân Tiến án phạt 7 năm về tội tham ô, đã chấp hành được một nửa thời gian, quá trình thụ án xếp loại khá, tốt

Ghi nhận tính dân chủ, khách quan, đúng luật trong quy trình bình chọn, xét đặc xá tại các trại giam sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm khẳng định đây là yêu cầu quan trọng, đảm bảo ý nghĩa, hiệu quả công tác đặc xá. Vai trò quản lý, giáo dục của Ban giám thị, cán bộ quản giáo có ý nghĩa trực tiếp tới nhận thức, sự hối cải, tích cực cải tạo của phạm nhân.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng hoan nghênh nỗ lực này và khẳng định: Hiệu quả cuối cùng của đặc xá không phải chỉ ở tỷ lệ phạm nhân được đặc xá ở mỗi trại là bao nhiêu người, bao nhiêu phần trăm mà chính là sự tiến bộ, hoà nhập cộng đồng, không tái phạm của người sau khi được đặc xá.

Đăng Trường
.
.