Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc

Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng tình hữu nghị Việt - Trung

Thứ Tư, 20/01/2010, 08:42
Là người có thâm niên gần 40 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Huy Hoan làm nhiệm vụ dịch thuật và tham gia thẩm định các tài liệu tiếng Trung liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tâm huyết và có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu, tư liệu quý, ông Nguyễn Huy Hoan rất am hiểu về Bác Hồ và Trung Quốc. Nhân dịp 2 nước Việt Nam - Trung Quốc kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị.

Tháng 5/1960, các nhà lãnh đạo Trung Quốc: Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ủy viên trưởng Chu Đức và Thủ tướng Chu Ân Lai, đã gửi một bức điện chúc mừng sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức điện do đồng chí Vi Quốc Thanh, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây) đích thân chuyển tới Hồ Chủ tịch, khi Người đang ở thăm Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Theo Giáo sư Hoàng Tranh - một sử gia Trung Quốc - người đã có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức điện mừng này có đoạn viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, là Vị lãnh tụ kính mến nhất của nhân dân Việt Nam, là chiến sĩ lỗi lạc nhất trong phong trào Cộng sản quốc tế và là người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc". Những lời chúc mừng nồng hậu này đã nói lên tình cảm và sự trân trọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Hồ Chủ Tịch đề tặng các bạn Trung Quốc bài thơ "Phong cảnh Quế Lâm" (tháng 5/1961).
 

Ngay từ mùa hè năm 1922 tại thủ đô Pari của nước Pháp, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ và kết thân với những nhà cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Triệu Thế Viêm, Đặng Tiểu Bình... Cùng chung chí hướng giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, các nhà cách mạng trẻ tuổi hai nước đã gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trên đường tranh đấu.

Năm 1924, trong hành trình trở về phương Đông, với bí danh Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô lần đầu tiên tới Trung Quốc, làm phiên dịch viên trong phái bộ cố vấn Liên Xô Borodin bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn tại Quảng Châu. Từ thời điểm này về sau, Nguyễn Ái Quốc đã nhiền lần đến và lưu lại Trung Quốc, tiến hành đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và lực lượng cho cách mạng Việt Nam...

Trong 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, Trung Quốc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động lâu nhất và đưa ra những quyết định trọng đại với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Sau khi cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc thành công, tình cảm thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai... tiếp tục được củng cố, là nền móng của tình hữu nghị Việt - Trung "vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Tháng 11/1956, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thăm chính thức Việt Nam, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam mở tiệc mừng. Sau những lời phát biểu chào mừng trịnh trọng, bất chợt Hồ Chủ tịch dừng lại, nói thân mật: "... đồng chí Chu Ân Lai còn là anh em của tôi. Chúng tôi đã từng đồng cam cộng khổ, cùng làm công tác cách mạng. Ba mươi mấy năm qua, Thủ tướng Chu Ân Lai là bạn chiến đấu thân thiết của tôi". Khi đáp từ, Thủ tướng Chu Ân Lai trân trọng nói: "Ban nãy, Hồ Chủ tịch vừa nhắc tới hơn ba mươi năm trước, tôi đã quen biết với Người. Đúng thế! Cách đây ba mươi bốn năm, hồi còn ở Pari, tôi đã quen biết Hồ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch đã là người dẫn đường cho chúng tôi. Lúc đó, Người đã thành thuộc chủ nghĩa Mác, còn tôi thì mới vào Đảng Cộng sản. Hồ Chủ tịch là người anh cả của tôi".

Không chỉ giữ mối quan hệ mật thiết với các đồng chí lãnh đạo của Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm tới những người dân Trung Quốc, những người từng giúp đỡ cán bộ Việt Nam khi cách mạng còn trứng nước. Làng Hạ Đống (huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây) là nơi kề cận biên giới Việt Nam. Người dân nơi đây đã sớm giác ngộ cách mạng, luôn một lòng một dạ ủng hộ, giúp đỡ cán bộ Việt Nam, trong đó có hai người là Nông Kỳ Chấn và Phan Toàn Chân. Nhà của Phan Toàn Chân là một trạm giao liên của các nhà cách mạng Việt Nam, nơi họ thường lui tới và được che chở, bảo vệ...

Tháng 2/1959, Phan Toàn Chân được mời sang thăm Việt Nam, được tiếp kiến Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình sản xuất và đời sống của gia đình Phan Toàn Chân và nhân dân ở Long Châu. Phan Toàn Chân đã có 20 ngày thăm Việt Nam và đến đâu cũng nhận được sự đón tiếp nồng ấm, chân thành.

Giữa tháng 3/1959, Phan Toàn Chân trở về Quảng Tây; ông nhận được một số món quà cùng một bức thư rất xúc động: "Kính gửi đồng chí Phan Toàn Chân. Trung ương Đảng chúng tôi tặng một số quà sau đây cho đồng chí. Nay chuyển đến đồng chí, trong đó có: Một xe đạp hiệu thống nhất, một bộ quần áo len, một cái va li da, 10 thước vải...". Nông Kỳ Chấn sau này trở thành Phó trưởng huyện Long Châu và cũng sang thăm Việt Nam, được yết kiến Hồ Chủ tịch và được người tặng quà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng Người để lại những di sản vô giá cho nhân dân Việt Nam, trong đó có tình cảm quốc tế trong sáng với thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Đó cũng là nền móng để trong thế kỉ XXI, nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đắp xây mối tình hữu nghị theo tinh thần 16 chữ vàng và bốn tốt, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng của thế giới

.
.