Giúp người lầm lỗi có HIV hòa nhập cộng đồng

Thứ Năm, 13/01/2005, 15:06
Đã có những can phạm nhân khi biết mình có HIV, họ điên cuồng, tiêu cực kể cả dọa nạt cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ. Có đối tượng còn tiêu cực đến mức muốn kết thúc cuộc đời. Đó là những khó khăn, phức tạp, có những lúc còn nguy hại đến cả tính mạng của cán bộ, chiến sỹ trong khi làm nhiệm vụ.

Trước đây phạm nhân Hoàng Trung Tiến (33 tuổi), ngụ tổ 6, phường Lương Khánh Thiện, thị xã Phủ Lý (Hà Nam), do mắc bệnh nặng nên được trại Nam Hà đề nghị giảm thi hành án trước thời hạn 6 tháng. Tưởng sau lần ấy Tiến sẽ “cải tà quy chính”, nhưng rồi anh ta lại "ngựa quen đường cũ", gây gổ làm mất trật tự xã hội, để rồi... vào Trại tạm giam.

Hoàng Trung Tiến có HIV ở giai đoạn cuối, tại Trại tạm giam Công an Hà Nam còn có hàng chục phạm nhân khác cũng đã có HIV từ trước khi bị bắt. Vì vậy, từ Giám thị, cán bộ quản giáo, cán bộ y tế của trại luôn canh cánh bên lòng, làm sao hoàn thành nhiệm vụ giam giữ can phạm nhân theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải thấu hiểu nỗi đau đớn của họ, những người đã bị căn bệnh quái ác đang tàn phá cơ thể và thực tế có người chưa thi hành được một phần của mức án tòa tuyên phạt, thì đã phải từ giã cõi đời.

 

Những cán bộ của trại đã trò chuyện thân tình với các can phạm nhân có HIV. Các đồng chí quản giáo tâm sự: Khi thấy từ Giám thị, cán bộ quản giáo thường xuyên đưa Hoàng Trung Tiến từ buồng giam về Phòng Y tế nơi dành cho can phạm nhân, nhiều can phạm nhân tò mò hỏi: “Sao nó được quan tâm đặc biệt thế, có phải con ông, cháu cha không?". Từ những câu hỏi ấy, cán bộ quản giáo chỉ biết giải thích là "anh ta" có việc liên quan đang cần xem xét thêm.

 

Thực ra, các cán bộ, chiến sỹ của trại đã dành nhiều thời gian động viên, giáo dục, khuyến khích họ cố gắng từ trong việc sinh hoạt đến việc ăn uống. Tất cả những việc làm của Giám thị, của cán bộ quản giáo chỉ để mong cho họ ăn năn hối cải, tự giác cải tạo để sớm được đoàn tụ với gia đình, hòa đồng cùng xã hội. Nhờ có được sự quan tâm đó, số phạm nhân được hưởng lượng khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong các đợt ân xá ngày một nhiều hơn, năm sau nhiều hơn năm trước và qua theo dõi, số đã được hưởng lượng khoan hồng bị tái phạm cũng ngày một giảm. Đó là kết quả tốt đẹp trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân ở đây.

 

Trong những lần tổ chức công bố các đợt ân xá cho phạm nhân, nhìn những người sau khi trút bỏ bộ quần áo kẻ sọc dành cho phạm nhân để trở về cuộc đời lương thiện, nhiều cán bộ, chiến sỹ cũng thấy tự hào đối với công việc mình đang làm. Công tác ở Trại tạm giam còn có những khó khăn phức tạp hơn nhiều so với trại giam, trại cải tạo vì ở đây cũng trong buồng giam nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau. Số đã có án được để lại ở trại sẽ có điều kiện lao động tự giác, sinh hoạt cũng tự giác hơn. Nhưng số chưa thành án, có những can phạm còn phải có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn những hành vi chống đối, cố tình gây ra những khó khăn, phức tạp làm ảnh hưởng đến công tác giam giữ can phạm nhân, chẳng hạn giả ốm đau, hoặc lợi dụng ốm đau được đưa đi chữa bệnh để tìm cách lẩn trốn.

Tất cả những việc làm ở trại giam là để mở ra con đường hướng thiện cho những người lầm lỗi thức tỉnh, tạo niềm tin cho họ. Có một phạm nhân nữ đã nhiều đêm mất ngủ, nhịn ăn, chỉ nằm quay mặt vào tường và khóc, ai hỏi cũng không nói. Qua vài lần cán bộ quản giáo gặp gỡ, chị mới thổ lộ rằng vừa nhận được tin chồng đi với bồ. Cán bộ quản giáo lại phải giải thích: "Liệu tin ấy có đúng không, ai cung cấp, hay là chị hoang tưởng". Thế rồi chị ta nói rằng đã vài lần nằm mơ có người về báo mộng. Thế rồi cán bộ quản giáo lại ân cần giảng giải: "Đó là do đau đớn về tinh thần, nhớ chồng, thương con mà suy nghĩ như vậy, cố gắng mà cải tạo tốt để được giảm án, sớm được về với chồng con là việc làm cần thiết lúc này của chị".

 

Nghe theo lời cán bộ quản giáo, chị đã tích cực trong lao động, trong chấp hành các quy định của trại. Và rồi, đợt đặc xá nhân dịp kỷ niệm 59 năm quốc khánh, chị ta được  trở về với gia đình. Khi gặp tôi vào giờ phút náo nhiệt nhất sau khi công bố quyết định của Chủ tịch nước, chị ta đã khóc, những giọt nước mắt vì sung sướng. Ngay trước mắt chị, người chồng bằng da, bằng thịt rõ ràng, anh không cười, nhưng nét mặt cũng đã toát lên sự mừng rỡ, khát khao chờ ngày vợ chồng đoàn tụ

Nguyễn Trọng Tạo
.
.