Phối hợp phòng chống tội phạm khu vực biên giới:

Giữ vững an ninh, bảo vệ dân

Thứ Tư, 24/06/2009, 10:12

Tại Hội nghị hợp tác quốc tế giữa lực lượng Cảnh sát hai nước Việt Nam - Lào diễn ra tại Đà Nẵng (tháng 3/2009), Tổng cục Cảnh sát Việt Nam đã trao cho Tổng cục Cảnh sát Lào danh sách 76 đối tượng người Việt phạm tội mua bán, tàng trữ ma túy bị truy nã, hiện trốn sang Lào và danh sách 54 người Lào có dấu hiệu buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Danh sách các tụ điểm phức tạp về ma túy dọc biên giới cũng được thống nhất để hai bên phối hợp triệt phá.

Tổng cục Cảnh sát hai nước cũng thống nhất phối hợp để đề xuất Bộ Ngoại giao và Chính phủ hai nước cho thành lập Văn phòng sĩ quan liên lạc Cảnh sát giữa hai nước, cho phép các tổ công tác của hai nước có thể qua lại phối hợp điều tra truy bắt tội phạm.

Phối hợp phòng, chống tội phạm giữa Công an các tỉnh biên giới Việt Nam với tỉnh biên giới của nước láng giềng đang được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả. Giám đốc Công an Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Tân và Thiếu tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy Bộ đội Biên phòng trao đổi với phóng viên Báo CAND xung quanh vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Công an Hà Tĩnh: Phối hợp để triệt tội phạm từ gốc.

- Thưa Thiếu tướng, sự liên kết giữa Công an Hà Tĩnh và Cảnh sát Bolykhămxay, Cảnh sát Khăm Muộn (Lào) được đánh giá "mô hình điểm" trong đợt sơ kết công tác phối hợp giữa Công an hai nước. Trực tiếp thực hiện hoạt động này, Thiếu tướng có nhận xét gì?

Hà Tĩnh có đường biên giới giáp 2 tỉnh của nước bạn Lào là Khăm Muộn và Bolykhămxay, dài 145km, có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khu vực này từng có những yếu tố phức tạp về an ninh - trật tự như tội phạm buôn bán ma túy, phụ nữ. Ngoài ra, việc người dân vào rừng khai thác lâm sản cũng xảy ra một số vi phạm... Do đó, việc phối hợp giữa hai bên là tất yếu. Được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, chúng tôi triển khai phối hợp từ nhiều năm nay.

Công an Hà Tĩnh và Cảnh sát Khăm Muộn, Bolykhămxay (Lào) tập trung lực lượng, phối hợp truy bắt các trùm ma túy ngay tại Lào là cách "triệt từ gốc" bởi 60 - 70% đường dây ma túy xuyên quốc gia đều xuất phát hoặc trung chuyển qua Lào. Nhiều đường dây ma túy lớn, các đối tượng lập "hang ổ" tại đây rồi sử dụng các mắt xích là người Lào, người Việt tìm cách đưa vào nước ta tiêu thụ.

- Thực tế, điều quan trọng là các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện giáp biên phải có hành động hợp tác thật sự chứ không chỉ diễn ra các cuộc gặp trao đổi giữa lãnh đạo Công an, Cảnh sát hai bên?

Đúng, chúng tôi có đánh giá kỹ việc này. Về phía lãnh đạo, Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh và Cảnh sát các tỉnh biên giới của Lào đã có ký kết hợp tác và phối hợp trao đổi thông tin, xử lý vụ việc. Nhưng quan trọng là hành động của các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện giáp biên. Tôi lấy ví dụ như Phòng PC 17, cán bộ, chiến sỹ của ta trực tiếp sang đất bạn phối hợp khám phá án, nhiều người rất thân thuộc địa bàn ở Lào. Rồi Công an Hương Sơn cũng cử cán bộ sang Lào phối hợp, truy bắt đối tượng.

- Gần đây, địa bàn không xuất hiện những vụ án ma túy lớn?

Kết quả chống tội phạm ma túy không chỉ phản ánh bằng vụ việc, quan trọng là biểu đồ giảm hẳn. Các đây 7, 8 năm trước, Hà Tĩnh rất nóng về ma túy. Nhiều chuyên án lớn, cán bộ, chiến sỹ của ta sang bên đất Lào cùng bạn tìm cách xâm nhập hang ổ ma túy, bắt các tên cầm đầu. Gần đây, tình hình đã giảm, số đối tượng nội biên cũng giảm, đó là do ta nắm được các đầu mối vận chuyển từ ngoài vào để ngăn chặn ngay từ gốc.

- Đích thân Giám đốc từng sang giúp bạn đánh án?

Có chuyên án tấn công tội phạm ma túy, chúng tôi sang Bolykhămxay trao đổi, nắm tình hình. Sau khi nghiên cứu, tôi xét thấy, để đánh thắng, đánh triệt để cần trao cho Cảnh sát Bolykhămxay danh sách, hồ sơ các đối tượng để bạn theo dõi, đồng thời cử lực lượng của ta phối hợp chặt chẽ, đánh vào hang ổ tội phạm ngay tại Lào. Số đối tượng này có người Lào, có người Việt. Căn cứ danh sách này, phía bạn xác minh lại và căn cứ luật pháp Lào, Cảnh sát Bolykhămxay tiến hành đấu tranh.

- Tức phải triệt thẳng từ hang ổ?

Nếu chúng ta tập trung khám phá các đối tượng trong nước mà không đánh tận gốc hang ổ chúng tại Lào thì chỉ giải quyết phần ngọn.

Thiếu tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy Bộ đội Biên phòng: Bổ sung trang thiết bị chống tội phạm trên biển.

- Thưa Thiếu tướng, ngoài vai trò giữ vững an ninh trên biên giới đường bộ thì tuyến biển cũng có sự phối hợp chặt chẽ?

Tuyến bờ biển, các lực lượng Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực hơn nên tội phạm buôn người, buôn lậu ma túy trên biển được ngăn chặn. Ta đã phối hợp bắt giữ một số vụ buôn lậu ma túy đường biển lớn như vụ 8 tấn ma túy tại Quảng Ninh. Trước ta đánh mạnh ở nội địa thì chúng tản ra biên giới, đánh biên giới chúng lánh vào nội địa. Nay các lực lượng làm chặt từ biên giới tới nội địa.

- Thực tế, tuyến biển gặp khó khăn do thiếu phương tiện, lực lượng nên tội phạm đang lợi dụng hạn chế này?

Nơi nào sơ hở chúng sẽ triệt để lợi dụng. Hiện, chúng tôi đang bàn để cùng Cảnh sát biển có quy chế phối hợp tốt. Ngoài củng cố lực lượng thì việc bổ sung, nâng cấp trang thiết bị chống tội phạm trên biển là cần thiết.

- UBTV Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2010 dự án Luật Phòng chống buôn bán người. Quan điểm của ông?

Ban hành luật này là cần thiết. Xu hướng tội phạm buôn người ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn, cần có hành lang pháp lý đầy đủ để đấu tranh, ngăn chặn. Hiện thiết chế pháp lý chưa đảm bảo để đấu tranh loại tội phạm này. Cũng như chống ma túy, khi xây dựng luật sẽ có đủ điều kiện về nhận thức, trách nhiệm, quyền hạn các cơ quan, tổ chức và công dân, trong đó Công an và Biên phòng sẽ là hai lực lượng nòng cốt chống loại tội phạm buôn người

Đăng Trường (thực hiện)
.
.