Đại úy Lê Thị Thu Huyền (CA Đà Nẵng):

Giỏi nghiệp vụ, nhiệt tình tham gia công tác Hội Phụ nữ

Thứ Sáu, 15/10/2010, 14:23
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Lê Thị Thu Huyền (SN 1976), quê tỉnh Hải Dương, xin về công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn, Công an Đà Nẵng. Nhận công tác trái với những gì đã học, song Huyền đã biết học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của lớp người đi trước để hoàn thiện mình.

Nhờ đó mà trong công tác, Huyền đều tỏ ra là một người có năng lực, bản lĩnh và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hơn 8 năm qua, Huyền đã được Bộ Công an, Công an TP Đà Nẵng tặng bằng khen, giấy khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác tham mưu, công tác cơ yếu của ngành…

Huyền tâm sự: Muốn phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, không cứ gì phải làm những việc xông pha to tát. Chỉ cần có tấm lòng cống hiến, thì ở bất cứ cương vị, vị trí công tác nào cũng có thể làm việc tốt, bằng nhiều cách khác nhau. Huyền lăn xả vào các hoạt động xã hội, khởi đầu từ phạm vi công tác của mình.

Nhiều lần tiếp xúc với các phạm nhân ở trại tạm giam, Huyền nhận ra phần lớn các vụ vi phạm pháp luật là do sự thiếu hiểu biết của phạm nhân. Nhận thấy việc phạm nhân mù chữ, Huyền xót xa trước những cảnh đời lương thiện bị du đẩy vào con đường tội lỗi chỉ vì không được học hành.

Trăn trở và quyết định: Chị đứng ra vận động các đồng nghiệp, đoàn viên trong cơ quan dạy văn hóa cho phạm nhân không biết chữ trong trại. Lớp học xóa mù, với những thầy cô giáo nghiệp dư có thể không truyền thụ được bao nhiêu kiến thức cho những học trò bất đắc dĩ, rồi dòng đời lăn lộn sau khi ra trại có lẽ cũng xóa dần những con chữ ê a họ được học.

Nhưng ý nghĩa lớn nhất, điều không bao giờ phai trong tâm khảm của các học viên - phạm nhân ấy: đó là nguồn động viên, niềm tin mà các cán bộ - thầy cô ở trại giam đã truyền vào họ, để họ nhận thấy giá trị của bản thân. Những điều mới mẻ được học có thể không dùng để mưu sinh, nhưng có thể giúp họ tự hào đứng thẳng trong những hoàn cảnh khó khăn.

Đại úy Lê Thị Thu Huyền (thứ 2, từ phải sang) cùng cán bộ hội trao quà cho con chị Lộc.

Trên cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ đơn vị, Huyền kéo chị em vào phong trào "lá lành đùm lá rách": Ba cán bộ hội chung tay giúp đỡ cho một phụ nữ đơn thân khó khăn. Đó là tình yêu thương của những người phụ nữ biết đồng cảm, sẻ chia giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le trong xã hội.

Huyền dẫn tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Lộc, ở thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn do nhóm Huyền đỡ đầu. Gia cảnh của chị Lộc cực kỳ khó khăn. Cơn bạo bệnh đã cướp mất chồng chị, cướp đi cả những tiếng cười đùa của các con chị. Chị suy sụp khi mất đi chỗ dựa tinh thần. Không có việc làm, con lại đang tuổi ăn tuổi học, khó khăn nặng trĩu trên đôi vai mỏng manh của chị.

Cảm thông cho hoàn cảnh éo le, ngang trái ấy, Huyền đã nhận giúp đỡ cho gia đình chị, mong gia đình người phụ nữ nhỏ bé này vượt qua cơn bĩ cực cuộc đời. Những giúp đỡ của hội phụ nữ và bản thân Huyền không lớn về vật chất, cũng chỉ là số vốn nhỏ để buôn bán, vài bộ quần áo, sách vở cho bọn trẻ đến trường… nhưng điểm tựa tinh thần từ những sự săn sóc, sẻ chia đã giúp chị Lộc dần vượt qua nỗi đau buồn, có niềm tin để tiếp tục bươn chải lo cho các con ăn học...

Ngọc Hà
.
.