Nhà giáo Nhân dân Trịnh Văn Thanh:

“Giải thưởng” cho niềm đam mê và ý chí

Thứ Năm, 20/11/2014, 09:02
Trong số 39 Nhà giáo Nhân dân (NGND) vừa được Chủ tịch nước phong tặng năm 2014, Bộ Công an vinh dự có thêm 2 người, trong đó có Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (ĐH CSND). Mấy hôm nay điện thoại của ông “nóng ran” vì nhận những lời chúc mừng từ khắp nơi gọi tới. Dù rất bận, ông vẫn tranh thủ dành cho chúng tôi ít phút.

Trong suốt 35 năm công tác, PGS.TS Trịnh Văn Thanh có tới 23 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua (CSTĐ) và nhiều Bằng khen của Tổng cục, của Bộ trưởng Bộ Công an, Huân chương của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động do Chủ tịch nước trao tặng.

Tốt nghiệp Khóa 6 trường ĐH An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân) năm 1979, chuyên ngành Điều tra nhưng ông bảo, như một “cơ duyên”, ông được phân công về làm giảng viên tại Trường ĐH CSND tại Ba Vì - Hà Tây, nay là Học viện CSND, phụ trách bộ môn Pháp luật. Dù là giáo viên trên bục giảng, làm Trưởng hay trên cương vị của một Hiệu trưởng, trong mắt của đồng nghiệp, học trò, ông luôn là một tấm gương về một người thầy  nghiêm túc trong công việc, và say mê nghiên cứu khoa học.

Làm Trưởng bộ môn Pháp luật - ĐH CSND, sau này phụ trách công tác đào tạo sau ĐH tại trường, ông đã trực tiếp biên soạn giáo trình, giảng dạy và bồi dưỡng nhiều học viên trong trường ĐH CSND, bồi dưỡng chuyên ngành Luật cho sinh viên, cán bộ của một số trường ĐH ngoài ngành, đạt thành tích cao trong các cuộc thi được tổ chức trong và ngoài ngành Công an. Bản thân ông còn hướng dẫn trực tiếp 2 công trình đoạt giải cấp Bộ năm 2005, gần 100 luận văn Thạc sĩ của học viên Học viện CSND, học viên ĐH CSND, ĐH Luật TP.HCM…

Nhà giáo Nhân dân Trịnh Văn Thanh.

Hiện ông đang hướng dẫn 7 đề  tài Nghiên cứu sinh cho học viên Học viện CSND, ĐH CSND, ĐH Luật TP.HCM, Đại học KHXH &NV. Ông là chủ của nhiều đề tài nghiên cứu, chủ biên soạn giáo trình, đề cương giảng dạy trong nhà trường, được  nghiệm thu và ứng dụng thực tế...
Ông tâm sự, muốn làm thầy, trước hết mình phải “học làm thầy” đã! Đã có không ít người cho rằng được làm thầy thì đều trở thành thầy. Nhiều người mới duyệt giảng, dạy được ít bài đã tự cho mình là thầy lý luận, thầy thực tiễn thì thật khó có thể trở thành một người thầy thực sự.

Và ông phân tích: “Học làm thầy theo tôi phải học, trau dồi sao cho đủ 3 phẩm chất: phẩm chất của một Nhà giáo, Nhà khoa học và của Nhà thực tiễn. Trong đó, người thầy CAND thì còn phải được rèn luyện về phẩm chất chính trị, lối sống, đạo đức, tư cách, tác phong và trình độ chuyên môn. Trong đó chuyên môn với người thầy là “yêu cầu số 1”. Học làm thầy, còn phải học tính khiêm tốn, không giấu dốt và ham học hỏi. - “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự cao một tý cũng thừa!” - Không lắng nghe người khác, giấu dốt, ngại học... đều làm mai một hình ảnh cao quí về người thầy. Muốn vậy, người thầy phải làm gương, nói đi đôi với làm. Không ai noi theo một người mà nói một đằng, làm một nẻo”.

PGS.TS Trịnh Văn Thanh cũng đề cập tới rất nhiều kỷ niệm thật sâu sắc về những người thầy Công an mà ông có điều kiện được học tập, được dìu dắt khi xưa, về điều kiện làm việc trong thời kỳ đất nước vừa trải qua thời kỳ chiến tranh  với bao nỗi khó khăn. Thời đó, ông và đồng nghiệp phải làm công tác nghiên cứu trong cái cảnh thiếu thốn trăm bề. Họ đã cùng nhau chế tạo ra những công cụ dạy học bằng những thanh tre, gỗ, nứa, những tờ giấy tận dụng với những chiếc máy chữ cổ lỗ, đánh máy trên loại giấy pơ-luya mỏng dính khi soạn bài, mỗi khi đọc tài liệu thì mặt mũi, tay chân ai cũng đen nhẻm. Nhưng ông nói, ngày ấy người thầy vẫn ấm lòng, vì tính tự giác, làm việc “một bằng mười”.

Giờ thời đại công nghệ thông tin thuận tiện, điều kiện dạy và học hiện đại, nhưng nếu các bạn trẻ mà cứ nhởn nhơ, làm việc theo kiểu hành chính, không vì trách nhiệm lâu dài với công việc, với bản thân thì sẽ vô cùng lãng phí, mà khi bản thân “kiểm chứng” được thì đã muộn cho tương lai…

Có thể nói, với đam mê và ý chí, sự vươn lên không ngừng với nghề nghiệp, với cái tâm, hiểu rõ cái tầm của người thầy CAND, Thiếu tướng Trịnh Văn Thanh đã đạt được trọn vẹn niềm tin yêu trong lòng đồng nghiệp, học trò. Danh hiệu NGND dành cho ông đã chứng minh điều đó.

Huyền Nga
.
.