Đào tạo một đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành và giỏi về nhiều mặt

Thứ Hai, 05/01/2009, 11:43
Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nó quyết định đến chất lượng tổ chức bộ máy của toàn lực lượng.

Trước hết, về quan điểm giáo dục - đào tạo trong CAND, ngay từ những ngày đầu, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn xác định, lực lượng Công an phải có một đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước XHCN Việt Nam, có trình độ chính trị vững vàng, nghiệp vụ giỏi, có kiến thức khoa học kỹ thuật cao, đủ về số lượng, vững về chất lượng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Muốn vậy, phải không ngừng nâng cao trình độ cán bộ và công tác đào tạo cán bộ.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nêu rõ, phải thấy được vị trí quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, phải biết giải quyết đúng đắn các mối quan hệ trong đào tạo, bồi dưỡng. Đó là quan hệ giữa giáo dục, chính trị, nghiệp vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật; quan hệ giữa học tập, nghiên cứu lý luận với kinh nghiệm của các nước XHCN anh em; quan hệ giữa đào tạo cơ bản có hệ thống với bồi dưỡng ngắn hạn; quan hệ giữa đào tạo bồi dưỡng tại trường với tại chức.

Cán bộ Công an trước hết phải là cán bộ có trình độ chính trị vững vàng, đấu tranh với quan điểm sai trái, phi chính trị hóa Công an. Bồi dưỡng cơ bản cho cán bộ Công an phải biết coi trọng bồi dưỡng về chính trị, phải lấy chính trị làm cơ sở, đồng thời nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật phải giỏi mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.

Năm 1952, khi mới thành lập Thứ bộ Công an, Trường Đào tạo Công an đổi tên là Trường Công an Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn kiêm chức Hiệu trưởng của trường này đến năm 1962.

Cũng trong năm 1962, tại Hội nghị Xây dựng lực lượng lần thứ hai, Bộ Công an đã ra nghị quyết về xây dựng lực lượng, trong đó nêu rõ: "Đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng mở rộng đội ngũ cán bộ, nâng cao nhiệt tình cách mạng, tinh thần chiến đấu và trình độ mọi mặt cho cán bộ là vấn đề mấu chốt, cấp bách nhất trong công tác cán bộ hiện nay. Phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hiện có, nghiên cứu cải tiến chương trình giáo dục một cách có hệ thống từ thấp đến cao, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số".

Về xây dựng hệ thống các trường CAND, đồng chí Trần Quốc Hoàn thường xuyên quan tâm, có chủ trương, kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống các trường, phát triển đào tạo giáo dục của ngành.

Bộ trưởng chỉ rõ: Nếu chỉ đào tạo dài hạn thì dễ thoát ly thực tế, không đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình. Do đó, không chỉ coi trọng việc học tập tại trường mà phải quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng cán bộ tại chức, đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ.

Sau hòa bình lập lại, nhất là những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hệ thống trường CAND phát triển, đối tượng đào tạo được mở rộng, nhiều chuyên khoa được hoàn thành và không ngừng phát triển, các hệ học, cấp học được xây dựng, từng bước hoàn chỉnh. Suốt từ năm 1964 đến nay, các lực lượng An ninh, Cảnh sát, Biên phòng đều có trường đại học để đào tạo sỹ quan chuyên ngành và hàng chục trường đào tạo hạ sỹ quan, chiến sỹ thuộc các ngành học trên.

Từ năm 1960 lập các phân hiệu Việt Bắc, Tây Bắc. Năm 1976 lập Trường Văn hóa dân tộc vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bộ trưởng đã có nhiều chỉ thị tuyển lựa các em nhỏ là người dân tộc thiểu số vào học văn hóa các cấp, đào tạo về chính trị nghiệp vụ và mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, văn hóa cho cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số đang công tác.

Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc trong Công an ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Từ năm 1962, nhất là sau năm 1965, yêu cầu đáp ứng cho An ninh miền Nam là rất lớn.

Cùng với việc mở các lớp cán bộ chi viện tại Trường Công an Trung ương, Bộ trưởng cho thành lập Trường An ninh miền Nam (E1171) để đào tạo theo yêu cầu cấp thiết về các lĩnh vực nghiệp vụ và khoa học kỹ thuật, bổ sung cán bộ cho An ninh miền Nam.

Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ cuối năm 1959 đến trước và sau ngày 30/4/1975, Bộ trưởng đã chỉ đạo, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời điều động cán bộ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kinh nghiệm chi viện cho An ninh miền Nam, kiện toàn bộ máy cùng An ninh miền Nam đấu tranh chống gián điệp, tình báo của địch, bảo vệ lực lượng cách mạng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng còn chỉ thị cho các Vụ, Cục, Trường và Công an các địa phương lựa chọn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát, Kỹ thuật hình sự, Phòng cháy chữa cháy... tại các nước XHCN.

Đặc biệt, về nội dung giáo dục, đào tạo, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đặt nền móng, xây dựng hệ thống nội dung lý luận cơ bản của giáo trình nghiệp vụ cả về quan điểm, phương châm, nguyên tắc, biện pháp đối sách về chiến thuật, kỹ thuật đấu tranh chống tội phạm trên lĩnh vực ANTT.

Đến nay, về cơ bản, các trường Công an vẫn tiếp tục kế thừa kết quả đó nhưng có vận dụng sáng tạo trong biên soạn giáo trình của từng trường. Đồng chí Bộ trưởng còn tổng kết nhiều vấn đề lý luận về công tác xây dựng lực lượng CAND, giúp cho các trường xây dựng nội dung giáo trình giảng dạy.

Năm 1963, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng Trường Công an Trung ương tiến lên chính quy và đào tạo đại học. Năm 1964, Trường Công an Trung ương đã được Chính phủ công nhận là trường đại học và trung học chuyên nghiệp của ngành Công an.

Ngày 6/1/1974, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định thành lập Vụ Đào tạo. Quyết định này đã gắn liền với sự hình thành hệ thống các trường ở cả hai miền Nam - Bắc, bao quát các lĩnh vực về nghiệp vụ Công an, giúp Bộ trưởng quản lý thống nhất và đưa hệ thống đào tạo của lực lượng Công an hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân của Nhà nước Việt Nam.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn là một chiến sỹ cách mạng trung kiên, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc. Đồng chí rất coi trọng yếu tố con người, nhất là công tác cán bộ, công tác giáo dục, đào tạo.

Chúng ta còn ghi nhớ mãi câu nói của đồng chí như một phương châm cho mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND trong lẽ sống, công tác và chiến đấu: "Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình"

.
.