Đại tá Công an và "kỷ niệm" về cuộc đấu súng sinh tử

Thứ Ba, 26/07/2016, 17:41
Ai từng tham quan Phòng truyền thống Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an đều thấy hai hiện vật ấn tượng, đó là chiếc quần thấm máu đã khô cùng một cuốn "Sổ lưu niệm" với đủ nét chữ khác nhau... Đó là hiện vật của một sỹ quan cảnh sát đã chiến đấu dũng cảm và bị trọng thương trong khi vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.


Cuộc đấu súng sinh tử 33 năm trước

Đã 33 năm trôi qua, người dân ở phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội vẫn chưa thể quên được vụ án vây bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm Lưu Tiên Quyền khiến Thượng úy Lê Trọng Phúc, CSKV phường Tương Mai trọng thương.

Bây giờ chàng Thượng úy trẻ năm nào đã mang quân hàm Đại tá, là Phó cục Trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Bộ Công an. Chia sẻ về "kỷ niệm" ấy, anh cười: “Lúc đối mặt với nguy hiểm chẳng nghĩ nhiều. Ngay cả khi đã hạ gục 1 đối tượng, sau này đang điều trị trong bệnh viện, vẫn có kẻ bắn tin dọa sẽ giết tôi, nếu không giết được tôi, hắn sẽ giết vợ con tôi. Nhưng mình là người của công lý, tất cả những việc mình làm đều vì bảo vệ an ninh trật tự, được đồng đội hỗ trợ, có nhân dân ủng hộ thì không ngại gì”.

Lưu Tiên Quyền là đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm với tội danh giết người cướp tài sản. Đêm 13-3-1983, trời mưa tầm tã. Lê Trọng Phúc đang trực ban tại trụ sở Công an phường Tương Mai thì nhận được tin báo về sự xuất hiện của đối tượng Quyền trên phố Trương Định.

Đại tá Lê Trọng Phúc - Phó Cục trưởng Cục xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Bộ Công an.

Vì đã theo dõi đối tượng nhiều tháng trời, ngay lập tức, Lê Trọng Phúc đã báo cáo với Ban chỉ huy Công an phường Tương Mai và được phân công phối hợp cùng với hai đồng chí Công an phường tiếp cận đối tượng.

Phát hiện có người lạ, một tên đồng bọn của Quyền rút súng xả đạn về phía anh. Lê Trọng Phúc rút súng bắn trả. Cuộc đấu súng diễn ra trong mấy phút, anh bị trúng đạn vào chân khụy xuống. Lưu Tiên Quyền thấy anh ngã liền lao tới dùng thanh sắt đập tới tấp vào đầu vào vai anh. Mặc dù mất máu, choáng váng vì những cú đánh hiểm, nhưng Lê Trọng Phúc đã kịp bắn hạ tên này. Tên còn lại thấy vậy bỏ trốn...

Ít phút sau, đồng đội tìm thấy Lê Trọng Phúc khi đã bất tỉnh bởi mất nhiều máu. Anh được đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Các bác sĩ đã phẫu thuật gắp đạn ở chân và chữa trị vết thương ở đầu và vai. "Gần 1 năm nằm trong bệnh viện thật sự là những tháng ngày tôi cảm nhận rõ nhất về tình đồng đội, về những tình cảm thiêng liêng mà người dân thủ đô đã dành cho mình" - Đại tá Lê Trọng Phúc xúc động chia sẻ.

Cuốn sổ lưu niệm dày hàng chục trang, ghi cảm tưởng của quần chúng nhân dân.

Cuốn sổ lưu niệm và chiếc quần thấm máu

Đại tá Lê Trọng Phúc (SN 1961) quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Hai người anh trai của anh đều xung phong lên đường đánh Mỹ. Một người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, một người bặt tin hằng chục năm trời mới trở về.

Tốt nghiệp Trường Công an Hà Nội năm 1980, anh được phân công về Công an phường Tương Mai (Hà Nội). Quá trình công tác ở đây, Lê Trọng Phúc đã cùng đồng chí đồng đội lập nhiều chiến công, thành tích, đặc biệt là được quần chúng nhân dân yêu mến. "Chính sự yêu quí của nhân dân đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình công tác" - Đại tá Phúc đúc kết.

Đại tá Lê Trọng Phúc không kể nhiều về cuộc đụng độ nguy hiểm với đối tượng truy nã suýt cướp đi tính mạng của anh, mà anh nói nhiều về tình cảm của đồng chí đồng đội và quần chúng nhân dân trong những ngày điều trị vết thương ở bệnh viện.

Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiếp nhận hiện vật chiếc quần có vết đạn và thấm máu của Đại tá thương binh Lê Trọng Phúc.

Trong thời gian anh nằm viện, đã có rất nhiều người dân đến thăm, từ những cô bé cậu bé học sinh, đến các thầy cô giáo, đồng đội, đến những người dân lao động. Họ đến thăm hỏi và viết những dòng chữ xúc động từ đáy lòng vào một cuốn sổ lưu niệm. Mãi sau này khi ra viện, anh mới biết đến sự tồn tại của cuốn sổ ấy.

Nhắc đến cuốn sổ lưu niệm, Đại tá Lê Trọng Phúc không giấu nổi sự xúc động. “Lúc nằm điều trị tại bệnh viện Công an thành phố, tôi vẫn nhớ như in từ bó hoa của cậu bé học sinh tiểu học cho đến cái ôm thắm thiết của một cụ bà hay cái siết tay thật chặt của một cô công nhân môi trường trong khu phố. Tôi lại càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình để không phụ tấm lòng tin tưởng của mọi người.Tình cảm của đồng đội, sự tin yêu của nhân dân là nguồn động lực để tôi có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong thời điểm ấy”.

Đến thăm anh, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết đã xúc động tặng anh bài thơ “Người con quê hương”. Bài thơ bày tỏ sự cảm phục về sự dũng cảm của người chiến sĩ Công an đã xả thân vì cuộc sống bình yên với nhân dân. Trong đó có câu: “Ai biết đêm khuya gió lạnh lùng/ có người trai trẻ đã vì dân/ Xông pha diệt cướp không buông súng/Quên cả thân mình đau buốt chân”...

Một người dân ở tổ dân phố 36, phường Tương Mai viết: “Anh thật đúng là người Công an nhân dân ưu tú. Vết thương của anh trong người còn đau đớn nhưng rất tự hào. Yên tâm điều trị rồi sẽ khỏe, lại trở về tổ 36, phục vụ nhân dân. Mọi người ở Tổ 36 chúc em mau lành, hẹn ngày đón em về”.

Hai trang viết trong cuốn sổ lưu niệm khi Lê Trọng Phúc đang điều trị tại bệnh viện.

Hiện tại, các kỉ vật như cuốn sổ lưu niệm và chiếc quần còn nguyên vết đạn, loang lổ vết máu đã khô hôm anh mặc đi làm nhiệm vụ được trưng bày tại Phòng truyền thống của Cục cảnh sát truy nã tội phạm - Bộ Công an. Từ một cảnh sát khu vực, Lê Trọng Phúc tiếp tục nỗ lực phấn đấu, lập nhiều chiến công thành tích và được bổ nhiệm Trưởng Công an phường Tương Mai... Chỉ trong đợt cao điểm thực hiện Chỉ thị 135 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về bắt thanh loại các đối tượng có lệnh truy nã, anh và đồng đội đã bắt, vận động đầu thú 16 đối tượng, trong đó có 6 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Hai chuyên án cuối cùng Lê Trọng Phúc ghi dấu ấn tại phường Tương Mai là năm 1997, anh đã trực tiếp bắt giữ đối tượng từ Thanh Hóa mang theo 1 khẩu K54 ra Hà Nội định "thanh toán" 4 người để trả thù cá nhân; vụ Nguyễn Văn Mạnh và đồng bọn gây ra vụ trộm gần 100 chiếc xe máy trên địa bàn Hà Nội. Khi bắt được đối tượng này, hắn đã hối lộ các chiến sĩ Công an 30 triệu đồng (1 khoản tiền lớn lúc đó), nhưng Lê Trọng Phúc đã kiên quyết từ chối... Sau vụ án này, anh được thưởng Huân chương Chiến công, được Bộ trưởng Lê Minh Hương gửi thư khen...

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận và xây dựng phong trào, năm 1997 anh được điều động và bổ nhiệm công tác tại Cục xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, hiện giữ cương vị Phó cục trưởng...

Quá trình công tác, Đại tá, thương binh Lê Trọng Phúc được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang, 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, chiến sĩ Quyết thắng; 35 bằng khen của Bộ Công an, các bộ ngành Trung ương và UBND TP Hà Nội...


Thúy Hằng - Hoàng Thương
.
.