Chuyện “làm khoa học” ở trường CAND có nhiều công bố quốc tế nhất

Thứ Năm, 20/06/2019, 21:47
Trong 5 năm gần đây, đã có gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó có nhiều tạp chí tên tuổi trên thế giới mà tác giả của các công trình này là cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Đây là một thành tích đáng ghi nhận quá trình lao động miệt mài của đội ngũ các nhà khoa học hiện đang công tác tại nhà trường. Kết quả này cũng cho thấy trình độ và khả năng nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên Trường Đại học PCCC đã từng bước tiệm cận với các nhà khoa học của khu vực và thế giới.

Thắp lửa đam mê cho các công trình nghiên cứu

Có một điều khá đặc biệt là trong danh sách 13 tác giả có bài báo đăng trên Tạp chí ISI của Trường Đại học PCCC, rất nhiều người thuộc thế hệ 8X và 9X. Mặc dù là những cán bộ giảng viên có tuổi đời còn trẻ nhưng bằng tâm huyết, tài năng và niềm đam mê nghiên cứu khoa học không mệt mỏi, họ đã lần lượt cho ra đời những công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận. 

Chia sẻ về bài báo đầu tiên được đăng trên Tạp chí ISI quốc tế, Đại úy, TS Tống Sỹ Tiến, giảng viên môn Vật lý Đại cương, Bộ môn Khoa học Cơ bản, Trường Đại học PCCC, tác giả của 8 bài báo ISI cho biết: “Có thể xem mỗi một bài báo là một công trình nghiên cứu. Bài báo đầu tiên của tôi được đăng vào năm 2014, khi tôi 33 tuổi. Tôi đã phải viết đi viết lại và chỉnh sửa đến mười mấy lần trong gần một năm trời mới được tạp chí chấp nhận đăng. Khi đó tôi thực sự rất vui, vì cảm thấy cuối cùng những nỗ lực của mình cũng đã được ghi nhận”. 

Giảng viên 8X này cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học chính là “đam mê”. Vì có “đam mê” sẽ có quyết tâm “nghiên cứu không biết mệt mỏi” và khi đã đạt đủ hàm lượng “nghiên cứu” thì chắc chắn sẽ có sáng tạo và thành công.

Thiếu tá, TS Đỗ Đăng Trung, Bộ môn cơ sở PCCC, tác giả sở hữu 13 bài báo đã đăng trên các tạp chí ISI cũng là một giảng viên 8X. Vốn được đào tạo từ “lò” ĐH Bách Khoa Hà Nội nên niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã luôn được nung nấu trong anh ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. 

Do các đề tài nghiên cứu mà anh theo đuổi đều gắn với các phòng thí nghiệm, trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nên mỗi công trình nghiên cứu với anh thực sự là một thử thách. Tuy vậy, chính niềm đam mê đã giúp anh và các đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn để có được các công trình nghiên cứu giàu hàm lượng khoa học.

Cán bộ, giảng viên trẻ Trường Đại học PCCC thực hiện các thí nghiệm phục vụ đề tài nghiên cứu.

Tiếp nối niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các đàn anh thế hệ 8X,  Thượng úy Phạm Văn Thành, Khoa Tự động và Phương tiện kỹ thuật PCCC&CNCH,  là giảng viên 9X trẻ nhất của nhà trường có 3 bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế ISI. Chia sẻ về kinh nghiệm viết bài đăng trên tạp chí ISI, giảng viên trẻ Phạm Văn Thành cho biết: 

Một bài báo có thể đăng được trên Tạp chí ISI cũng là một công trình nghiên cứu, rất vất vả và mất nhiều thời gian. Đáng chú ý, công trình này phải có tính phát hiện, tính mới mẻ không phải so với Việt Nam, mà là mới so với thế giới nên nếu không có đam mê thì không thể nào làm nổi. 

Bên cạnh đó, người viết cũng phải có một trình độ tiếng Anh nhất định để đọc tài liệu tham khảo; có kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng internet để tìm các tạp chí uy tín; có thể tương tác với các tổng biên tập để trả lời phản biện và cuối cùng là kỹ năng đọc và viết được một bài báo khoa học đúng chuẩn, đúng cấu trúc.

Do đặc thù riêng của lực lượng vũ trang nên các trường CAND không thể áp dụng chế độ đãi ngộ với những người làm nghiên cứu khoa học như các trường đại học dân sự. 

Tuy vậy, TS Tống Sỹ Tiến, TS Đỗ Đăng Trung và các đồng nghiệp của anh đều cho rằng, các anh luôn xác định làm nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ của một người chiến sỹ CAND trong nhà trường. 

Mặc dù trong công tác làm nghiên cứu khoa học, các anh đang gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi phải tự bỏ ra một số tiền bằng nhiều tháng lương cộng lại để đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nhưng vì đam mê nên vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng.

5 năm, có 50 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế

 Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học PCCC là cơ sở đào tạo trong CAND có số lượng bài báo quốc tế nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng phải mở ngoặc thêm rằng “đây là số bài báo được công bố công khai” vì lĩnh vực PCCC &CNCH có tính đặc thù so với các lực lượng khác trong ngành Công an là được phép phổ biến rộng rãi. 

Ngành Công an nói chung và các học viện, trường CAND có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài viết mang tầm cỡ quốc tế nhưng không được công bố công khai do tính bảo mật.

Chia sẻ với phóng viên về những thành tựu của nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế, Thiếu tướng, TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết: Do là một lĩnh vực có tính đặc thù cao, mang tính ứng dụng thành tựu của các khoa học khác, khoa học kỹ thuật PCCC&CNCH nên lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc và có chiều sâu. 

Nhận thức được điều đó, từ nhiều năm trước đây và hiện nay, Trường Đại học PCCC đã luôn quan tâm đầu tư xây dựng, đào tạo và khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên học tập và nâng cao trình độ, nhất là ngoại ngữ và chọn cử đi nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. 

Bên cạnh giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo kế hoạch hằng năm, nhà trường đã phát động đội ngũ cán bộ, giáo viên đăng ký tham gia các chuyên đề, sáng kiến, viết bài cho các tạp chí của trường và được tính vào tiêu chí thi đua. 

Cùng với đó, để tạo nên sân chơi đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia, nhà trường đã thành lập nhiều CLB như “Nhóm nghiên cứu khoa học chuyên sâu”, “CLB những người yêu phương tiện PCCC&CNCH”, “CLB Pháp luật nghiệp vụ”, “CLB Tiếng Anh”. 

Đặc biệt, để động viên phong trào nghiên cứu khoa học, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, nhà trường cũng đã dành một khoản kinh phí (tuy chưa nhiều) được trích từ quỹ đời sống để hỗ trợ, động viên những tác giả có đề tài, chuyên đề, sáng kiến mang tính thiết thực cao, có tính khả thi và ứng dụng được ngay trong công tác giảng dạy cũng như chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Cán bộ, giảng viên trẻ say mê nghiên cứu khoa học.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Quang Bốn, PCCC &CNCH là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật còn nhiều tiềm năng. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của công tác PCCC&CNCH là mang lại bình yên cho người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra. 

Vì vậy, đi sâu nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Đây cũng chính là tiền đề cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; khẳng định trình độ, khả năng của các nhà khoa học Việt Nam trên lĩnh vực PCCC&CNCH  có thể tham gia sâu hơn vào các đề tài, các cuộc hội thảo quốc tế về lĩnh vực quan trọng này. 

Nhà trường cũng sẽ đề xuất Bộ Công an cho phép từng bước xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ về lĩnh vực PCCC&CNCH; đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với các quốc gia có quan hệ truyền thống cũng như các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến.

Huyền Thanh
.
.