Vụ cứu hộ sập lò than tại Hòa Bình:

Cuộc đua với thời gian của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong lòng hầm

Thứ Hai, 23/11/2015, 15:58
Hơn 300 con người dầm mưa dãi nắng suốt 5 ngày qua, có người vẫn chỉ mặc độc một bộ quần áo, trực tiếp đối mặt với sinh tử chỉ với một mục tiêu cao nhất là nhanh chóng tìm thấy các nạn nhân. 

Đường dẫn vào lò than nơi 3 công nhân gặp nạn nằm dưới thung lũng, đi qua những chiếc cua tay áo, con dốc dựng ngược trơn trượt, bốn bề rừng núi bao phủ, tịnh không một bóng người. Không chỉ con người mà mọi vật dụng từ những thứ nhỏ nhất đều phải chở từ ngoài vào để phục vụ công tác cứu hộ. Hơn 300 con người dầm mưa dãi nắng suốt 5 ngày qua, có người vẫn chỉ mặc độc một bộ quần áo, trực tiếp đối mặt với sinh tử chỉ với một mục tiêu cao nhất là nhanh chóng tìm thấy các nạn nhân. 

1. Màn đêm sầm sập buông xuống xóm Đồi và nhanh chóng bao phủ toàn bộ khu vực xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Ngoài khu vực cứu hộ với những bóng đèn kéo từ máy phát điện chạy xình xịch suốt đêm còn có chút ánh sáng, còn lại bao phủ quanh đó là bóng đen của những cánh rừng già với cây cối và lau sậy. Nhóm phóng viên chúng tôi được “ưu ái” vào tận khu vực chỉ huy để chờ tin. Ai cũng ngóng về cửa hầm, nơi có ánh đèn điện leo lét tỏa ra. Đã gần 23h đêm, cửa hầm có tiếng lao xao. Đội cứu hộ của lực lượng PCCC và CNCH Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra khỏi.

Gương mặt ai cũng lấm lem bụi than, quần áo thấm ướt vì nước và bùn đất từ trong lò vẫn tiếp tục tuôn ra. Sương đêm ở cánh rừng này khiến chúng tôi phải dùng bao tải dứa quấn vào người mới xua đi được cái lạnh, thế nhưng với những người cứu hộ, họ liên tục phải dầm nước trong lò, ra ngoài thì lại gặp cái nắng vào ban ngày, cái rét vào ban đêm, chưa kể cơn mưa ào ào đổ đến.

Chúng tôi phải chạy theo họ để hỏi chuyện bởi ai cũng di chuyển rất nhanh đến bên suối  rửa mặt, tay chân và tận dụng thời gian ít ỏi còn nghỉ ngơi. Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH kể rằng, đã 4 đêm trôi qua, anh em đều rất mệt bởi họ liên tục phải thay phiên nhau 24/24h vào trong lò cứu hộ. Lượng đất đá, bùn nước không biết bao nhiêu mà kể, anh em phải chuyên chở ra ngoài. Đường lò càng lúc càng nhỏ, nhiều xương cá, vào trong thiếu không khí nên vô cùng ngột ngạt, khó thở. Có anh em ra đến ngoài thì thở dốc, mặt nhợt nhạt.

Theo chân các anh vào trong lò, dù cố gắng bình tĩnh, nhưng chúng tôi không giấu nổi lo lắng. Bởi mỗi nhát cuốc là gánh thêm một sự nguy hiểm khi hiện nay đường lò xương cá chếch 45 độ dài khoảng 25m bị đất đá, nước bịt kín và dự đoán nạn nhân cuối cùng đang mắc kẹt trong đây. Và đất đá đó có thể tụt xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng, tất cả các lực lượng cứu hộ vẫn phải dấn thân với mục tiêu cao nhất là nhanh chóng tìm thấy nạn nhân cuối cùng.

Vào lò cứu hộ. Ảnh: Trần Huy.

Cũng vì mệt mỏi mà có đồng chí chẳng kịp rửa mặt, để nguyên cả bộ quần áo dính nước, lăn ra lán ngủ bởi chỉ hơn 1 tiếng sau, họ lại tiếp tục vào ca mới. Nhưng trời đêm đâu chỉ có thế, chốc chốc lại đổ mưa. Lán thì chật, anh em không có chỗ nằm phải đứng, ngồi. Người mệt quá thì trải bạt ngay trên nền đất ướt bẩn, rồi chui vào bao tải dứa để ngủ. Tại hiện trường, ngoài lực lượng của Công an huyện Tân Lạc luôn duy trì 70 cán bộ chiến sĩ, còn có trên 60 học viên Học viện CSND đang thực tập làm nhiệm vụ cứu hộ. Có sinh viên khi mẹ biết tin đã lo lắng tới hiện trường thăm con, mang theo nhiều lương thực để con có sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ.

2. Đứng ở cửa hầm nửa ngày chúng tôi mới may mắn có đượt ít phút ngắn ngủi gặp đoàn cứu hộ của Trung tâm Cấp cứu mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Ra khỏi lò họ đi rất nhanh, phóng viên phải chạy theo bởi thời gian họ ở trong lò so với các lực lượng khác dài gấp 6 đến 10 lần, nên họ đều tranh thủ đi tắm và nghỉ ngơi. Đây là đội cứu hộ chuyên nghiệp nhất về hầm lò của nước ta hiện nay và họ cũng là những người then chốt nhất về kỹ thuật cứu hộ của vụ việc lần này.

Gương mặt còn nguyên bụi than, quần áo ướt sũng, anh Nguyễn Hoàng Nam, người có thâm niên cứu hộ lâu năm của Trung tâm Cấp cứu mỏ chia sẻ với chúng tôi, anh và gần 30 người của trung tâm có mặt ở đây từ lúc 23h ngày 19/11. Suốt từ đó đến nay, thời gian anh và mọi người được ra ngoài là rất ít. Vì là lực lượng kỹ thuật then chốt nên đội của anh làm nhiệm vụ cứu hộ ở vòng trong cùng.

Đường lò hẹp, thấp, nhiều đoạn có đá vách ngăn cách là một cản trở lớn nhất cho công tác cứu hộ. Vừa đào, cuốc vừa phải chống lò để lấy không khí và không gian, dọn đất than, chống hầm tái đổ, tái bục nước. Có nhiều tình huống nằm ngoài tính toán và dự đoán. Chẳng hạn đêm 20/11 một chiếc quạt thông gió bị cháy, ảnh hưởng đến tiến độ cứu hộ.

Sáng 21/11 phát hiện tảng đá khoảng 2m nằm chắn kín chân lò thượng 1, buộc phải phá nhưng máy khoan không đưa vào được, phải dùng tay nên rất mất thời gian. Sau tảng đá lại gặp phải trở ngại lớn hơn là 25m đường lò xương cá bị bịt kín bởi đất đá và nước. Nguy hiểm rất lớn, vừa làm vừa thăm dò, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, toàn bộ lực lượng trong lò có thể gặp nạn.

Câu chuyện cứu hộ của họ còn rất dài mà thời gian ít ỏi chúng tôi không thể ghi hết, chỉ biết rằng suốt những ngày qua họ phải nằm dưới nền lò bùn ướt để đào, cuốc và hai ngày nay đường lò mở rộng hơn thì mới được quỳ, khom người để làm việc liên tục từ 6 đến 10 tiếng mới thay ca. Chỉ ngần ấy thôi đã khiến trái tim chúng tôi nghẹn lại, bởi không chỉ có vất vả riêng đâu, mà tính mạng họ cũng như những người bên trong cứu hộ luôn “ngàn cân treo sợi tóc”.

Bữa cơm hộp của lực lượng cứu hộ.

3. Được ở cùng hiện trường với lực lượng cứu hộ trong suốt 3 ngày qua, câu chuyện mà chúng tôi ghi lại được thật vô vàn ý nghĩa. Ở nơi núi sâu rừng thẳm, sinh hoạt cá nhân vô cùng thiếu thốn, để lo cho sức khỏe của hơn 300 con người quả không hề dễ dàng gì.

Từ thùng nước, từng cuộn giấy, từng quả trứng… đều phải chuyên chở từ ngoài vào. Ngoài 2 bữa chính là cơm hộp vận chuyển từ ngoài vào, bộ phận hậu cần còn lập ngay một bếp ăn nóng để phục vụ anh em cứu hộ có thêm sức khỏe. Đó là một chiếc bếp gas để nấu mì tôm, luộc trứng phục vụ 24/24h.

Đó là những lán trại dã chiến dựng lên giữa rừng nhưng mưa đến không đủ sức chống đỡ. Rồi chuyện những cán bộ nữ làm công tác hậu cần giữa rừng thiếu thốn nước, vệ sinh cá nhân. Từ Ban chỉ huy đến chiến sĩ CSGT 4 ngày qua vẫn khoác trên mình bộ quần áo, chưa được tắm… Có lẽ, khó khăn, gian khổ đó sẽ được đền đáp bằng việc nạn nhân cuối cùng nhanh chóng được tìm thấy, để thân nhân của họ an lòng.

Đến 17h ngày 22/11, nạn nhân cuối cùng vẫn chưa được tìm thấy. Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn khi được nhận định rất có thể nạn nhân đang bị mắc kẹt tại phần xương cá đi chéo lên bên trong lò thượng 2 - vị trí cuối đường hầm (nơi đây đang lấp đầy đất, đá, gỗ…).

Bên ngoài, thân nhân của nạn nhân Bùi Văn Quý vẫn đang túc trực ở khu vực gần cửa hầm. Mọi ánh mắt mong đợi, buồn bã, đau khổ đều hướng vào bên trong. Đã mấy ngày qua họ đứng chờ ở đây cả ngày lẫn đêm, cầu nguyện cho lực lượng cứu hộ nhanh chóng tìm thấy người thân.

Gương mặt thất thần, buồn bã, anh Bùi Văn Thành, anh họ của nạn nhân Bùi Văn Quý cho biết: “Cả gia đình đều rất lo lắng, dù hôm nay đã 5 ngày trôi qua, chúng tôi gần như tuyệt vọng, cứ nghĩ đến là không chịu nổi. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn có tia hy vọng mong manh là Quý còn sống. Biết đâu em nó bám được vào đường xương cá ấy mà vẫn sống thì sao. Nếu không may thì tôi cũng mong muốn sớm tìm thấy để đưa em nó về quê nhà”.

Trần Hằng – Trần Huy
.
.