Cuộc chiến thầm lặng ở Đắk Nông

Chủ Nhật, 09/07/2006, 07:46

Không một ngày được nghỉ ngơi, không đêm nào được yên giấc, kể từ khi chuyển về tỉnh mới, Lực lượng An ninh Công an tỉnh Đắk Nông đã phải liên tiếp đấu trí, đấu sức với bọn phản động từ bên ngoài tấn công vào, từ bên trong “nổ” ra.

Công an tỉnh Đắk Nông được thành lập từ tháng 1/2004, anh em vừa chân ướt chân ráo chuyển từ Đắk Lắk vào được vài ngày thì đã nhận được tin từ cơ sở báo Y Búp, Y Nhơng, Điểu Jrơm đang ráo riết tuyên truyền phản cách mạng. Nhận thông tin, cả lãnh đạo và 5 điều tra viên của Phòng An ninh điều tra tạm gác công việc dọn dẹp chỗ ở, chỗ làm việc xuống ngay huyện Đắk Min. Qua xác minh các anh phát hiện 3 tên này đều từng ở Campuchia, là người của một tổ chức chuyên chống phá cách mạng Việt Nam. Khi Đắk Lắk chuẩn bị tách tỉnh, 3 tên này được cử về Việt Nam để tuyên truyền, lôi kéo nhiều người ra nước ngoài để gia nhập tổ chức phản động này.

Cả 3 tên đều không ở nhà, chúng phân công nhau hoạt động ở huyện Đắk R'Lấp. Địa bàn hoạt động của chúng là ở những nương rẫy của đồng bào nằm sâu trong rừng. Để thuyết phục và lừa bịp, chúng cũng tham gia làm nương rẫy cùng đồng bào, cùng ăn cùng ở với đồng bào, khiến một số người mụ mị rồi bán hết nhà cửa, tài sản cống nộp và đi theo chúng với mong muốn tìm thấy cuộc sống tốt đẹp mà thực ra viễn cảnh đó chỉ có trong mộng mà thôi.

Để truy lùng được bọn này, các chiến sĩ an ninh cũng phải tìm vào tận nương rẫy của đồng bào trong rừng thẳm. Nhiều khi nhà ở huyện Đắk Song, nhưng nương rẫy lại ở mãi trong rừng già của huyện Đắk R'Lấp, phải mất cả ngày đi bộ mới đến nơi. Lúc đầu, những người dân này nhất định không tiếp công an, không cần công an làm giúp, thậm chí một số người còn có thái độ xua đuổi. Nhưng rồi, với sự nhẫn nhịn, chịu đựng nắng mưa, kham khổ, không chút quan cách, hết lòng vì dân nên bà con đã đứng về phía công an tố cáo hành vi lừa bịp của bọn phản động và giúp Lực lượng Công an bắt gọn cả 3 tên khi chúng chuẩn bị tổ chức cho mấy nhóm đồng bào vượt biên trái phép.

Tác giả đang trao đổi với lãnh đạo Phòng bảo vệ chính trị IV.

Để người dân không bị rơi vào cảnh tha phương nơi đất khách, các mũi trinh sát được triển khai xuống địa bàn để tuyên truyền cho họ không nên tin vào cái “thiên đường bánh vẽ” mà bọn chúng tạo nên. Đồng bào nghe được lời nói phải của công an nên mừng lắm, ai cũng thấy may mắn vì suýt bán nhà cửa, bán trâu bò để đi theo bọn chúng. Câu chuyện nghe có vẻ đơn giản. Song, đó là cả một nỗ lực vượt mọi khó khăn gian khổ của các chiến sĩ an ninh, ngày đêm bám trụ để tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Thành công của chuyên án này đã ngăn chặn kịp thời, xóa tận gốc mầm mống tội phạm, bắt hết các đối tượng cầm đầu nên tình hình xấu đã không xảy ra.

Vụ triệt phá “bè lũ ba tên” phản động lừa bịp người dân bỏ xứ đi phục vụ mục đích cho chúng vừa thành công vào cuối tháng 2/2004 thì đầu tháng 3, qua các biện pháp nghiệp vụ Cơ quan an ninh của công an tỉnh đã phát hiện có sự liên lạc giữa bọn lưu vong phản động ở Mỹ và tên Điểu GLut, cư ngụ ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp. Tên Điểu GLut là một trùm FULRO khét tiếng đang nằm trong nước và được tổ chức FULRO ở nước ngoài giao nhiệm vụ cầm đầu nhóm FULRO đang hoạt động lén lút ở Đắk Nông kích động tiến hành bạo loạn chống lại chính quyền Việt Nam vào đầu tháng 4/2004 khi có một đoàn cấp cao của một tổ chức lớn trên thế giới đến thăm Đắk Nông. Chủ trương của chúng là đòi được chia đất đai, đòi thành lập Nhà nước riêng ở Tây Nguyên.

Ngay khi nắm được nguồn tin, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, cán bộ, chiến sĩ an ninh cùng Công an huyện lập tức không kể ngày đêm triển khai xuống địa bàn. Nghe tin này, ngày 21/3/2004, tên Điểu GLut cùng 7 tên cầm đầu tổ chức FULRO trong nước đã nhanh chân biến khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, nó để lại một “lời kêu gọi”: Nếu công an có bắt thì anh em cứ tiếp tục đấu tranh, gây bạo loạn đến khi giành thắng lợi.

Xác định tình hình sẽ rất nguy hiểm, Lực lượng An ninh của Công an tỉnh được sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Tổng cục An ninh đã căng sức rà soát toàn bộ địa bàn huyện Đắk R'Lấp và phát hiện một tên “đệ tử” thân cận của Điểu GLut đang hoạt động rất ráo riết là Điểu Sel. Điểu Sel được giao nhiệm vụ toàn quyền lãnh đạo tổ chức FULRO ở Đắk Nông. Từ việc đấu tranh khai thác Điểu Sel và nắm bắt, sàng lọc các đối tượng, các trinh sát an ninh tiếp tục hốt gọn 13 đối tượng cốt cán của tổ chức phản động quốc tế này khi chúng chưa kịp phát hiện ra sự có mặt của công an.--PageBreak--

13 đối tượng trên gồm Điểu Hóa, Điểu BLung, Điểu Khanh, Điểu PRé... được tổ chức FULRO cài cắm ở 9 xã của huyện Đắk R'Lấp, 3 xã của huyện Đắk Song cùng một xã thuộc huyện Bù Đăng (Bình Phước). Qua đấu tranh, điều tra, Lực lượng Công an đã phát hiện một số người đã tham gia tổ chức FULRO. Số người này từng tuyên truyền, lôi kéo đồng bào tham gia tổ chức và cùng tiến hành gây bạo loạn vào đầu tháng 4/2004 tại một vài nơi trong tỉnh. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tận gốc, truy bắt bằng hết các đối tượng cầm đầu trong tổ chức phản động này thì không hiểu hậu quả sẽ ra sao.

Một nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt lên vai các chiến sĩ an ninh là, làm gì để trong một thời gian rất ngắn những đồng bào đã trót nghe lời bịp bợm nhận ra bộ mặt thật của cái tổ chức cực kỳ phản động, tàn bạo, lừa đảo kia? Chẳng còn cách nào khác là tất cả cán bộ chiến sĩ an ninh phải chia nhau trực tiếp xuống địa bàn, ăn cùng dân, ở cùng dân, làm việc cùng nhân dân. Các anh lắng nghe ý kiến của người dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ  để từ đó có cách tuyên truyền hợp lý, để họ hiểu được chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Để người dân nhìn rõ bộ mặt thật của bọn phản động, các anh phải nắm được phương thức, thủ đoạn của bọn chúng, giải thích thật tỉ mỉ cho dân hiểu.

Với những nỗ lực đầy trách nhiệm đó, với tấm lòng thực sự vì dân, rồi bà con cũng hiểu tấm lòng người chiến sĩ công an. Một sự kiện lạ diễn ra vào những ngày cuối tháng 3/2004: Hàng trăm người dân nô nức kéo nhau đến trụ sở công an là những dãy nhà cấp 4 lợp phibrôximăng, không phải để gây bạo loạn mà để... nhận lỗi với Nhà nước và tố giác tội phạm. Tính từ đầu năm 2004 đến nay, các chiến sĩ an ninh Đắk Nông đã vận động được hơn 500 đối tượng từng theo FULRO ra đầu thú. Đó là một chiến công lớn đối với những chiến sĩ an ninh ở một tỉnh mới lập.

Không một ngày được nghỉ ngơi, không đêm nào được yên giấc, kể từ khi chuyển về tỉnh mới, Lực lượng An ninh Công an tỉnh Đắk Nông đã phải liên tiếp đấu trí, đấu sức với bọn phản động từ bên ngoài tấn công vào, từ bên trong “nổ” ra. Riêng năm 2004, Lực lượng An ninh của tỉnh đã triệt phá 13 vụ, bắt 64 đối tượng xâm hại an ninh quốc gia. Trong năm 2005, Lực lượng An ninh đã tiếp tục bóc gỡ 10 vụ, tóm 28 đối tượng, trong đó có 26 đối tượng liên quan đến tổ chức FULRO.

Năm 2005, Lực lượng An ninh, Công an Đắk Nông đã lập chiến công đáng khâm phục phá tan âm mưu “Thành lập Nhà nước Đềga” của tên Y Khen, Y Thiên, Y La cùng đồng bọn tại Đắk Min cùng với luận điệu tuyên truyền của chúng là: “Nếu cách mạng Đềga thành công mọi người sẽ được thăng quan tiến chức, được cấp đất đai, tiền bạc và được sinh hoạt thoải mái. Nếu không thành công sẽ được sang Campuchia rồi sang Mỹ hưởng cuộc sống sung túc”.

Ngay trong những đêm mùa mưa Tây Nguyên, Lực lượng An ninh tỉnh chia nhau thâm nhập những nơi chúng trú ngụ. Y Khen, Y Thiên, Y La cùng 10 tên đầu sỏ trong tổ chức này bị tóm khi chúng còn đang yên giấc. 23 đối tượng khác bị lập hồ sơ quản lý chặt chẽ. Một số đối tượng sợ bị phát hiện đã tìm cách trốn biệt sang Campuchia. Phần lớn những đồng bào trót nghe lời tuyên truyền bịp bợm đều đã được Lực lượng An ninh đả thông tư tưởng nên không còn ý đồ tham gia tổ chức phản động này nữa mà yên ổn trở về với nương rẫy để làm ăn.

Cuộc chiến thầm lặng

Vừa mới thành lập, Phòng Bảo vệ chính trị IV và Phòng An ninh điều tra, mặc dù còn nhiều khó khăn, lại phải đảm nhiệm một địa bàn rộng với 136 buôn, bản. Xác định không thể “cắm” chân ở mọi chỗ, mọi nơi được nên anh em trinh sát an ninh phải “nằm vùng” ở những địa bàn xa xôi, khó khăn về đời sống, phức tạp về an ninh. Khổ nhất là cảnh vận động đồng bào ở bon U, bon Jôn Yu của huyện Cư Jút. Nhà người dân ở những bon này, song họ lại làm nương ở mãi vùng biên giới của huyện Đắk Min, cách nhà 40-50 cây số. Nếu đến nhà họ thì không bao giờ gặp, anh em phải cuốc bộ lên nương, sống cùng họ, làm việc cùng họ. Mưa dầm thấm sâu, rồi người dân cũng hiểu tấm lòng, tình cảm người cán bộ công an với họ là rất tốt, tốt hơn nhiều so với bọn người xấu ở bên kia biên giới chỉ biết nói mồm.--PageBreak--

Ngoài việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân, anh em phải tạo mối thân thiết với những già làng, trưởng buôn có uy tín. Thông qua các già làng để tuyên truyền cho nhân dân cảnh giác trước âm mưu của địch. Chính vì thế, mỗi cán bộ chiến sĩ an ninh phải tinh thông nghiệp vụ, như một người lao động chân tay, như một người đi rừng không biết mệt mỏi và như một nhà hùng biện tài năng, có thể ứng phó với mọi hoàn cảnh. Mỗi cán bộ an ninh đều phải có uy tín với các già làng, trưởng buôn, có ảnh hưởng rộng, có độ tin cậy với quần chúng để giúp đỡ cán bộ địa phương.

Chính vì xác định cuộc chiến giữ địa bàn, giữ đồng bào bằng mọi giá với kẻ địch mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh mới lập Đắk Nông rất ổn định trong thời gian gần đây. Điều đó được chứng minh bằng con số chỉ có một vụ với một đối tượng bị khám phá với tội danh trốn ra nước ngoài từ đầu năm đến nay. Trung tá Thắng cho biết, tình hình an ninh khá ổn định, song thủ đoạn của bọn phản động lưu vong lại tinh vi hơn, thâm độc hơn, do vậy, các anh xác định không bao giờ được phép thỏa mãn và "ngủ quên" trên những chiến công đã đạt được.

Đồng bào nơi đây trình độ văn hóa còn thấp, thậm chí nhiều vùng không biết tiếng phổ thông, trong khi đó, anh em công an không phải ai cũng biết tiếng dân tộc, thành thử muốn tuyên truyền cho đồng bào hiểu các đường lối chính sách của Nhà nước là rất khó khăn. Thậm chí, hỏi cung những đối tượng tham gia các tổ chức phản động là người dân tộc thiểu số, không biết tiếng phổ thông, thì gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi đánh vật cả tuần chẳng xong bản hỏi cung. Từ ngày chuyển công tác về Đắk Nông, anh em phòng an ninh đua nhau học tiếng M'Nông, Ê Đê, nhưng những ngôn ngữ này rất khó học, “đánh vật” mãi mà chẳng được mấy chữ vào đầu.

Để khai thác được loại tội phạm này, ngoài việc đấu tranh trực tiếp, các trinh sát phải căng sức đi thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ để đối chiếu với lời khai của nó, ngoài ra phải hiểu biết phong tục, tập quán, đặc điểm của đối tượng để nắm vững tư tưởng của đối tượng vào mỗi thời điểm, từ đó dùng các biện pháp đấu tranh phù hợp. Khi các đối tượng khai ra chút thông tin nào là phải củng cố chắc chắn.

Khổ nhất là công an tỉnh vẫn còn khó khăn về nơi tạm giam giữ, phòng hỏi cung. Công an thị xã Gia Nghĩa có 3 phòng hỏi cung, song 3 phòng ọp ẹp nằm cạnh nhau, nên nếu hỏi ba đối tượng cùng lúc chúng sẽ thông cung với nhau bằng ngôn ngữ khác. Do vậy, để tránh các đối tượng thông cung, khai thác thông tin hiệu quả, mấy chục đối tượng được giam giữ ở nhiều huyện khác nhau, và Lực lượng An ninh cứ quay như chong chóng. Đang ở huyện hỏi cung tên này, thu thập được chút thông tin là lập tức chạy cả trăm cây số sang huyện kia lấy cung tên có liên quan đến lời khai. Tâm huyết với công việc, kiên trì với đối tượng, lúc mềm dẻo, khi kiên quyết, nên các đối tượng dù cứng đầu đến đâu, cuối cùng cũng phải khai báo. Công sức và sự mưu trí mà các anh bỏ ra bao giờ cũng đổi lại là sự thành công của các chuyên án có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh đất nước.

Công việc thì vất vả, nặng nhọc là vậy, song trong cuộc sống đời thường lại không thiếu khó khăn. Hầu hết anh em công an ở tỉnh đều phải sống cảnh xa gia đình đằng đẵng, vì gia đình của họ vẫn ở trên Đắk Lắk. Những phòng, ban khác thì làm việc hết ngày thứ 6 là bắt ôtô về Buôn Ma Thuột với vợ chồng, con cái; còn các chiến sĩ an ninh thì không được như vậy. Những ngày nghỉ, anh em nhiều khi vẫn còn ở một địa bàn xa xôi nào đó, muốn cuốc bộ ra đến chỗ có ôtô có khi cũng mất cả ngày đường, thành thử cứ “cắm buôn, cắm bản” biền biệt, khi nào được nghỉ phép thì về một thể.

Hiện tại, Công an Đắk Nông chưa có trụ sở làm việc, nên mỗi phòng nằm ở một địa điểm khác nhau, đều là những dãy nhà tạm thuê lại. Chiều đến, những đơn vị khác, toàn những "ông" xa vợ con kéo nhau ra đánh bóng chuyền kín sân, nhưng bãi sân đất đỏ bazan nằm dưới chân núi của khối an ninh vẫn vắng tanh vắng ngắt. Cuộc sống ngày qua ngày của các chiến sĩ an ninh nơi đây là ở trong rừng rú, bon bản và vùng biên giới...

Phạm Ngọc Dương
.
.