Cuộc chiến không tiếng súng

Thứ Sáu, 16/02/2007, 10:26

Khi Nguyễn Hồng Hải, ông trùm của đường dây thi thuê đại học bị Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Công an TP Hà Nội bắt, Hải đã thốt lên: “Em không ngờ các anh nhanh đến vậy. Chỉ chậm vài giờ  nữa, các anh sẽ không bắt được em hoặc bắt được cũng không thể kết tội vì toàn bộ vật chứng đã bị tẩu tán”.

Trong đấu tranh với các loại tội phạm để bảo vệ an ninh quốc gia trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng có hai "mặt trận" luôn nóng bỏng đó là giáo dục và văn hóa. Năm 2006, Phòng An ninh Văn hóa -  Tư tưởng của Công an Hà Nội đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Tấn công và phòng ngừa

Mùa tuyển sinh đại học vừa rồi, vụ án nhắc bài bằng công nghệ cao do Đội Giáo dục của Phòng PA25 Công an Hà Nội phá vỡ có lẽ ai cũng biết. Vụ này, theo Trung tá Nguyễn Hữu Huấn, Đội trưởng thì đã thể hiện đầy đủ sự phức tạp và tinh vi của con người trong thời đại phát triển công nghệ cao. Và nó cũng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người chiến sĩ an ninh trong việc phá án.

Bắt đầu từ những lá thư tố cáo về hiện tượng thuê thi hộ của một số sinh viên ở Lạng Sơn vào Học viện Ngân hàng với giá 50 triệu đồng. Manh mối bước đầu chỉ có vậy. Vụ án được mở, nhưng để tránh “động nước cá lặn”, bước đầu các trinh sát cùng một số Hội đồng thi, đặc biệt là Hội đồng thi của Học viện Ngân hàng, tạm thả “mồi” bằng cách cứ để cho những thí sinh nằm trong hồ sơ nghi vấn thi tuyển bình thường.

Đúng như dự đoán, ngay buổi chiều ngày thi đầu tiên, thí sinh Vũ Việt Đức, số báo danh: NHHA 12840 ở Lạng Sơn, đã  bị phát hiện sử dụng điện thoại di động trong phòng thi, tai nghe được giấu kín trong tóc giả để nghe lời giải từ ngoài đọc vào. Thí sinh Lê Thị Tuyết, số báo danh: NHHQ 12251 quê cũng ở Lạng Sơn, cũng  gian lận tương tự. Như vậy, khả năng một đường dây thi hộ như phán đoán của các trinh sát là có thật và đang ngày càng hiện rõ.

Phương châm phá án là nhanh gọn, theo kiểu “cuốn chiếu” - có lời khai đến đâu, xác minh ngay đến đấy. Vì nếu điều tra kéo dài, đợt thi kết thúc thì không còn bằng chứng buộc tội, kẻ phạm pháp có thể biến mất. Qua lời khai của Đức và Tuyết, các chiến sĩ Đội Giáo dục đã xác minh được các đối tượng trong đường dây và đối tượng cầm đầu đường dây là Nguyễn Hồng Hải, ở Vĩnh Phúc.

Bằng kinh nghiệm của một công chức từng làm việc bao nhiêu năm trong cơ quan Nhà nước, bằng kiến thức lĩnh hội tại giảng đường đại học và bằng cả sự lưu manh có được trong những ngày ngồi tù bóc lịch vì tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Nguyễn Hồng Hải đã “sáng tạo” ra một quy trình nhắc bài rất tinh vi.

Trước hết Hải thuê “chuyên gia” đào tạo cho cả người thi thuê và thuê thi cách thao tác đIện thoại di động, tai nghe... Sau đó, Hải tổ chức một nhóm thí sinh nhưng vào phòng thi không phải để thi mà chỉ để đọc đề ra ngoài. Bên ngoài khoảng 30 sinh viên có học lực tốt từ các trường Bách khoa, Thương mại... chuyên  giải đề thi với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu tùy theo quan hệ. Giải xong đọc qua điện thoại di động cho thí sinh thuê thi chép  lại.

Nhưng dù tinh vi, thủ đoạn đến đâu, Hải cũng không thể qua mắt các trinh sát của Đội Giáo dục. Thế là đúng 24 giờ đêm 9/7/2006, Nguyễn Hồng Hải đã bị bắt giữ cùng những tang vật: 70 chiếc điện thoại di động, tai nghe, máy phôtô... Lúc đó, Hải đã thốt lên: “Em không ngờ các anh nhanh đến vậy. Chỉ chậm vài giờ  nữa, các anh sẽ không bắt được em hoặc bắt được cũng không thể kết tội vì toàn bộ vật chứng đã bị tẩu tán”.

Vụ án đó chỉ chấn động dư luận sau khi kỳ tuyển sinh đại học kết thúc an toàn.

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Huấn, phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ chính của Đội Giáo dục. Mà tội phạm của Đội Giáo dục chủ yếu thuộc giới trí thức. Giới trí thức lại có vỏ bọc tốt về hình thức và khả năng ứng phó trong mọi trường hợp nên để tấn công loại tội phạm này đòi hỏi các chiến sĩ trong Đội phải có nghiệp vụ chuyên môn cao, đặc biệt trong đó đòi hỏi phải am hiểu những gì thuộc về công nghệ cao như tin học, viễn thông...

Như vụ Nguyễn Hồng Hải kể trên, nếu không tường tận về công nghệ cao, làm sao các chiến sĩ Đội Giáo dục phá án nhanh đến vậy. Hôm dẫn giải thí sinh Vũ Việt Đức từ nơi tuyển sinh về Đội Giáo dục, tôi được chứng kiến bằng thao tác thuần thục, các trinh sát Đội Giáo dục đã vạch trần thủ đoạn sử dụng điện thoại di động, áo đặc chủng, tai nghe...  trong việc nghe và chép bài mà Nguyễn Hồng Hải đã hướng dẫn cho Đức sử dụng trong phòng thi.

Cho nên, như Đại tá Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng phòng PA25 đánh giá, nhiệm vụ của Đội Giáo dục ngày càng nặng nề hơn và... vô hình hơn. Sự vô hình ấy tôi đã được chứng kiến trong mùa tuyển sinh vừa rồi và phải nói rằng các anh rất vất vả, bận rộn không khác gì như chăm con mọn. 

Mở đầu mùa thi bắt đầu được tính từ thời gian làm đề. Các chiến sĩ PA25, trong đó Đội Giáo dục là chủ lực phân chia thành từng nhóm đến những nơi soạn thảo đề thi để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh nhằm bảo đảm sự an toàn và tính bảo mật cho đề thi.

Mỗi lần đi như vậy, các anh gọi vui “tự đi giam lỏng”. Vì theo nội quy nghiêm ngặt ở nơi làm đề thi, tất cả những người có mặt tại đó đều “nội bất xuất ngoại bất nhập”, điện thoại di động cũng không được sử dụng, tóm lại là cắt liên lạc toàn bộ với thế giới bên ngoài nên các anh chỉ ở trong phòng thực hiện nhiệm vụ. Đến bữa ăn, một gói mì tôm hoặc một chiếc bánh mì “chay” cũng giúp các anh xong bữa.

Vào mùa tuyển sinh thì bận hơn. 24/24 giờ tại phòng làm việc của Đội Giáo dục lúc nào cũng sáng đèn. Từ 2 đến 3 giờ sáng, các chiến sĩ bủa đi các điểm tuyển sinh trong nội thành để kiểm tra an ninh trước khi thi. Thậm chí có chiến sĩ phải xuất phát từ đêm do địa điểm thi nằm ở khu vực ngoại thành. Những đêm như vậy đối với các anh đều là “đêm trắng”.

Khi giờ thi bắt đầu, thì cũng là lúc các anh làm việc căng thẳng nhất. Tại các địa điểm thi, các chiến sĩ Đội Giáo dục kiểm tra đến tận hốc bàn, chân ghế.  Tất cả các máy bộ đàm được sử dụng hết công suất để thông báo tình hình an ninh tại các đIểm thi. Một trường hợp thí sinh ngất xỉu; một trường hợp xin ra ngoài  phòng thi đi vệ sinh, người vào phòng thi không đúng chức năng, nhiệm vụ... đều được các anh thông báo tường tận,  chính xác. --PageBreak--

Thành - bại ở “phút 89”

Trực tiếp bảo vệ an ninh văn hóa cho thủ đô là Đội Văn hóa có 16 người, do Trung tá Nguyễn Tấn Ngọc làm Đội trưởng. 16 người lo “an nguy” cho 13 lĩnh vực: biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ sĩ, in ấn, sản xuất băng đĩa...  Người ít, việc nhiều, phức tạp là điều kiện thử thách tài năng và trí tuệ.

Chỉ tính 3 năm qua đội đã phá được hàng trăm vụ án: bắt đường dây in lậu sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20”; sang in và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy; ngăn chặn kịp thời những đêm nhạc cuồng loạn...  Đó là những vụ án “nóng” trong những thời điểm nhạy cảm - bọn tội phạm lợi dụng nhu cầu rất lớn đối với nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, với đĩa hình, với khát vọng đối với nhạc lạ lẫm trong giới trẻ v.v...

Nhạy cảm với biến động của cuộc sống; hiểu rõ bản chất của sự việc mới có thể nắm bắt ngay được tác hại của những trào lưu đó và mới đề ra được những phương án phòng chống kịp thời, hiệu quả. Những kiến thức đó được tích lũy từ cuộc sống, bản lĩnh nghiệp vụ và kinh nghiệm phá án.

Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Tấn Ngọc, để thành công, không thể thiếu yếu tố quyết định - “phút 89” - thời điểm phá án. Nếu đúng  khung thành tội phạm sẽ bị sút tung; nếu không tất cả sẽ là công dã tràng. Vụ án Nguyễn Xuân Biển là một trong những vụ án mang đậm dấu ấn những yếu tố đã dẫn Đội Văn hóa đến thành công. 

Đúng vào thời điểm Quyết định 32 của Bộ trưởng Bộ Công an về Chiến dịch tập trung đấu tranh với các loại tội phạm có hiệu lực, qua trinh sát điều tra, các chiến sĩ Đội Văn hóa đã phát hiện một nhóm chuyên tiêu thụ đĩa VCD mang nội dung đồi trụy. Chúng gồm Nguyễn Thái Sơn, Quản Trọng Mạnh, Nguyễn Văn Kiến đều quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ và đều tạm trú tại 30/50 đường Phùng Hưng, Hà Nội. Khám xét nơi tạm trú của 3 đối tượng trên đã thu được hàng trăm  đĩa VCD không tem bảo hành, trong đó có hơn 20 đĩa đồi trụy.

Chúng đã khai ra “ổ” chuyên cung cấp băng đĩa lậu và phim đồi trụy có quy mô lớn, bao trùm gần như cả miền Bắc. Nhưng chúng chỉ biết một cửa hàng trong chợ Hòa Bình, người trực tiếp giao hàng tên là Biển; mỗi lần nhận hàng xong là đi ngay, hàng lại giao đúng giờ nhá nhem: 3 giờ sáng nên đến mặt người giao hàng cũng chỉ nhớ lờ mờ. Việc trinh sát trước tiên là  “quần” hết hang cùng ngõ hẻm chợ Hòa Bình để xác minh Biển là ai, làm nghề gì. Để bảo toàn bí mật, trinh sát của đội tự tác nghiệp, hoàn toàn không thông qua công an quản lý địa bàn.

Vào thời điểm đó, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Phó phòng PA25, kể lại, để hoàn thành nhiệm vụ, anh em trong đội không kể ngày đêm, cứ “quần nát” cả khu vực chợ.  Xác định được tung tích của Biển ở số 3, ngõ 339 đường Yên Bái, Hà Nội rồi lại tiếp tục 24/24 giờ bám địa bàn nhằm tìm ra quy luật hoạt động của y.

Ngoài việc tàng trữ và phát tán phim mang nội dung đồi trụy, Biển còn sao in băng đĩa lậu.  Hắn hoạt động cũng khá tinh quái.  Làm gì cũng ban đêm, từ sản xuất, in ấn đến bao gói... Vậy là trinh sát cũng phải “ăn đêm” như vạc, dù lúc đó đang mùa gió rét và sương lạnh. Nhiều đêm, vừa “gặm” bánh mì nguội ngắt của người bán rong, các trinh sát vừa nói vui, họ đúng là “ăn sương”. Nhờ “ăn sương” họ đã tìm ra nguyên tắc hoạt động của Biển, vẽ được sơ đồ chi tiết đến tận nơi để lọ tăm, chiếc gương, kể cả hệ thống báo động trong “đại bản doanh” của Biển.

Để điều tra cơ bản được như vậy, theo Trung tá Nguyễn Tấn Ngọc, rất công phu. Các trinh sát phải “nằm vùng”, thâm nhập vào tận cùng “hang ổ” của Biển. Việc này rất nguy hiểm.  Biển là một tội phạm chuyên nghiệp, từng ngồi bóc lịch vì tội gây rối nơi công cộng, lại là con nghiện có thâm niên.  Gia đình hắn có “truyền thống” đối mặt với pháp luật: bố là Nguyễn Xuân Thu, từng bị xử phạt hành chính về tội sao in trái phép băng video; hai em trai, một đã chết vì Aids, một là thủ phạm giết hại đồng chí Nguyễn Văn Ngữ. Biển là một kẻ manh động. Nếu sơ sảy, việc phá án sẽ “xôi hỏng bỏng không”, chưa kể đến tính mạng  bị đe dọa.

Công việc cuối cùng là chọn thời điểm phá án - thời điểm quyết định vì cần bắt quả tang đúng khi máy của Biển đang sao chép, bìa vỏ đang được phôtô... Giờ G được định lúc 3 giờ sáng: giờ giao hàng, giờ các các máy sao chép đang hoạt động, phôtô... Trinh sát đã đột nhập đúng lúc, kịp thời vô hiệu hóa hệ thống báo động.  Biển và đồng bọn không kịp xóa dấu vết, đã bị bắt quả tang...

Tú Anh
.
.