Cuộc chiến chống lại những “viên đạn bọc đường”

Thứ Sáu, 27/01/2006, 10:00
Không giống như cuộc chiến chống các loại tội phạm hình sự với những pha đuổi bắt nguy hiểm đến thót tim và tính mạng của người cảnh sát hình sự nhiều khi phải đối mặt với dao, với súng của bọn tội phạm, cuộc chiến với các loại tội phạm kinh tế lặng lẽ hơn nhưng cũng không kém phần gay go, quyết liệt.

Khi đối tượng đấu tranh không phải là kẻ đao búa mà là những kẻ có quyền, có tiền và có thế lực, Lực lượng Cảnh sát phòng chống các loại tội phạm về kinh tế và chức vụ không chỉ phải đấu tranh với những thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt mà còn phải đấu tranh để chống lại những viên đạn bọc đường với muôn vàn sự cám dỗ, lôi kéo, mua chuộc. Nhưng vượt qua tất cả, cán bộ chiến sĩ Phòng 2, C15 đã liên tiếp lập chiến công và vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.

 

Với gương mặt hồn hậu, Thượng tá Phạm Thiện Hạng nom bề ngoài giống một ông thầy thuốc hơn là một sĩ quan cảnh sát. Thế nhưng, ông đã có gần 25 năm làm cảnh sát kinh tế, trong đó hơn 10 năm làm Trưởng Phòng 2, một đơn vị có nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ ở hai ngành kinh tế trọng điểm và nhạy cảm là công nghiệp và xây dựng. Khi biết được ý nghĩ của tôi, ông cười bảo: “Thì các đối tượng phạm tội vẫn coi tôi và anh em trinh sát ở đây là thầy thuốc đó thôi. Hễ cứ  đánh hơi thấy việc phạm tội bị bại lộ là các "con bệnh" bèn tìm mọi cách tiếp cận chúng tôi để nhờ “bốc thuốc" liền! Mà các “con bệnh” của anh em Phòng 2 toàn thuộc loại nặng ký như giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, thậm chí cả những người giữ chức vụ cao hơn. Không chỉ có quyền, những con bệnh nặng ký này còn có tiền, rất nhiều tiền và có vô số những quan hệ xã hội trên - dưới, ngang - dọc chằng chịt.

Rồi ông kể, một trong những "con bệnh" nặng ký điển hình mà ông và các đồng đội đã gặp, đó là Lã Thị Kim Oanh. Bây giờ thì Oanh đã lĩnh án tử hình và hành vi phạm tội của bà ta đã quá rõ ràng, không còn ai dám biện hộ hay chối cãi cho bà ta nữa. Nhưng ở vào thời điểm những năm 2001-2002, khi vụ trọng án kinh tế này còn đang ở giai đoạn trinh sát thì bà giám đốc này luôn luôn coi thế lực của bản thân cộng với những mối quan hệ xã hội đang có là một thứ rào cản đối với lực lượng điều tra. Chỉ cần đưa ra hai ví dụ để thấy uy thế của Kim Oanh lúc bấy giờ. Thứ nhất, trong cơ quan, Oanh trực tiếp quản lý két tiền, trực tiếp quản lý chi tiêu tiền với kiểu ném tiền tỉ qua cửa sổ không cần giấy tờ, chứng từ.

Ấy thế nhưng Oanh thả sức lộng hành suốt 5 năm mà Bộ chủ quản không có ý kiến gì. Thậm chí có lần đoàn thanh tra đến làm việc, Oanh đóng cửa không tiếp nhưng cũng chẳng ai dám động đến thị. Ví dụ thứ hai, chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, những thủ tục cơ bản liên quan đến lô đất gần 2.000 m2  mà công ty Oanh được giao đã hoàn tất một cách êm ru. Buổi sáng, Sở Địa chính ký tờ trình gửi UBNDTP về việc giao đất cho công ty của Oanh thì buổi chiều cùng ngày UBNDTP ra quyết định. Một vài người biết việc kể lại rằng, Oanh đã thao túng được một số người ở một vài cơ quan chức năng. Nhiều khi Oanh cho đánh máy sẵn các quyết định cần thiết theo ý của mình rồi đưa đến gí cho một số người có trách nhiệm để... ký.

Tự cho mình là người có thế lực như thế cho nên khi biết anh em Phòng 2 và một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát vào cuộc điều tra, Lã Thị Kim Oanh bước đầu tỏ ra hết sức ngạo mạn. Một lần khi trực tiếp đi xác minh ở một đơn vị xây dựng có liên quan trong vụ án, tình cờ Thượng tá Phạm Thiện Hạng lại gặp Lã Thị Kim Oanh ở đó. Bà ta đi xe hơi, ăn vận cực kỳ sang trọng và nói với giọng sặc  mùi kim tiền. Lã Thị Kim Oanh nói với Thượng tá Hạng rằng: “Tôi thấy trời mưa nắng thất thường thế mà các anh em trinh sát của ông suốt ngày bám theo tôi, tôi thấy khổ cho họ quá. Ông về nói với họ không khéo họ phải chết bất đắc kỳ tử vì biển số xe âm dương của tôi”.

Tiếp đó, Oanh hỏi tuổi Thượng tá Hạng rồi cười phá lên: “Với tuổi đó, anh chả bao giờ bắt được tôi đâu!”. Thái độ đó của Oanh làm Thượng tá Hạng rất khó chịu nhưng với kinh  nghiệm nhiều năm làm trinh sát và với vị trí của mình, ông vẫn tỏ ra bình thản, không tranh luận với thị mà chỉ mỉm cười. Một thời gian sau, khi các bằng chứng về sai phạm của Lã Thị Kim Oanh dần được các trinh sát làm rõ, linh cảm thấy những điều sắp đến, Oanh không còn ngạo mạn về uy lực của mình nữa. Lúc này, bà ta bắt đầu đổi chiến thuật đối phó, xoay sang phương cách tìm mọi cách tiếp cận Thượng tá Hạng và anh em trinh sát dưới quyền ông để xin “bốc thuốc” hòng làm giảm “bệnh”. Oanh dùng đủ mọi thủ đoạn để mua chuộc các cán bộ điều tra, nhưng với ý chí quyết tâm cao, vụ án cuối cùng đã được làm sáng tỏ.

Thượng tá Phạm Thiện Hạng bảo với tôi rằng, Phòng 2 có một lực lượng trinh sát giỏi về nghiệp vụ. Có anh là tiến sĩ, thạc sĩ, nhiều anh em được đào tạo chính quy về cảnh sát và các ngành kinh tế xây dựng, tài chính, ngân hàng. Mọi thủ đoạn của bọn tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, dù tinh vi đến mấy, anh em ở đây cũng đủ năng lực để đấu tranh. Nhưng cái khó nhất lại là cuộc chiến chống lại những cám dỗ, mua chuộc; chống lại những đơn đặt hàng, “bốc thuốc”. Tôi nghe và hiểu tâm tư của Thượng tá Hạng bởi có ai đó đã nói rất đúng rằng, cuộc đấu tranh với chính bản thân mình mới thực sự là cuộc chiến cam go nhất.

Một trinh sát bảo: “Đối tượng đấu tranh của chúng tôi toàn là những người có chức quyền, có học thức và tiền bạc. Khi có sai phạm, đương nhiên họ sẽ dùng những thứ họ có để làm phương tiện hòng giảm nhẹ tội hoặc trốn tội. Chuyện được đối tượng gạ gẫm hối lộ hoặc nhờ người can thiệp là chuyện gặp thường ngày”. Và Trung tá Vân kể, mới đây anh và đồng đội “đánh” vụ án ở Công ty XNK Nông lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều người cứ tưởng vụ này sẽ bị mắc vì một vài đối tượng ở trong vòng ngắm của công an lại là người có thế lực, nhưng khi bắt tạm giam 3 đối tượng, trong đó có ông Nguyễn Công Tụng, nguyên Giám đốc Công ty, người đã “hạ cánh an toàn” từ trước đó 3 năm thì những lo ngại đó không còn nữa. Điều quan trọng nhất đối với Lực lượng Cảnh sát kinh tế đó là làm đúng pháp luật và tự mình phải lập cho mình một rào cản, một ranh giới đối với những cám dỗ vật chất.

Cũng nói về chuyện này, một trinh sát khác lại nhớ tới vụ án Trần Văn Giao, "vua lừa" nổi tiếng ở Tp. HCM, hiện đang thi hành bản án tù chung thân tại Trại giam Z30. Hồi ấy, một nhóm  trinh sát Phòng 2 được điều từ Hà Nội vào Tp. HCM tăng cường làm vụ án này vì đây là vụ án lừa đảo nghiêm trọng. Sau hơn 3 tháng ròng rã thu thập chứng cứ tài liệu, nhóm trinh sát này đã chuyển toàn bộ tài liệu ra Hà Nội để nghiên cứu. Lúc ra sân bay, thùng tài liệu nặng tới 25 kg, đến nỗi khi thùng tài liệu chạy qua máy soi, mấy ông an ninh hàng không lắc đầu quầy quậy kêu trời: “Ủa, mấy ảnh làm gì mà mang lắm giấy ra Bắc dzậy!”. Ấy thế mà tài liệu vừa mới chuyển ra Bắc hôm trước thì hôm sau, một người  bà con với Trần Văn Giao đã đánh hơi được rằng mấy ông trinh sát đã ra Bắc, liền bay ra Hà Nội và đặt vấn đề thẳng tưng: “Nếu mấy ảnh dừng lại vụ án ở đây, đừng mở rộng thêm nữa, gia đình tui xin chồng ngay 35 ngàn USD để mấy ảnh xài đỡ”. Đương nhiên là các “thầy thuốc” Phòng 2 từ chối “bốc thuốc” và Trần Văn Giao sau đó đã bị tuyên án tù chung thân về tội lừa đảo.

Ngay như mới đây, khi các trinh sát Phòng 2 phối hợp với  một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát "đánh" thành công vụ chạy bảo hiểm ở Công ty Cổ phần Bảo hiểm PJICO, nhiều người đã ngỡ ngàng rồi thán phục. Những tiêu cực trong lĩnh vực bảo hiểm thực ra đã có từ lâu nhưng những vấn đề pháp luật liên quan đến ngành bảo hiểm lại tương đối phức tạp nên việc làm sáng tỏ những vụ việc mờ ám ở đây khá khó khăn. Trước khi "đánh" vụ này, các trinh sát Phòng 2 đã phải tìm đến những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bảo hiểm để trao đổi nghiệp vụ. Vụ nhận hối lộ 1,9 tỉ đồng trong hợp đồng bảo hiểm của Công ty Việt Thái Phong đã được Hoàng Nghĩa Vinh và một số cộng sự của ông ta ngụy trang rất khéo léo bằng các hóa đơn chứng từ tài chính mà nếu không giỏi về nghiệp vụ bảo hiểm thì không thể phát hiện ra bất kỳ một dấu vết gì của sự mờ ám.

Một cái khó nữa là bản thân Hoàng Nghĩa Vinh - Tổng giám đốc của PJICO - lại là một người nổi tiếng. Ông ta đã từng được nhận giải thưởng Sao Đỏ, một giải thưởng khá uy tín dành cho doanh nhân. PJICO lại là nhà tài trợ độc quyền cho đội bóng Sông Lam - Nghệ An và ông ta đồng thời là Chủ tịch CLB. Ấy thế mà bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 1 tháng điều tra xác minh, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm đã xác lập được những chứng cứ hành vi phạm tội của Hoàng Nghĩa Vinh và đồng bọn. Lúc này, lờ mờ nhận ra rằng việc đã bị bại lộ, Vinh đã cùng Hồ Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc bay vào Tp. HCM để gặp bà Nguyễn Hồng Thu - Giám đốc Công ty Việt Thái Phong, dặn dò cách đối phó với công an. Nhưng đến cả hành vi này của Hoàng Nghĩa Vinh cũng đã bị các trinh sát Phòng 2 và các đơn vị nghiệp vụ khác phát hiện và theo sát.

Ra đến Hà Nội, biết là không thể đối phó được bằng thủ đoạn nghiệp vụ, thân nhân của Vinh đã tìm tới tận nhà điều tra viên để đưa hối lộ nhằm chạy tội nhưng không được. Thượng tá Hạng cho biết, với lòng vị tha, các điều tra viên đã không lập biên bản về hành vi đưa hối lộ này vì sợ nếu thế họ sẽ lại mắc thêm một tội nữa.

Tôi nghe những câu chuyện từ chối "bốc thuốc" của Thượng tá Hạng và các trinh sát của ông xong bèn rút ra kết luận rằng, thì ra ông và đồng đội của ông không phải là thầy thuốc. Nghe thế, Thượng tá Hạng cự lại ngay: “Không phải, chúng tôi vẫn là những thầy thuốc đích thực đấy chứ. Khám phá những vụ tham nhũng cũng giống như cắt bỏ những khối ung nhọt, góp phần làm lành mạnh nền kinh tế, giữ nghiêm kỷ cương phép nước chẳng phải là trị bệnh đó sao?"

Đặng Huyền
.
.