Công tác đặc xá và hậu đặc xá: Rộng mở lòng người

Thứ Năm, 31/08/2006, 08:17

Vẫn mái đầu "rắc muối", nước da ngăm ngăm, Long “đầu đinh” (một bị án trong vụ án Năm Cam) khỏe mạnh như trước khi nhập trại. Long khoe: "Hôm nay em có các con lên đón, chúng đang chờ em ngoài nhà tiếp đón" rồi vồn vã chia tay bạn tù.

Từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phải xuất hành rất sớm để kịp có mặt tại Trại giam Xuân Lộc (Z30A) dự lễ đặc xá năm 2006 diễn ra lúc 8h30' sáng  29/8. Khi chúng tôi đến phân trại K2 thì hàng trăm phạm nhân đã tề tựu nghiêm chỉnh ở hội trường, gương mặt nào cũng hớn hở. Âu cũng là điều dễ hiểu vì họ sắp được trở về với vòng tay của những người thân sau bao ngày sửa chữa lầm lỗi.

Ngày hội của phạm nhân

Anh Nguyễn Ngọc Đào (43 tuổi), ngụ tại đường Bến Chương Dương, quận 1, hớn hở: Lúc đầu vào trại, với cái án 20 năm tù về tội "giết người", anh không nghĩ sẽ có ngày hôm nay. Vì thế, cả đêm qua anh và nhiều phạm nhân đã thức cả đêm chờ đợi phút giây này. Vì ghen tuông, trong một phút nóng giận, Đào giết người tình của vợ, phải lãnh án 20 năm tù.

Ngày mới nhập trại, anh nghĩ 29 tuổi cộng thêm 20 năm tù thì trại giam sẽ là dấu chấm hết của cuộc đời anh. Vì thế phạm nhân Đào liên tục vi phạm nội quy của trại, liên tục bị kỷ luật. Thế rồi với sự kiên trì giáo dục động viên của cán bộ trại, cùng với những lần ân xá, đặc xá, Đào đã dần nhận ra con đường sống của mình là phải tích cực cải tạo. Anh em bạn tù thấy Đào ngày một tiến bộ. 14 năm 7 tháng thi hành bản án thì 5 lần Đào được xét giảm án trước thời hạn.

Chúng tôi gặp một nhân vật nổi cộm trong vụ án Năm Cam là Long “đầu đinh" - Tôn Vĩnh Đắc trong ngày công bố quyết định đặc xá tại Z30A. Đắc phạm tội che giấu hành vi phạm pháp của Năm Cam và Hiệp “phò mã"; tổ chức cho Thọ “đại úy" trốn sang Campuchia để trốn tránh pháp luật. Ngoài ra, Long “đầu đinh" còn lợi dụng những mối quen biết với một số cán bộ có chức có quyền để nhận tiền của vợ con Năm Cam, chạy án cho Năm Cam. Long “đầu đinh" bị tuyên phạt 7 năm tù trong vụ án Năm Cam.

Vẫn cái đầu đinh "rắc muối", nước da ngăm ngăm, Long vẫn khỏe như trước khi nhập trại. Gặp chúng tôi Long tươi cười khoe: "Hôm nay em có các con lên đón, chúng đang chờ em ngoài nhà tiếp đón" rồi vồn vã chia tay bạn tù.

Đại tá Nguyễn Trung Binh, Giám thị trại Z30A nói với các phạm nhân được nhận quyết định đặc xá: “Có trút bỏ được những mặc cảm thì mới sớm hòa nhập với cộng đồng. Nếu các anh các chị sau khi được đặc xá về, có ý chí vươn lên thì chắc chắn sẽ là những người có ích cho xã hội”. Những giọt nước mắt, những nụ cười, những vòng tay thân thiết của người thân… dành cho những phạm nhân vừa nhận được quyết định đặc xá như làm cho "ngày hội" ở Trại Z30A thêm ý nghĩa và thấm thía hơn với mọi người.

Sáng 30/8, Ban Giám thị Trại giam A2 - Bộ Công an ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc đặc xá tha tù cho 78 phạm nhân, trong đó có 6 trường hợp là phạm nhân nữ.

Có mặt tại Trại giam A2 từ sáng sớm, phóng viên Báo CAND đã chứng kiến không khí tràn ngập niềm vui của những người được trở về với cộng đồng sau nhiều năm tháng tập trung cải tạo. Trong đó có ông Phạm Bá Doãn, 58 tuổi, quê ở xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh; Ngô Văn Hiếu, 18 tuổi, quê ở thôn Phú Thọ 2, xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa… đã sớm nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo tốt, nên được đặc xá tha tù trước thời hạn. Ngoài ra, 194 phạm nhân cũng đã được xem xét giảm án trong dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Trước đó vào sáng 29/8, tại Trại giam Xuân Phước - Bộ Công an ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), 45 phạm nhân đã được đặc xá, trong số đó Nguyễn Bùi Đức Công, 29 tuổi, quê ở Long Hương, Bà Rịa - Vũng Tàu bị bắt từ giữa năm 1997 về tội "Giết người" với mức án 17 năm tù. Sau một lần được xét giảm án 9 tháng, đợt này được đặc xá trước thời hạn 7 năm 1 tháng 17 ngày nên Công mừng đến rơi nước mắt.

Công tâm sự: "Trở về với gia đình và cộng đồng xã hội là hạnh phúc lớn đối với em và những người được đặc xá. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, em cũng phải tu chí làm ăn, đó cũng là cách tạ lỗi với người đã mất và đáp lại công lao của những cán bộ đã trực tiếp quản lý giáo dục em"…

Mỗi người một hoàn cảnh, số phận và quá khứ lầm lỗi khác nhau, nhưng giờ đây họ có chung một niềm vui được đặc xá. Cộng đồng xã hội đón họ bằng tình người rộng lượng, bao dung để những người trở về thật sự hoàn lương hướng thiện, đó cũng là mong ước của mỗi cán bộ quản giáo ở các trại giam.

Đến nỗi lo tái nhập cộng đồng

Đến Trại tạm giam Thừa Phủ (Thừa Thiên - Huế) trong những ngày này, không khí nơi đây dường như "nóng" lên với hoạt động chuẩn bị cho đợt đặc xá dịp 2-9 này. "Hoa khôi" của trại, Đặng Trần Thủy Tiên, bị kết án 6 năm về tội mua bán heroin buồn bã tâm sự: "Ba năm ở trại em thấy quá dài anh ạ, 31 tuổi rồi mà chưa có chồng trong khi bạn bè cùng lứa thì... Cái giá phải trả cho sự nông nổi quá đắt. Em đang cố gắng cải tạo để được ra trại sớm. Tiếc là đợt đặc xá lần này em không thuộc diện"...--PageBreak--

Người "cao niên" nhất Trại là Nguyễn Văn Lực (53 tuổi), lãnh án 60 tháng tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, làm chết 4 người tại lễ hội Điện Hòn Chén năm 2003, thì nói với sự hối tiếc: "Vì tui mà đứa con đầu phải bỏ đại học giữa chừng. Nếu được đặc xá, tôi sẽ cố gắng làm ăn để nuôi các con ăn học"...

Theo ông Thái Tao - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế: MTTQ đã cùng với các ngành thành viên như phụ nữ, thành niên, cựu chiến binh, nông dân tổ chức gặp gỡ động viên, giúp đỡ những người được đặc xá sớm có việc làm, ổn định cuộc sống, không để họ mặc cảm, bị phân biệt đối xử.

Đến nay trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, số người được đặc xá trở về địa phương là 388 người, trong đó số có việc làm ổn định là 271 người, 79 người có việc làm tạm ổn định. Nhiều địa phương đã động viên, huy động người dân vào việc giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá vì vậy nhiều trường hợp đã vươn lên làm giàu, sống lương thiện và có ích cho cho xã hội.

Còn ở Hậu Giang, có hàng trăm đối tượng được đặc xá về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, hầu hết trong số họ đến nay đã ổn định được cuộc sống, mang lại niềm tin trong lòng mọi người.

Đến gặp ông Trần Văn Út ở xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh mới thấy được niềm vui, hạnh phúc lớn lao khi sớm được trở về cùng gia đình. Cách đây gần 20 năm, trong một lần không tự kiềm chế, ông phạm tội giết người để rồi phải trả giá bằng mức án tù chung thân. Nhờ phấn đấu cải tạo tốt, hai lần ông được xét giảm án và lần cuối cùng vào năm 2005, ông được Chủ tịch nước xét đặc xá giảm đến 1/3 mức án ban đầu.

Trở về nhà sum vầy bên người thân, ông càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống hiện tại, càng muốn chia sẻ gánh nặng gia đình mà bấy lâu ông chưa tròn trách nhiệm. Vì thế, ông miệt mài lao động bên từng luống rau, ao cá, chăm sóc vườn bạch đàn, cùng vợ con cắt từng cọng lục bình phơi khô để rồi có thu nhập gần 20 triệu đồng/năm.

Nhìn khuôn mặt hiền lành của anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ khu vực 5, phường Hiệp Thành, thị xã Tân Hiệp), ít ai nghĩ rằng anh từng là một tay anh chị có tiếng, can tội cướp tài sản công dân với mức án 10 năm tù. Con đường hoàn lương của anh Sơn không hề đơn giản. Đó là những chuỗi ngày phấn đấu, lao động học tập tại trại cải tạo để tìm lại chính mình, đoạn tuyệt hẳn với quá khứ lầm lỗi.

Với ba lần được giảm án, anh Sơn được trở về trong vòng tay ấm áp thân thương của gia đình. Anh xúc động nói: "Lúc mới về hoàn cảnh khó khăn lắm, nhưng bà con hàng xóm đâu ai bỏ mình, người giúp lon gạo, người cho mấy đứa nhỏ tập vở. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, cho vay vốn, giới thiệu việc làm. Quả thật nếu không có những tình thương đó, gia đình tôi không biết phải làm sao".

Đại úy Nguyễn Văn Thế, Phó trưởng Công an phường Ngã Bảy, thị xã Tân Hiệp cho biết: "Ngay sau khi có danh sách đặc xá về địa phương, Công an phường tổ chức tiếp nhận, tạo mọi điều kiện để nhập hộ khẩu, kết hợp ban, ngành, Hội phụ nữ tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm hỗ trợ vốn cho các đối tượng này. Vì vậy, toàn phường có khoảng 10 đối tượng được đặc xá đều ổn định cuộc sống, có việc làm giản đơn, không trường hợp nào tái phạm".

Hiện nay, ở Hậu Giang số người được đặc xá lên đến hàng trăm và vào dịp 2-9 tới đây, con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ, động viên giúp đỡ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với người được đặc xá là hết sức cần thiết, giúp họ mau chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng

Thanh Hải - Hữu Toàn - Thanh Phong - Phan Tại
.
.