Công an xã: Anh là ai?(Phần 2)

Chủ Nhật, 29/10/2006, 08:43
Công cụ hỗ trợ cho Công an xã thường chỉ có vài cái gậy cao su và khóa số 8. Nghiệp vụ còn hạn chế, công cụ hỗ trợ thô sơ nên nhiều khi đi trấn áp tội phạm, tội phạm không thấy công an chính quy mà chỉ thấy công an xã thì cũng... không sợ.

Phải hẹn tới lần thứ hai, tôi mới gặp được Lê Thanh Tùng, Trưởng Công an xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Cách trung tâm Hà Nội 20km, nằm ngay bên cạnh đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, từ năm 1996 trở về trước, Kim Chung còn là một xã thuần nông, bình quân mỗi khẩu được 1 sào ruộng. Nhưng từ năm 1997 tới nay, xã đã phải cắt khoảng 140ha đất nông nghiệp để xây dựng Khu Công nghiệp Thăng Long và một số nhà máy, trường học, vì vậy có những nơi như Đội 10, thôn Hậu hầu hết các gia đình hiện không còn ruộng.

Nhưng từ khi Khu Công nghiệp Thăng Long đi vào hoạt động, nhiều  gia đình ở Kim Chung có thêm nghề mới, là xây nhà trọ cho học sinh và công nhân thuê; hiện cả xã có tới 400 hộ có nhà cho thuê, trong đó nhà nhiều có tới hơn 60 phòng; nhà ít cũng 3-4 phòng.

Số dân đông lên thì công an thêm vất vả vì phải quản quá nhiều người, tệ nạn cũng phát sinh theo. Với diện tích 6,47km2, nhưng ngoài 9.600 dân của xã, ở Kim Chung luôn có thêm khoảng 8.000 người tạm trú, gồm 1.200 học sinh Trường bán công Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, và gần 7.000 công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long, trong đó đông nhất là thôn Bầu, thường xuyên có khoảng 5.000 người tạm trú.

Hiện công an xã đang quản lý 105 đối tượng có tiền án, tiền sự, 20 con nghiện. Địa bàn rộng, dân đông, nhưng Kim Chung vẫn là xã loại 2, nên Ban Công an xã chỉ có 9 người và có một cảnh sát phụ trách xã của công an huyện tăng cường xuống hỗ trợ quản lý địa bàn.

Anh Lê Thanh Tùng thống kê rằng ngày nào công an xã cũng phải giải quyết cho 30-40 trường hợp công nhân, học sinh và dân xã lên xin xác nhận tạm trú, tạm vắng; ngoài việc trực hàng ngày tại trụ sở để giải quyết các công việc, buổi tối 9 anh em lại chia thành 2 tổ đi kiểm tra địa bàn với cường độ 5 đêm/tuần.

Đi như thế mà cũng không hết được cả xã nên chỉ tập trung vào những thôn có đông công nhân tạm trú vì tất cả những phức tạp về an ninh trật tự đều xuất phát từ đối tượng này, chưa kể các chủ nhà trọ cũng hay “quên” khai báo tạm trú dù đã được phổ biến rất rõ quy định.

   Trải qua hai cuộc kháng chiến, đã có 74 đơn vị và 16 cá nhân công an xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

   Đội ngũ công an xã cả nước hiện có 111.177 đồng chí, trong đó  9.404 đồng chí là trưởng công an xã, 95% là đảng viên; 92,64% tham gia cấp ủy; gần 1% có trình độ đại học; 2% có trình độ chính trị cao cấp.

   Từ năm 1999 tới nay, cả nước đã có 34 trưởng công an xã; 227 phó công an xã và hơn 2.000 công an viên xin nghỉ, bỏ việc vì lương quá thấp.

(Nguồn: Cục Xây dựng Phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc - Bộ Công an)

Năm ngoái, qua công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, công an xã bắt được một đối tượng trốn truy nã. Hầu như tuần nào các anh cũng phải giải quyết 4 đến 5 vụ gây rối, đánh nhau, trộm cắp vặt. Nhiều vụ gây rối chỉ vì mấy “ông” công nhân uống rượu say, ra đường thấy người nào nhìn cho là “nhìn đểu”, lời qua tiếng lại là đánh luôn.

Hôm tôi đến cũng được chứng kiến công an xã đang xử lý một vụ trộm khá hy hữu, bởi thủ phạm và nạn nhân là hai nữ công nhân làm chung ở Nhà máy Canon và thuê chung phòng ở với nhau. Chỉ một ngày sau khi nạn nhân báo bị mất 1,2 triệu đồng trong thẻ ATM, công an xã đã xác định thủ phạm chính là cô bạn quý hóa cùng phòng của nạn nhân.

Hóa ra sẵn có tính tắt mắt nên sau vài lần cùng bạn đi rút tiền, Nguyễn Thị N. đã biết mật khẩu thẻ ATM của bạn nên lợi dụng lúc cô bạn đi tắm, N. mở balô lấy trộm thẻ ATM; sau đó giả vờ ốm để về quê; một tuần sau N mới ra và đi rút hết 1,2 triệu đồng trong tài khoản của bạn. Còn nạn nhân chỉ biết mình mất cắp khi đi rút tiền mà thấy không còn đồng nào.

Nhưng so với những xã ven đô thì Công an xã Kim Chung vẫn còn... nhàn. Một xã được coi là "khắc nghiệt", xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) có tới hơn 40.000 người (trong đó có 210 đối tượng tù tha, 88 con nghiện) rải ra ở 12 thôn, 1 tổ dân phố, 46 khu tập thể gia đình, 42 cơ quan đơn vị, 5 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; lại có 2 tuyến giao thông chính từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài là đường Hoàng Quốc Việt và Phạm Văn Đồng. Chính vì nằm ở vị trí thuận lợi nhiều mặt như vậy nên suốt nhiều năm, Công an thành phố Hà Nội luôn coi đây là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm.

Quản lý một nơi phức tạp như vậy thì với một đơn vị công an chính quy cấp phường, cán bộ chiến sĩ được đào tạo bài bản, cũng không phải đơn giản. Trong khi đó Ban Công an xã chỉ có 19 người (1 trưởng, 2 phó) và 2 cảnh sát phụ trách xã. Vì thế UBND xã phải lập một đội dân phòng tới 55 người phụ trách 12 thôn; còn công an xã được tổ chức theo mô hình công an phường với các tổ hình sự, quản lý hành chính, giao thông.

Với từng ấy con người, nhưng năm 2005, công an xã xử lý tới 179 vụ với 176 đối tượng, trong đó xử lý tại xã 10 vụ, còn lại chuyển công an huyện. Còn 6 tháng đầu năm nay, công an xã đã khám phá 36 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 2 vụ cướp, 18 vụ trộm cắp, 3 vụ tổ chức mại dâm... 

Làm công an là phải thường xuyên va chạm với mặt trái của xã hội, công an xã cũng không nằm ngoài “chuyện đương nhiên ấy” bởi các đối tượng phạm pháp ngày càng manh động. Nhưng do là lực lượng bán chuyên trách nên tất cả những trang bị phục vụ công việc cho công an xã đều “bán chuyên trách”.

Sau khi được tuyển vào công an xã, mỗi năm anh em chỉ được tập huấn chừng chục ngày. Còn công cụ hỗ trợ, địa phương nào khá giả thì còn đầu tư mua sắm cho công an xã dùi cui điện, súng hơi cay, còn không thì chỉ có vài cái gậy cao su và khóa số 8. Ngay cả đồng phục công an xã, tỉnh nào quan tâm thì chi ngân sách mua cho mỗi người mỗi năm một bộ (cả giày, mũ, quần áo), chứ có địa phương chỉ đủ tiền mua quần áo, còn mũ, giày thì anh em... góp tiền mua. Khả năng nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, công cụ hỗ trợ thô sơ nên nhiều khi đi trấn áp tội phạm, nhưng tội phạm thấy không có công an chính quy mà chỉ mỗi công an xã thì cũng... không sợ.

Đây là một thực tế lý giải vì sao tình trạng công an xã bị thương và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngày càng gia tăng (một tỉnh nhỏ như Bắc Ninh nhưng từ tháng 10/2005 tới nay đã có 5 vụ công an xã bị những kẻ gây rối chống trả khiến 5 đồng chí bị thương). Đấy là chưa kể cái khó của công an xã là toàn phải xử lý những vi phạm của “người nhà” (sống ở làng, không phải người trong dòng họ thì cũng là hàng xóm láng giềng) nên trong công tác nhiều khi rất khó xử.

Thế mới có chuyện có trưởng công an xã xử lý người vi phạm đã bị đương sự nổi sung chỉ mặt quát: “Tao sẽ về nói chuyện với... bố mày chứ không thèm nói với mày”. Ngay như vụ án thảm khốc ở xã Thụy Ninh  (Thái Bình) khiến cả trưởng, phó công an xã hy sinh, thủ phạm Vũ Quang Quyết không chỉ là hàng xóm cùng ngõ mà còn có họ hàng xa với gia đình Trưởng Công an xã Đinh Văn Bình. --PageBreak--

Nhưng vấn đề bất hợp lý nhất hiện nay là trong khi thực tế công việc của công an xã ngày càng phức tạp, nguy hiểm thì chế độ cho công an xã lại đang bị tụt lùi vì những quy định bất hợp lý.

Năm 1999, Nghị định 40/CP về công an xã ban hành, là văn bản pháp luật quy định đầy đủ nhất về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và chế độ chính sách đối với lực lượng công an xã. Tuy nhiên sau 7 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Theo Nghị định 40/CP thì tổ chức công an xã chỉ có 1 trưởng, 1 phó công an xã và công an viên bố trí ở thôn, ấp, bản, làng. Quy định này không còn phù hợp thực tế. Bởi theo khảo sát gần đây của Cục Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an, để đảm bảo an ninh trật tự, tại 55/64 tỉnh, thành đang bố trí 2 phó công an xã tại 1.944 xã (là những xã có trên 10.000 dân, xã đô thị hóa, xã ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn hoặc có nhiều nông, lâm trường).

Có 45 tỉnh, thành bố trí công an viên thành hai loại: công an viên thường trực ở trụ sở và công an viên ở thôn, ấp, bản, làng; những nơi không bố trí công an viên thường trực thì bố trí công an viên thường trực ở thôn, ấp, bản luân phiên về thường trực tại trụ sở. Thậm chí tại một số địa bàn đặc biệt thì lực lượng công an xã là công an chính quy (hiện đang có 183 trưởng, 58 phó công an xã và 128 công an viên là công an chính quy).

Không chỉ bất cập trong quy định về tổ chức khiến các địa phương phải tự đề ra mô hình, những quy định về chế độ cho công an xã hiện cũng không phù hợp. Từ năm 2003, khi Chính phủ ban hành Nghị định 114/NĐ-CP và Nghị định 121/NĐ-CP về cán bộ, công chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (trong đó xác định trưởng công an xã là công chức, phó công an xã và công an viên là cán bộ không chuyên trách và bãi bỏ chế độ phụ cấp quy định tại điều 13 Nghị định 40/NĐ-CP đối với phó công an xã) đã trở thành vướng mắc khi bố trí chức danh và chi trả phụ cấp cho phó công an xã và công an viên.

Do không được công nhận là công chức cấp xã nên phụ cấp hàng tháng của phó công an xã bị giảm so với quy định tại Nghị định 40/NĐ-CP (từ 423.000đ xuống còn 270.000đ/tháng) và không được đóng bảo hiểm xã hội, mặc dù lực lượng này đã đóng bảo hiểm được 5 năm (trong khi đó, phó chỉ huy quân sự xã vẫn được xếp công chức và đóng bảo hiểm xã hội); đối với công an viên thì phụ cấp giảm từ 161.000đ/tháng xuống còn 120.000đ/tháng.

Hôm về xã Thụy Ninh (Thái Bình), tôi nghe Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Ngọ than thở rằng, công an xã còn thiếu 1 công an viên, vậy mà gần 1 năm nay chưa tuyển được ai vì phụ cấp thấp quá, dù ngoài mức phụ cấp Nhà nước chi trả, xã đã hỗ trợ thêm mỗi người 130.000đ/tháng, nhưng không ai muốn vào. Chính vì phụ cấp quá thấp như vậy, lại không được đóng bảo hiểm xã hội, nên từ năm 1999 tới nay, theo thống kê chưa đầy đủ thì cả nước đã có tới hơn 2.600 phó công an xã và công an viên nghỉ việc (đông nhất là tỉnh Thanh Hóa, có tới 59 phó công an xã và 1.169 công an viên nghỉ việc).

Để giữ người, nhiều địa phương đã phải tự điều chỉnh. Ở tỉnh Thái Bình, ngoài việc trích ngân sách để hỗ trợ cho anh em, căn cứ vào điều 3 của Nghị định 121/NĐ-CP cho phép UBND xã có 19 chức danh, Công an tỉnh đã tham mưu để UBND tỉnh cho phép bố trí 186 phó công an xã vào chức danh gọi là “tư pháp hộ tịch 2” để được xếp ngạch công chức. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này cũng chỉ áp dụng được với những xã dưới 8.000 dân; với những xã có trên 8.000 dân thì UBND lại phải có 2 phó chủ tịch UBND, vì vậy phó công an xã... chỉ có một.

Còn tại Hà Nội, UBND thành phố trợ cấp mỗi người 150.000đ/tháng, ngoài ra UBND thành phố cho phép các xã tùy theo tình hình địa phương mà hỗ trợ thêm cho anh em (mấy năm trước, ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, còn có chuyện UBND xã hỗ trợ cho công an bằng... ngô với mức 30kg/người/tháng. Mãi tới năm 2003, mới được quy ra tiền là 60.000đ/tháng).

Thực tế những năm qua đã khẳng định rằng để đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn, công an xã rất vất vả. Đặc biệt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, công an xã không chỉ là nòng cốt mà còn vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương để vận động nhân dân tham gia.

Có thể kể đến những điển hình như cuộc vận động đối tượng phạm tội lẩn trốn ra tự thú, tự báo ở tỉnh Hà Tây là một cách làm hay, sau đó được nhân rộng ra cả nước (vì qua cuộc vận động này, cả nước đã có hơn 35.000 đối tượng phạm tội ra tự thú); hay cuộc vận động đồng bào vùng Công giáo tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Nam Định... Vì vậy tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chế độ chính sách để anh em công an xã yên tâm, gắn bó với công việc luôn là mối quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an.

Từ nhiều năm nay, Bộ Công an đã có công văn kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan bổ sung chức danh phó công an xã là cán bộ chuyên trách cấp xã, thị trấn ở những nơi không bố trí lực lượng chính quy. Tuy nhiên, những đề nghị rất thực tế này vẫn chưa được chấp nhận.

Luật CAND đã quy định công an xã là một cấp trong hệ thống tổ chức CAND. Vì vậy, để cụ thể hóa các quy định của Luật CAND về công an xã, nhiều ý kiến thống nhất rằng Bộ Công an cần chủ động xây dựng dự thảo Pháp lệnh Công an xã (trong đó cần quy định đầy đủ, đồng bộ về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách đối với công an xã, đảm bảo vừa phù hợp với hệ thống pháp luật vừa phù hợp thực tế) để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất

Nguyễn Thiêm
.
.