Công an Thanh Hóa: Thành công từ những việc nhỏ vì dân

Thứ Sáu, 14/12/2007, 08:49
Tôi khá ấn tượng với con số 9 năm liên tục được Chính phủ, Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc, đang đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới của Công an tỉnh Thanh Hóa. Chỉ điều đó thôi, cũng đủ nói lên sự cố gắng và những kết quả đáng trân trọng mà cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã giành được.

Năm 2007, an ninh trật tự ổn định, không xảy ra đột xuất bất ngờ, tội phạm hình sự giảm 5,15%; tỷ lệ điều tra trọng án đạt 80,2%, trọng án đạt hơn 96%... Bộ Công an đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đó là những thành tích mà Công an Thanh Hóa đạt được trong năm 2007, nhưng trên hết những điều đó, điều lớn nhất là cán bộ, chiến sĩ nơi đây đạt được, đó là niềm tin, sự mến yêu của nhân dân dành cho lực lượng Công an.

Có lẽ những người dân vùng lũ Thanh Hóa không bao giờ quên được hình ảnh cán bộ Công an trầm mình cứu người trong cơn lũ vừa qua. Hôm đó, bão vừa tan, lũ từ thượng nguồn tràn về sầm sập, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, cả một vùng rộng lớn đã ngập chìm trong biển nước, hàng nghìn người dân mắc kẹt ngay trong chính nhà mình. Họ chỉ biết chới với, cố ngoi lên bám vào cột kèo trên mái nhà để thở.

Trước tình thế nguy nan đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã không quản nguy hiểm, bươn bả giữa biển nước, phá cửa, dỡ ngói cứu người. Được đưa đến nơi an toàn, hàng trăm cụ già, hàng nghìn cháu nhỏ, xúc động không nói nên lời.

Cũng trong cơn bĩ cực ấy, cán bộ, chiến sỹ Công an Thanh Hóa len lỏi trong đêm tối đặc quánh, giữa mịt mùng dây điện, ngọn cây để đem thức ăn, nước uống đến cho dân.

Trong suốt những ngày lũ, Ban Giám đốc, đặc biệt là Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, không lúc nào dám nghỉ ngơi. Ông cùng anh em đến tận nơi dân sơ tán, trao cho họ từng gói mỳ tôm, từng viên thuốc cảm. Các cụ già ở huyện Thọ Xuân đã xúc động không nói nên lời khi được vị Giám đốc trao tận tay những gói mỳ tôm, vài chai nước ngọt.

Các bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành cũng nghẹn ngào nước mắt bởi các đồng chí Công an không chỉ nhanh chóng đưa họ đi cấp cứu kịp thời mà còn tận tình chăm sóc trong lúc họ ốm đau, bệnh tật. Hơn 10 ngày vật lộn với lũ, với đói rét, mệt nhọc, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ghi khắc trong nhân dân sự tận tụy, xả thân vì dân, vì nước...

Năm 2007 cũng là năm Công an Thanh Hóa gặt hái nhiều thành công trong công tác cải cách hành chính, phục vụ nhân dân. Có mặt ở những phòng tiếp dân tại một số đơn vị, tôi mới thấy rõ được những hiệu quả của việc làm này.

8h sáng, trụ sở tiếp dân của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã chật kín người. Đông là vậy nhưng không chen lấn xô đẩy, mọi người đều có chỗ ngồi ngay ngắn, được phục vụ nước uống miễn phí.

Ở đây cũng không thể cậy nhờ mối quan hệ để được làm nhanh, làm trước, bởi ngay gần cửa, một hệ thống máy tính đã được lắp đặt sẵn, ai đến thì tự ấn vào máy, nhận số thứ tự của mình rồi ngồi đợi. Khi đến lượt, máy tính đọc tên mời làm thủ tục, vừa nhanh nhẹn, vừa không phiền hà.

Ông Lò Văn Mừng ở xã Pù Nhi, Mường Lát hồ hởi cho biết: "Trước đây tôi làm hộ chiếu mất nhiều công lắm, phải xuống tỉnh mua tờ khai quay về lấy xác nhận, rồi lại về tỉnh, rồi lại quay lên, có khi phải mất 3-4 lần đi lại. Nay được phát tờ khai tại huyện, đến đây chỉ 1 lần, cán bộ Công an tốt lắm, hướng dẫn tận tình, không cáu gắt".

Ở phòng tiếp dân của Công an TP Thanh Hóa, Phòng CSGT... không khí cũng vui vẻ như vậy, hầu như không ai tỏ vẻ chưa hài lòng.

Vào Công an tỉnh Thanh Hóa công tác nhiều lần, nhiều năm nhưng ấn tượng của tôi sau mỗi lần vào công tác đều rất khác nhau. Trụ sở khang trang, sạch đẹp, trong mỗi lời nói, việc làm của từng cán bộ, chiến sĩ đối với nhau toát lên sự tinh tế, hiểu biết. Điều khiến người khác dễ nhận thấy, đó là sự ứng xử của anh em trong từng đơn vị đều hết sức chân tình, giúp đỡ lẫn nhau.

Điều đó đã khẳng định hiệu quả lớn của các phong trào như "Xiết chặt kỷ cương, tăng cường nghiệp vụ"; cuộc vận động "Xây dựng tính nhân văn trong Công an Thanh Hóa"; tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân"; phong trào xây dựng 3 mục tiêu "Đơn vị văn hóa, lãnh đạo mẫu mực, cán bộ chuyên cần”.

Năm 2007 cũng là năm nhiều sáng kiến của Công an Thanh Hóa được Bộ Công an chỉ đạo điểm và nhân rộng ra toàn quốc. Điển hình như Hướng dẫn 144 của Giám đốc Công an tỉnh cho phép lực lượng Công an xã được tham gia xử phạt các vi phạm TTATGT. Đặc biệt, công tác phân cấp về PCCC đã được Bộ Công an và nhân dân đánh giá cao...

Rời Thanh Hóa trong những ngày cuối năm, nắng vàng trải rộng trên những cánh đồng bắt đầu vào mùa cấy. Đường Trần Phú xuyên qua thành phố nhộn nhịp người qua lại nhưng vẫn toát lên vẻ yên bình. Có được điều đó, là công sức của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an nơi đây đang ngày đêm sống, làm việc hết mình

Phương Thủy
.
.