Công an TP HCM: Vì sự phát triển ở Trung tâm kinh tế lớn

Thứ Ba, 31/08/2010, 16:44
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, TP HCM có hơn 7,1 triệu người, so với năm 1999 dân số TP HCM tăng hơn 41% (bình quân mỗi năm tăng hơn 4,1%). Thế nhưng, trong 19 năm qua (từ năm 1990-2009), phạm pháp hình sự trên địa bàn TP HCM, bình quân hàng năm giảm từ 9,5-15,41%. Với con số tỷ lệ nghịch này cho thấy rằng đây là một kỳ tích về kéo giảm phạm pháp hình sự của Công an ở Thành phố mang tên Bác.

Chiến công qua hai thời kỳ

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng Công an TP HCM đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thành ủy giao cho lực lượng ANT4 (Công an TP HCM ngày nay) 5 nhiệm vụ quan trọng là: Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Thành ủy; Giữ tất cả các kho gạo trong thành phố, đảm bảo 15 ngày đầu sau khi tiếp quản có đủ gạo cung cấp cho dân, lực lượng dân, quân, chính Đảng; Chiếm lĩnh và bảo vệ tốt các tài liệu, hồ sơ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Bộ chỉ huy Cảnh sát đô thành; Phối hợp với các ban, ngành, lực lượng tại chỗ chiếm lĩnh các Ty cảnh sát, các cơ sở ngụy quyền, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ và bảo đảm trật tự xã hội, nhất là trật tự giao thông trong đô thành ngay sau khi tiếp quản.

Tuy đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng lực lượng ANT4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần rất lớn cho thắng lợi chung của dân tộc; hạn chế được thương vong và xương máu cho đồng bào, đồng chí trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh.

Sau ngày 30/4/1975, TP HCM là nơi tập trung nhiều đối tượng lưu manh, côn đồ, tệ nạn của chế độ ngụy quyền để lại và đã gây ra nhiều vụ án hình sự gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, với quyết tâm bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Công an thành phố đã nỗ lực không mệt mỏi để khám phá bóc gỡ nhiều vụ án gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.

Một trong những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam là vụ án Bùi Văn Đắc cùng đồng bọn giết người, cướp của, đốt xác. Đó là trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6/1976 đến tháng 12/1976, trên địa bàn quận 1 và huyện Hóc Môn liên tiếp xảy ra 4 vụ giết người rồi bỏ vào bao tải, quấn vải, tẩm xăng đốt xác để phi tang.

Nạn nhân hầu hết là các cô gái trẻ con gia đình giàu có. Những vụ án mạng này xảy ra trong lúc chính quyền cách mạng và lực lượng Công an thành phố đang tập trung cao điểm vào việc sắp xếp, ổn định tình hình an ninh trật tự. Do đó, yêu cầu cấp bách mà lãnh đạo thành phố đặt ra cho Công an TP là phải tìm ra bằng được thủ phạm để chặn đứng bàn tay tội tác, đem lại sự bình yên cho thành phố và sự tin tưởng vào chính quyền cách mạng và lực lượng CAND.

Nhận nhiệm vụ, tuy trình độ nghiệp vụ của các cán bộ, chiến sĩ Công an tham gia truy xét còn hạn chế nhưng bù lại họ có thừa quyết tâm, mưa trí và gan dạ. Chính yếu tố này mà không bao lâu sau đó, Công an TP đã bắt được kẻ thủ ác Bùi Văn Đắc và 12 đồng phạm, thu giữ 4 khẩu súng, 1 ôtô, 1 xe xích lô dùng để chở xác nạn nhân và 1 dây dù dùng để xiết cổ nạn nhân.

Tại cơ quan Công an, ngoài việc thừa nhận đã thực hiện 4 vụ giết người, Đắc và đồng bọn còn thú nhận một vụ giết người thuê vào ngày 21/9/1976 tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, nạn nhân là Nguyễn Văn Loui (tự Lê), bị sát hại bằng axít. Với những tội ác man rợ đó, Bùi Văn Đắc cùng Vũ Phi Phổ, Nguyễn Vĩnh Lâm, Lê Phụng Nghiệp bị tuyên án tử hình; các tên còn lại bị phạt từ 5 năm tù đến chung thân.  

Những năm sau khi khám phá vụ án Bùi Văn Đắc Công an TP HCM tiếp tục khám phá nhiều vụ án hình sự và các vụ án về phá hoại, gây rối chính trị; lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng. Điển hình như vụ án giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga; Vụ án lợi dụng tôn giáo hoạt động chống phá cách mạng do Trần Đình Thủ cầm đầu; vụ án Lý Tống cướp máy bay để hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; vụ án dùng kinh tế chuyển hoá chính trị do Lâm Văn Quang và đồng bọn thực hiện…

Theo báo cáo của Công an TP HCM, trong 19 năm (1999-2009) qua, Công an TP HCM đã khám phá hơn 1.400.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có nhiều băng tội phạm có tổ chức: băng nhóm Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng bọn; băng nhóm Phạm Đức Bình (Bình Kiểm) bắt cóc tống tiền 10 triệu USD; băng cướp tiệm vàng Ngọc Hà ở Tân Bình; nhóm tội phạm người Indonesia chuyên dùng đinh rỗng ruột đâm thủng lốp xe ôtô để trộm tiền…

Cũng trong thời gian này, Công an TP còn triệt phá 21.000 vụ án ma túy, bắt hàng chục ngàn đối tượng; xử lý hơn 20.000 vụ phạm pháp kinh tế… Để đạt được những kết quả đó, ngoài nỗ lực của ngành, Công an TP.HCM còn đặc biệt chú trọng đến vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, quần chúng đã cung cấp cho cơ quan Công an 387.436 nguồn tin, trực tiếp phát hiện 16.057 vụ việc, bắt 20.485 đối tượng phạm pháp quả tang…

Những đơn vị mũi nhọn

Đóng góp lớn cho thành quả đạt được của Công an TP HCM là hai đơn vị chủ công: Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) và Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC 47), cả hai đơn vị này vừa được nhận Huân chương Chiến công hạng II do Chủ tịch nước trao tặng. Trong thời gian vừa qua, bên cạnh khám phá nhiều chuyên án lớn, Phòng PC 45 đã đấu tranh triệt phá 2 băng nhóm "giết người, cướp tài sản" đặc biệt nguy hiểm từng gây hoang mang, lo lắng cho người dân thành phố.

Đó là băng cướp sử dụng vũ khí quân dụng do tên Huỳnh Văn Hòa (tự Lâm; 41 tuổi, ngụ TP HCM) cùng đồng bọn (tất cả 23 tên, 2 tên đã chết) thực hiện đã gây ra hàng chục vụ cướp, giết người trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2007. Trong số đó có hai vụ giết người là vào ngày 5/9/2005, trước cổng bệnh viện 7A, đường Nguyễn Trãi (phường 7, quận 5) bọn chúng dùng súng K54 giết chết anh Đoàn Hùng Cường để cướp tài sản; ngày 26/1/2006, tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh- Phạm Hùng (xã Bình Hưng, Bình Chánh) bọn cướp lại dùng súng K54 bắn chết ông Thái Hy Chen để cướp gần 130 triệu đồng.

Sau khi xác định các vụ giết người cướp của đều do một băng cướp gây ra, Ban giám đốc CA TP HCM đã chỉ đạo PC45  bằng mọi giá phải triệt phá băng cướp liều lĩnh này. Nhận nhiệm vụ, Đại tá Mai Văn Tấn, Trưởng phòng PC45 đã dốc toàn tâm, toàn lực để chỉ đạo các đội nghiệp vụ nhanh chóng truy tìm băng cướp và ngày 9/11/2007 PC45 đã bắt giữ tổng cộng 21 tên cướp.

Tang vật thu giữ gồm 1 khẩu súng K54, 5 xe gắn máy các loại và nhiều loại hung khí gây án khác. Tổng số tài sản mà Huỳnh Văn Hòa cùng đồng bọn cướp, trộm, lừa đảo chiếm được gồm 1 xe ôtô Camry, 10 xe gắn máy, 341 triệu đồng….

Hơn một tháng sau khi khám phá băng cướp Huỳnh Văn Hòa, ngày 19/12/2007, tại hẻm 114, đường Bàn Cờ, phường 8, quận 3 lại xảy ra một vụ trọng án "giết người, cướp của", nạn nhân là anh Nguyễn Lưu Tài, tài xế taxi của Công ty Vinasun.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, ban chuyên án đã tập trung lực lượng trinh sát, điều tra viên kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm tập trung phá án. Với tinh thần trách nhiệm cao và không ngại gian khó chỉ 2 ngày sau PC45 đã bắt giữ được 4 đối tượng gây án do tên Dương Ngọc Hiếu cầm đầu.

Còn Phòng PC 47 đã lập thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh hai chuyên án số H607 và 597C. Chuyên án H607 do Công an quận 1 (TP HCM) lập ngày 21/6/2007. Đến tháng 8/2007, sau khi bắt được 6 đối tượng gồm Lê Thị Anh Đào, Trần Thị Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Ngọc Nga, Trần Đình Tam, Trần Minh Quang và Nguyễn Cẩm Đương, thấy có dấu hiệu đường dây ma túy lớn nên Ban giám đốc Công an TP HCM giao cho Phòng PC 47 tiếp nhận để khởi tố vụ án và điều tra mở rộng.

Từ đó đến tháng 8/2008, PC 47  đã bắt và khởi tố thêm 8 bị can, thu giữ 1 khẩu súng K54 và 4 viên đạn. Trong các đối tượng bị bắt giữ có 3 đối tượng là người Việt Nam sinh sống tại Campuchia, chuyên mua sỉ ma túy của các đối tượng ở Campuchia đem về Việt Nam tiêu thụ (chủ yếu ở TP HCM). Ngoài buôn bán ma túy, số đối tượng này còn mua bán, cung cấp súng quân dụng (K54) cho đồng bọn chuyển về Việt Nam theo các chuyến vận chuyển ma túy.

Những năm gần đây, TP HCM có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đời sống người dân ngày một nâng cao nhưng cũng là lúc mà các loại tội phạm, tệ nạn "thời đại mới" cũng bắt đầu xuất hiện. Bọn chúng hoạt động với quy mô lớn hơn, tinh vi hơn, manh động hơn và tổ chức chặt chẽ hơn.

Đặc biệt với sự xuất hiện của các băng nhóm tội phạm người nước ngoài, lừa đảo bằng hình thức qua mạng, cờ gian bạc lận, buôn bán ma túy… Chính vì vậy mà theo Đại tá Phan Anh Minh, công tác đấu tranh ngăn ngừa tội phạm trong tình hình mới sẽ còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, tuy nhiên, tập thể Công an thành phố sẽ nỗ lực hết mình tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân.

Từ năm 1975 đến nay, Công an TP HCM được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an tặng nhiều danh hiệu cao quý:

- Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1981); Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Chiến công hạng II (1985); 2 Huân chương Chiến công hạng I, III (1996), 2 Huân chương Lao động hạng I, II (1997, 2004); 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng I (2005, 2007), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III (2006).

- 17 năm được Chính phủ tặng cờ luân lưu, 15 năm được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc. Ngoài ra còn có 16 tập thể, 30 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác.

Mã Thanh Hải
.
.