Công an Lạng Sơn "ba cùng" với bà con dân bản

Thứ Tư, 23/09/2009, 08:34

Vỏn vẹn 37 nóc nhà nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi cao ngất, đưa mắt nhìn sang là biên giới Việt -Trung, bản Cọ được xem như "ốc đảo". Chỉ đôi ba năm trước, người ta đã gọi bản Cọ là "miền đất chết" do nơi đây còn giữ lại trong lòng đất vô số bom mìn sót lại sau chiến tranh. Chưa một người lạ nào đặt chân tới đây ngoại trừ những cư dân người bản địa sống vùng giáp biên. Thế nhưng hôm nay trở lại, bản Cọ đã hồi sinh, đã thấy le lói những tia hi vọng cho một sự đổi thay…

Sức sống mới nơi "ốc đảo"

Xã Tân Minh, huyện Tràng Định có tất cả 4 bản biên giới: Thâm Coỏng, Nà Pùng, Cọ, Kiêng, trong đó bản Cọ là xa xôi, hoang vu nhất. Nằm cách trung tâm xã 15km, giao thông vô cùng khó khăn, cách duy nhất để tới được bản Cọ là đi bộ, nhanh cũng phải mất gần ngày đường. Nếu đi xe máy thì lúc nào cũng phải sẵn sàng để "khênh" xe qua suối.

Chỉ vài năm trước, bản Cọ được xếp vào diện bản đói nghèo cần đặc biệt quan tâm của tỉnh Lạng Sơn, trình độ dân trí thấp. Người ta vẫn gọi đó là bản "bốn không": không điện, không đường, không trường, không người đến. Do nằm ở nơi hoang vu xa xôi, giao thông vô cùng khó khăn nên mọi hoạt động giao lưu với bên ngoài gần như không có. Nhiều người ở bản Cọ vì cuộc sống khó khăn đã tự ý vượt biên sang nước ngoài làm ăn.

Bản Cọ nhìn từ cột mốc số 7 biên giới Việt - Trung.

Cuộc di dân bất hợp pháp của người Tày, Nùng ở bản Cọ đã một thời thổi nóng dư luận. Cũng chỉ vài năm trước, bà con bản Cọ vẫn còn giữ trong mình vô vàn những hủ tục. Những thôn nữ 14, 15 tuổi đã lấy chồng, bồng bế con lớn, con nhỏ. Tập quán sinh nhiều con đã khiến nhiều gia đình chìm sâu vào đói nghèo. Những đứa trẻ ở bản Cọ sinh ra đã nép trong vách núi, con đường tới trường trở nên quá xa vời. Suốt bao năm, người dân bản Cọ chưa biết tới ánh sáng của dòng điện. Sự tù mù, tăm tối cứ thế bao trùm lên cuộc sống đói nghèo của bản vùng biên heo hút này.

Thế nhưng, hôm nay trở lại, cuộc sống ở bản Cọ đã đổi thay rõ rệt, "miền đất chết" đang từng ngày hồi sinh. Lác đác dưới suối là bóng dáng mấy đứa trẻ đang loay hoay ôm sách tới trường. Cái chữ đã tìm đến nơi này, dù còn nhiều gian nan. Điểm trường đặt gần bản Nà Pùng, cách bản Cọ tới 6-7km. Hàng ngày trẻ nhỏ vẫn phải đi bộ, leo rừng, vượt suối nửa ngày đường để tới trường.

"Có cái chữ bà con bản Cọ mới bớt khổ" - ông Dương Văn Ngâm, Bí thư xã Tân Minh nói với ánh mắt buồn rười rượi. Gia súc đã được nuôi nhốt ở chuồng riêng, không còn ở chung với người. Đồng bào Tày, Nùng đã biết cách làm nhà vệ sinh cách xa nhà để đảm bảo sạch sẽ. Trong lúc chờ ánh sáng của dòng điện, bà con cũng đã biết làm những chiếc thuỷ điện mini để thắp sáng.

Ông Triệu Văn Péo - Trưởng bản Cọ hồ hởi nói: "Bản Cọ bây giờ khác nhiều rồi. Bản mới được đóng điện 3 bữa nay, giờ nhà nào cũng xuống huyện mua tivi về xem. Dân bản Cọ đã biết xây nhà kiên cố để ở, không ở nhà lá tạm bợ nữa. Lúa nương nhà nào cũng đầy bồ. Trước thì đói lắm, dân không biết lấy nước từ con suối lên ruộng nên lúa chết. Giờ cán bộ khuyến nông đã tới giúp bà con cách làm thủy lợi, nên đồng ruộng lúc nào cũng xanh mướt, không còn nhà nào thiếu gạo nữa".

Từ năm 2007, trung đội công binh 576 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn) đã tới bản Cọ để làm công tác rà phá bom mìn. Tính chung từ 2007 cho tới trung tuần tháng 8-2009, đoàn công binh 576 đã giải phóng được 146 ha, làm sạch hoàn toàn các mốc 6, 7, 10, 11, giúp dân có đất sản xuất.

Trăn trở miền sơn cước

Để giúp bản Cọ hồi sinh, lực lượng Công an phụ trách xã cũng thực hiện phương châm "ba cùng" với bà con bản Cọ. Những chiến sĩ công an trẻ đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người Tày, Nùng ở đây. Công an đã hướng dẫn bà con cách ăn ở vệ sinh, giúp bà con làm đường sá, sân phơi, dạy chữ, khám bệnh… Thượng tá Nguyễn Anh Huấn - Trưởng Công an huyện Tràng Định cho biết: "Trước đây tình hình an ninh trật tự ở bản Cọ khá phức tạp do là địa bàn giáp biên. Từ ngày đẩy mạnh triển khai phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, lấy Tân Minh làm địa bàn điểm thì xã biên giới này đã bình yên".

Đồng bào bản Cọ đã không còn quay quắt vì thiếu ăn như trước nữa, nhưng dấu ấn về cái đói cái nghèo thì vẫn còn hiện hữu. Theo ông Trần Gia Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguồn sống chủ yếu của 37 hộ dân ở bản Cọ vẫn là nông nghiệp. Mặc dù gần đây bà con đã biết vận dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, cho năng suất cao hơn nhưng vì thiếu đất canh tác nên có tới hơn 2/3 số hộ ở bản Cọ vẫn nằm trong diện nghèo. Mấy năm gần đây, bản Cọ bắt đầu trồng cây hồi, thạch đen… để làm dược liệu. Năm nay thạch đen vừa được mùa vừa được giá (25 ngàn/kg) nên nhiều hộ đã sắm sửa được tivi, một số vật dụng trong nhà, cuộc sống đã khấm khá hơn.

Để bản Cọ không còn là "ốc đảo", trước hết cần một con đường. Thế nhưng ước muốn ấy xem ra vẫn rất xa vời bởi kinh tế địa phương còn khó khăn. Chừng nào, đường tới bản Cọ vẫn chỉ rộng bằng đường ngựa chạy, nhầy nhão đất đỏ mỗi khi mưa rừng, người đi vẫn phải xắn quần lội qua những con suối, chân tay trầy xước vì bị gai rừng cào xé… thì khi ấy "ốc đảo" bản Cọ vẫn sẽ là miền đất bị quên lãng

Hà Ly
.
.