Cơ quan Công an huyện nơi tâm bão

Thứ Bảy, 06/10/2007, 09:50
Trực chiến và giúp dân, đó là chuyện thường ngày của cán bộ, chiến sĩ Công an vùng bão đổ bộ. Kỳ Anh, huyện nghèo khó khép mình dưới dãy Hoành Sơn Quan thuộc phía Nam tỉnh Hà Tĩnh một lần nữa gồng mình trước bão.

Đêm tâm bão số 5 đổ bộ, trong dãy nhà chỉ le lói ánh sáng hắt ra từ đèn pin đặc chủng, chúng tôi trực chiến cùng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện.

Lần thứ hai trở lại Công an huyện Kỳ Anh cũng đúng lúc mưa trút gió gầm. Hai tháng trước, cơn bão số 2 đổ bộ vào địa phận này, tuy sức gió không mạnh nhưng mang theo những cơn mưa như giội nước xuống vùng trũng thấp suốt mấy ngày liền, gây đợt ngập lụt lịch sử.

Bây giờ, trở lại trụ sở ấy đúng thời điểm cực kỳ khốc liệt: tâm bão số 5 với sức gió mạnh cấp 11, 12. Gió rít. Và mưa. Mưa ào ạt.

Trước đó một ngày, nhận lệnh từ Ban Biên tập, chúng tôi "ém quân" tại TP Vinh vì các bản tin dự báo thời tiết đều cho rằng tâm bão số 5 sẽ "chọc" thẳng vào thành phố sầm uất này. Nhưng chỉ một ngày sau, dự báo trên lệch hẳn, vậy là chúng tôi tức tốc vượt trên 100km tới Kỳ Anh…

Kỳ Anh, 17h, trời sầm sập tối. Trước mắt, sau lưng, phải, trái, tứ bề phủ mưa ràn rạt.

"Trời, các chú vào với anh em giờ này răng, nguy hiểm lắm" - Thượng tá Lê Trọng Bính, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh thực sự bất ngờ, tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay đẫm nước mưa trên tầng 2 trụ sở. "Vào mau đi kẻo gió giật tung cửa" - anh nói rồi nhanh chóng khép cánh cửa gỗ ngay sau lưng chúng tôi. Bấy giờ tôi mới hình dung mình đã thoát hiểm như thế nào.

Đường từ TP Vinh vào TP Hà Tĩnh chưa có gì đáng nói, nhưng từ TP Hà Tĩnh vào địa phận Kỳ Anh, chiếc xe Matiz trở thành chú bé yếu đuối trong mưa gió sầm sập. Dù đã "nhồi" tới 5 người để tăng độ nặng nhưng xe vẫn như muốn bật ra khỏi mặt đường, tay lái nặng chịch, khó khăn lắm mới di chuyển đúng làn đường.

Gió tạt thẳng xuống mặt đường phẳng như lụa, đánh thốc từ gầm xe, hất tung ra phía ngoài từng cuộn gió khiến nhiều lúc bánh xe lệch chuẩn, chỉ chút xíu là lách xuống ruộng ngập nước.

Giờ đã nằm gọn trong trụ sở Công an huyện, anh em thở phào. Ba phần quân số Công an huyện đang túc trực tại địa bàn, bám khu dân cư, nhất là ở các điểm sơ tán dân. Số còn lại trực chiến tại đơn vị, sẵn sàng xông ra bất cứ khi nào có lệnh. 19h, đêm đặc đã giăng kín, điện cắt toàn bộ Hà Tĩnh.

Tiếng bộ đàm của Thượng tá Bính réo sóng. Bên kia giọng rè rè: "Báo cáo, tuyến đê biển đang bị đe dọa". Trong lúc này, một bộ phận lực lượng Công an, Quân đội đang theo dõi sát sao tuyến đê biển phía Bắc, nơi mà trước đó Thượng tá Bính đã có động thái linh hoạt khi chỉ đạo anh em sử dụng ngay vật liệu cát sỏi của công trình xây dựng cạnh đó gia cố khẩn cấp.

"Chủ công trình ban đầu sợ lấy cát sỏi không có giấy bàn giao sẽ khó đòi lại nên cố giữ. Tôi phải điện gấp về Huyện ủy đề nghị sử dụng trong tình huống khẩn cấp, sau sẽ thanh toán theo quy định" - anh nói.

Bộ đàm chưa dứt lại réo rắt vang. Tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Kỳ Anh báo rằng, bão đã tăng từ cấp 11 lên cấp 12, gió giật rất nguy hiểm, chuyện hiếm có đối với cơn bão khi tấn công đất liền. Ngoài đường không một bóng người bởi chỉ bước chân ra lúc này, gió sẽ hất tung.

Thượng tá Lê Trọng Bính nối bộ đàm sang UBND huyện. Tại đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Văn Thạch đang túc trực cùng lãnh đạo huyện, tất cả đều dùng đèn pin. Không thể yên lòng, anh gọi sang bộ phận đang túc trực tại trường học gần đó, nơi hàng chục người dân sơ tán tránh bão.

"Phải cho anh em nắm kỹ tình hình, không để trường hợp nào mất cắp hay gây xô xát" - anh đốc thúc qua bộ đàm. Trong thiên tai khốc liệt, căn phòng bé nhỏ vốn là phòng học, nay hàng chục người dân quây quần ấm cúng, không có sự lộn xộn đáng tiếc nào…

Các cửa phòng đóng kín, giằng bằng dây thép, thế mà gió vẫn giật tung hai cánh gần đó. Bỗng "rầm", điều kinh hoàng đã xảy ra ngay tại trụ sở Công an huyện: Gió giật tung toàn bộ mái tôn trên tầng 3 toà nhà, đánh vút lên không trung rồi quẳng xuống ruộng lúa cạnh đó. May mắn, biết trước nguy hiểm nên toàn bộ tầng 3 không có ai, tất cả đã di chuyển xuống tầng 2.

Chưa hết, chừng nửa tiếng sau, một tiếng động mạnh vang lên ngoài sân. Cột ăng ten dùng thu phát sóng bị gió bão bẻ gãy gục, đánh sập cả nhà chứa xe.

Tình thế nguy hiểm, Thượng tá Lê Trọng Bính yêu cầu tất cả bám chặt vị trí, một mặt anh liên tục dùng bộ đàm chỉ đạo các lực lượng đang ém quân tại các vị trí xung yếu và liên lạc thường xuyên về trụ sở UBND huyện, nơi Ban chỉ đạo phòng chống bão đang túc trực.

Gió bão đánh ồ ạt đến quá 12h đêm, tức sau 8-9 giờ quần thảo liên tục mới có dấu hiệu giảm. "Từ nay đến sáng, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ khu vực" - anh đôn đốc lực lượng tại chỗ và chỉ huy qua bộ đàm. Những chiếc đèn pin đặc chủng bắt đầu loá sáng.

Bên ngoài, cây đổ ngổn ngang chắn hết đường vào trụ sở. Bằng đôi dép rọ, anh em lách qua dãy cây đổ vượt ra ngoài. Các mũi quân tỏa đi kiểm soát khu vực.

Điểm đến đầu tiên sau bão của Thượng tá Bính là Bệnh viện Kỳ Anh nằm đối diện. Anh cần nắm ngay tình hình thương vong do bão dữ. Nhưng án ngữ phía trước cổng là cây xà cừ to tới hai, ba người ôm, đổ rạp kín đường. Hàng chục cây đại thụ khác trong khuôn viên bệnh viện cũng tróc gốc.

Lúc này Khoa Cấp cứu vẫn sáng đèn pin. Đã có nhiều người bị mái tôn, mảnh kính văng trúng vừa được chuyển đến. Trong số này, có 3 phóng viên báo ảnh, do say mê nghề nghiệp, muốn có tấm ảnh độc nên bị gió hất văng mảnh kính trúng người. 2 trường hợp khác bị cửa sổ bật khỏi bản lề va trúng đầu, băng bó gấp. Rất may không có ai thiệt mạng.

Gió đã bớt dữ nhưng mưa vẫn mạnh. Từ trụ sở UBND huyện, những mũi quân cũng tức tốc thị sát tình hình.

Kiểm tra tại nơi sơ tán dân, hàng chục người vẫn chưa hết kinh hoàng bởi ngay tại đây, mấy cánh cửa đã bị gió bẻ tung khỏi bản lề, hất văng cách đó hàng trăm mét. Nhiều cháu nhỏ ngủ say trong lòng mẹ, chúng không biết điều khủng khiếp ngoài trời vừa xảy ra.

Cạnh đó, những bóng sắc phục Cảnh sát sũng ướt khi anh em đã nhường cả áo mưa của mình cho người già. Bộ đàm ra tốp trực gần khu vực đê biển, được biết đê vẫn an toàn, anh em đều áo phao, canô để sẵn…

Sau bão, đêm vẫn vần vũ, đen kịt. Mưa vẫn nặng hạt thế. Quần xắn đến gối, dép rọ, đèn pin đặc chủng, Trưởng Công an huyện tiếp tục cùng chúng tôi đi tuần vào khu dân cư.

Nhà bà Thiêm đầu thị trấn đã đi sơ tán từ chiều, giờ ngôi nhà ấy hai mái bị hất tung, tường gạch phía Tây vỡ vụn. Thật may, lúc chiều nhà bà chủ quan không đi, chỉ khi anh em Công an đốc thúc tận nơi mới di dời. Không biết điều gì xảy ra nếu vừa rồi trong nhà có người.

Với cán bộ Công an huyện, gặp người dân lúc thiên tai thế này, có lẽ họ đã quen. Bởi thế, không chỉ người lãnh đạo mà cả chiến sĩ, khi vừa đến, nhiều người dân đã chạy ra thông báo sự tình rất nhanh.

Một ngày sau bão, tôi trở lại TP Hà Tĩnh để gửi bài này về Tòa soạn. Cả Kỳ Anh vẫn chưa có điện. Quê tôi người ta gọi quê bão, và tôi cũng từng có mặt tại những vùng bão lũ như thế này. Nhưng đây là lần đầu tôi nằm trong tâm bão mạnh cấp 11, 12 và trực chiến ngay tại trụ sở Công an huyện.

Ngày hôm sau, Công an tỉnh điều thêm hàng chục thanh niên tình nguyện tới đây để giúp dân khắc phục hậu quả. Một nhóm chiến sỹ Công an huyện vẫn miệt mài thu dọn cây đổ phía bên Bệnh viện huyện, kéo những gốc cây bật rễ ra khỏi vệ đường.

Kinh hoàng, đó là cảm giác trong bão. Nhưng lắng lại, tôi phải dùng từ cảm phục. Hình ảnh vị Trưởng Công an huyện quần áo ướt sũng, chân dép rọ, tay bộ đàm đốc thúc liên hồi. Rồi những chàng lính trẻ xông pha trong mắt bão, những ánh đèn pin lóa sáng.

Gió giật, mưa trút - hề chi. Với họ đó là chuyện thường tình giúp dân chống thiên tai. Trong lúc đó, phần lớn nhà của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Kỳ Anh cũng nằm giữa vùng tâm bão…

Đăng Trường - Xuân Thành
.
.