Chuyện về những người tham gia điều tra vụ án PMU18

Thứ Bảy, 02/09/2006, 08:52

Người thứ ba trong tổ chuyên án 420B thời kỳ đầu là một Thiếu uý. Anh phải tạm thời “lánh mặt” cô người yêu. Đêm thứ 7, tối chủ nhật nào chàng cũng “mất dạng” sau câu alô “anh phải đi công tác” khiến nàng giận dỗi, suýt chia tay vì nghĩ cậu có “bồ”!

Anh em trinh sát phòng 5 - C14, đơn vị xác minh ban đầu về chuyên án 420B và cũng là những người đã “mở nút thắt” về những tiêu cực tại PMU18 kể một chuyện có thật song... khó tin: Đi tìm sự thật trong “cái không thật”.

Số là chuyên án 420B khởi đầu từ một lá thư tố cáo nặc danh được gửi đến CQĐT Bộ Công an vào ngày 24/8/2005 sau đó được chuyển đến C14. Ngay từ đầu, Thiếu tướng Cục trưởng Phạm Xuân Quắc đã lường trước được muôn vàn khó khăn phát sinh từ chuyên án nhưng không ngờ ngay phút đầu tiên đã là trở ngại.

Ngoài phong bì lá thư tố cáo này, phần “Người gửi” có ghi hẳn một số điện thoại cố định mang mã vùng Hà Nội, dấu bưu điện gửi đi cũng từ một quận ở Hà Nội. Vậy nhưng khi gọi đến số điện thoại này để thiết lập một cuộc gặp gỡ thì chủ nhân của thuê bao lại là người không hề biết gì về lá thư và cũng khẳng định chưa bao giờ gửi thư cho CQĐT.

Qua thẩm tra, anh em trinh sát xác định chủ nhân số điện thoại nói trên không hề nói dối. Phải nói rằng, lúc đó những cán bộ lãnh đạo C14 không phải không có chút phân vân vì ngay động thái đầu tiên của các anh đã va chạm với một chuyện không hay: một số điện thoại... giả. Tuy nhiên, sự nhạy cảm nghiệp vụ đã cho Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc một dự cảm khác: Ông tin ở người quần chúng tốt bụng và vẫn quyết định giao cho các cán bộ phòng 5 bí mật xác minh những gì còn lại trong bức thư tố cáo xem sự thật đến đâu!

Thực tế sau này cho thấy đó là một quyết định sáng suốt: Vòi bạch tuộc của một đường dây cờ bạc, cá độ quốc tế siêu lớn do Bùi Quang Hưng điều hành đã “thò ra” như những gì bức thư nặc danh viết!

“Ép” người thân theo “nhịp sống”... của mình!

Kể từ đó, chiến sĩ trong đơn vị lao vào công việc. Ba cán bộ đầu tiên được trực tiếp giao nhiệm vụ bí mật trinh sát về đường dây thì có một người nhà ở cách Hà Nội gần 60 km,  phải chắt bóp tiền lương để thuê một căn nhà gần cơ quan với giá 600.000 đồng/tháng cho tiện đi về xác minh, họp án và... báo cáo án.

Có hôm họ tranh thủ về quê để sửa cho vợ con căn bếp dột nát thì nửa đêm bị điện thoại “dựng” dậy kêu lên gấp Hà Nội để tiếp nhận nguồn tin. Thế là phải nói khó với vợ, kêu chiếc taxi để đúng 1 tiếng đồng hồ sau có mặt ở trụ sở cơ quan.

Người thứ hai là một Thiếu tá nhiệt thành, đầy chất “lính hình sự” lăn xả trên những cung đường bám theo Bùi Quang Hưng, Bùi Tiến Dũng. Không có tiền “đánh án”, trong lúc công việc đòi hỏi gấp, anh phải ứng tiền túi ra thuê các phương tiện đi lại sao cho “giống” những tài xế taxi chở khách, sao cho phù hợp với vai trò một anh công nhân lái xe tải nhỏ chở vật liệu xây dựng... để trinh sát mục tiêu.

Người thứ ba trong tổ là một Thiếu uý đang tuổi thanh niên phải tạm thời “lánh mặt” cô người yêu. Đêm thứ 7, tối chủ nhật nào chàng cũng “mất dạng” sau câu alô “anh phải đi công tác” khiến nàng giận dỗi, suýt chia tay vì nghĩ cậu có “bồ”!

Sau này, khi hàng chục trinh sát khác được tung vào cuộc thì cũng lại là mỗi người một cảnh. Có trinh sát vợ đang mổ ở bệnh viện cũng phải gọi điện về Nam Định nhờ bà ngoại lên trông để đi làm nhiệm vụ. Có những nữ trinh sát mới lập gia đình, ông chồng trẻ không tránh khỏi nghi vấn khi thấy tối tối vợ mình lại sửa sang nhan sắc, son phấn lượt là, quần áo chỉnh tề rồi... cắp túi ra đi!

Dù sau này, những người thân của các anh, chị đều biết là vợ (chồng) mình đi trinh sát chuyên án PMU18 nhưng vào thời điểm đó thì khó tránh khỏi hoài nghi...

PMU18 - Những cuộc đấu trí cân não

Còn các ĐTV phòng 9, vấn đề không dễ chút nào là làm sao để đối tượng thừa nhận sự thật. Với những kẻ khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm như Bùi Quang Hưng, Bùi Tiến Dũng, Tôn Anh Dũng, Nguyễn Mậu Thôn, Nguyễn Văn Hồng và sau này là Nguyễn Việt Tiến... những cuộc đấu trí thực sự là những giờ phút cân não.

Một tháng trời ròng rã, các ĐTV vật lộn với Bùi Quang Hưng song gần như chẳng thể “mở miệng” được anh ta câu nào về đường dây cá độ liên quan đến các con bạc cộm cán vốn là các cán bộ Nhà nước đang tại vị. Hưng tin việc CQĐT không thể “sờ” được tới những “đại gia” này nên thậm chí cả khi ĐTV đã nắm được chi tiết việc cá độ từng ngày, từng trận của những nhân vật có tên tuổi như Dũng, Tiên, Bắc... Hưng vẫn tưng tửng rằng “Các chú bắt được cháu chứ không bắt được những người kia đâu!”.

 

Xét hỏi bị can Bùi Tiến Dũng.

Lúc đó quả là Hưng vẫn tin vào sức mạnh của quyền thế, sức mạnh của tiền tỷ! Chỉ đến khi lệnh bắt tạm giam Bùi Tiến Dũng và những “đại gia” liên quan được đặt trên bàn thì Hưng mới sụp đổ hoàn toàn và bắt đầu khai nhận khá thành khẩn. Thậm chí, Hưng còn gửi cả... một lá thư xin lỗi tới Thượng tá Đinh Văn Huynh, trưởng phòng 9 với lời lẽ rất lễ phép, tỏ ra ân hận về những phiền hà mà mình đã gây ra cho các ĐTV.

Đến lượt Bùi Tiến Dũng, đây cũng là một “bức tường rắn” mà các ĐTV C14 phải chinh phục. Ban đầu, Dũng nhất quyết “nói không” với mọi câu hỏi một cách rất ngang tàng. Hỏi về những ngày vắng mặt ở Hà Nội khi bị CQĐT triệu tập, Dũng trả lời nhát gừng: Đi công tác! Hỏi về 4 - 5 sim số “thần tài”, “tứ quý” cùng mấy chiếc máy điện thoại di động trước đây dùng ở đâu thì Dũng ngang nhiên bảo “Huỷ rồi!”.

Ban đầu trong tâm thức của Dũng vẫn nghĩ rằng C14 không có chức năng điều tra về các sai phạm kinh tế nên khi được các ĐTV hỏi về vấn đề này, gần như anh ta không chịu trả lời hoặc có trả lời cũng là với thái độ kẻ cả, ngạo mạn và cố tình tung hoả mù cho sai sự thật. Vậy nhưng, cuối cùng thì Dũng cũng phải cúi đầu nhận tội. Khi biết tin nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt tạm giam thì Dũng “đầu hàng” hẳn.

Cuộc chiến với các bị can “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “chạy án” cũng là chuỗi dài cực nhọc mà các ĐTV gặp phải. Một ĐTV từng tâm sự: những kẻ có tài sản hàng chục tỷ đồng như Nguyễn Mậu Thôn, Phạm Tiến Dũng, đầy tiền bạc và quyền thế như Tôn Anh Dũng, Nguyễn Văn Hồng khi chưa sa vào vòng tội lỗi sẵn sàng “ra giá” để được cứu. Đó chính là sự thử thách lớn với bản lĩnh của ĐTV, điều mà các anh phải vượt qua dù có thể cuộc sống vẫn còn rất nhiều kham khổ.

Chuyên án lớn về những tiêu cực ở PMU18 vẫn chưa khép lại thì cũng có nghĩa rằng những cuộc đấu trí cân não vẫn chưa kết thúc, những thách thức vẫn còn với mỗi thành viên Ban chuyên án, mỗi trinh sát, ĐTV

Chí Long
.
.