Chuyện tác nghiệp của Cảnh sát 113 miền núi

Chủ Nhật, 19/12/2004, 07:53

Trèo đèo lội suối vượt qua hàng chục km đường rừng mới tới được nơi đối tượng gây án; Không quản ngại nguy hiểm, lao vào chỗ lở núi để cứu dân. Đó là những nhiệm vụ mang nét riêng của những chiến sĩ Cảnh sát 113 tỉnh Yên Bái.

Hơn 3 năm hoạt động (từ tháng 9/2001 tới nay), các cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát 113 Công an tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận và xử lý kịp thời hàng nghìn tin báo. Điển hình là lần ra quân của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát 113 vào mùa mưa cách đây chưa lâu.

 

Lúc đó đã gần 0h, lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh nhận được tin báo ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái xảy ra sạt lở núi. Vừa điện báo cho Trung tâm 115 cử cán bộ tới hiện trường, các anh cũng vội vã lên đường. Đến nơi, núi vẫn tiếp tục lở, vùi những căn nhà ở sát mép ta luy. Một số người dân không chạy kịp nên đã bị bùn đất vùi lấp. Nếu để đến sáng, bùn đất sẽ cao lên thành núi, không thể tìm thấy những người mắc kẹt.

 

Kíp trực của Cảnh sát 113 gồm 6 đồng chí không quản nguy hiểm đến tính mạng đã lao vào chỗ lở núi để cứu dân. Trong lúc tìm kiếm, Đại úy Nguyễn Ngọc Quế - Đội trưởng Cảnh sát 113 và Thượng sỹ Đào Hải Nam đã bị núi lở đè đất lên người. Khi đồng đội kéo ra, từ đầu đến chân bám đầy bùn, bộ đàm bị rơi mất, nhưng các anh vẫn tiếp tục cùng nhân dân tìm kiếm những người mất tích.

 

Sau nhiều giờ đồng hồ, với những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sỹ Công an, thi thể hai bố con anh Trương Văn Hiếu đã được tìm thấy. Với vẻ mặt buồn bã, Đại úy Nguyễn Ngọc Quế tâm sự: "Chúng tôi đã gắng hết sức mình, chỉ tiếc rằng không thể làm nhanh hơn nữa để những nạn nhân xấu số ấy có cơ hội được cứu sống".

 

Trèo đồi, lội suối để giải quyết vụ việc

 

Chuyện cán bộ, chiến sỹ Công an phải trèo đồi, lội suối để giải quyết vụ việc có lẽ chỉ có ở miền núi. Vụ gây mất an ninh trật tự mà lực lượng Cảnh sát 113 đã ngăn chặn kịp thời xảy ra ở địa bàn hồ Thác Bà thuộc xã Mông Sơn, huyện Yên Bình là một ví dụ điển hình. Do nghi vợ ngoại tình, anh Giàng A. M. đã trói anh B. (hàng xóm) suốt gần một ngày trời và bắt người nhà anh B. phải đem 10 triệu đồng đến để chuộc.

Lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh đã vượt hàng chục km đường rừng để phối hợp với Công an huyện Yên Bình giải quyết. Sau nhiều giờ động viên, thuyết phục, đối tượng Giàng A. M. đã nhận ra sai lầm của mình, thả người bị trói.

 

Ở miền núi, mặc dù lực lượng phản ứng nhanh tại Công an các huyện cũng có, nhưng Cảnh sát 113 của tỉnh phải thường xuyên xuống huyện giải quyết công việc, bởi có lúc vụ việc xảy ra ở địa điểm nằm giữa trung tâm huyện và trung tâm tỉnh. Do đường quá xa, khi Công an huyện tới nơi, Cảnh sát 113 Công an tỉnh đã giải quyết xong.

 

Trung tá Hà Kim Phương, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái, bộc bạch: "Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên bổ sung cán bộ để có người ứng trực tại các chốt cả ở địa bàn trung tâm tỉnh và huyện mới giải quyết nhanh vụ việc".

Lực lượng Cảnh sát 113 miền núi cũng phải lao động với cường độ cao, khoảng 80 - 90 giờ/tuần, nhưng chế độ bồi dưỡng hàng tháng của mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ gần 70 nghìn đồng. Vậy nhưng, các anh vẫn luôn đảm bảo quân số ứng trực 100%, tiếp nhận và xử lý tin kịp thời, góp phần cùng các đơn vị giữ vững tình hình ANTT trên địa bàn

Anh Hiếu
.
.