Chuyện nhặt với "nghề" Công an ở vùng cao

Thứ Hai, 05/02/2007, 14:13
Đồn Công an Si Ma Cai nằm ngay dưới tán rừng cây sa mộc, quanh năm sương phủ trắng xoá. Làm Công an ở đó, ngoài những quân trang của ngành, anh em ai cũng phải tự sắm cho mình một đôi ủng và một bộ quần áo mưa dã chiến.

Có thể nói chẳng công việc gì lắm vất vả, nhiều hy sinh như “nghiệp” Công an ở vùng cao. Đến những nơi đầy rẫy cam khó ấy, chỉ có một lòng yêu tột cùng con đường mà mình đã lựa, thì họ - những chiến sỹ Công an được dân tin dân yêu mới trụ vững được trên quê hương thứ hai của mình...

Bây giờ Thượng tá Nguyễn Kim Thành đang làm Trưởng phòng An ninh văn hoá, Công an tỉnh Yên Bái. Tuổi đã cao nhưng anh bảo, anh như bị những bản làng xa xôi... bỏ bùa.

Như gã du mục, anh thích lang thang ở những nơi nhiều cam khó ấy. Anh bảo, đến những nơi ấy, anh sẽ hiểu và cảm thông với đồng bào hơn. Và, điều quan trọng hơn nữa, anh muốn chia sẻ những hiểu biết của mình để góp phần bé nhỏ giúp đồng bào xua đi tăm tối. Những chuyến thực tế ấy cho anh nhiều kỷ niệm. Và, những kỷ niệm ấy sẽ theo anh mãi trong suốt cuộc đời.

Thượng tá Thành nhớ nhất lần ngược lên xã Bản Mù, một xã khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu để cùng với đồng đội khám phá một vụ án giết người. Và, cũng chính từ vụ án ấy, anh đã tự nhủ rằng, còn sức còn phải cống hiến, còn phải lăn lộn với đồng bào để sự mê muội không là vật cản trên chặng đường tìm đến tương lai.

Khi ấy, năm 2001, anh làm Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh. Sau gần một ngày đường, đến nơi, anh được biết, nạn nhân là phụ nữ, tên Dê, tuổi trạc ngũ tuần. Nạn nhân bị bắn bằng súng tự chế ngay trên đường đi làm rẫy. Hiện trường vụ án đã được xoá sạch. Anh em phải lưu lại bản để điều tra.

Từ những ngày "ba cùng" với dân, anh đã phát hiện một thông tin quan trọng, trước đây, bà Dê vốn là một thầy mo được dân làng tín nhiệm. Trong xã, hễ nhà nào có việc hệ trọng gì thì đều mời bà về cúng ma. Đặc biệt, ở Bản Mù khi ấy, ai dù đau ốm đến đâu cũng rất ít người chịu xuống trạm xá hay đi bệnh viện, cứ mời mo Dê về cúng là "ưng cái bụng" lắm rồi.

Xét tất cả các mối quan hệ của mo Dê, thấy chỉ có hướng điều tra theo "nghiệp mo then" của nạn nhân là khả thi nhất, anh cùng đồng đội quyết định lần theo. Và, nhận định ấy đã hoàn toàn chính xác bởi vài ngày sau, anh nhận được tin báo, trước hôm bà Dê bị bắn chết, bà có đến cúng ma cho một gia đình người Mông ở trong xã. Gia đình ấy có cậu con trai duy nhất bị ốm, đã nhờ nhiều mo trong bản đến... đuổi con ma ác rồi mà bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm.

Bởi là một mo... cao tay nên bà Dê là người cuối cùng được gia đình mời đến. Thế nhưng, chỉ sau vài hôm mổ lợn tế lễ linh đình, cậu bé tội nghiệp trên đã mất.

Xót thương, gia đình cậu bé mất ăn mất ngủ và vô cùng căm phẫn kẻ đã "thả ma" hại con mình. Một buổi đi nương, chẳng biết nghe ai xúi bậy, bố của cậu bé về nhà với vẻ mặt đằng đằng sát khí. Ông nói với mọi người rằng, chính mo Dê đã thả ma để hại con mình, ông phải trả thù. Vậy là, ngay sau buổi lễ thử vật tế ấy, một kế hoạch trả thù đã được ông cùng với mấy người thân trong gia đình vạch ra.

Thượng tá Nguyễn Kim Thành kể, từ những chứng cứ không thể nào chối cãi, người cha đáng thương ấy đã bị bắt. Thế nhưng, tại cơ quan Công an, dù thừa nhận hành vi giết người của mình nhưng người đàn ông ấy vẫn khăng khăng khẳng định mình làm thế là... đúng.

Đường vào Si Ma Cai, huyện khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai nay đã đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều nhưng vẫn còn chông chênh, hiểm nguy lắm. Đồn Công an Si Ma Cai nằm ngay dưới tán rừng cây sa mộc, quanh năm sương phủ trắng xoá. Làm Công an ở đó, ngoài những quân trang của ngành, anh em ai cũng phải tự sắm cho mình một đôi ủng và một bộ quần áo mưa dã chiến

Trời lúc nào cũng thâm xìn xịt, mưa bụi giăng suốt ngày. Cả đồn Công an có duy nhất một chiếc xe U-oát, chỉ được trưng dụng khi có ai đó ra tỉnh họp, còn không thì cứ nằm chềnh ềnh một chỗ. Chẳng ai cần đến xe bởi đường liên thôn bản trong huyện chỉ có cách đi duy nhất là... đi bộ.

Gắn bó với nghề đã ngót hai chục năm, Thiếu tá Giàng Seo Hồ, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện bảo, anh không thể nhớ hết những chuyến đi của mình. Những chuyến đi cơ sở ấy, anh luôn cố gắng dành thời gian tối đa để phổ biến những kiến thức về pháp luật cho đồng bào.

Cũng như Thượng tá Nguyễn Kim Thành, với Thiếu tá Giàng Seo Hồ, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Vui có, buồn có. Tuy thế, có một kỷ niệm mà đến tận bây giờ, anh cũng không biết nên quên hay nhớ bởi mỗi lần nhớ lại, anh thấy lòng mình đau xót.

Lần ấy, giữa năm 2001, anh lặn lộn vào bản Khuôn Púng, xã Bản Mế để thăm hỏi gia đình Vàng Diêu Dìn, người vừa bị TAND tỉnh tuyên phạt 17 năm tù bởi tội hiếp dâm. Nhác thấy bóng anh, vợ của Vàng Diêu Dìn đã nức nở: "Cán bộ Hồ à, ruộng nhà tao không có ai cày nữa rồi. Cán bộ Hồ thả chồng tao về đi để cho nó còn cày ruộng chớ!". Trước những lời nài nỉ rất thật thà của vợ Dìn, anh chỉ biết im lặng dù lòng đầy thương cảm.

Có thừa sự say nghề, yêu nghề thì mới gắn bó được với vùng cao. Và, điều ấy, theo lời Thượng tá Nguyễn Kim Thành, sẽ giúp anh và tất cả những đồng chí đang coi vùng cao là quê hương thứ hai của mình vững vàng cùng đồng bào đá mềm chân cứng vượt qua cam khó, nhọc nhằn

Thanh Đào - Lâm Ngọc
.
.