Chuyện người Công an có biệt tài trị Ma lai

Thứ Bảy, 17/09/2005, 07:16

Ông M.T. ở buôn Ma Giá, xã Suối Trai tuy là một người có uy tín, nhưng đầu óc vẫn chưa dứt khỏi được những quan niệm mê tín. Một hôm, ông tìm bà M.D., chỉ mặt bảo: “Mày là Ma lai. Mày “thổi bụng” con tao nên nó mới sưng thành cái trống như vậy”. Người đàn bà bị hàm oan cãi: “Tao không phải Ma lai. Không tin, mày cứ theo phong tục “xông kẹp” tao đi!”. M.T. đi mời ngay già làng và gọi họ hàng tới chứng kiến việc bắt Ma lai.

Nước da ngăm đen, dáng đi lúi cúi, cả tay chân lẫn giọng nói đều chắc nịch, toàn bộ con người anh đều toát ra một vẻ chất phác, dễ gần. Đó là Lê Mạnh Hùng, Thiếu tá Đội trưởng Công an phụ trách xã, Công an huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, người được đồng bào phong là “Dũng sĩ diệt Ma lai”. Anh là một người con của dân tộc Chăm H'Roi, sinh năm 1951, quê ở buôn Suối Trưởng, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân. Năm 1968, anh tham gia cách mạng trở thành một chiến sĩ giao liên ngay tại xã nhà. Trong một chuyến đưa thư, Hùng bị một mảnh pháo tiện gãy 3 xương sườn. Không có bệnh viện, địch lại càn liên tục, anh phải hái lá rừng nhai đắp, tự chữa lành vết thương, sau đó thoát ly luôn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hùng được đưa đi học bổ túc, đến tháng 3/1979 được phân công về Công an huyện Tây Sơn. Sau này, Tây Sơn tách thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, anh vẫn được giữ lại công tác ngay tại vị trí cũ ở Sơn Hòa cho đến bây giờ.

Theo phong tục, đồng bào dân tộc vẫn gọi anh theo tên con trai là ama Sơn. Anh em trong đơn vị thì bảo anh là già làng của... Công an huyện. Ở huyện miền núi xa xôi này, anh là một cán bộ uy tín, tận tâm, rất am hiểu phong tục, thói quen của đồng bào các dân tộc Êđê, Bana, Chăm H'roi...

Miền tây Phú Yên đất rộng người thưa. Bóng đêm của những truyền thuyết rùng rợn về Ma lai vẫn còn là những nỗi ám ảnh trĩu nặng trên khắp các buôn làng nằm sâu giữa núi rừng. Đồng bào cho rằng có hai loại: Ma lai “dòng”, do trời sinh, truyền đời vĩnh cửu theo mẫu hệ và Ma lai “tớp” do người thường muốn nên học, luyện hoặc mua mà có. Khi bị người nào làm phật ý, hồn Ma lai sẽ thoát xác biến thành con chim, con hổ chui vào đầu, vào bụng ăn tim, ăn óc người mà nó ghét, khiến cho nạn nhân bị đau đầu, đau bụng mà chết. Những người vào rừng săn bắn bị hổ vồ, gấu tát, đồng bào cũng cho là họ bị Ma lai bắt.

Ông M.T ở buôn Ma Giá, xã Suối Trai tuy là một người có uy tín, nhưng đầu óc vẫn chưa dứt khỏi được những quan niệm mê tín. Một hôm, ông tìm bà M.D, chỉ mặt bảo: “Mày là Ma lai. Mày “thổi bụng” con tao nên nó mới sưng thành cái trống như vậy”. Người đàn bà bị hàm oan cãi: “Tao không phải Ma lai. Không tin, mày cứ theo phong tục “xông kẹp” tao đi!”. M.T đi mời ngay già làng và gọi họ hàng tới chứng kiến việc bắt Ma lai. Bà M.D bị bắt trói, đánh đập và cùm chân vào dưới sàn nhà cạnh vị trí đặt các thạp nước. Cả làng đều tán thành việc bắt Ma lai nên Công an xã không dám can thiệp, phải báo lên huyện.

Đêm đó trời bão, mưa như trút nên các con suối đều ngập nước và chảy xiết. Sợ nạn nhân chết không kịp cứu, Lê Mạnh Hùng và Đội trưởng Đội An ninh Đặng Tốt đã dũng cảm cắt rừng vượt suối đội mưa đi suốt đêm. Thấy hai cán bộ Công an ướt như chuột lội xuất hiện, M.T hồ hởi: “Luật pháp đến rồi. Cán bộ chứng kiến xông kẹp nhé!”. Lúc này, bà M.D bị đánh sưng vù mặt mũi đã ngất xỉu. Lê Mạnh Hùng yêu cầu M.T “mở trói, đưa bà M.D đi cấp cứu, việc Ma lai để tôi lo”. Tôn trọng cán bộ nên M.T và cả dòng tộc đều chấp hành. Bà M.D thoát chết trong gang tấc. Chỉ một chút nữa thôi, người nhà ông M.T sẽ chặt  một cây Chà rang tươi, bào lấy dăm trộn ớt bột đốt chung trong một chậu than trùm mền bắt nạn nhân xông. Sau khoảng một tuần hương, nếu nạn nhân vẫn không chảy nước mắt thì dù đã chết, họ vẫn bị coi là Ma lai. Nếu chảy nước mắt nhưng vẫn chưa chết, bà M.D sẽ phải trải qua công đoạn kẹp. Người ta sẽ chặt hai cây cóc gai kẹp siết hai ống quyển nạn nhân, vừa cúng vừa siết thật mạnh từ mắt cá lên đến đầu gối. Khi bị kẹp, nếu là Ma lai, cóc nhái sẽ chui từ đầu gối nạn nhân phóng vọt ra!

Lẽ tất nhiên chẳng nạn nhân nào không nổ cả tròng mắt sau khi xông, cũng chẳng thể có cóc nhái nào phóng ra từ đầu gối sau khi bị kẹp. Nhưng chắc chắn, sau những phép thử tàn bạo ấy, nếu không chết, những người bị nghi là Ma lai cũng tàn phế suốt đời. Nếu bị nghi là Ma lai “dòng”, cả gia đình nạn nhân sẽ bị bắt, có khi cả chục người một lúc nhốt chung trong một cái cũi nhưng chỉ có một người bị chọn xông kẹp để quyết định số phận cho tất cả. Những người còn lại sẽ bị  buộc phải chứng kiến nghi thức xông kẹp người thân một cách đau đớn, cùng cực.--PageBreak--

Giải cứu bà M.D xong, hai cán bộ Công an mới có thời gian tìm hiểu nguyên nhân của mối nghi ngờ. Cô con gái của M.T bị bệnh xơ gan cổ trướng, lập tức được họ đưa đi bệnh viện. Con gái khỏi bệnh, M.T thừa nhận việc làm sai trái, chịu đền bù thuốc men cho bà M.D và chịu kiểm điểm trước bà con buôn làng. Tuy nhiên, đầu óc mê tín vẫn chưa sáng ra toàn bộ. Ông ta bảo: “Bác sĩ cao hơn, bắt được Ma lai nên bụng con mình mới hết sưng chớ”.

Không hiểu được các quan niệm, không tường tận những truỵền thuyết thì làm sao có thể tuyên truyền giải thích cho đồng bào nghe và chịu hiểu ra. Nghĩ vậy, Lê Mạnh Hùng đã bỏ rất nhiều thời gian công sức, tìm đến rất nhiều già làng, người cao tuổi của các dân tộc để tìm hiểu cặn kẽ những góc khuất đời sống tâm linh của đồng bào. Ngoài cách xông kẹp, người Êđê còn có một phương pháp thử kinh khủng hơn: nấu lỏng chì đổ vào hai lòng bàn tay nghi can. Người nào không bỏng, không thủng tay thì đó đích thị là Ma lai! Không rùng rợn bằng nhưng “phương pháp” của người Bana và người Chăm H'Roi cũng lạc hậu và bạo lực không kém. Kẻ bị  nghi là Ma lai sẽ bị trói cùng với một ché rượu cần loại thật ngon để cho người khác cáng đi trong nghĩa địa. Vừa bị trói và cáng đi,  kẻ bị nghi vừa phải ngậm cần uống kỳ hết ché rượu. Những ai có tửu lượng như Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng chắc chắn sẽ bị kết án tử, bởi chỉ Ma lai mới có thể uống sạch cả ché rượu vẫn không say!

Hủ tục, lạc hậu và những quan niệm mê tín luôn đồng hành cùng cuộc sống đói nghèo. Thời chiến tranh, những quan niệm ấy vẫn tồn tại nhưng lòng dân đi theo kháng chiến còn ít so đo, những tranh chấp, nghi kị ít có dịp được thể hiện. Thời bình, không còn mối lo giặc giã, gánh nặng áo cơm, ốm đau bệnh tật chi phối toàn bộ cuộc sống, những tranh chấp tất yếu sẽ nổ ra, đó chính là cơ hội tốt cho những quan niệm sai lầm và hủ tục lạc hậu sinh sôi nảy nở. Pháp luật có thể giải quyết, ngăn chặn được từng vụ việc cụ thể nhưng không thể thuyết phục được đồng bào hiểu ra sự thật, nếu việc thuyết phục, giải thích không đi kèm với việc giải quyết những nhu cầu bức xúc trong chính đời sống thường nhật của đồng bào. Ông đánh giá: “Trong việc trừ Ma lai, ngành Y tế có công to nhất”.

Vụ kinh khủng khó khăn nhất xảy ra năm 1998 tại buôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định. Mới 17 tuổi, Lê Mô Thị Hoa, con gái ông Ma Kham đã có chồng, sinh con. Thiếu hiểu biết, không lo lắng gì chuyện kiêng cữ, vệ sinh kém, ăn uống lại thiếu thốn, bà mẹ trẻ bị sa dạ con. Ma Kham bắt một con gà trống cúng, gọi đích danh tên bà Lê Mô Hờ Trích là Ma lai, khấn mời Ma lai về ăn gà và tha cho con mình. Bệnh con vẫn không khỏi, Ma Kham lại vật tiếp một con lợn, tiếp tục cúng mời Ma lai về ăn. Bệnh tình Lê Mô Thị Hoa ngày càng trầm trọng hơn. Ma Kham tìm đến tận nhà chỉ mặt bà Lê Mô Hờ Trích đe dọa: “Mày là con Ma lai cái. Tao đã cúng cho mày ăn một con gà, một con lợn mà mày vẫn không chịu tha con gái tao, tao sẽ giết mày”. Y Pha, con rể Ma Kham cũng cầm dao đến nhà bà này đòi mổ bụng, moi ruột nạn nhân đòi lại... dạ con cho vợ. Quá sợ, bà Hờ Trích đã liên tục đi mời họ hàng về can thiệp.

Trong nhiều ngày liền, Lê Mạnh Hùng phải đi lại như con thoi, điều tra thuyết phục cả đôi bên, vừa chỉ đạo Công an xã tập trung ngăn chặn những kẻ kích động gây rối loạn, đồng thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền, y ban Mặt trận xã, huyện để vận động dân làng. Khi tình hình trở nên quá căng thẳng, anh đã phải đích thân giải vây cứu bà Hờ Trích, đồng thời nhanh chóng điều tra và bắt giữ kẻ kích động đưa ra kiểm điểm trước buôn. Đến lúc đó, cha con ông Ma Kham mới chịu nhìn nhận sai lầm và công khai xin lỗi bà Hờ Trích, có sự ghi nhận của đông đảo nhân dân và được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện quay camera làm bằng chứng! Cũng như nhiều lần trước và sau đó, công việc tiếp theo lại vẫn là tổ chức đưa con gái Ma Kham vào bệnh viện.

Cùng với Ma lai, quan niệm sai lầm về tục cầm đồ thuốc độc cũng gây xáo trộn an ninh ở rất nhiều buôn làng. Không ai dám khẳng định mình từng chứng kiến sự tồn tại của thuốc độc, nhưng dù là người  Êđê, Bana hay Chăm H'Roi thì cách giải thích giống nhau. Đồng bào cho rằng những kẻ có dã tâm thường lấy ria mép hổ bỏ vào nách những mụt măng, từ đó sinh ra những con sâu ngải. Đem những con sâu này về nuôi, cho ăn cơm, thịt gà, kẻ nuôi thuốc độc sẽ làm ăn khấm khá. Nhưng trong vòng ba năm, nếu thuốc độc không giết được ai thì nó sẽ giết chết chính một thành viên trong gia đình người nuôi nó. Hiểu biết kém, cứ hễ trong gia đình có người đau ốm, bệnh tật gì, bà con lại nghi ngờ và cố tìm cho ra ai đó bỏ thuốc độc hại mình để bắt đền. Bị thương hàn không khỏi, Ma Nguôn ở buôn Ma Đao, xã K'lúi dứt khoát khăng khăng tin mình bị một người anh em bạn gì là Ma Phởi  ở buôn Ma Nhe bỏ thuốc độc. Năm 2000, một người bị bệnh lao sắp chết ở xã Krông Pa, giáp tỉnh Gia Lai cũng khẳng định với cán bộ xã là có kẻ trong buôn bỏ thuốc độc anh ta. Khi những thông tin vụ việc được báo về Công an huyện, người được cử đi giải quyết luôn luôn là Thiếu tá Lê Mạnh Hùng.--PageBreak--

Đã quá đủ kinh nghiệm, thay vì mang theo Lực lượng Công an với còng và súng, người đội trưởng hình sự lại mời theo một bác sĩ. Hầu như không có cảnh cưỡng chế hay xung đột, các vụ việc thường được giải quyết song song, Lê Mạnh Hùng tuyên truyền, giải thích, vận động còn người bác sĩ thực thi trách nhiệm chữa bệnh cứu người của mình. Được chữa lành, cả Ma Nguôn lẫn bệnh nhân lao ở Krông Pa đều xin rút lại ngay mối nghi ngờ và quên luôn dự định lặn nước chứng minh với đối thủ mà họ từng nghi.

Theo tập tục, gần như mọi mối nghi ngờ hay sau khi bị xúc phạm, cần minh định đúng sai, thua được, cả người tố cáo lẫn kẻ bị tình nghi đều phải lặn nước thi với nhau. Một cây gỗ dài sẽ được buộc ngang cổ cả hai người. Sau đó, cả hai sẽ dìm nhau xuống một khúc sông ngọn suối nào đó để “lặn thi”. Ai hụt hơi phải trồi lên trước, kẻ đó bị coi là kẻ sai quấy hoặc thua cuộc, phải bồi thường danh dự cho kẻ thắng. Nếu bị nghi ăn cắp con bò, anh ta phải bồi thường một con bò. Bị nghi ngoại tình với vợ người khác thì còn khổ hơn nữa, buộc đền thứ gì cũng phải nhắm mắt nghe theo, không chỉ tốn kém mà danh dự bị hoen ố không cách nào tẩy rửa được. Không chỉ tốn kém, có lúc cả người bị nghi oan lẫn kẻ thách đố đều vì danh dự không ai chịu trồi lên, mất mạng chứ chẳng chơi.

Hơn 1/4 thế kỷ, Lê Mạnh Hùng đã giải quyết không biết bao nhiêu vụ việc đầy phức tạp như thế, giành giật lại sự sống, danh dự cho không biết bao nhiêu người. Hỏi, anh cười: “Nhớ làm sao nổi”. Nhưng theo một bản báo cáo thành tích của anh mà tôi may mắn thu thập được thì chỉ tính riêng trong 5 năm từ 1994 đến 1999, Lê Mạnh Hùng đã trực tiếp tham gia giải quyết 57 trường hợp gồm cả Ma lai, thuốc độc và hủ tục lặn nước..

Vụ cuối cùng mà Thiếu tá Lê Mạnh Hùng phải giải quyết diễn ra vào đầu năm 2004. Kpă Thao đi nuôi con bị tai nạn giao thông gặp một người họ hàng đi nuôi chồng bị sốt rét ở bệnh viện huyện. Hai người nhận họ hàng, Kpă Thao mời người bà con một điếu thuốc. Về nhà, người đàn bà bị sốt viêm gan siêu vi trùng, cứ đổ riệt cho Kpă Thao bỏ thuốc độc trong thuốc lá, nhờ một người cậu chở mình lên nhà Kpă Thao bắt đền mạng, nếu không thì phải lặn nước. Kpă Thao bảo đồng ý nhưng hoãn binh: “Mày cứ đưa cháu về, tao xử sau. Con tao đang ốm”. Hai cậu cháu nhà kia đưa nhau về, Kpă Thao báo ngay vụ việc cho chính quyền. Hôm sau, thay vì lặn nước, người đàn bà kia được Kpă Thao và Lê Mạnh Hùng đưa đi bệnh viện.

Nói chuyện về Thiếu tá Lê Mạnh Hùng, cả Bí thư Huyện ủy Trương Phước Cường lẫn  Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an huyện Sơn Hòa đều gọi anh là “pho từ điển sống về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Sơn Hòa”. Anh bảo: “Với phong tục của đồng bào, cho dù là hủ tục cũng thế, chỉ ngăn chặn thôi là hỏng hết. Phải biết dung hòa, thay đổi từ từ, đồng bào mới phấn khởi, ưng cái bụng”.

Hòa giải xong vụ thách lặn nước giữa ông Ma Liên ở xã K'lúi và ông Ma Cao, xã Suối Trai, một vấn đề mới lại nảy sinh. Với đồng bào, dù đúng sai, thua thắng đã phân thì cũng phải có một bữa rượu nhận lỗi, mọi mối hiềm khích mới chính thức được xóa. Lệ cũ bắt phải đập bò, mổ lợn và ít nhất khui một ché rượu cúng tạ ơn giàng và mời người phân xử. Được anh giải thích, vận động, bên thắng chấp nhận hạ giá: "thay con bò bằng một... đĩa mồi trị giá 100.000đ. Ché rượu cũng được đổi mới bằng một sọt (két) bia. Uống nửa chừng, thấy vui quá, bên thắng tự dưng nổi hứng xin ”góp vui”... 3 sọt nữa, nhưng dứt khoát... “ký sổ, sang năm trả”. Ngăn không được, lại e cuộc hòa giải kết quả không trọn vẹn, Hùng bất đắc dĩ lại phải “nhận trách nhiệm” cho khoản “góp vui” này.

Đi theo Cách mạng từ hồi “chưa lớn hẳn” giờ đã thành Ma (cha), thành  Oi (ông), cả đời gắn bó với Lực lượng Công an và mảnh đất Sơn Hòa. Anh bảo, bây giờ anh đã “sắp hoàn thành nhiệm vụ”. Vợ đau ốm quanh năm, toàn bộ cuộc sống gia đình chỉ nhờ vào suất lương eo hẹp của mình anh. Đã thế, Hùng còn phải cưu mang giúp đỡ thêm cho bà con, dòng họ, cũng còn nghèo khó, hẳn là cuộc sống của Hùng và gia đình phải vất vả lắm.  Dù vậy, anh vẫn vui, luôn luôn vui. Dù sao thì những đứa con, đứa cháu  của Hùng  cũng đang được lớn lên trong ánh sáng văn minh, đúng như anh từng ao ước và phấn đấu. Nhắc đến hai đứa cháu nội, Hùng lại cười, nụ cười hiền lành và thân thiện.

Hùng lại lôi bịch thuốc rê ra, lại quấn một điếu sâu kèn to như ngón tay cái và nheo mắt rít những hơi dài...

Hồng Lam - Hữu Toàn
.
.