Chuyện ghi ở Cô Tô

Thứ Sáu, 08/09/2006, 08:34

Mấy lần anh em định nhảy lên tàu đối phương thì đều bị những cơn sóng to hất lại. Đến lần thứ 5, Đại úy Toàn - một trong những trinh sát lão luyện của đội xung phong nhảy trước. Mọi người trong đội nối theo nhảy ào ào lên.

Sẩm tối, chúng tôi vừa trở về Cô Tô lớn thì gặp mấy anh em chiến sĩ đang giải quyết một vụ tai nạn giao thông. Thật may đó chỉ là một va chạm nhẹ giữa một người điều khiển xe máy say rượu va vào một người đi xe đạp cùng chiều. Vụ việc đã nhanh chóng được giải quyết qua sự phân tích có lý, có tình của các chiến sĩ công an giao thông. Các đối tượng vừa giải tán thì chúng tôi lại nhận được tin có một vụ xô xát ở khu 3, thị trấn Cô Tô. Anh em trong đội hình sự lại lập tức lên đường.

Tôi mang câu hỏi lúc đặt chân lên đảo hỏi đồng chí Lê Mạnh Hùng - Thượng úy, Đội trưởng Đội An ninh kiêm Tham mưu tổng hợp. Hùng là người đã gắn bó với Cô Tô lâu nhất trong số các cán bộ, chiến sĩ ở đây với 9 năm liền. Anh bảo: “Mình cũng không biết rõ về vấn đề này lắm. Nhưng Bác ở đây “linh” lắm nhé. Thường trước mỗi chuyến công tác quan trọng, anh em lại đến thắp hương, mong Bác phù hộ. Và quả thật là hầu như lần nào cũng thành công”.

Hùng kể cho tôi nghe về một vụ bắt ma túy điển hình trong số ít những vụ án ma túy được phát hiện trên huyện đảo. Khoảng đầu năm 2004, qua thông tin quần chúng cho biết có một số đối tượng trên đảo thường xuyên tụ tập tổ chức sử dụng ma túy trái phép. Một đêm tháng 5/2004, trời không một gợn gió, không khí oi nồng cả ngày khiến cho con người cảm thấy bức bối. Được biết hôm đó Tuấn sẽ giao hàng cho một đối tượng tại khu cầu cảng, Hùng lập kế hoạch mai phục.

Phải nói thêm rằng khu cầu cảng là nơi khá thuận lợi để đối tượng buôn bán chất ma túy hành động. Bởi nó vốn rất trống trải, bọn tội phạm có thể dễ dàng phát hiện ra lực lượng tuần tra ngay từ xa và cũng rất dễ phi tang vật chứng xuống biển. Hơn thế, lực lượng điều tra an ninh - Công an huyện thì cả thị trấn đều “nhẵn mặt” nên không thể sử dụng được các biện pháp nghiệp vụ thông thường.

Buổi sáng hôm ấy, Hùng phải lập kế hoạch nghi binh, lên tàu về đất liền. Trong chuyến tàu ấy, Hùng cũng gặp Tuấn ra bến tàu lấy thịt chó về bán, hắn còn biếu anh một quả dừa để giải khát. Sau khi tàu nhổ neo được 30 phút, lập tức Hùng xuống con xuồng đơn vị đã chuẩn bị sẵn, quay ngược về Cô Tô.

Đêm ấy, chắc mẩm cán bộ “đinh” về chống ma túy của huyện đảo đang ở đất liền, tên Tuấn hẹn đối tượng nghiện ra cầu cảng để giao hàng. Khi cuộc mua bán đang diễn ra thì Đội An ninh của Công an huyện đã có mặt và khống chế toàn bộ các đối tượng. Tra tay vào còng, Tuấn không thể ngờ trong số người bắt mình lại vẫn có mặt Hùng “con”.

Bên cạnh việc bảo vệ an ninh, trật tự trên đất liền, công tác bảo đảm an toàn tuyến biên giới biển (dài tới gần 200km) cũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ án buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến vận chuyển đường biển thuộc hải phận Cô Tô đã bị triệt phá.

Đại úy Phùng Ngọc Toàn - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính, đồng thời cũng là một con “sói biển” lão luyện kể cho tôi nghe về các vụ đấu tranh chống tội phạm trên biển.

Khoảng 16h ngày 1/1/2006, đội tuần tra phát hiện có một tàu khả nghi chạy từ ngoài khơi xa tiến sâu vào hải phận Việt Nam. Ngay lập tức, phương án bắt giữ được triển khai. Một tổ công tác gồm 4 đồng chí xuống xuồng máy đuổi tới sát tàu lạ. Các đối tượng trên tàu nước ngoài phát hiện ra lực lượng tuần tra liền tăng tốc bỏ chạy. Sau hơn một giờ truy đuổi, xuồng tuần tra của các chiến sĩ công an đã áp sát tàu nước ngoài.

Bằng những biện pháp nghiệp vụ nhanh gọn, con tàu ngay lập tức đã nằm trong sự kiểm soát của ta. Qua kiểm tra sơ bộ, ta phát hiện con tàu không mang số hiệu nước ngoài, do 2 đối tượng là người nước ngoài điều khiển chở 15.823 lít dầu diesel không rõ xuất xứ được vận chuyển từ nội địa Việt Nam ra hải phận quốc tế. Con tàu này đã được đưa về cảng Cô Tô, tiếp tục xử lý theo luật pháp.

Sau khi bàn giao các đối tượng và phương tiện cho đội nghiệp vụ giải quyết, đội tuần tra lại tiếp tục lên đường bởi các anh nhận được một thông tin hết sức quan trọng là có một số phương tiện tàu nước ngoài chuẩn bị vận chuyển một số lượng hàng lậu rất lớn qua đảo Cô Tô có thể sẽ đi qua vùng biển Cô Tô. Một cuộc chiến đấu mới được tiếp tục...--PageBreak--

Ròng rã những ngày đêm thức trắng chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với cái gió lạnh buốt giữa biển cả mênh mông, ngày 14/1/2006, rađa của đội tuần tra đã phát hiện một con tàu đang di chuyển vào lãnh hải Việt Nam. Tại khu vực kinh độ 20 độ Bắc, vĩ độ 68 độ 5 phút (thuộc khu vực gần đảo Trần) bằng mắt thường, anh em trong đội trông thấy một con tàu lặc lè tiến vào hải phận nước ta. Anh em nhanh chóng lên xuồng máy đuổi theo, đến 23h thì tiến sát mạn tàu mà chủ tàu không hề hay biết.

Tuy nhiên, mấy lần anh em định nhảy lên tàu đối phương thì đều bị những cơn sóng to hất lại. Đến lần thứ 5, Đại úy Toàn - một trong những trinh sát lão luyện của đội xung phong nhảy trước. Mọi người trong đội nối theo nhảy ào ào lên. Bằng những động tác nhanh gọn, các nhân viên trên thuyền đã bị khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên, một tên còn kịp phá hỏng máy móc trên tàu để kéo dài thời gian đưa tàu về đảo. Nhưng chúng không ngờ rằng trong đội tuần tra có đồng chí Khai là một thợ sửa máy tài tình. Chỉ độ một giờ sau là chiếc tàu vừa bắt được lại chạy “ngon trớn”.

Qua kiểm tra, các anh phát hiện tàu mang số hiệu QN- 2756 do Vũ Văn Giáp (35 tuổi), trú tại An Hưng, Yên Hưng, Quảng Ninh làm chủ đã chở trái phép gần 3.000kg pháo lậu các loại định mang vào đất liền tiêu thụ. Tuy nhiên, số pháo này đã được ngụy trang rất khéo bằng 800 ngàn vỏ chai. Khi được yêu cầu kiểm tra, Giáp khai tàu chỉ chở chai lọ các loại để bán cho một xí nghiệp nước ngọt tại Hải Phòng cùng 10 đầu máy hơi nước cộng với 200 cục gạch men.

Giáp cũng tìm cách mua chuộc cán bộ chiến sĩ bằng cách nếu anh em bỏ qua cho đi sẽ biếu đội vài chục triệu “tiền tươi”. Song các chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết kiểm tra. Phát hiện có pháo lậu, anh em lập tức lập biên bản đưa tàu cập đảo để xử lý. Khi tàu gần về tới đảo, Giáp vẫn cố “vớt vát” bằng cách hứa sẽ biếu cán bộ 300 triệu đồng, đổi lại việc tàu của chúng sẽ được đi qua. Nhưng tất nhiên chúng không thể mua chuộc nổi. Xuyên màn đêm đến 6h sáng ngày 16/1/2006, tàu của chúng ta đã đưa tàu buôn lậu cập cảng Cô Tô.

Không chỉ có các cán bộ, chiến sĩ công an trên huyện đảo mà bà con cũng thường xuyên đến dâng hương tại tượng đài Bác với tấm lòng thành kính.

Bốn ngày ở Cô Tô, tôi đi cũng nhiều và hỏi thăm cũng không ít mà chưa nghĩ ra lời giải thật “đắc địa” cho câu đố của đồng chí Trình, rằng đảo có gì đặc biệt? Sáng hôm thứ năm, trời còn mờ tối, tôi lặng lẽ đi ra bờ biển, ngồi xuống một bệ đá cạnh chân tượng đài Bác để suy nghĩ về câu hỏi ấy. Bỗng tôi thấy một bàn tay chạm nhẹ vào vai, quay lại thì gặp nụ cười hiền của đồng chí Trình: “Vẫn chưa nghĩ ra cơ à?”. Sau khi nghe tôi nói lại những điều thu thập được, anh kéo tôi đứng dậy và chỉ.

Điểm đặc biệt ở chỗ Cô Tô chính là nơi duy nhất Bác Hồ cho phép dựng tượng toàn thân khi Người còn sống. Với tư thế quay mặt ra biển và giơ cánh tay lên chào, Người muốn thay mặt nhân dân Việt Nam thể hiện mong muốn được làm bạn với bạn bè năm châu bốn biển.

Rời Cô Tô, hình ảnh tôi nhớ nhất là chiến sĩ Hà Quang Tân vui mừng như đứa trẻ khi nhận được một cánh thư từ đất liền gửi ra. Trên đường đưa tôi ra cầu cảng về đất liền, khi thấy một người đi xe trái đường, Tân liền dừng xe lại, kịp thời nhắc nhở bà con phải đi đúng luật giao thông. Tôi thầm nghĩ, phải chăng bằng từ những việc rất nhỏ như vậy đã giúp các chiến sĩ công an trên đảo có thể giữ bình yên cho một quần đảo phên giậu của Tổ quốc, thực hiện được nguyện vọng của Bác Hồ khi người ra thăm Cô Tô!

Minh Tiến
.
.