Chúng tôi đi săn "cát tặc"

Thứ Hai, 26/09/2011, 15:32
Đã rất nhiều lần được hẹn và lại lỡ hẹn với lực lượng Cảnh sát đường thủy tuần tra và đấu tranh với đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép, nên lần này dù phải xuất kích từ nửa đêm và địa điểm cũng không được thông báo trước, nhưng tôi vẫn sẵn sàng sát cánh cùng các anh xung trận…

21h00. Một cuộc họp chớp nhoáng được tổ chức ngay tại Cục Cảnh sát đường thủy để phân công công việc cho các tổ công tác. Mục tiêu của lần ra quân này là phát hiện, bắt quả tang và ngăn chặn kịp thời các đối tượng khai thác cát trái phép, thế nhưng ẩn sâu vào những nếp nhăn trên trán của Đại tá Dương Ngọc Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy - người đảm trách vị trí "tổng tư lệnh" trong trận đánh này, là những mong muốn lớn hơn mà khi kết luận ông nhẹ nhàng nói với cán bộ chiến sĩ.

Do cát sỏi là tài nguyên quý của quốc gia, nên đối tượng khai thác cát trái phép phải được xem như là đối tượng trộm cắp tài sản của Nhà nước và cũng vì lợi nhuận, nên bọn chúng dùng mọi thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, thậm chí có những tên còn manh động, chống trả quyết liệt gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra xử lý. Do vậy điều quan trọng hàng đầu là vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, lấy yếu tố bí mật, bất ngờ để tạo ra sự thành công của nhiệm vụ. Từ đây, tôi lờ mờ hiểu rằng tại sao việc ra quân lần này lại diễn ra vào đêm và địa điểm cũng không được báo trước.

23h. Xe đưa chúng tôi tới một bến ven sông Hồng khu vực TP Hưng Yên. Tôi lò dò từng bước lên tàu qua chiếc cầu là hai thân tre được buộc vội vào nhau chỉ chực long ra giữa những lần đặt bước. Vậy mà những người "lính thủy" cứ thoăn thoắt bước lên với đủ ba lô, túi xách, trang thiết bị bên mình. Chiếc tàu sắt khá cũ, được các anh thuê để làm tàu chỉ huy và chở quân tới điểm tập kết, khẽ rùng mình lặng lẽ rời bến ra sông Cái xuôi về Hà Nội.

Trời đêm cuối thu se lạnh, gió lồng lộng, mảnh trăng lưỡi liềm tỏa một màu nhờ nhờ, bàng bạc xuống mặt sông. Con tàu lướt đi giữa làn sóng cuộn vào thân, hai bên sông mờ mờ những làng, những xóm vụt trôi qua mắt. Giá mà không phải một "trận đánh" sắp bắt đầu, thì với cảnh sắc hữu tình thế này dứt khoát phải có cút rượu để dốc túi thơ, Thượng tá Phương Anh Tuấn, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn 1 Cục Cảnh sát đường thủy trải lòng cùng tôi. "Còn khoảng bao lâu nữa thì tới mục tiêu?", tôi hỏi. "Nhà báo cứ đi ngủ đi để lấy sức, gần sáng thì tác nghiệp".

Lần dọc theo mạn tàu tôi vào khoang lái, nơi đặt hai chiếc giường tầng mà các anh ưu ái dành cho phóng viên ngả lưng, nhưng vẫn phải chịu cảnh hai người nằm trở đầu đuôi. Tiếng máy ầm ầm cộng thêm tâm lý chộn rộn làm tôi mãi chẳng ngủ được, nhìn quanh thấy hơn chục anh em chiến sĩ nằm chung trên nóc buồng máy phía đuôi tàu vẫn ngáy ngon lành mặc cho máy nổ, khói và hơi nóng hầm hập nơi buồng máy bốc lên.

4h30. "Dậy đi nhà báo ơi!". Ai đó đập vào vai tôi, khiến đang trong trạng thái mơ màng tôi chợt bừng tỉnh. Ngoài trời vẫn tối đen, ánh sáng đèn pin loang loáng quét xuống mặt sàn, tiếng ai đó sèn sẹt trên bộ đàm… Các chiến sĩ Cảnh sát đường thủy tất bật chuẩn bị trong lặng lẽ, âm thanh to nhất lúc này vẫn là tiếng máy tàu ầm ầm đều đặn. "Đây là đâu?", tôi khẽ hỏi Thượng tá Tuấn. "Nam sông Hồng, khu giáp ranh giữa bên này là Kim Động và Khoái Châu, Hưng Yên, bờ bên kia là Thanh Trì, Hà Nội", anh Tuấn thì thào như sợ ai đó nghe được lời mình.

Phía mũi tàu xuất hiện những đốm sáng le lói, rồi to dần thành một quầng sáng của hàng chục bóng đèn trên tàu to, tàu nhỏ nằm chềnh ềnh ngay giữa mặt sông. Tiếng máy nổ vang rền cả khúc sông rộng. Một đại công trường trải dài hơn 1km của những tàu hút đủ loại đua nhau thò những chiếc ống gớm ghiếc như vòi bạch tuộc xuống sông, của những chiếc tàu cuốc to như một gian nhà dùng băng chuyền gắn gàu múc cát trực tiếp từ lòng sông chuyển sang những tàu vận tải nối đuôi nhau cập quanh mạn.

Cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát đường thủy và Cảnh sát đường thủy Hưng Yên bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép.

5h. Lệnh tấn công được phát ra ngay sau khi cập mạn được vào một chiếc tàu hút lớn đậu giữa dòng. Chiếc xuồng máy, khi tối được ngụy trang khéo léo buộc phía đuôi tàu chỉ huy, lượn ngoằn ngoèo trên mặt nước đưa các chiến sĩ Cảnh sát đường thủy đổ bộ lên các tàu hút cát lân cận, rồi lại vút đi tới những tàu hút ở tít đằng xa. Ngay khi tiếp cận tàu hút cát, các chiến sĩ Cảnh sát đường thủy đã khống chế toàn bộ những người có mặt trên tàu, yêu cầu tắt máy và tập trung lại để kiểm tra hành chính và lập biên bản.

Tin vui liên tiếp được báo về bộ đàm chỉ huy, các tổ công tác đều thành công, an toàn tuyệt đối, không có đối tượng nào chống đối, đã tạm giữ 9 phương tiện gồm 8 tàu hút và 1 tàu cuốc đang khai thác cát trái phép tại ba khu vực xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu và xã Vạn Điểm, huyện Thanh Trì.

8h. Cuộc họp chớp nhoáng giữa các lực lượng. Đại tá Dương Ngọc Tiến cho biết: "Nhà báo có biết không? Chỉ cần hai máy hút 15 mã lực như thế này, chưa đầy ba tiếng là đầy một tàu trọng tải 100 tấn, vậy mà các phương tiện này đều trang bị từ 2 đến 5 máy hút, chưa kể có tàu còn lắp máy ôtô để khai thác cho nhanh và còn cả hệ thống gàu múc cát từ băng chuyền tàu cuốc kia, thì chẳng mấy chốc đoạn sông này hết cát. Hậu quả của nó là sự thay đổi dòng chảy gây sạt lở hai bên bờ, là mất an toàn trên sông và gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế và phí bảo vệ môi trường…". Giọng ông chắc nịch: "Toàn bộ số tàu và đối tượng hút cát trái phép bị bắt quả tang hôm nay, sẽ được chuyển giao cho Công an Hà Nội và Hưng Yên xử lý nghiêm theo thẩm quyền".

11h. Toàn bộ tàu vi phạm đang được bàn giao cho Công an địa phương giải quyết. Trên tàu chỉ huy, mấy anh em Cảnh sát đường thủy người đứng, người ngồi nhồm nhoàm nhai bánh mì làm tôi chợt thấy bụng cồn cào, cầm miếng lương khô đưa vào miệng mà thấy ngọt, thấy thơm như thể chưa từng ăn loại bánh nào ngon đến thế. Giữa sông thế này, thì bánh mì và lương khô chẳng là "cao lương" thượng hạng chứ còn gì hơn.

Giờ tôi mới thấm, đi săn "cát tặc" cũng lắm gian nan nhiều khi chuẩn bị kỳ công, đã nắm trước được là chỗ này đang có nhiều tàu hút cát, ấy mà khi đưa quân đến chẳng hiểu làm sao khúc sông lại vắng lặng như tờ, rồi phương tiện đang khai thác hễ nghe thấy tiếng xuồng máy cao tốc là dừng máy, thu vòi, thậm chí nhiều đối tượng còn giấu sẵn vũ khí trên phương tiện để chống trả khi bị kiểm tra, bắt giữ, cái chết của đồng chí Cảnh sát đường thủy Công an Bắc Giang và đồng chí thanh tra tài nguyên môi trường ở Tiền Giang là minh chứng cho sự hung hãn và liều lĩnh của loại đối tượng này… Nhưng khi đã chứng kiến sự quyết tâm của các lực lượng chức năng, tôi tin rằng đối tượng dù có hung hãn liều lĩnh đến đâu trước hay sau cũng phải quy hàng...

Nhật Huy
.
.