Chống “giặc lửa” ở vùng cao

Thứ Tư, 06/10/2004, 08:51
"Nhiều lúc chúng tôi phải vừa nghĩ vừa làm. Những điều mà sách vở chưa viết, ấy là thực tế công tác của những người lính PCCC ở vùng cao”, Thượng tá Đậu Chí Thanh - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Gia Lai, bộc bạch.

Thượng tá Thanh nói tiếp: "Cháy thì bất chợt, anh em không thể lơ là, chậm trễ một phút, nên lúc nào cũng phải có mặt ở đơn vị để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Nghề PCCC đã thật sự gắn bó với mình hơn 24 năm qua và chứa đựng nhiều kỷ niệm khó quên". 

Những năm tháng trong nghề, anh cùng đồng đội đã kinh qua hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ. Gắn với nghề, vui cũng nhiều nhưng buồn cũng không ít. Có vụ cháy xảy ra, lập tức được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Tài sản thiệt hại ít thì vui, nhưng cũng có vụ do người dân báo tin chậm, đường xa, địa hình miền núi hiểm trở nên khi xe chữa cháy đến nơi thì mọi chuyện đã xong. 

Trong số nhiều vụ chữa cháy kinh qua, Thượng tá Thanh nhớ nhất vụ chữa cháy kho thuốc nổ ở Mang Yang năm 1994. Anh nhớ lâu vụ này là bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết của anh em khi làm nhiệm vụ thật mong manh. 

Lúc nhận tin cháy xảy ra, phía cơ quan X. báo cáo dối rằng cháy kho vật tư, nhưng thực tế là cháy kho thuốc nổ. Khi triển khai lực lượng cứu chữa, anh em không hề biết sự thật nên không có biện pháp đề phòng hiện tượng nổ. Nhưng may là không có chuyện xấu xảy ra. 

Chuyện thứ hai hoàn toàn không liên quan gì đến "giặc lửa" nhưng nó thật sự là "chữa cháy" trong một tình huống chiến đấu mà chỉ riêng ở Tây Nguyên mới có. Chuyện xảy ra ngày 2/2/2001, khi một số đối tượng người dân tộc thiểu số quá khích đã gây rối trật tự, đập phá tài sản Nhà nước và vây đánh lực lượng làm nhiệm vụ bị trọng thương. 

Trong lúc bị vây chặt, không có đường đưa các nạn nhân đi cấp cứu, thì bất ngờ các cán bộ PCCC nghĩ kế cho xe chữa cháy rú còi, nhích bánh. Đám đông nghe tiếng rú lạ bất ngờ, sợ hãi và tháo chạy, mở đường giải thoát vòng vây… 

Trung tá Đàm Văn Quang - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Gia Lai, người cũng từng có thâm niên công tác ở đơn vị này, tâm sự: "Khổ nhất là đi tuyên truyền Luật PCCC ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm thay đổi nhận thức và tập tục đốt rừng làm rẫy của họ phải trải qua một quá trình dài và khó khăn". Để nói cho người dân nghe được đã khó, còn bảo họ thay đổi tập tục, nhận thức thì càng khó hơn. 

Qua 3 năm thực hiện Luật PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, đem lại hiệu quả đáng kể trong công tác phòng ngừa cháy nổ. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc đẩy mạnh các biện pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật PCCC đối với  người dân tộc thiểu số ở từng địa bàn cơ sở

Ngọc Như
.
.