Cho Tây Nguyên yên bình

Thứ Ba, 13/09/2005, 08:13
"Tây Nguyên bao la, yên vui, thanh bình" - giữa núi rừng hùng vĩ, nghe tiếng hát vọng vang, đồng bào Tây Nguyên lại nhớ các anh, những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn I, Trung đoàn Cảnh sát cơ động số 20 (CSCĐ 20) thuộc Cục CSBV&HTTP, đơn vị 2 lần Anh hùng.

Hôm Thiếu tá Nguyễn Văn Bốn, Phó Tiểu đoàn trưởng ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt, tập thể, cá nhân Anh hùng LLVTND lực lượng CSND, anh bảo, Tiểu đoàn còn nhiều bài hát nữa, có cả bài hát nói về lao động giúp dân, anh em đã thu vào đĩa, tặng cho một số bà con lân cận.

Không cần xưng tên, chỉ nói "chiến sĩ Tiểu đoàn I" là người dân Tây Nguyên đã có thể coi các anh như người trong nhà. Có cơm cùng ăn, nước cùng uống, nếu nhà cửa đồng bào bị dột nát, các chiến sĩ xắn tay cùng nhau sửa sang, rồi lên rẫy hướng dẫn bà con gieo trồng hạt giống mới, đêm đêm lại dạy hát cho các cháu thiếu nhi.

Những người lính đến từ nhiều miền quê khác nhau, song chủ yếu là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Họ tiếp nối truyền thống 30 năm của đơn vị trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời truy quét và dụ hàng các đối tượng trong tổ chức phản động Fulro trước đây cũng như một số phần tử phá hoại chính sách đại đoàn kết hiện nay...

Những trang vàng truyền thống của Tiểu đoàn I được tiếp nối qua các giai đoạn. Từ những năm đầu mới thành lập, Tiểu đoàn I đã ghi những chiến công tiêu biểu trong việc truy quét Fulro và tham gia giúp đồng bào Tây Nguyên ổn định cuộc sống, xây dựng đời sống văn hoá mới. Tiêu biểu như trận đánh ngày 28/1/1986, tiêu diệt nhóm Fulro trong đó có tên Trung tá M'A-nhé, đập tan cơ quan đầu não của Fulro tại Krông Pa. Trận đánh ngày 25/3/1989, Tiểu đoàn I cùng Công an tỉnh Gia Lai và một số lực lượng khác, chủ động tấn công nhóm Fulro tại địa bàn IaPet, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên, thu nhiều vũ khí, tài liệu quan trọng...

Những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn I không chỉ được biết đến với thành tích trong chiến đấu, tiêu diệt và bắt sống các nhóm Fulro trước đây. Do làm tốt công tác vận động quần chúng, các chiến sĩ Tiểu đoàn đã vận động nhiều người trước đó do bị bọn xấu lôi kéo đã có hành động sai trái, nay nhận ra lỗi lầm, trở về sống bình yên với buôn làng. Các cán bộ, chiến sĩ cũng tất bật với những công việc lao động thường ngày cùng nhân dân như giúp dân làm nhà ở, khai phá nương rẫy, hướng dẫn bà con các dân tộc Tây Nguyên xây dựng nếp sống văn hóa mới, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Các anh có mặt trong những thời điểm thiên tai gây họa, kịp thời giúp dân chống hạn rồi chống lũ.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ giữa Tiểu đoàn I với bà con các buôn làng để lại ấn tượng sâu sắc. Năm 2002, Tiểu đoàn I tổ chức kết nghĩa với nhân dân thôn Plei Ialang (Gia Lai). Hàng nghìn người dân ở các thôn khác cũng đến vui cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn. Trong lễ kết nghĩa đó, họ đã quyên góp tiền và tài sản là những bộ quần áo cá nhân, chia sẻ những khó khăn cùng nhân dân thôn Plei Ialang. Những ngày sau đó, các chiến sĩ Tiểu đoàn lao động, sửa sang trường lớp và nhà cửa của nhân dân trong thôn...

Thiếu tá Nguyễn Văn Bốn từng bị sốt rét rừng nằm hàng tuần, không có xe, anh em phải vất vả cáng về trạm xá Công an tỉnh cách đó nửa ngày chạy bộ, người lả đi chỉ húp ít thìa cháo. Thế mà cái duyên đến không ngờ. Cô y tá vốn là người Tây Nguyên, khi đó đang làm việc trong trạm xá Công an vì lo lắng sức khỏe của anh mà chăm lo thuốc thang, rồi lau mồ hôi, nấu và bón cháo cho anh từng ngày. Sau trận ốm sút còn hơn 40kg, có lẽ cái chất tình cảm nồng hậu của người Tây Nguyên đã "hút hồn" anh thật sự, một thời gian sau, họ tổ chức đám cưới giản dị ngay ở Tiểu đoàn lừng danh ấy!

Trường - Hiếu
.
.