Chiến công và tình người sau những trang hồ sơ

Thứ Tư, 19/08/2015, 16:34
Buổi chiều một ngày trung tuần tháng 7/2015, tôi điện thoại cho Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53) đang có mặt tại hiện trường vụ thảm án 6 mạng người trong một gia đình ở Bình Phước, để xác nhận thông tin đã bắt được hai nghi can. Tướng Mạ nhiệt tình khẳng định: “Bắt được rồi! Đã thu được một số “chứng cứ vật chất trực tiếp” từ hai đối tượng… Như vậy, đây là một trong số ít những vụ án chúng ta khám phá được trước khi các nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Người về sau những chiến công

Biết Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ đã lâu, tôi luôn ấn tượng về sự nhiệt tình của ông trong công việc. Mỗi lần gặp, ông say sưa nói về cái “nghiệp” hồ sơ đã vận vào ông và đồng đội; những vụ án, chuyên án mà họ đã tham gia khám phá... Ông kỳ vọng, sẽ “số hóa” toàn bộ thông tin tội phạm cũng như tàng thư đã, đang, sẽ có để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. 

Trong vụ thảm án 6 mạng người trong một gia đình tại Bình Phước (tháng 7/2015) , Bộ Công an đã tập trung lực lượng, huy động nhiều cán bộ giỏi, có kinh nghiệm tham gia công tác khám nghiệm, trinh sát, điều tra… Tướng Mạ tâm sự: 

“Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và Ban chỉ đạo, Ban chuyên án, lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cũng khẩn trương có mặt tại hiện trường. Tôi và một số anh em nữa từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng với phương tiện có mặt tại “đại bản doanh” đóng tại Công an huyện Chơn Thành (Bình Phước), phối hợp với các đơn vị chức năng. 

Qua khám nghiệm, có trên 70 mẫu vân tay được ghi nhận, do khi phát hiện vụ án xảy ra, ngoài người nhà thì một số công nhân cũng vào khu vực hiện trường trước khi nơi đây bị phong tỏa để phục vụ điều tra. Với sự tập trung cao độ và trách nhiệm trước nhân dân cả nước, chúng ta đã xác định, bắt giữ được hung thủ. 

Tuy việc kết tội là do tòa án nhưng với những chứng cứ đã thu được từ các đối tượng, trong đó có iPad, điện thoại, quần áo của nạn nhân; thì hoàn toàn có cơ sở khẳng định Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến là hung thủ đã gây ra vụ án chấn động cả nước vừa rồi. Đến giờ phút này, bản thân 2 đối tượng và gia đình họ đều tâm phục, khẩu phục”…

Cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát trong ngày vui mừng phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (tháng 8/2015).

Không vụ án nào giống vụ án nào nhưng chúng đều có những “quy luật” như động cơ, cách thức gây án… Trong vụ giết người xảy ra tại Bắc Giang đầu năm 2015, lực lượng hồ sơ đã phục vụ đắc lực công tác điều tra, khám phá vụ án. Tầm trưa ngày 26/1/2015, tại khu vực ụ để máy bay sân bay Kép (thôn Dinh, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), người dân phát hiện thi thể một người đàn ông có nhiều thương tích nằm gần chiếc xe ôtô Suzuki, BKS 12A – 006.42. 

Nhận được tin báo, Công an huyện Lạng Giang đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân. Nạn nhân là anh Hoàng Văn Phúc (SN 1968, trú tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) bị 20 vết thương gây ra bởi vật sắc nhọn dẫn đến tử vong. Anh Phúc là người trông coi đền Quan giám sát tại xã Hòa Lạc; đứng tên sở hữu chiếc xe ôtô trên, thường chở khách đi tham quan đền. 

Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, khoảng 9h sáng 26/1/2015, có 2 thanh niên đến thuê anh Phúc chở về huyện Lạng Giang với giá 500.000 đồng. Khi đi đến địa phận xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang), anh Phúc bị hai thanh niên khống chế, dùng dao đâm nhiều nhát vào người dẫn đến tử vong. Sau khi gây án, các đối tượng đã lấy đi một số tài sản của anh Phúc.

Nhận được yêu cầu tra cứu của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tra cứu, đối chiếu dấu vết trên hệ thống nhận dạng VAFIS và hồ sơ, tàng thư nghiệp vụ. Sau gần 2 giờ khẩn trương tìm kiếm, rạng sáng 1/2, Cục C53 đã xác định dấu vết vân tay tại hiện trường vụ án là của Triệu Văn Quân (SN 1990, thường trú tại huyện Hữu Lũng). Quân từng bị Công an huyện Hữu Lũng và Công an quận Long Biên (Hà Nội) bắt, lập danh chỉ bản cùng về hành vi trộm cắp tài sản. 

Ngay sau đó, Cục C53 đã có điện hỏa tốc thông báo đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang. Căn cứ kết quả tra cứu của Cục C53 và điều tra mở rộng vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã có đủ căn cứ khởi tố bị can và quyết định truy nã đối với Triệu Văn Quân và Dương Văn Tiệp (24 tuổi, đều trú ở xã Minh Tiến) bỏ trốn sau khi gây ra vụ án mạng. 

Kết hợp các biện pháp nghiệp vụ điều tra mở rộng vụ án, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện em dâu anh Phúc là Nguyễn Thị Lan (45 tuổi) và người giúp việc (Vi Thị Hiền, 46 tuổi, cùng trú tại huyện Hữu Lũng) có liên quan đến vụ án, nên đã triệu tập các đối tượng. Tại cơ quan Công an, Lan khai nhận do mâu thuẫn với anh chồng nên đã bàn với Hiền thuê hai đối tượng Quân và Tiệp “dằn mặt” anh Phúc; nhưng 2 tên này đã “quá tay” với nạn nhân…

Những công việc lặng thầm đầy tình người

Nhiều năm qua, với sự phối hợp, giúp đỡ của Cục C53, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (Đài Truyền hình Việt Nam) đã giúp nhiều gia đình tìm được người thân bị thất lạc hoặc thông tin, ảnh chân dung người thân. Đặc biệt, một số gia đình liệt sỹ đã đề nghị Cục C53 tìm ảnh chân dung liệt sỹ. 

Chúng tôi từng dự một số buổi lễ trao di ảnh liệt sỹ, diễn ra tại trụ sở Cục C53; chứng kiến niềm vui và xúc động của thân nhân các liệt sỹ khi nhận bức ảnh chân dung (để tưởng nhớ, thờ cúng), được lồng khung kính trang trọng, mới cảm nhận rõ giá trị tinh thần - vật chất to lớn mà cán bộ, chiến sỹ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã tìm được giúp người dân.

Vài năm gần đây, Cục C53 còn nhận được đề nghị của một số gia đình tìm di ảnh người thân là phạm nhân đã mất. Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ và lãnh đạo Cục C53 xác định: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Dù là ai, nếu có ảnh trong tàng thư thì cũng sẽ tìm, trao tặng gia định họ”. 

Trường hợp bà Lương Thị Diệu (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đề nghị tìm di ảnh của chồng là Nguyễn Trọng Tuần (SN 1957); bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xử 10 năm tù, chấp hành án tại Trại giam Đồng Sơn, Quảng Bình (mất ngày 19/9/1997). Bà Diệu trình bày trong đơn: “Thời gian trước vì hoàn cảnh gia đình con còn nhỏ, hiện nay các con đã lớn, học xong ra trường rồi. Nguyện vọng của gia đình mong muốn Cục C53 tìm lại tấm ảnh, sau này con cháu thờ phụng ông đầy đủ để thỏa mãn người còn sống cũng như người đã mất”. 

Còn anh Ngô Tuấn Dũng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đề nghị tìm ảnh bố đẻ là Ngô Thành Lâm (SN 1938 hoặc 1942), trình bày nguyện vọng: “Vào năm 1979, bố mẹ tôi ra tòa ly hôn, từ đó gia đình tôi mất hoàn toàn tin tức của bố tôi. Đến năm nay là 2013 tôi mới biết tin bố tôi bị bắt tập trung cải tạo năm 1980 ở Trại giam Ba Sao, Hà Nam. Gia đình chúng tôi đã lên trại và được biết bố tôi đã mất ngày 29/5/1981. Hiện tại gia đình và mọi người thân đều không có ảnh của bố tôi…”. 

Qua tra cứu, cán bộ hồ sơ tìm được ảnh ông Ngô Thành Lâm trong danh chỉ bản lập năm1980 tại Công an tỉnh Hải Hưng về hành vi trộm cắp tài sản, sau đó bị bắt đi tập trung cải tạo do trước đây ông Lâm đã có 3 tiền án, 3 tiền sự. Nghiên cứu hồ sơ phạm nhân được biết ông Lâm trước khi vào trại đã mắc bệnh suy nhược cơ thể và kiết lỵ mạn tính, mặc dù trại đã tạo điều kiện chữa trị nhưng ông Lâm đã qua đời vào ngày 29/5/1981 và được chôn cất tại nghĩa trang của trại…

Từ hai kết quả trên, ảnh của ông Ngô Thành Lâm và ông Nguyễn Trọng Tuần đã được cán bộ C53 phóng to, chỉnh sửa ảnh, thay cà vạt, áo complê và đưa vào khung cỡ ảnh thờ. Ngày 13/11/2013, Cục C53 tổ chức lễ trao di ảnh và trực tiếp Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ đã trao di ảnh ông Ngô Thành Lâm, ông Nguyễn Trọng Tuần cho đại diện các gia đình. 

Bà Vũ Thị Thanh, vợ ông Ngô Thành Lâm cùng 2 con và cháu ngoại đến nhận di ảnh của chồng. Gia đình bà Lương Thị Diệu cử con trai là Nguyễn Trọng Tịnh, đang sinh sống và làm việc tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đến nhận di ảnh bố đẻ. Sau khi nhận di ảnh của chồng, bà Vũ Thị Thanh nghẹn ngào, xúc động cảm ơn đồng chí Cục trưởng và cán bộ, chiến sĩ Cục C53 đã mang lại niềm vui cho gia đình, giúp họ có được ảnh của người chồng, cha, ông để thờ cúng và tưởng nhớ... 

Khi chúng tôi viết bài này, cũng là dịp Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là kết quả và phần thưởng xứng đáng với những cán bộ, chiến sỹ luôn lặng thầm góp sức mình vào mỗi chiến công và tận tụy với bao công việc  thấm đẫm tình người để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Nhiều năm qua, với sự phối hợp, giúp đỡ của Cục C53, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (Đài Truyền hình Việt Nam) đã giúp nhiều gia đình tìm được người thân bị thất lạc hoặc thông tin, ảnh chân dung người thân. Đặc biệt, một số gia đình liệt sỹ đã đề nghị Cục C53 tìm ảnh chân dung liệt sỹ.

Duy Hiển – Anh Hiếu
.
.