Chiến công bảo vệ an toàn hậu phương miền Bắc

Thứ Năm, 03/12/2009, 09:58
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cơ quan tình báo Mỹ, ngụy đã tung ra miền Bắc hàng trăm toán gián điệp biệt kích hòng thực hiện âm mưu "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản".

Lực lượng CAND đã chủ động xây dựng thế trận an ninh toàn dân, thực hiện thành công chiến thuật "dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch", buộc trung tâm chỉ huy của chúng phải hoạt động dưới sự sắp đặt của mình. Chuyên án BK63 là một chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND trong cuộc đấu tranh bí mật này.

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đang lâm vào thế bị động và đi dần đến thất bại thì đế quốc Mỹ đã từng bước triển khai âm mưu thế chân Pháp xâm lược Việt Nam. Khi Pháp thất trận, đế quốc Mỹ càng ngang nhiên và ráo riết triển khai các hoạt động ngầm để mở đường cho vũ trang xâm lược.

Từ năm 1956, chúng đã phát động cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích (GĐBK) ra miền Bắc bằng việc tiếp thu căn cứ GCMA của Pháp tại Nha Trang, đầu tư tối đa về tiền bạc, tuyển chọn điệp viên, tổ chức huấn luyện. Đến 1961, những toán biệt kích đầu tiên đã xâm nhập miền Bắc bằng cả đường biển, đường không và đường bộ.

Cùng với nhịp độ của các bước leo thang chiến tranh, cơ quan tình báo Mỹ càng tăng cường đầu tư cho hoạt động GĐBK tiến hành ráo riết, ồ ạt các điệp vụ đối với miền Bắc. Đặc biệt, tháng 1/1964, khi Giôn Xơn vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ đã ký ngay sắc lệnh triển khai gấp rút Kế hoạch 34 ALFA - mở cuộc chiến tranh ngầm đối với miền Bắc Việt Nam và giao cho Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương trực tiếp thực hiện. Từ đây, hoạt động biệt kích của chúng không chỉ dừng lại ở mức độ các cơ quan tình báo thực hiện, mà còn có sự điều hành thống nhất của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương.

Cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện và kiểm tra gián điệp biệt kích thao diễn sử dụng xuồng cao su tại Trung tâm huấn luyện Mỹ Khê, Đà Nẵng.

Những nhà hoạch định chiến lược Mỹ, những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về tổ chức phá hoại và lật đổ của CIA, DIA đều kỳ vọng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh bí mật này. Họ tin rằng: với đội quân ngầm được huấn luyện kỹ lưỡng, được đầu tư tối đa, khi tung ra miền Bắc sẽ là lực lượng nòng cốt thu thập tin tình báo và tổ chức phá hoại, đồng thời tạo dựng được lực lượng chống đối đông đảo trong lòng xã hội miền Bắc, thực hiện thành công âm mưu "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản", sẽ làm cho miền Bắc suy yếu và rối loạn, chẳng những không tự bảo vệ được mình mà còn không thể chi viện cho miền Nam.

Tên biệt kích có biệt danh "ARES" tức Phạm Chuyên là điệp viên đầu tiên xâm nhập bằng đường biển vào địa bàn tỉnh Hồng Quảng (nay thuộc Quảng Ninh) là vụ xâm nhập mở đầu cho kỳ vọng đó. Đây cũng là một trong những điệp vụ thất bại ê chề nhất của cơ quan tình báo Mỹ trong cuộc chiến tranh GĐBK.

Phạm Chuyên sinh năm 1922 tại Tiền An, Yên Hưng, Hồng Quảng, từng hoạt động trong Thanh niên Cứu quốc và một số tổ chức của ta. Năm 1947 bị Pháp bắt giam 3 tháng rồi về nhà dạy học và liên lạc lại với cách mạng, tiếp tục thoát ly công tác. Từ năm 1948 đến 1957, Chuyên kinh qua nhiều công tác khác nhau, song do thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm đạo đức, bản tính tự kiêu, tự đại, công thần nên thường gây mất đoàn kết nội bộ. Sau khi bố Chuyên tự tử vì bị nghi oan, Chuyên bất mãn trở về địa phương và tháng 6/1959 trốn vào Nam theo địch.

Tại "Trung tâm đón tiếp đồng bào vượt tuyến" ở miền Nam, Chuyên bị cơ quan đặc biệt Mỹ - ngụy khai thác. Nhận thấy Chuyên có trình độ lại hằn thù sâu sắc chế độ, cơ quan tình báo địch đã sử dụng Chuyên đi tuyên truyền ở các cuộc mít tinh, đả kích chế độ miền Bắc phục vụ cho kế hoạch lập ấp chiến lược cũng như củng cố lòng tin cho nhân viên ngụy vào chế độ Diệm. Sau đó Chuyên được tình báo Mỹ chọn để huấn luyện nghiệp vụ tình báo, điện đài và bố trí cho xâm nhập trở lại miền Bắc.

Do tầm quan trọng đặc biệt của kế hoạch nên cơ quan tình báo Mỹ đã cử 2 cố vấn và nhân viên phòng 45 Phủ Đặc ủy tình báo ngụy trực tiếp chỉ huy. Chúng đặt bí danh cho Phạm Chuyên là "Hạ Long", tên liên lạc là "ARES", "ARTERY" với ý nghĩa là động mạch, kênh cung cấp quan trọng.

Tháng 2/1961, từ căn cứ tại Đà Nẵng, Chuyên được đưa xâm nhập trở lại miền Bắc với nhiệm vụ: Điều tra các mục tiêu quân sự, kinh tế ở khu vực Đông Bắc và Hải Phòng chỉ điểm cho máy bay Mỹ đánh phá. Thu thập tin tức tình báo gửi về trung tâm qua đài P8M ở Sài Gòn. Xây dựng cơ sở, căn cứ, tiếp nhận hàng hóa và lực lượng từ trung tâm gửi ra.

Lần thứ nhất xâm nhập, do thuyền bị hỏng nên phải quay lại. Ngày 4/4/1961, Chuyên được lệnh xâm nhập lần thứ 2 bằng thuyền máy ngụy trang như tàu đánh cá của ngư dân Vịnh Bắc Bộ. Đến Gềnh Si (Hồng Quảng), y xuống thuyền nan bơi vào bờ, chôn giấu thuyền, điện đài rồi về nhà ẩn náu và bắt đầu hoạt động. Cho đến khi bị bắt (17/6/1961), y đã thực hiện 23 phiên liên lạc với trung tâm.

Vốn là người thông minh, từng tham gia nhiều công tác cách mạng nên Chuyên không chỉ ngoan cố mà còn có nhiều biện pháp đối phó với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho kế hoạch đấu tranh của ta. Thực hiện lệnh của Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Tài, Cục trưởng Cục K61 đã trực tiếp về Hồng Quảng chỉ đạo quá trình xét hỏi, thuyết phục Chuyên tự nguyện cộng tác để chuộc tội.

Căn cứ điều kiện thực tế và yêu cầu đấu tranh, Bộ quyết định lập chuyên án, đặt bí số là BK63, sử dụng Chuyên để bí mật đấu tranh với trung tâm địch. Yêu cầu đặt ra là: Duy trì chuyên án hoạt động lâu dài nhằm khống chế hoạt động của địch đối với địa bàn khu vực Đông Bắc Tổ quốc. Phát hiện toàn bộ âm mưu, phương thức và thủ đoạn hoạt động GĐBK đối với miền Bắc, tạo điều kiện để chủ động tấn công lại địch. Tổ chức câu nhử đón bắt những nhóm gián điệp khác nhằm khai thác triệt để các trung tâm GĐBK, thu thập thêm các phương tiện kỹ thuật và vũ khí của địch để trang bị cho công tác đánh địch ở miền Nam. Tính toán khả năng đưa người vào tổ chức địch khi cần.

Ngày 8/8/1961, tại Dốc Đổ, Vàng Danh, Uông Bí, dưới sự giám sát của các chuyên viên điện đài và lãnh đạo Ban chuyên án, phiên liên lạc đầu tiên của ARES với đài P8M Sài Gòn được thực hiện, mở ra một chiến dịch đấu trí 10 năm sau đó, buộc địch phải bộc lộ âm mưu, ý đồ và phương thức hoạt động.

Chúng ta đã dụ địch tiếp tế cho ARES 6 lần bằng cả đường biển và đường không, thu được nhiều phương tiện hoạt động gián điệp, vũ khí, thuốc men và tiền, vàng, buộc địch bộc lộ các đầu mối gián điệp cài lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh, bộc lộ điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc là thuyền viên của nước thứ ba cập cảng Hải Phòng và trung tâm địch đã tung nhiều toán GĐBK ra Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang nhằm phối hợp hoạt động với ARES.

Trong quá trình đấu tranh chuyên án, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo đồng thời mở 2 chuyên án Eagle (Đại Bàng) và Red Dragon (Rồng Đỏ) ở Bắc Giang và Hà Giang là các toán do ta dụ địch tăng cường để đấu tranh song song với BK63.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy bị đánh mạnh ở các chiến trường, cục diện miền Nam có nhiều thay đổi, trung tâm địch bộc lộ ý đồ rút "Hạ Long", "Eagle" và "Red Dragon" về Sài Gòn để củng cố. Lãnh đạo Bộ Công an tổng kết quá trình đấu tranh thấy những nhiệm vụ cơ bản đã đạt nên quyết định cho kết thúc theo yêu cầu của địch.

Ba chuyên án kết thúc theo 3 hình thức: Chuyên án Eagle (Bắc Giang), ta cho báo cáo về trung tâm vì rừng núi bao la, đường xa không thể rút bằng đường bộ, cả toán đề nghị giải tán nương nhờ cơ sở, khi trung tâm có điều kiện sẽ ra đón.

Chuyên án Red Dragon (Hà Giang), ta đưa tin công khai ngày 1/10/1969 bắt một toán GĐBK và cho ngừng liên lạc. Đối với Chuyên án BK63, đầu năm 1970 ta cho Phạm Chuyên trở vào Nam bằng cách đi bộ vượt giới tuyến, đến khu vực Vĩnh Linh thì mất liên lạc. Nhưng sự thật là Công an Quảng Ninh đã tìm một địa điểm đáp ứng yêu cầu an ninh đưa Chuyên và gia đình đến sinh sống như những công dân bình thường.

Sau 45 năm, các cơ quan nghiên cứu của Mỹ đã khai thác hàng ngàn trang tài liệu, gặp gỡ hàng chục nhân chứng và họ đã viết nhiều trang sách về điệp viên ARES. Cựu tình báo Mỹ Sedgwick Tourison thú nhận: "Điệp viên ARES. Tôi biết anh ta quá đi chứ, tôi đã nghiên cứu hồ sơ của anh ta, anh ta có nhiều tên nhưng tên thật là Phạm Chuyên. Chúng tôi tuyển mộ để đánh anh ta quay trở lại Bắc Việt Nam năm 1961. Anh ta vẫn giữ liên lạc với chúng tôi ít ra là cho đến năm 1969 và tôi không biết rõ là anh ta hoạt động cho chúng tôi hay hoạt động cho Bắc Việt".

Điều đó đã thể hiện sự thành công của chuyên án, sự thắng lợi của đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng ta, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ Công an, tinh thần tận tụy của cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án, đồng thời còn là sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và nhân dân trên quê hương đất Mỏ anh hùng với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt"

Thắng lợi của Chuyên án BK63 là một mốc son tiêu biểu trong muôn vàn những chiến công thầm lặng của lực lượng CAND. Gần mười năm đấu tranh, Ban chuyên án đã 13 lần vượt qua sự kiểm soát an ninh của địch, cung cấp hơn 300 tin giả, câu nhử bắt hàng chục tên gián điệp biệt kích, thu giữ tàu địch và hàng tấn vũ khí, khí tài địch tiếp tế cho BK63 để kịp thời chuyển vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Hơn thế nữa, ta đã nắm được hầu hết âm mưu cũng như hoạt động đánh phá của giặc Mỹ trong chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc tại vùng Đông Bắc Tổ quốc, kịp thời sơ tán, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất do không quân Mỹ gây ra.

Trần Quang Đạo
.
.