Cầu nối cho sự sẻ chia cảm xúc và nỗi niềm

Thứ Tư, 01/09/2010, 08:12
Họ vinh dự mang tên gọi "nhà văn Công an", bởi không chỉ là những chiến sĩ trên mặt trận gìn giữ an ninh, họ còn là những người luôn lấy đề tài người chiến sĩ Công an làm cảm hứng sáng tác, phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.  Lắng lại bên những chiến công, sự hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an trong mỗi tác phẩm, là tính nhân văn thấm đẫm.

Những sáng tác của các nhà văn - chiến sĩ đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Công an cách mạng trong hành trình 65 năm qua, đồng thời, làm nên diện mạo mảng văn học đề tài "Vì an ninh Tổ quốc (ANTQ) và bình yên cuộc sống", đóng góp vào thành tựu chung của nền văn học Việt Nam. Những cái tên thân quen đã trở thành niềm tự hào của lực lượng Công an: Lê Tri Kỷ, Trần Diễn, Văn Phan, Khổng Minh Dụ, Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Như Phong v.v… Nhân 65 năm thành lập lực lượng CAND, chúng tôi xin được giới thiệu một số nhà văn Công an tiêu biểu.

Nhắc đến mảng văn học đề tài "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống", không thể không nhắc đến cây bút hàng đầu của lực lượng Công an: nhà văn Lê Tri Kỷ (1923-1993), nguyên Đại tá, quyền Giám đốc NXB CAND. Với tài hoa của mình, ông đã trở thành nhà văn Công an đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Cho đến nay, những người cầm bút trong và ngoài lực lượng vẫn dành cho ông niềm ngưỡng mộ. Nhà văn Dương Duy Ngữ kể lại, khi ông nói với nhà văn Lê Tri Kỷ rằng: "Bên Quân đội, nhà văn Hồ Phương là người đặt nền móng cho văn học LLVT và chiến tranh cách mạng thì bên Công an, nhà văn Lê Tri Kỷ cũng là người đặt nền móng cho văn học CAND", nhà văn Lê Tri Kỷ vội xua tay: "Đừng động viên mình, mình so với ông Hồ Phương thế nào được!".

Nhà văn Hữu Ước cùng các cây bút trong và ngoài lực lượng Công an, tháng 10/2007.

Nhưng ông có biết rằng, mới đây, khi nhắc về ông, nhà văn Hồ Phương cũng bày tỏ niềm khâm phục: "Lê Tri Kỷ là nhà văn nổi tiếng trong giới nhà văn Công an khiến chúng tôi phải chú ý, bởi chất văn học trong mỗi tác phẩm. Ông là nhà văn đầu tiên hướng văn học Công an đi theo qui luật của con đường văn học, thay vì đi sâu vào chuyện tình báo ly kỳ, bí hiểm, để có các tác phẩm mang tính xã hội với các nhân vật có số phận trong bước đi thời đại".

Hơn 30 năm cầm bút, nhà văn Lê Tri Kỷ đã có một sự nghiệp đáng tự hào với nhiều tác phẩm văn học mang tầm vóc thời đại. Tài năng và sự am hiểu sâu sắc các vấn đề xã hội của ông được ghi nhận ở nhiều thể loại: Truyện ký, truyện vừa, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết… Tên tuổi ông được nhắc đến cùng các tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc: "Câu lạc bộ chính khách", "Không thiện không ác", "Cuộc tình thế kỷ", "Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu" v.v…

Có thể nói rằng, nhà văn Lê Tri Kỷ là người có vai trò quan trọng, góp phần làm thay đổi quan niệm "văn học đề tài ANTT chỉ là văn học hạng hai", bằng việc phân tích tâm lý nhân vật một cách tinh tế và thấu đáo, nhuần nhuyễn và tự nhiên, dưới ánh sáng của văn chương. Tác phẩm của ông vừa gợi được sự sáng suốt trong lý trí, vừa tạo được sự rung động đầy tính nhân văn.

Trên mỗi trang viết của ông, hình ảnh người chiến sĩ Công an hiện lên chân thật, đúng nghĩa một con người với những đau đớn, buồn vui, hờn giận, yêu ghét, khiến người đọc cảm thông và gần gũi… "Văn học là nhân học". Dễ dàng nhận ra một trái tim nhân hậu, đầy trách nhiệm trước cuộc đời trong từng ngôn từ cẩn trọng, chừng mực, trong những thông điệp mà ông gửi gắm trong mỗi tác phẩm.

Một đời cầm bút, ông thủy chung với đề tài người chiến sĩ Công an bằng tình cảm gắn bó sâu nặng. Bởi thế, ông luôn tìm ra cách thể hiện nhuần nhụy và đặc biệt là, lấy cảm xúc từ chất liệu cuộc sống của đồng đội làm nguồn sáng tạo. Có lẽ, đó là lý do để trong lĩnh vực không dễ viết này, tác phẩm của Lê Tri Kỷ đã vượt khỏi ranh giới một thể loại đặc thù, mà mang ý nghĩa xã hội lớn lao.

Ông đã 2 lần được nhận giải A cho tác phẩm của mình. Nhắc tới ông, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động: "Hội Nhà văn ngày càng hiểu hơn tầm vóc của nhà văn Lê Tri Kỷ. Hội sẽ đề xuất Nhà nước tặng giải thưởng về VHNT cho ông một cách sớm nhất".

Một trong những nhà văn Công an cũng đã có một nghiệp văn đáng nể trọng, là Đại tá, nhà văn Văn Phan - nguyên Giám đốc NXB CAND. Sáng tác từ năm 1964, ông đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn với bạn đọc: "Đội Công an số 6", "Người bị từ chối", "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'inville" vv… cùng nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Viết bằng cả tình cảm chân thành, sự yêu mến dành cho đồng đội, nên những trang viết của Văn Phan bao giờ cũng dung dị, dễ hiểu, giàu sức truyền cảm và không kém phần hấp dẫn. Sự hiểu biết sâu sắc đã làm nên tính chân thực và là thế mạnh trong mỗi tác phẩm của Văn Phan, khi đáp ứng nhu cầu nóng bỏng của xã hội về những vấn đề mang tính thời sự, nhưng được lý giải một cách thuyết phục bằng văn chương.

Ông tâm sự: "Viết về đề tài bảo vệ ANTT với tôi luôn có sức hấp dẫn vì trong cuộc sống và chiến đấu của người chiến sĩ Công an có đầy những hoàn cảnh éo le, những kịch tính trong môi trường xã hội luôn biến động, cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, làm cho những tính cách, những suy nghĩ sâu sắc thường bộc lộ rõ nét".

Hình tượng người chiến sĩ Công an thực sự là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, như khối nam châm hút vào đây những cây bút tiềm năng, trong đó, có Đại tá, nhà văn Ngôn Vĩnh, nguyên TBT Báo CAND. Hơn 30 năm gắn với nghiệp văn, sự tâm huyết và niềm say mê đã cho nhà văn Ngôn Vĩnh động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật, xứng đáng với danh hiệu nhà văn - chiến sĩ.

Chỉ với 3 cuốn tiểu thuyết "Bên kia cổng Trời", "Fulro" và "Đất thánh", cùng giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Ngôn Vĩnh đã ghi tên mình vào danh sách các nhà văn Công an có những dấu ấn trong đề tài "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống".

Nhiều năm gắn bó với nghề báo không chỉ giúp Ngôn Vĩnh đi nhiều, hiểu nhiều mà đó là chất liệu phong phú và thẫm đậm cuộc sống trong các sáng tác của ông. Tác phẩm của nhà văn Ngôn Vĩnh giản dị, chân chất, từ hình thức biểu cảm đến cách lựa chọn đề tài. Sự cẩn trọng trên cánh đồng chữ nghĩa đã tạo cho văn chương của Ngôn Vĩnh một dấu ấn riêng.

Ông còn biết vận dụng khả năng tổng hợp nghệ thuật để lựa chọn, lắp ghép các tình tiết có thật sáng tạo nên nhân vật và tác phẩm với những đặc sắc riêng, trong sự bay bổng của trí tưởng tượng. Với Ngôn Vĩnh, "viết văn là công việc hết sức nặng nhọc, gian truân.

Phải có lòng say mê, tâm huyết và nhẫn nại; phải có tấm lòng luôn hướng về cái thiện, luôn căm thù cái ác, dũng cảm phanh phui tâm địa độc ác, gian manh của một số người để làm thức tỉnh lương tri con người… thì mới viết được những trang sách bổ ích cho cuộc sống. Nếu viết văn để nịnh bợ một số người, để kiếm danh vọng và tiền tài thì không bao giờ thành công".

Cây bút cuối cùng chúng tôi muốn nhắc đến, là nhà văn còn đương nhiệm: Đó là Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, TBT Báo CAND.

Sở hữu khoảng hai chục đầu sách thuộc nhiều thể loại: kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu, truyện ngắn, ký v.v…với 3 giải thưởng kịch bản, 2 giải thưởng truyện ngắn, 2 giải thưởng âm nhạc và 1 giải thưởng báo chí, Hữu Ước đã trở thành một trong những cây bút sung lực hàng đầu của lực lượng Công an.

Cùng với bộ phim "Người con gái Đất Đỏ", các vở kịch "Quả báo", "Khoảnh khắc mong manh", "Vòng đời", "Vòng xoáy" v.v… đã làm nên tên tuổi Hữu Ước từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Dường như, viết về hình tượng người chiến sĩ Công an là một niềm đam mê khôn cùng của Hữu Ước. Anh tâm sự: "Công an là một đề tài có thể khai thác đầy đủ và phong phú nhất, cọ xát quyết liệt nhất và hình tượng người chiến sĩ Công an dù tốt hay xấu đều rất hay!".

Hữu Ước viết khỏe, ở nhiều thể loại, nhưng như anh chia sẻ: "Chẳng qua văn là nghề và báo là nghiệp, mà đã là nghề thì không thể bỏ được. Mỗi tháng không viết được gì là tôi rất buồn. Tôi viết nhiều thể loại chẳng qua vì có cái viết chưa được, hoặc chưa viết được, tôi phải chuyển qua những cái khác viết được ngay, như đang viết kịch lại sang viết truyện ngắn, đang viết truyện ngắn lại đi làm thơ, rồi viết ký… Đó chỉ là giây phút thư giãn giữa các thể loại."

Có điều, anh luôn thành công ở sự thử sức của chính mình, mà các giải thưởng ở nhiều lĩnh vực đã là một minh chứng. Tư chất nhạy bén của một người làm báo và trí tưởng tượng bay bổng của một cây bút văn chương cộng hưởng, đã cho ra đời những tác phẩm đặc sắc, vừa mang tính thời sự, vừa đậm chất văn học và luôn ấm áp tình người. Người xem tìm thấy trong những sáng tác của Hữu Ước sự sẻ chia cảm xúc và nỗi niềm. Để rồi, thấy hiểu hơn, yêu mến hơn trước những hy sinh, gian khổ của người chiến sĩ Công an trong sự nghiệp gìn giữ an ninh, bình yên cuộc sống cho nhân dân…

Đề tài "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống" thực sự là mảnh đất màu mỡ, nên luôn thu hút đông đảo các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an: Khổng Minh Dụ, Nguyễn Như Phong, Đinh Quang Tốn, Hồng Thanh Quang, Lê Văn Nguyên, Phùng Thiên Tân, Phan Quế, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Hồng Thái, Hà Văn Thể, Tôn Ái Nhân, Thu Trang, Trần Thanh Hà, Như Bình, Bạch Lê Vân Nguyên, Trần Tử Văn, Xuân Tửu, Phan Đình Minh …

Những sáng tác phong phú và hấp dẫn của họ đã khẳng định sức sống mãnh liệt của văn học đề tài an ninh xã hội và luôn được công chúng quan tâm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chưa có điều kiện nói hết về các tác giả. Nhưng một điều không thể phủ nhận là mỗi sáng tác của họ trong quá khứ hay hiện tại, đều mang những giá trị đáng trân trọng và là nhịp cầu thân thiết không thể thiếu giữa nhân dân với lực lượng Công an, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị và gìn giữ trật tự an toàn xã hội

Thanh Hằng (Báo CAND số 19/8)
.
.