Các cựu chiến binh trên những mặt trận mới

Thứ Tư, 15/12/2004, 14:10

Ông Cường mượn 70m2 đất của dân, ứng tiền túi 20 triệu đồng rồi vận động bà con trong khu phố đóng góp công sức xây dựng lớp học tình thương. Lớp học xây xong, được Phòng Giáo dục quận giúp đỡ giáo viên, ông Cường lại đứng ra lo bàn ghế, bảng phấn, thậm chí cả quần áo, sách vở, bút mực cho 60 học sinh nghèo.

Đó là một trong nhiều điển hình được nêu gương trong Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, diễn ra ngày 13 và 14/12 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đây là cuộc hội ngộ đông đảo các điển hình tiên tiến đại diện cho gần 2 triệu CCB trong cả nước. Tới dự Đại hội có các đồng chí: Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Mỹ Hoa, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW; Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều đại biểu khác…

 

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trương Mỹ Hoa khẳng định: "Phong trào thi đua của Hội CCB những năm qua đã triển khai một cách toàn diện, bắt kịp yêu cầu cuộc sống. Các đồng chí đã biết khơi dậy lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, tinh thần vượt khó - những phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" trong các thế hệ CCB làm cho phong trào thi đua hoạt động có hiệu quả…".

 

186 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

 

Đó là số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, hội viên Hội CCB Công ty Than Hà Tu từ năm 2000 đến nay trong sản xuất và tiêu thụ than, làm lợi cho tập thể trên 29 tỷ đồng. Lúc đầu, Hội CCB Công ty Than Hà Tu đã thí điểm tổ chức tổ xe HĐ 76 do CCB Phân xưởng xe 2 tình nguyện đăng ký "Quản lý xe tốt, lái xe an toàn, tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao".

 

Công trình chỉ đạo thí điểm này nhằm hưởng ứng chủ trương đổi mới công tác khoán chi phí của lãnh đạo đơn vị. Sau 3 tháng thực hiện, việc khoán chi phí đạt kết quả tốt. Phát huy thắng lợi đó, tính đến năm 2004, cả 18 tổ xe, tổ máy do CCB các chi hội đăng ký thi đua đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao, tiết kiệm chi phí cho Công ty hàng trăm triệu đồng.

 

Cùng với phong trào đăng ký thi đua này, từ năm 2000 đến nay, toàn Công ty đã có 36 công trình, việc khó do CCB các đơn vị đăng ký đảm nhận. Qua phong trào thi đua (PTTĐ), tất cả các công trình, việc khó này đều đạt chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thiết thực cải thiện đời sống người lao động. Trong số đó, tiêu biểu là công trình thi công máng rót than di động của CCB Xưởng cơ điện mang tên công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Đến nay, công trình này vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả, trực tiếp tham gia tiêu thụ hàng chục vạn tấn than với năng suất cao.

 

Tích cực đóng góp trong PTTĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ năm 2000 đến nay là các CCB Ngô Đức Chính, Nguyễn Mạnh Cường, Vũ Chí Phác, Trần Đức Chính, Lưu Văn Quý… Đây là những tấm gương CCB tiêu biểu của Công ty Than Hà Tu trên mặt trận sản xuất than những năm qua. Chính họ đã tích cực góp phần làm sáng ngời bản chất và truyền thống vẻ vang của "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ đổi mới. Gần 1.000 cán bộ, hội viên Hội CCB và cựu quân nhân Công ty Than Hà Tu cũng đã có những đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của Công ty, đơn vị được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Hết lòng vì nhân dân

 

Sau những năm tháng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, ác liệt, thương binh Nguyễn Hùng Cường nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Gia đình ông trú tại khu phố một khu phố nghèo thuộc phường 17, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn, tình trạng một số trẻ em nghèo không được cắp sách đến trường luôn làm ông Cường cũng như cấp ủy và chính quyền địa phương băn khoăn.

Không dừng lại ở băn khoăn đó, ông Cường đã đi mượn 70m2 đất của dân, ứng tiền túi 20 triệu đồng rồi vận động bà con trong khu phố đóng góp công sức xây dựng lớp học tình thương. Lớp học xây xong, được Phòng Giáo dục quận giúp đỡ giáo viên, ông Cường lại đứng ra lo bàn ghế, bảng phấn, thậm chí cả quần áo, sách vở, bút mực cho 60 học sinh nghèo học tập trong suốt hai năm, trước khi lớp học được bàn giao cho Phòng Giáo dục. Được giáo dục, học tập trong lớp học tình thương, những đứa trẻ nghèo ngày càng ngoan ngoãn hơn. Các em không chỉ bỏ nói tục, chửi thề mà còn tích cực tham gia các hoạt động có ích, xa lánh dần các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề…

 

Để giải quyết tệ nạn ma túy nhức nhối trên địa bàn, ông Cường và cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần bàn bạc để đề ra kế hoạch thực hiện khả thi. Từ kế hoạch đó, ông Cường đã cùng Đại úy Nguyễn Văn Bồng, Cảnh sát khu vực tiến hành khảo sát, lập hồ sơ để đưa 45 đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện. Để làm được điều khó khăn này, ông Cường đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động các gia đình đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện, đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy (PCMT).

 

Noi gương ông, nhiều người dân địa phương đã tích cực tham gia tuyên truyền, đấu tranh PCMT, góp phần đẩy lùi tệ nạn này trên địa bàn. Sau khi được đưa đi cai nghiện ma túy, một trong những đối tượng nghiện “có tiếng” ở khu phố 4 là anh Nguyễn Phi Hùng đã từ bỏ hẳn con đường lầm lỗi, trở thành cán bộ phụ trách một đội cai nghiện ma túy của Tp. Hồ Chí Minh. Trong lần đến thăm ông Cường mới đây, anh Hùng xúc động tâm sự: "Nhờ có chú Cường và những người như chú mà tụi con từ bỏ được ma túy, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. 4 năm liền, khu phố 4 được công nhận là "Khu phố xuất sắc" cũng là nhờ có đóng góp tích cực của những người hết lòng vì mọi người như chú!".

 

Với những đóng góp tích cực đã nêu, CCB Nguyễn Hùng Cường thật xứng đáng với 20 tấm bằng khen, giấy khen cũng như danh hiệu "Người tốt, việc tốt" mà UBND Tp. Hồ Chí Minh và các cấp, các ngành đã trao tặng

Công Gôn
.
.