C37 - sau chặng đường 2 năm

Thứ Ba, 06/01/2009, 08:46
Hơn 2 vòng quay thiên văn kể từ ngày cơ quan CSĐT Bộ Công an bổ sung thêm "bí số" C37 vào tổ hợp 4 mũi nhọn C14, C15, C16, C17. Lẽ thường, người mới, lực lượng mới, đặc biệt với lực lượng chiến đấu muốn dư luận hiểu sự ra đời của họ là cần thiết và chứng tỏ khả năng, hiệu quả đánh án ngay từ màn "khởi động" bằng các tuyên bố, báo cáo... Còn với C37, từ ngày ấy tới nay, đường "viễn chinh" luôn kín kẽ.

Không có những tuyên bố rốt ráo. Không có những cuộc "viễn chinh" đánh án rầm rộ. Thay vào đó, những vụ án lớn, những bị can tham nhũng nghiêm trọng có thể chỉ tiết lộ khi kết luận điều tra đã hoàn tất, chuyển sang VKS. Bị can có chức quyền bị bắt vào trại giam nhiều ngày, dư luận mới hay tin. Có vụ án ngay cả khi đã truy tố trước toà, dư luận quên (hoặc cũng không thể biết) đó là "đáp án" do chính Cục C37 khám phá lâu nay...

Nhiều lần gặp Đại tá Nguyễn Huy Đức, Cục trưởng C37 hỏi những đánh giá của ông về việc điều tra tội phạm tham nhũng nhưng chưa một lần người đàn ông có phong cách cương nghị trong công việc nhưng hóm hỉnh trong đời thường đồng ý trả lời phỏng vấn. "Đó là việc khó và việc mình làm hãy để khách quan đánh giá" - ông nói ngắn gọn. Phong thái của ông cũng giống người tiền nhiệm, Thiếu tướng Nguyễn Hoà Bình.

Tôi sực nghĩ, có những việc làm người ta không dùng từ "thành tích". Phanh phui những chủ thể tội phạm trong vỏ bọc tinh vi ấy hiển nhiên không phải là việc bóc tách bình thường.

Cuối năm 2008, một thông tin báo chí đưa rằng: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an bắt quả tang Hà Công Tuấn, nguyên thẩm phán TAND tỉnh Quảng Ninh và một cán bộ Công an Quảng Ninh nhận hối lộ 200 triệu đồng của thân nhân bị can trong vụ án buôn lậu. Thông tin ngắn gọn nhưng đó là kết quả quá trình xác minh, mật phục và triển khai lực lượng chặt chẽ của tổ công tác thuộc Cục C37.

Chuyến xe rời trụ sở Hàng Bài xuống TP Hạ Long không mang BKS công vụ. Họ đã dày công quan sát kỹ "tầm ngắm" tại khách sạn Trường Giang, trước khi thuê phòng nghỉ cạnh phòng số 902. Khi Hà Công Tuấn đến "điểm hẹn" và nhận 200 triệu đồng thì cánh cửa khách sạn bật mở, Tuấn tái mặt khuỵu xuống dù trước đó cố tỏ ra bình tĩnh...

Những trận đánh bất ngờ của C37, sau khi kết thúc cũng hiếm khi được tường thuật rõ trên mặt báo, tất cả chỉ mẩu tin ngắn. Còn nhớ vụ bắt ông Vũ Đình Thuần, mãi khi xe Cảnh sát đã rú ga rời trụ sở trực ban ở Hồ Giám, người bán chè chén cạnh đó dù rất tinh ý cũng đoán mò "chắc có chuyện gì đó".

Chúng tôi từng nói các chiêu đối tượng tham nhũng "nắn gân" cán bộ điều tra như Nguyễn Lâm Thái, Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Huy Tần... Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực từng nói rằng ông bị đối tượng nhắn tin đe dọa vào máy điện thoại, rồi có cuộc gọi lúc nửa đêm. Không "dằn mặt" được, đối tượng chuyển sang xoa dịu bằng các chiêu thức tình, tiền.

Và một điều người lãnh đạo đơn vị chuyên trách chống tham nhũng luôn cần đến: niềm tin với cán bộ dưới quyền. Không gì nhạy cảm hơn nếu cán bộ điều tra thụ lý án tham nhũng mà lại có đơn tố cáo họ tham nhũng. Quản lý một con người không phải 24/24h mà ở nguyên tắc, khi cán bộ có độ chín nhất định, ắt có niềm tin với thủ lĩnh.

Nói điều này, tôi lại nhớ nỗi lòng trăn trở của Thượng tá Nguyễn Đình Chiến, nguyên Trưởng phòng chống buôn lậu, Cục C15. Khi 2 cán bộ thuộc quyền quản lý bị bắt trong vụ Thiên Lợi Hòa, anh trăn trở viết bài thơ rất dài, cũng là suy nghĩ trắc ẩn nhất của một người hầu như gắn nghiệp mình với mặt trận nóng bỏng. "Đau là tiễn biệt người chưa mất" - tâm niệm của anh vẫn vẹn nguyên dẫu anh đã vĩnh biệt với đồng đội và mặt trận nóng bỏng.

Khi có C37, những vụ án được coi "án điểm" luôn được đốc thúc sớm hoàn tất kết luận để xử lý nghiêm trước pháp luật. Đi làm án, chẳng ai muốn dây dưa, nhất lại khi có đôn đốc, chỉ đạo từ cấp trên, sự kỳ vọng từ dư luận. Nhưng có vào cuộc mới thấy cái khó của người làm án. Hệ thống cơ quan CSĐT tội phạm tham nhũng đã có mặt ở 60/63 địa phương nhưng tính bình quân, mỗi đội CSĐT tội phạm tham nhũng ở địa phương chỉ có khoảng 5 cán bộ, trong đó có 3 điều tra viên.

Với số lượng như vậy, nếu phải khởi tố, điều tra một vụ tham nhũng thì quân số gom 100% cũng không thể đủ, các địa phương phải huy động cả lực lượng nghiệp vụ của Phòng PC 15 hỗ trợ và Công an huyện, quận. Trong khi phần lớn các vụ án được phát hiện thông qua đơn thư tố cáo của công dân.

Để có kết luận đơn thư phải mất thời gian khá dài, có thể qua nhiều cơ quan thanh, kiểm tra nên khi vụ việc được xác định có dấu hiệu tội phạm đã cách xa thời điểm xảy ra tham nhũng, đối tượng kịp tẩu tán, thay đổi tài liệu, nhiều cán bộ liên quan trực tiếp tham nhũng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Dược phẩm Trung ương 2 xảy ra từ năm 2000, 2001 nhưng mãi đến năm 2008 mới được phát hiện, điều tra. Vụ "đề án 112" xảy ra giai đoạn 2001 - 2005 nhưng đến 2007 mới đến tay CQĐT. Truy tìm những tài liệu phục vụ những vụ án quá xa như vậy thực sự là bài toán khó.

Một mặt, tiến độ điều tra án tham nhũng nhiều vụ chậm, kéo dài 2-3 năm, thậm chí lâu hơn. Cơ quan CSĐT dù rất cố gắng cũng không thể xoay xở trong thời hạn đã định. Đáng chú ý, việc giám định thiệt hại rất lòng vòng, kinh phí giám định phải lấy từ kinh phí hoạt động điều tra.

Vụ Thiên Lợi Hòa, để giám định hàng tấn thuốc lá, kinh phí giám định lên tới trên 600 triệu đồng, phải trích từ kinh phí điều tra. Vụ án này được xác định án điểm, phải xử lý sớm.

Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 ở Lào Cai hồi tháng 3/2008, HĐXX TAND tỉnh Lào Cai quyết định trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ 9 vấn đề, trong đó có việc xác định người làm và sử dụng dấu giả, hợp đồng giả trong các hợp đồng và các giấy tờ có liên quan đến việc nhập lá thuốc lá của Công ty Thành Sơn và Công ty Thiên Lợi Hoà.

Quyết định hoãn phiên toà làm dư luận... chưng hửng, còn cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên băn khoăn. Cục C37, đơn vị ra kết luận điều tra vụ án này một lần nữa khẳng định, những vấn đề cần làm rõ thì cơ bản... đã rõ. Cuộc họp liên ngành sau đó thống nhất cho rằng, cáo trạng đã rõ ràng, cần thiết phải được xử lý sớm, dứt điểm, không thể "câu giờ"!

Im lặng, kín kẽ nhưng chữ tín định hình ngay từ buổi đầu. Chữ tín đến độ, nhiều người dân, kể cả doanh nghiệp, khi phát hiện có vấn đề tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu nội bộ, thái độ biến chất của một số cán bộ tại cơ quan, địa phương mình, vậy là đơn được viết, "kính gửi: Cục C37, tầng 7, 40 - Hàng Bài, Hà Nội".

Đơn kính chuyển quá nhiều cũng một phần vì người gửi không hiểu rõ chức năng, quyền hạn, vô tình tự "nâng" uy lực, quyền hạn của đơn vị này tựa như có thể giải quyết mọi chuyện về tiêu cực.

Thế nên đơn tố cáo cán bộ thôn tham ô đất công, ăn bớt tiền xây cống làng, đơn tố cáo học sinh mẫu giáo bị ăn bớt khẩu phần, học sinh phải nộp tiền học thêm trái quy định... cũng có mặt tại C37. Hầu hết đơn kiến nghị, tố cáo gửi C37 nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng này.

Năm 2008, trong số gần 1.000 đơn thư gửi về C37 thì có tới 845 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, chỉ có 115 đơn cơ bản đúng thẩm quyền. Nhiều cơ quan do chưa nghiên cứu kỹ nội dung, tính chất sự việc phản ánh mà chỉ thấy ngoài bì đề "đơn tố cáo tham nhũng" hay "đơn tố giác tham nhũng khẩn cấp" là chuyển ngay cho C37 mà không xem kỹ tính chất sự việc để xem thẩm quyền thuộc cơ quan nào.

Trong khi đó, có công dân lặn lội từ tỉnh xa đến để chuyển đơn "tố cáo tham nhũng khẩn cấp", nội dung tố cáo cán bộ xã "rút ruột" khi thi công đoạn đường... liên thôn, thất thoát theo đơn là rất nghiêm trọng, trị giá nhiều con trâu khỏe nhưng vì không tin ở địa phương, chỉ tin C37 nên cứ đến gửi cơ quan này cho... chắc ăn!

Năm 2008, lực lượng CSĐT tội phạm tham nhũng phát hiện 614 vụ, 1.233 đối tượng, đã khởi tố, điều tra 438 vụ với 1.057 bị can. Tội phạm tham nhũng gây thiệt hại 881,3 tỷ đồng, trong đó cơ quan chức năng sau khi phát hiện, khởi tố, điều tra đã thu hồi lại 433,1 tỷ đồng, sung ngân sách Nhà nước. So sánh với số liệu năm 2007 cho thấy, số vụ việc điều tra án tham nhũng tăng thêm khoảng 4,8% , nhưng số đối tượng bị phát hiện, xử lý lại giảm 5,3%.

Đăng Trường
.
.