Bước đột phá từ những công trình khoa học đầy sức sống

Thứ Hai, 24/10/2011, 13:21
Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Học viện ANND đã nhớ lại, phong trào NCKH của Học viện ANND thực sự bắt đầu khi trường được giao sứ mệnh đào tạo sỹ quan an ninh, sau đó phong trào phát triển mạnh và dần đi vào chiều sâu đầu những năm 80 của thế kỷ trước và ngày càng hoàn thiện từ chính những công trình khoa học đầy sức sống này.

Bất cứ một cơ sở đào tạo nào, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo con người còn có một sứ mệnh vô cùng quan trọng là nghiên cứu khoa học. Học viện ANND trải qua một chặng đường dài phát triển 65 năm, do đó, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của nhà trường cũng có bề dày phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, với rất nhiều công trình khoa học vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thực tiễn cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Những vấn đề lý luận về khoa học Công an nói chung và lý luận nghiệp vụ an ninh nói riêng, ngày càng hoàn thiện từ chính những công trình khoa học đầy sức sống này.

Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Học viện ANND đã nhớ lại, phong trào NCKH của Học viện ANND thực sự bắt đầu khi trường được giao sứ mệnh đào tạo sỹ quan an ninh, sau đó phong trào phát triển mạnh và dần đi vào chiều sâu đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, đất nước vừa đi qua chiến tranh, thực tiễn đó càng đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường phải sớm đáp ứng được những nhiệm vụ chính trị, trong đó có việc bổ sung, không ngừng hoàn thiện lý luận nghiệp vụ an ninh, rồi việc biên soạn giáo trình bài giảng phải được tổng kết từ chính những chuyên án lớn để khái quát thành vấn đề lý luận nghiệp vụ.

Thiếu tướng Phạm Ngọc Hiền cho hay, thời đó, lực lượng nghiên cứu của Học viện còn mỏng, chủ yếu là anh em giáo viên, nhưng bù lại, anh em rất tự giác, yêu nghề. Sau giờ lên lớp, giáo viên lại tranh thủ đi thực tế, đến các địa phương và đơn vị nghiệp vụ để tìm hiểu các chuyên án, tự mình mày mò, đúc rút, tổng kết ra bài học lý luận. Mà thời đó, số công trình khoa học về nghiệp vụ an ninh hầu như rất hiếm, có chăng chỉ là một số tài liệu anh em có được sau khi học tập ở nước ngoài về.

Nhưng “như con tằm nhả tơ”, mỗi ngày tích lũy một chút, số công trình khoa học của Học viện ngày một nhiều lên, lấp dần khoảng trống về lý luận nghiệp vụ an ninh, bài giảng giáo trình cũng đầy đặn hơn, mang đầy hơi thở cuộc sống. Và cho đến hôm nay, trải qua 65 năm, Học viện ANND đã có thể tự hào trở thành trung tâm NCKH của lực lượng Công an, cái nôi NCKH của lực lượng CAND…

Sinh viên Học viện ANND luôn tích cực tham gia vào phong trào NCKH và các cuộc thi NCKH do Bộ Công an và Bộ GD & ĐT tổ chức hằng năm.

Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hiền cho hay, tổng kết lại thành tựu về công tác NCKH của học viện có thể điểm trên những mặt sau: Những công trình đã góp phần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện lý luận khoa học Công an nói chung và lý luận nghiệp vụ an ninh nói riêng; đồng thời góp phần xây dựng văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của lực lượng Công an về bảo vệ ANTQ, bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH trong từng giai đoạn lịch sử.

Cũng theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Hiền, công tác NCKH của học viện còn phục vụ hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực, thông qua NCKH để biên soạn giáo trình nghiệp vụ, tài liệu dạy và học, sách chuyên khảo, các chuyên đề phục vụ trước hết cho công tác giảng dạy trong nhà trường.

Với truyền thống NCKH được bồi đắp qua từng giai đoạn lịch sử, với một đội ngũ nghiên cứu tâm huyết, giàu lòng đam mê, tính đến nay, Học viện ANND đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài cấp Bộ trọng điểm, cấp Bộ và cấp cơ sở (điển hình như đề tài cấp Nhà nước KX 09 – 14 về chiến lược An ninh Quốc phòng), trong đó phần lớn các đề tài đều được nghiệm thu xuất sắc. Bên cạnh đó, Học viện đã biên soạn hàng trăm giáo trình, tài liệu dạy học cho các bậc đào tạo đại học, sau đại học, các lớp bồi dưỡng chức danh.

Chỉ tính giai đoạn từ 2006 – 2010, Học viện đã biên soạn mới 63 giáo trình, chỉnh lý 10 giáo trình, biên soạn gần 400 tài liệu dạy học, 200 chuyên đề cho bậc sau đại học và các lớp bồi dưỡng chức danh. Riêng mảng NCKH của sinh viên luôn được coi là một trong những thế mạnh của Học viện ANND. Các công trình NCKH mang bản sắc, tạo được thương hiệu và phong trào NCKH của sinh viên nhà trường nhiều năm được Bộ GD&ĐT, Bộ Công an tặng Bằng khen.

Từ năm 2001-2010, Học viện đã có 316 công trình sinh viên NCKH đạt giải các cấp, trong đó có 2 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 53 giải khuyến khích. Học viện cũng đã có 82 sinh viên đạt giải các cuộc thi tìm hiểu, trong đó có 4 giải đặc biệt…

Trong giai đoạn tới đây, khoa học và công nghệ tiếp tục có sự phát triển nhảy vọt tạo ra nhiều thay đổi to lớn trên thế giới, sẽ tác động không nhỏ đến tình hình bảo vệ ANQG, xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa ANQG như nguy cơ “cách mạng màu”, nguy cơ tự diễn biến và chuyển hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh thông tin…

Do đó, Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hiền kiến nghị, trọng tâm NCKH của Học viện trong thời gian tới là phải xây dựng một chiến lược NCKH, nghiên cứu những vấn đề chiến lược bảo vệ ANQG trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, từng bước lấp dần những khoảng trống còn lại về lý luận Công an và lý luận nghiệp vụ an ninh nói riêng.

Thời gian tới, Học viện ANND phải tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa NCKH tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về nghiệp vụ, với công tác biên soạn và hoàn thiện hệ thống giáo trình. Phải thường xuyên nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm nghiệp vụ, tạo ra sự gắn bó chặt chẽ, coi đó là điều kiện sống còn của hệ thống giáo trình nghiệp vụ. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với một cơ sở giáo dục trọng điểm, đầu ngành như Học viện ANND, đồng thời cũng là giải pháp cơ bản để tháo gỡ vướng mắc chủ yếu, có tính đặc trưng của lý luận nghiệp vụ CAND…

(Thiếu tướng Đinh Hữu Phượng,
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND)

Thu Phương
.
.