Bí quyết "hai cộng..." trong giải quyết tranh chấp đất đai ở vùng cao

Thứ Tư, 30/12/2009, 08:17
Tranh chấp đất đai là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, luôn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp về an ninh trật tự. Ở vùng cao, nơi còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, cùng với thói quen giải quyết mâu thuẫn theo kiểu phép vua thua lệ… bản, đã làm cho việc giải quyết các vụ tranh chấp đất đai thêm khó khăn, đôi khi rơi vào tình trạng trớ trêu và bi hài…

Những vụ tranh chấp "vô tiền khoáng hậu"

Thượng tá Vũ Tuấn Sửu, nguyên Trưởng Công an huyện Điện Biên (Điện Biên) là người đạt kỷ lục giải quyết các vụ tranh chấp đất đai ở vùng cao của tỉnh Lai Châu cũ, với số lượng lớn, nhỏ lên đến hơn 300. Cả đời làm Công an, ông chỉ gắn bó với vùng cao Tây Bắc.

Ông có uy tín và kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ tranh chấp đất đai ở miền ngược mà các tình tiết của vụ việc đôi khi cũng rất… ngược đời! Một trong những vụ làm ông nhớ nhất là trường hợp tranh chấp đất nương rẫy của dân bản Sam Kha, thuộc huyện Sông Mã (Sơn La) và dân Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Chỉ có một mảnh nương rộng trên 4.000m2, ban đầu là tranh chấp giữa hai gia đình, sau lan rộng ra qui mô 2 bản. Mâu thuẫn đã có lúc lên đến đỉnh điểm khi dân 2 bản đánh trống báo động, mang cuốc, thuổng, gậy gộc và súng kíp chĩa vào nhau tính chuyện thắng thua(!?).

Vụ việc quá phức tạp, vượt tầm kiểm soát và xử lý của chính quyền cơ sở, chính quyền, Công an 2 huyện Sông Mã và Điện Biên Đông phải vào cuộc. Khi đưa ra giải quyết, người dân nào cũng giữ cái lý… cùn của mình; dân bản Sam Kha thì khăng khăng cho rằng cái mảnh nương này phải là đất của họ, bởi từ bao năm nay, người dân vẫn buộc trâu ở đó đến mòn cả thân cây mạnh thồ lộ (một loại gỗ ngứa).

Còn dân bản Chiềng Sơ thì "hùng hồn" tuyên bố, rặng cây đó chỉ là cho dân Sam Kha mượn để buộc trâu(!?). Công an 2 huyện phải tham mưu cho các ngành chức năng mang cả bản đồ gốc, giải thích cho dân hiểu, một mặt tranh thủ các già làng - là những nhân chứng sống của bản làng ra phân xử, dân 2 bản mới chấp nhận hòa giải và cho "rút quân"…

Ở vùng cao, chuyện tranh chấp đất đai phổ biến nhất là dạng tranh chấp nương rẫy hoặc các cánh rừng, thậm chí còn có chuyện tranh chấp cả một khe suối có nhiều cá. Các vụ việc đều rơi vào tình trạng khó xử cả vì cái lý rất miền ngược, nên các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải căn cứ vào tính chất của từng vụ việc mà tìm cách giải quyết cho phù hợp để bà con "ưng cái bụng".

Bí quyết "hai cộng…"

Những địa phương từng nổi lên vấn đề tranh chấp đất đai, nhưng nay đã kìm chế, hoặc làm giảm hẳn là: Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai và Lai Châu. Bí quyết "hai cộng" là: "Quyền lợi chính đáng của người dân + phong tục tập quán = thành công".

Đây là một kinh nghiệm quí trong giải quyết, xử lý các vụ tranh chấp đất đai ở các bản làng vùng cao, Thượng tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) nhấn mạnh khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Văn Chấn là một huyện lớn nhất của tỉnh Yên Bái, dân số hơn 15 vạn người, có 13 dân tộc, sinh sống tại 536 thôn, bản thuộc 31 xã và thị trấn.

Những năm trước, Văn Chấn khá phức tạp về an ninh nông thôn, nổi lên là các vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân. Nhưng, nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, biết tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín; vận dụng mềm dẻo giữa các yếu tố luật pháp và luật tục, phù hợp với đặc điểm tâm lý của bà con người dân tộc thiểu số, nên Công an huyện Văn Chấn đã tham mưu cho chính quyền và các ngành chức năng giải quyết dứt điểm, hiệu quả các vụ tranh chấp đất đai diễn ra trên địa bàn, kể cả những vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài

Vũ Mạnh Hà
.
.