"Bắt bệnh" cho người chết

Thứ Ba, 06/11/2007, 11:32
Xét ở góc độ nào đó, việc khám nghiệm tử thi là thay lời người chết nói lên sự thật, thay người chết tố giác tội phạm và tìm ra nguyên nhân xảy ra vụ án. Tuy nhiên, để vạch trần bộ mặt của kẻ phạm tội, bác sỹ Hùng và đồng đội đã phải đổ nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ, thậm chí cả sức khoẻ, tính mạng của bản thân để tìm ra sự thật, trả lại sự công bằng cho mọi người...

Nếu nhìn vào bề nổi của Cảnh sát hình sự, người ta dễ nhận ra những thành công của người trinh sát qua các vụ án mà họ đã khám phá. Với một giám định viên pháp y như Thiếu tá - bác sỹ Vũ Sơn Hùng (Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình) thì công việc của anh và đồng đội cũng chẳng kém phần vất vả, gian truân nhưng rất thầm lặng.

Xét ở góc độ nào đó, việc khám nghiệm tử thi là thay lời người chết nói lên sự thật, thay người chết tố giác tội phạm và tìm ra nguyên nhân xảy ra vụ án. Tuy nhiên, để vạch trần bộ mặt của kẻ phạm tội, bác sỹ Hùng và đồng đội đã phải đổ nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ, thậm chí cả sức khoẻ, tính mạng của bản thân để tìm ra sự thật, trả lại sự công bằng cho mọi người...

Gian nan nghề "bắt bệnh" cho người chết

Trở lại vụ án mạng giết người, đốt xác hết sức man rợn xảy ra tại xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu vào cuối tháng 3/2007. Ngay sau khi nhận được tin báo của nhân dân, dưới sự chỉ đạo của Ban chuyên án, bác sỹ Hùng cùng các kỹ thuật viên trong đơn vị nhanh chóng lên đường.

Qua nội dung báo cáo từ cơ sở, Ban chuyên án nhận định, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu không kịp thời làm rõ và bắt gọn đối tượng sẽ gây dư luận không tốt, ảnh hưởng xấu tới tình hình ANTT trong khu vực. Do vậy, nhiệm vụ đặt lên vai bác sỹ Hùng và tổ công tác rất nặng nề. Trong đó việc xác định chính xác nguyên nhân chết để định hướng cho quá trình điều tra là rất quan trọng và có tính quyết định tới thành công chung.

Hiện trường là một đống tro tàn, đã bị xáo trộn, nạn nhân bị chết được xác định là nữ giới, sau khi bị đốt đã cháy đen và biến dạng. Với bản lĩnh vững vàng và nghiệp vụ sắc bén, anh Hùng và đồng đội đã sử dụng các trang thiết bị tiến hành các biện pháp nghiệp vụ mổ xẻ tử thi nhằm xác định rõ nguyên nhân, thời gian, vật dụng gây chết cũng như dấu vết để lại.

Với phương châm "thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan và toàn diện", chỉ sau một thời gian ngắn, tổ công tác đã có kết luận cuối cùng, nạn nhân chết do bị tấn công từ phía sau vào đầu bằng một vật cứng (nghi là cọc gỗ), sau đó đối tượng đã sử dụng dây thừng xiết cổ cho tới chết rồi đốt xác phi tang.

Trên cơ sở những nhận định quan trọng trên, Ban chuyên án đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và tóm gọn toàn bộ đối tượng tham gia gây án là Lê Thị Hoa - kẻ chủ mưu và Bùi Văn Trưởng - một con nghiện đã thực hiện tội ác, trả lại sự bình yên cho địa bàn.

Có nhiều vụ do sự thiếu hiểu biết hoặc có hành động che giấu tội phạm nên sau khi nạn nhân chết người nhà vội vàng làm thủ tục mai táng, đã được các giám định viên pháp y và các trinh sát nhanh chóng vạch trần.

Điển hình là vụ án mạng xảy ra tại xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Sau khi ông Bùi Văn Phụ, 54 tuổi bất ngờ bị chết, gia đình đã vội vã làm thủ tục chôn cất với lý do "bị cảm". Cái chết của ông Phụ đã làm cho người dân xung quanh nghi ngờ vì trước đó ông Phụ hoàn toàn khỏe mạnh. Trước thời điểm ông chết không lâu, có người còn nghe thấy ông và người con trai to tiếng với nhau.

Thế rồi 1 tuần sau, những nghi ngờ nhanh chóng được trình báo tới cơ quan Công an. Đội khám nghiệm của các bác sỹ pháp y và trinh sát đã có mặt tại hiện trường và tiến hành khai quật tử thi. Kết quả khai quật thật bất ngờ, nạn nhân bị chết do có ngoại lực tác động gây chảy máu não. Từ kết quả trên đã giúp cơ quan điều tra vạch trần kẻ giết người…

Những trăn trở với nghề

Hiện nay, tình hình tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, phức tạp, phương thức thủ đoạn gây án đa dạng và thường xoá dấu vết sau khi gây án hòng che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn trong việc xác định chính xác nguyên nhân chết và định hướng cho các bước điều tra tiếp theo.

Hơn nữa, do các tai tệ nạn ngày càng tăng, các loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao như: HIV/AIDS… nhiều trường hợp phát hiện muộn, tử thi đã bị phân hủy… Nhiều vụ việc phát hiện xác chết ở trên khe núi, ngọn cây, dưới sông, cất giấu trong bao tải, bị đốt cháy… Chưa kể, địa bàn tỉnh Hoà Bình là miền núi, nhiều cùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt vô cùng vất vả.

Số vụ việc giám định pháp y trong những năm trước đây chỉ khoảng 100 vụ/năm. Đến năm 2006 là trên 200 vụ. Một khó khăn nữa là nhận thức của một bộ phận người dân về pháp luật nói chung và nghề pháp y nói riêng còn rất hạn chế. Khi lực lượng chức năng đến khám nghiệm còn biểu hiện chống đối, cản trở công việc. Có phần tử quá khích đã sử dụng gậy gộc, đất đá tấn công những người làm nhiệm vụ và giám định viên.

Có thể nói, khó khăn của một giám định viên pháp y là rất nhiều và không thể kể hết. Trong khi chế độ chính sách khuyến khích, động viên lại chưa thỏa đáng so với những công sức mà các anh bỏ ra.

Những thành quả của người cán bộ Công an đã gần 20 năm cống hiến trong lực lượng Công an như Thiếu tá, bác sỹ Vũ Sơn Hùng và đồng đội của anh ở đơn vị Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hòa Bình, thật đáng trân trọng

Như Hùng- A. Hiếu
.
.