Bài cuối: Ấm tình đồng đội

Thứ Hai, 10/07/2017, 08:12
“Ngày giỗ anh ấy, gia đình tôi không báo nhưng đồng đội luôn nhớ và đến thắp hương cho anh” - câu nói cảm động của người vợ liệt sỹ Công an đã nói nên phần nào sự quan tâm của đồng đội với người đã hi sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên.

Mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy luôn khốc liệt. Và, để ngăn chặn cái chết trắng gieo rắc khắp nơi, nhiều cán bộ chiến sỹ đã phải đánh đổi cả tính mạng. Nói về các anh, người thân và đồng đội luôn tự hào.

Niềm tự hào dành cho người ở lại

Người dân Mai Châu (Hòa Bình) có lẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh người phụ nữ nhận hung tin về chồng khi đang xách làn đi chợ. Người phụ nữ đó giờ đã quen với cuộc sống thiếu vắng chồng sau 7 năm ông hi sinh. Nhưng, những câu chuyện về người Cảnh sát hình sự luôn dũng cảm đối mặt với hiểm nguy thì vẫn in đậm trong trí nhớ của mọi người.

Giữa trưa, đứa cháu nội nằm gọn trong lòng tay bà Hà Thị Ẩn, vợ liệt sỹ Đại tá Hà Thái Yềm (nguyên Phó trưởng Công an huyện Mai Châu hi sinh trong vụ bắt đối tượng truy nã ở Hang Kia). Bà đưa chúng tôi trở về với câu chuyện của 7 năm về trước. Đã quen thuộc với những chuyến công tác của chồng, nhưng hễ ông ra khỏi nhà là bà thấp thỏm không yên. Đêm xuống, sau tiếng cạch cửa của chồng, bà mới chìm vào giấc ngủ.

Ngày hôm đó, 5-2-2010, cũng như mọi khi, ông bảo ông đi họp ở xã Kun Pheo. Thế rồi, ông cùng 2 chiến sỹ trẻ vĩnh viễn ra đi trong cuộc vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt Vàng A Khua ở bản Hang Kia, huyện Mai Châu. Hang Kia vốn được mệnh danh là “con đường tơ lụa” của tội phạm ma túy từ Lào về Sơn La.

Nhận tin chồng hy sinh trong sự bàng hoàng, đau đớn, nhưng rồi bà phải gắng gượng làm chỗ dựa tinh thần cho các con. Hai con trai của Đại tá Hà Thái Yềm đang theo nghề của cha cũng nén nỗi đau để tiếp tục làm nhiệm vụ.

Bà Hà Thị Ẩn, vợ liệt sỹ Hà Thái Yềm trò chuyện với đồng đội của con.

Bà Ẩn nguyên là giáo viên của trường phổ thông dân tộc nội trú nói trong xót xa: “Năm 2008 tôi nghỉ hưu, ở nhà chăm cháu nội và cũng có thời gian dành cho gia đình. Cả 3 bố con đều công tác trong lực lượng Công an, cứ ra khỏi nhà là lo lắm. Có những đêm, nghe 3 lần “cạch” cửa thì mới yên”.

Nhiều đêm bà thấp thỏm chờ chồng con, giờ thì không còn đến 3 lần “cạch” cửa nữa… Bà kể, lúc bé cháu nội hỏi ông đâu thì cả nhà nói ông đi công tác. Lớn lên chút, cháu hiểu rằng ông đã hi sinh thì nó lại hỏi: “Tại sao lại bảo ông hi sinh, còn người khác thì lại bảo là mất?”. Câu hỏi xoáy vào tâm can bà Ẩn, nhưng ở một góc khác, đó cũng là tự hào của bà và các con.

Thiếu tá Hà Tiến Dũng, con trai cả của Đại tá Hà Thái Yềm giờ đã ở vị trí của người cha năm xưa. Anh tiếp nối công việc giải quyết các điểm nóng phức tạp mà trước kia cha anh và những đồng đội của ông đã thực hiện. Nhiều lần trở lại Hang Kia, nơi người cha đã hi sinh dưới làn đạn của đối tượng phạm tội ma túy, trong anh lại dâng lên cảm xúc khó tả.

Tôi hỏi Thiếu tá Hà Tiến Dũng có ngại xông pha, có nghĩ đến hiểm nguy không, anh tâm sự: “Mình mà chùn chân thì ai làm nữa? Công việc đã chọn mình rồi, cơ bản là cần lòng nhiệt tình, mà mình đã có tấm gương của bố nên tự thấy sống và chiến đấu phải phát huy truyền thống ấy”.

Em trai anh, Thượng úy Hà Thanh Hải hiện đang là Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mai Châu cũng thường xuyên có mặt trên các cung đường đảm bảo an toàn giao thông. 

Thời gian trôi qua, sự mất mát, trống vắng được khỏa lấp dần bằng tình yêu thương của các thành viên trong gia đình và sự quan tâm của đồng đội Đại tá Hà Thái Yềm.

Bà Ẩn không giấu sự xúc động: “Ngày giỗ anh ấy, gia đình tôi chưa bao giờ báo với cơ quan, nhưng đồng đội của anh thì không bao giờ quên. Ngày giỗ, ngày thương binh liệt sỹ hay lễ tết, các anh ấy đều đến thắp hương cho chồng tôi. Vào mỗi dịp kỷ niệm, tôi vẫn được động viên đi giao lưu…”.

Sự quan tâm của lực lượng Công an và Công an địa phương với gia đình các cán bộ chiến sỹ hi sinh là niềm động viên, an ủi lớn lao giúp gia đình vượt qua mất mát.

Vì cuộc sống bình yên

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Mai Châu chia sẻ, địa bàn Mai Châu được Bộ Công an xác định là địa bàn nằm trên tuyến trọng điểm phức tạp ma túy Tây Bắc. Đây là địa bàn vùng núi cao, giao thông hiểm trở, đời sống nhân dân khó khăn.

Tội phạm ma túy, nhất là đối tượng mua bán vận chuyển ma túy luôn dùng thủ đoạn, phương thức tinh vi, đặc biệt là sẵn sàng dùng vũ khí chống trả lực lượng truy bắt. Cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy không chỉ cam go quyết liệt, mà đòi hỏi cán bộ chiến sỹ phải dũng cảm, mưu trí trong đấu tranh và truy bắt đối tượng.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh cho biết, Công an huyện thấm nhuần sâu sắc chủ trương của Đảng, nhà nước, của ngành Công an về sự tri ân đối với các gia đình thương binh liệt sỹ đã anh dũng hi sinh, cống hiến xương máu của mình cho công tác an ninh trật tự. Bằng việc làm cụ thể, đơn vị thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, thăm hỏi động viên, tạo điều kiện về việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà cho thân nhân các liệt sỹ.

Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ, bố trí việc làm cho vợ, con liệt sỹ, thương binh nặng,… hằng năm Công an tỉnh đều tổ chức vận động toàn thể cán bộ chiến sỹ, công nhân viên trong toàn lực lượng Công an tỉnh tham gia hoạt động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Những việc làm nghĩa tình, những sự quan tâm sâu sắc của đồng đội với người đã hi sinh như hơi ấm lan tỏa, bù đắp phần nào nỗi đau cho gia đình liệt sỹ, động viên tinh thần cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn khắc nghiệt.

Sau sự hi sinh anh dũng của các cán bộ chiến sỹ tại Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; Thượng úy Lường Phát Chiêm, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động và bảo vệ, Công an tỉnh Sơn La và Trung úy Bùi Công Nguyên, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng đã ngã xuống khi vây bắt đối tượng phạm tội ma túy.

Các anh sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình, đồng đội, viết lên trang sử vẻ vang về sự dũng cảm, bất chấp hiểm nguy của lực lượng công an bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Việt Hà – Trần Hằng
.
.