Ba thế hệ, một con đường

Chủ Nhật, 04/04/2010, 17:31
Ngôi nhà có ba thế hệ làm Công an ấy là gia đình Trung tướng Phạm Tâm Long, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, khóa VII nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an.

Tôi đã có hơn 40 năm công tác trong ngành Công an, trong đó có hơn nửa thời gian làm nghề cầm bút. Là một nhà báo, tôi đã có khá nhiều cuộc tiếp xúc với các bậc tiền bối, các cán bộ Công an lão thành. Tại các cuộc tiếp xúc ấy, đã giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống của mọi người trong gia đình họ. Nhưng thật hiếm có một gia đình nào như gia đình ông, khi mà cả ba thế hệ từ ông, bà đến các con, cháu đều là những cán bộ trong ngành Công an.

Trong ba thế hệ ấy, người đến với ngành Công an theo sự phân công của tổ chức; người vào ngành Công an theo sự định hướng của cha mẹ; nhưng lại có người theo đuổi vào ngành Công an bắt đầu từ niềm đam mê và yêu thích. Song dù đến với ngành Công an ở vào thời điểm nào, tất cả họ đều thấu hiểu rằng, đã đặt cuộc đời mình trước những hy sinh, gian khổ, đối mặt với bao hiểm nguy và phức tạp vì sự bình yên cuộc sống.

... Gọi đó là gia đình Công an cũng đúng, bởi tại nếp nhà này, ngoài vợ chồng ông, những người gửi gắm cả cuộc đời cho ngành Công an, những người con của ông khi trưởng thành đều tiếp bước con đường mà cha mẹ đã đi, trong đó người con trai cả hiện đang mang quân hàm Thiếu tướng, Giám đốc một cơ sở đào tạo lớn của ngành. Còn người con trai thứ hai hiện là Đại tá, trưởng một phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội.

Trước hết xin được đề cập đến ông - Trung tướng Phạm Tâm Long. Được Nhà nước phong quân hàm cấp tướng cách nay hơn 20 năm, nên mỗi lần nhắc đến ông, nhiều người vẫn gọi ông là thầy. Điều đó xem ra cũng đúng, bởi lẽ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã có 16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nghiên cứu và góp phần xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ của lực lượng CAND. Từ một trưởng khoa nghiệp vụ, ông đã có nhiều năm giữ cương vị là Hiệu trưởng Trường Đại học ANND (nay là Học viện ANND).

Hồi ông còn giữ cương vị Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nhiều người sau khi tiếp xúc với ông đã nhận xét: “Ông là một vị tướng, nhưng trong con người ông vẫn toát lên phong cách của một nhà giáo nho nhã, lịch thiệp và thông minh”.

Với tôi, ngày còn theo học ở Trường Đại học An ninh, cũng như sau này ra công tác, tôi đã có một vài lần tham dự các diễn đàn do ông chủ trì, khi thì ở trường, ở Bộ; khi thì ở một vài địa phương. Mỗi lần như thế là một lần tôi học được ở ông rất nhiều về cách diễn giải và quy nạp vấn đề, sự thu phục người nghe qua cách truyền cảm. Sau mỗi lần như thế, tôi thường bảo với đồng đội rằng, ông quả là một nhà giáo, nhà sư phạm lớn của ngành Công an.

Trung tướng Phạm Tâm Long: "Vợ chồng tôi năm nay đã ở tuổi ngoài tám mươi. Thế hệ chúng tôi là những người đã trải qua hai cuộc chiến. Thời nào cũng thế, nhiệm vụ của lực lượng CAND rất nặng nề. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, vai trò của các thế hệ làm công tác  Công an, trong đó có các con, cháu tôi là rất lớn. Tôi luôn có niềm tin vào họ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của lớp người đi trước, tích cực rèn luyện nâng cao trình độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội mà lịch sử giao phó".

Nghề làm thầy của ông bắt đầu vào năm 1962. Hồi ấy sau khi kết thúc khóa học ở Liên Xô, về nước ông được lãnh đạo Bộ điều động làm Trưởng khoa Nghiệp vụ trinh sát của Trường Công an Trung ương (nay là Học viện ANND). Cầm tờ quyết định, ông thấy phân vân, bởi lẽ trước đó ông đang là Trưởng phòng Bảo vệ kinh tế thuộc Sở Công an Hà Nội. Nghề trinh sát đã để lại trong ông bao kỷ niệm buồn, vui, nay phải tạm xếp lại để nhận nhiệm vụ mới khiến ông ngỡ ngàng, mặc dù thuở nhỏ có lúc ông từng ước mơ sau này trở thành thầy giáo.

Về công tác ở Trường Công an Trung ương, công việc đầu tiên mà ông nghĩ đến là cùng các đồng nghiệp của mình xây dựng và từng bước hoàn thiện bộ giáo trình nghiệp vụ phục vụ công tác giảng dạy cho học viên, để làm sao khi rời mái trường này họ vận dụng vào thực tế một cách hiệu quả nhất. Đây là một nhiệm vụ vừa trọng tâm, vừa cấp bách của toàn ngành. Song đó lại là công việc rất mới mẻ của đội ngũ nhà giáo ở các trường Công an thời bấy giờ.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông được lãnh đạo Bộ điều vào làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc sĩ quan Công an nhân dân. Đây là bước phát triển kế tiếp của Trường An ninh miền Nam thời chống Mỹ. Các học viên ở cơ sở này là những cán bộ, chiến sĩ Công an, đã từng nếm mật nằm gai, chiến đấu trực diện với địch ở các tỉnh miền Nam. Nhiều người chỉ lo đánh địch mà chưa được đến trường. Do vậy, việc bồi dưỡng, truyền đạt lý luận nghiệp vụ cho họ trong bối cảnh đất nước thống nhất là vấn đề rất cần thiết và quan trọng.

Lúc đó, ông vừa là Hiệu trưởng, vừa là giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn nghiệp vụ. Do có phương pháp truyền cảm hấp dẫn thu hút người nghe nên học viên ở các khóa đào tạo dù ở Trường Đại học An ninh nhân dân hay Trường Bổ túc sĩ quan Công an cho đến bây giờ vẫn nhớ ơn ông.

Trung tướng Phạm Tâm Long nói: “Một lần, ông về công tác ở các tỉnh Nam Bộ. Khi chiếc xe đưa ông vừa đến địa phận TP Mỹ Tho thì bị chết máy, trời lại tối, buộc ông phải tìm đến đồn Công an gần đó nhờ giúp đỡ. Không ngờ ông vừa đến thì đã thấy hai cán bộ mặc trang phục Công an chạy đến trước mặt ông và cùng hô "chào thầy". Thì ra đó là hai chiến sĩ Công an mà trước đó ông đã đào tạo. Rồi còn biết bao câu chuyện cảm động khác thể hiện tình cảm thầy trò đan quyện trong cuộc đời ông.

Ngay cả lúc ông giữ cương vị Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, là Ủy viên Trung ương Đảng trong suốt hai nhiệm kỳ và bây giờ khi ông đã nghỉ hưu, song cứ mỗi lần hội lớp, các khóa đều mời và đón ông trở về với những kỷ niệm của một thời đã qua. Và cứ mỗi lần như thế, các học viên dù hôm nay giữ cương vị công tác gì, họ vẫn cứ gọi ông là thầy, coi ông là một nhà giáo cần mẫn và nhiệt huyết trong sự nghiệp đào tạo và giáo dục của ngành Công an.

Trung tướng Phạm Tâm Long và gia đình.

16 năm trên cương vị là người thầy, hơn ai hết, ông hiểu ý nghĩa lớn lao của sự nghiệp trồng người, nhất là công việc ấy gắn chặt với sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Đây cũng là lý do mà ông cảm thấy hài lòng về người con trai cả của vợ chồng ông. Sau khi tốt nghiệp khóa đại học đầu tiên của ngành; nghe lời khuyên của cha, anh đã dành trọn niềm say mê vào công việc. Do vậy, anh đã phấn đấu trở thành một nhà giáo giỏi.

Có một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên trong cuộc đời làm Công an của Trung tướng Phạm Tâm Long. Nếu như ông có 16 năm gắn bó với nhà trường thì ông cũng có 16 năm gắn bó với lực lượng Công an Thủ đô. Kể từ ngày vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội đến năm 1962, ông làm Phó phòng rồi Trưởng phòng Bảo vệ kinh tế.

Năm 1981, rời mái trường Đại học An ninh, ông trở lại Hà Nội với cương vị là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an Hà Nội. Cũng ở cương vị ấy, ông trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương.

Còn nhớ, khi ông về làm Giám đốc Công an Hà Nội, có người phân vân rằng, giữa lúc tình hình an ninh - trật tự ở Hà Nội đang trong thời kỳ "nước sôi, lửa bỏng", ông được điều về đảm đương chức Giám đốc Công an Thủ đô liệu có làm yên lòng dân không? Họ đưa ra lý do rằng, con người ông, đức tính nho nhã, dung dị của ông chỉ thích hợp với vai trò người thầy, còn vai trò của một tư lệnh cầm quân thì phải đợi đã.

Nhưng rồi bằng sự sáng tạo trong công việc, phối kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, phát huy sức mạnh của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông đã cùng tập thể tạo nên sự chuyển biến tích cực về tình hình an ninh - trật tự Hà Nội.

Hơn một năm sau, trong một lần gặp ông, Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương hồi đó đã thổ lộ: "Quả thực dịp anh mới về, tôi cũng hơi lo vì anh công tác ở trường đã lâu, còn bây giờ thì tôi yên tâm rồi!".

Người con trai cả, Thiếu tướng, PGS-TS: Tôi biết ơn cha mẹ, ông, bà là tấm gương về lối sống liêm khiết, giản dị; tình yêu thương con người. Là một nhà giáo, người quản lý một cơ sở giáo dục của ngành, tôi học được rất nhiều về cách truyền đạt kiến thức, sự quy nạp và diễn giải vấn đề.

Tiếp nối con đường mà ông đã đi, người con trai thứ hai của ông, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, mặc dù anh đã trúng tuyển một trường đại học có uy tín ở đất Hà thành, nhưng anh đã chọn điểm đến của mình là Trường Đại học An ninh.

Tiếp xúc với tôi, anh bảo: "Trong gia đình, bố, mẹ tôi là Công an, anh trai tôi, em rể tôi cũng là Công an. Song không phải vì thế mà tôi chọn ngành Công an để dấn thân; cái chính là tôi yêu thích những công việc mà các chiến sỹ Công an đã và đang làm. Dẫu biết vào theo học ở các trường Công an là phải phấn đấu gian khổ, mọi việc phải đặt trong khuôn phép, không tự do, thoải mái như ở bên ngoài. Nhưng ở môi trường ấy, người ta sẽ trưởng thành và sớm tôi luyện bản lĩnh; mưu trí và sáng tạo…".

Sau 5 năm học, rèn ở Trường Đại học An ninh, anh được phân công về công tác tại Công an Hà Nội. Từ một lính trinh sát, và kết quả công tác, anh đã được phong hàm Đại tá, Trưởng một đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an Thủ đô.

"Nghề Công an trong thời đất nước mở cửa và hội nhập, công việc rất nặng nề. Nhưng so với bạn bè cùng trang lứa công tác ở một số ngành nghề khác, thu nhập thấp hơn nhiều. Song không phải vì thế mà so bì; cái chính là phải tạo cho mình lòng say mê, yêu ngành, yêu nghề, gửi hồn mình vào từng vụ việc, có vậy mới thành công" - anh nói.

62 năm trước, bà Lê Thị Thu Minh vốn là cán bộ phụ nữ cứu quốc của huyện Bất Bạt (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Sau ngày ông bà cưới nhau, ông dời cương vị Bí thư Huyện đoàn về làm công tác kiểm tra, tổ chức, tuyên huấn rồi được cử vào hoạt động ở vùng địch hậu, rồi được điều về giữ  cương vị Phó văn phòng, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Sơn Tây. Do yêu cầu của công tác xây dựng lực lượng Công an, ông được tổ chức điều động về công tác ở Công an Liên khu 3. Cuộc đời Công an của ông bắt đầu từ đó cho đến ngày ông nghỉ hưu.

Còn bà, sau ngày tiếp quản Thủ đô được cử đi học lớp y tá. Học xong, bà về công tác tại Bệnh xá Công an Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu. Nếu như ông, quá trình hoạt động cách mạng, đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Liên Xô, Cu Ba trao tặng phần thưởng cao quý thì bà cũng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chống Mỹ hạng nhất.

"Trong gia đình có ngần ấy người thì hầu hết đều công tác trong ngành Công an. 3 cậu con trai sau khi tốt nghiệp THPT đều thi vào Đại học An ninh; cô con gái duy nhất thì theo học trường ngoại ngữ của ngành. Anh con rể hiện cũng là cán bộ Công an Hà Nội. Bây giờ thằng cháu, con anh con trai cả, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật cũng được tuyển vào công tác trong ngành. Ngày lễ, ngày Tết, cả nhà, con cháu tập trung vui lắm. Tôi tự hào về gia đình mình, ít nhiều thì cũng góp người, góp sức cho ngành, cho đất nước".

(Bà Lê Thị Thu Minh, người bạn đời của Trung tướng Phạm Tâm Long, nguyên cán bộ Bệnh viện CATP Hà Nội)

.
.