Ba cùng với Công an cơ sở: Tuổi hai mươi nơi tuyến lửa

Thứ Năm, 30/07/2009, 10:38
Tia chớp chiều tháng bảy xé toang góc trời u ám phía Tây. Tay xe ôm mặc chiếc áo mưa rách quá nửa, hớt hải chở tôi tạt nhanh góc cua phía đường Quán Gánh (Bắc TP Vinh). Mưa như đổ thác. "Mùa này, đất này, trời cứ mưa cứ nắng thất thường như người con gái đang yêu, vừa cười đấy, lại khóc" - Thượng tá Nguyễn Xuân Thiêm, thủ lĩnh lực lượng CSĐT chống tội phạm ma túy đất Nghệ rót chén chè Thanh Chương ví von.

>> Ba cùng với Công an cơ sở: Ươm nhụy sống ở miền đá tai mèo

Tôi nhớ ý Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, Giám đốc Công an tỉnh nói rằng, các chiến sỹ trẻ về công tác tại Công an xứ Nghệ, nguyên tắc hiển nhiên là về với miền Tây. Mỗi chiến sỹ dù tốt nghiệp trường nào hoặc từ địa phương nào chuyển đến, đều "nằm vùng" 5-7 năm tại miền Tây, trường hợp tình nguyện ở lại sẽ được hưởng thêm chế độ. Nói các huyện miền Tây trong cùng một tỉnh, nhiều người thoạt nghĩ xa lắm chỉ trăm cây số nhưng riêng Nghệ An, từ Kỳ Sơn nếu về tỉnh lỵ (TP Vinh) cũng tương đương khoảng cách từ Vinh ra Hà Nội nhưng đường sá khó bội phần. 

Những người săn "sói hoang"

Lần này trở lại thăm lực lượng dã chiến, tôi cũng không thể gặp được nhiều gương mặt trẻ khi một mũi nhọn hiện tăng cường lên Kỳ Sơn. Nghe cái tên Kỳ Sơn với những danh từ "ớn" như núi Bù Con Cẳng, khe Hạ Hòa, suối Tà Cạ, bản Keng Đung... từng xảy ra những cuộc chạm trán nảy lửa và chỉ có sự mưu mẹo dũng cảm tột cùng mới giúp chiến sỹ Công an tóm được "sói hoang" (tên người địa phương gọi tội phạm ma túy) và giữ an toàn tính mạng cho mình và đồng đội. Những vụ án như Xồng Chá Xồng (Na Ngoi, Kỳ Sơn), Và Bá Của, Và Bá Cu ở Phông Xa Vẳn (Lào). Nhưng cũng chính môi trường cơ sở đầy khốc liệt đã tôi luyện cho tuổi trẻ Công an xứ Nghệ chất thép trong chiến đấu và tính nhân văn trong đời thường. Điển hình như hai chiến sỹ được tôn vinh là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc các năm 2003, 2006: Hoàng Việt Hưng, Nguyễn Mạnh Hùng.

Hoàng Việt Hưng (thứ hai từ trái sang) trở thành mũi nhọn cơ sở của tuyến lửa Nghệ An.

Mẹ Hưng, người từng gắn bó với người chồng là bộ đội, lo cho con từng củ sắn những ngày mới xóa bỏ bao cấp, nay mẹ nghỉ hưu trên 15 năm. Con trai ra trường, cầm tấm bằng tốt nghiệp là khăn gói lên huyện miền núi Anh Sơn. Mẹ gấp cho con mấy bộ quần áo rồi bảo: "Chừng nào còn kêu khổ thì khoan hãy về"! Có lần đang đêm anh nhận lệnh đi ngay, rồi ba ngày, một tuần, ba tuần... Sốt sắng đánh đường xuống tận nơi làm việc của con, mẹ được các anh trong đơn vị động viên: "Không sao cả, rồi ít hôm nữa Hưng sẽ về". Hóa ra đó là trận đánh đặc biệt, Hưng cùng tổ trinh sát bí mật sang Viêng Chăn phục kích đối tượng Trần Văn Hợi. Thời gian đó, không có bất kỳ ai được liên lạc về nhà.

Trước cổng trụ sở là con đường khá vắng vắt qua cánh đồng. Một quán bia cỏ mọc lên đó, cũng là điểm giải khát hàn huyên sau mỗi bận về từ miền Tây. Lứa tuổi 7X như Hoàng Việt Hưng, những người mài giũa bút sách ở Học viện Cảnh sát nhân dân, Trung học Cảnh sát nhân dân, giờ đã ngoài 30 với 3-10 năm cắm chốt miền rừng. Đó là với chiến sỹ nhận công tác ở Công an biên giới, miền núi, còn với lính ma túy, chẳng có thời hạn mấy năm trở về. Những bầm sẹo, tỳ vết các trận chạm trán bị đối tượng dùng dao, tấn công hay những bước chạy đuổi bắt đối tượng bị trượt ngã, cứ chồng lấn lên nhau. Hôm nay, gặp lại Đại úy Nguyễn Đức Cường, người có 7 năm liền cắm chốt tại Kỳ Sơn, huyện biên giới được ví như Mù Căng Chải của Yên Bái. Nhiều người gọi "Cường kều", nhưng có lẽ điều này không chỉ ứng với dáng lênh khênh (gần 1,9m) mà còn bởi biệt tài "kều" sói hoang trong núi.

Chuyện rằng, nằm sâu trong núi phía Tây huyện Kỳ Sơn, Tà Cạ lạnh lẽo, hoang vu vốn chỉ có sói rừng với lợn lòi. Những kẻ buôn ma túy cũng lấy đây làm "đất dụng võ". Rừng hoang, mùa đông như lạnh thêm mấy độ, rét cứa sắc không nể nếp da đã có độ chai đá sỏi. Lần anh cùng đồng đội xuống một xã phía Tây huyện Kỳ Sơn truy bắt đối tượng buôn bán ma túy vào loại sừng sỏ, khi lực lượng Công an tấn công, mặc dù bị áp sát, thu giữ lựu đạn nhưng hắn vẫn kịp ném làm một Công an xã trọng thương. Nhanh như cắt, Nguyễn Đức Cường đá tung quả lựu đạn thứ hai trên tay, quật ngã hắn để đồng đội vào bắt. Sau vụ đó, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Sau này về Vinh, phụ trách tổ công tác săn lùng tội phạm ma túy, anh từng bị đối tượng nhiễm HIV cắn mạnh vào cánh tay.

Hai trạng thái, một bản lĩnh

Nhớ lần cùng anh em lên Kỳ Sơn, dẫu đã chuẩn bị tâm lý kỹ lắm thì tôi cũng bị địa hình, khí hậu khắc nghiệt ở đây "đánh" choáng váng. Khi cái nắng như xát cát của mùa hè đã qua, cái dịu nhẹ sương thu cũng rời xóm núi, Kỳ Sơn với độ cao đỉnh Trường Sơn, mùa đông khiến ngọn cỏ cũng se sắt co mình. Ma túy được các đối tượng bên Lào tập kết tại một địa điểm sát biên giới, khi có yêu cầu, hàng sẽ được vận chuyển về Việt Nam qua đường rừng, tập kết tại một số bản gần rìa thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn. Từ đây, các đối tượng trung gian vận chuyển ma túy về xuôi bằng các phương tiện như ôtô, xe máy, có khi bằng cả thuyền bè để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Số hàng này khi về xuôi sẽ được phân theo đơn đặt hàng của các đại lý. Nắm vững quy luật đó, nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén đã được trinh sát sử dụng.

Hôm nay, tôi gặp những "lính tuyến lửa" cắm chốt Kỳ Sơn. Thượng úy Hồ Sỹ Việt dáng người khá đậm, ở anh toát lên hai trạng thái của một trinh sát: Từ tốn, khiêm nhường khi tiếp cận với những người thân đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng ra hàng; cứng rắn, quyết đoán khi vây bắt, đối mặt đối tượng hoặc trong tình huống nguy hiểm. Chính anh là người hóa trang khi thực hiện kế hoạch trinh sát bắt tên Xồng Chá Xồng.

Nhớ cái đêm không võng, không màn, Việt mặc chiếc quần lửng vượt lau lách cùng tốp 4 chiến sĩ đến nằm phục ở vách đá khe nước Sơn Hà. 3 giờ, rồi 4 giờ, giờ người dân bản lần lượt quai thúng vào rừng. Tờ mờ sáng, bước chân rậm rịch hơn, anh em vẫn như "khúc củi khô" bên vách đá, những tưởng thú rừng có đi ra cũng chỉ đánh hơi rồi đi vì nghĩ… mồi đã chết. Đó là cách ém quân để mật phục đúng giờ G, khi Xồng Chá Xồng không còn nghi ngờ, tiến ra…

Phải vượt lên ranh giới của yếu mềm

Những ngày ở bản, ăn ở, nói tiếng bản, có những mẹ sau này vài năm gặp lại vẫn gọi tên thân thiện "con Việt, con Hùng nì, dạo ni gầy đen rứa con". Nhắc đến tình cảm đầm ấm ấy, tôi nhớ chuyện kể của Đại úy Nguyễn Tiến Chung, người có thâm niên gần chục năm lăn lộn miền Tây xứ Nghệ. Đi đâu về đâu, anh và những lính trẻ chẳng thể nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ Thiệp ở thị trấn Hòa Bình, Tương Dương. "Những ngày ở với mẹ, anh em đi làm về đêm hôm mệt lả, mẹ đã nấu sẵn nồi nước sả với rổ ngô luộc thơm nức. Mẹ dặn anh em trùm chăn chiên, xông nước sả, lá tre, lá bưởi cho mồ hôi ra đầm đìa rồi tắm là hết mệt" - Chung trầm tư nhớ - nỗi nhớ khắc khoải tự sâu thẳm cõi lòng.

Hình ảnh mẹ Thiệp với cốt cách bình dị mà sâu nặng ấy, tôi lại nhớ họ cũng như bao người mẹ quê hương vốn nghèo tiền, chẳng bao giờ nghèo nghĩa. Người nông dân đất Nghệ một đời chân chất lớn lên bên đồng ruộng, nuôi con kẽo kẹt dưới lũy tre làng: "Nông dân nghèo chữ nên trọng người hay chữ, góp gạo nuôi con thành ông Trạng, ông Nghè"…

Sổ tay nhiều đoàn viên trẻ vẫn lưu lại những vần thơ do chính vị thủ lĩnh Phòng PC 17 Hồ Xuân Hòa "cảm tác" trong những đêm nằm bản đánh án. Cái khắc nghiệt và cam go ở đây không làm con người khô cứng, trái lại chất nghệ sĩ cũng có đất lan tỏa mà Thượng tá Hòa là dẫn chứng. Nhớ lần giao lưu với các điển hình tiên tiến, trên sân khấu, ngẫu hứng anh còn đọc thơ tặng vợ bài thơ viết ở... xứ Triệu Voi khi truy bắt Trần Văn Hợi - một trùm ma túy khét tiếng.

Anh biết lắm những đêm dài không ngủ
Thương anh đi vất vả gian nan
Nhưng trận chiến đối mặt kẻ ác
Phải vượt lên ranh giới của yếu mềm

Nếu như những chiến sỹ trẻ ở tuyến lửa miền Trung được nói đến với "chất thép" thì ở góc độ khác, chiến sỹ an ninh tại cao nguyên đất đỏ lại hòa mình vào buôn làng với phong thái gần gũi đến đơn sơ. Thế nhưng khi vận động đối tượng từng cầm đầu các toán gây rối, họ có cách tiếp cận riêng.

                                                      Kỳ sau: Nghĩa tình cao nguyên

Đăng Trường -Xuân Mai
.
.