Ba cùng với Công an cơ sở: Nghĩa tình cao nguyên

Thứ Sáu, 31/07/2009, 10:25

Làm thế nào để gặp và vận động những đối tượng từng cầm đầu các toán gây rối, kích động, giúp họ nhận ra lỗi lầm, trở về buôn làng? Đây là những đúc kết thực tiễn của cán bộ an ninh cơ sở.

>> Ba cùng với Công an cơ sở: Tuổi hai mươi nơi tuyến lửa

Đầu những năm 2000, đời sống người dân Tây Nguyên tuy cải thiện về vật chất nhưng nhiều vùng, bà con nhận thức chưa đầy đủ, bị kẻ xấu lợi dụng, kích động hòng thực hiện mưu đồ chống phá của chúng. Những kẻ kích động chọn các vùng sâu, vùng xa, nơi ánh sáng văn hóa, thông tin còn hạn chế, thừa cơ tung các luận điệu xuyên tạc, lừa mị, đánh vào sự cả tin của người dân bản địa.

Những chiến sỹ an ninh trở thành các tuyên truyền viên, về cùng dân bản, tạo chỗ dựa, niềm tin để bà con tẩy chay kẻ xấu. Những cái tên như Đại úy Nguyễn Thành Lợi, Nguyễn Khắc Cường, Hoàng Khắc Lương, Đoàn Hải... thời gian tăng cường sống, làm việc cao nguyên đất đỏ thực sự có ý nghĩa tôi luyện chính mình, kiểm nghiệm những kỹ năng cần thiết của cán bộ an ninh.

Với Đại úy Nguyễn Thành Lợi, Cục A42, anh trở thành gương đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Bộ Công an, nhiều lần được tôn vinh trong Đoàn Thanh niên Bộ, được Bộ Công an, Tổng cục An ninh tặng bằng khen...

Công an cơ sở tuyên truyền chính sách pháp luật cho bà con buôn làng Tây Nguyên giúp họ tẩy chay kẻ xấu.

Quy phục thủ lĩnh "người rừng"

Nguyễn Thành Lợi chính thức nhận nhiệm vụ tại Tây Nguyên từ năm 2001. Nhớ lại những ngày đầu hành trình vào xứ sở cà phê, anh chia sẻ: Bản thân cũng như các đồng nghiệp trẻ lúc ấy chưa hiểu được ngôn ngữ đồng bào dân tộc tại đây cũng như nhiều thứ còn mới về tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng. Thêm nữa, địa bàn rộng, người dân sống không tập trung, sự am hiểu rất hạn chế. Năm 2001 - 2003, anh cùng nhóm cán bộ trẻ trực tiếp xuống các buôn làng ở Hà Bầu, Đắc Sơ Mei, Ia Băng (huyện Đắc Đoa, Gia Lai). Đây chính là những buôn làng từng xảy ra tình hình phức tạp khi nhiều người dân vì thiếu hiểu biết bị kẻ xấu kích động, phá rối an ninh.

Sau khi tạo dựng được niềm tin với bà con, Đại úy Lợi cùng đồng nghiệp tiến hành công tác vận động quần chúng, vận động thân nhân và gia đình số đối tượng tham gia tổ chức Đề ga, vạch rõ bộ mặt phản động, lừa bịp, đi sâu nắm hoàn cảnh cụ thể, tìm hiểu nguyên nhân, lý do tham gia hoạt động này để tìm cách tháo gỡ, giải thích. Từ thực tiễn vận động, anh nhận thấy, đa số người tham gia vì bị đe dọa hoặc cả tin vào những lời lẽ lừa mị như tham gia để được đi định cư ở Mỹ sẽ thay đổi cuộc sống, tham gia để sau này được nhiều nhà nhiều đất...

Trường hợp Y Jao ở xã Hà Bầu (Gia Lai), bị các đối tượng lừa phỉnh tham gia tổ chức phản động, Y Jao cho rằng được đi Mỹ định cư nên trốn ra rừng. Những ngày đầu, khi Đại úy Lợi thuyết phục quay về, Y Jao "né", để chờ ngày... xuất ngoại! Bằng sự kiên trì, động viên gia đình kêu gọi đối tượng trở về, anh còn chủ động tới nhà Y Jao dạy con học thêm... Anh cùng già làng đến nhà phân tích, giáo dục tác động, dần dần Y Jao tỉnh ngộ, quay về buôn làng.

Tương tự, đối tượng Y Krếch nhận rõ sai lầm đã tự nguyện nộp tài liệu phản động. Với Y Sũ Niê, đối tượng cốt cán trong tổ chức Đề ga, từng cầm đầu vụ gây rối ngày 30/8/2002 ở buôn Phao (Đắk Lắk), sau thời gian trốn ra rừng thì đổ bệnh. Gia đình Y Sũ Niê không thể tìm đâu ra thuốc, buộc y tự tìm lá cây trong rừng chữa trị, bệnh ngày càng nặng.

Giữa lúc kẻ mơ mộng đổi đời đối diện sự thật có nguy cơ chết vì bệnh thì một lần nữa, cán bộ an ninh Nguyễn Thành Lợi trở lại. Lần này, anh tiếp tục giải thích bằng thực tế Y Sũ Niê đang gặp phải, rằng chỉ có trở về buôn làng trị bệnh, khi có sức khỏe chăm lo lao động mới đổi đời chứ không có "người ngoài hành tinh" nào đến rót tiền vào nhà cả. Đích thân Lợi còn sử dụng tiền lương của mình, mua thuốc chuyển tới Y Sũ Niê. Nhận thuốc từ cán bộ, quả nhiên ít ngày sau bệnh đỡ dần. Cũng chính từ đó, kẻ từng cầm đầu vụ gây rối hiểu ra sự thật và tin hẳn cán bộ mang giọng nói xứ Bắc, về sau ra đầu thú cùng nhiều đối tượng cốt cán khác.

Lần ra Hà Nội dự hội nghị biểu dương thanh niên tiên tiến trong CAND, Nguyễn Thành Lợi chia sẻ kinh nghiệm những năm tháng hòa mình miền đất đỏ: Trong công tác dân vận, nhất là đối với dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần phải đến với bà con trước hết bằng tấm lòng, bằng tình cảm thực sự và bằng những việc làm cụ thể dù rất nhỏ, chú trọng đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình và những người có uy tín trong dòng họ, buôn làng...

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Vân - sỹ quan an ninh kém "anh dân vận" 3 khóa, cũng là mối tình nảy nở ngay từ những năm dùi mài đèn sách tại Học viện An ninh nhân dân. Giờ không thường xuyên cắm bản vùng đất đỏ nhưng với tình cảm và những công việc liên quan, anh vẫn thường xuyên đến với đồng bào Tây Nguyên. Gấp gáp, mỗi bận ra Hà Nội, vợ lại trách khéo "dân vận sành thế, chắc mấy cô gái Ê đê xứ cà phê cũng phải lòng"...

Cảm nhận hình ảnh cán bộ an ninh của cựu lãnh đạo Fulro

Ông Nahria YaDuck (dân tộc Chu-ru), người từng giữ các chức vụ: Trưởng Ty sắc tộc Tuyên Đức thuộc chính quyền ngụy trước đây, rồi Tư lệnh Sư đoàn Bidoup (một trong những đơn vị chủ lực của lực lượng Fulro sau năm 1975) và cả chức vụ "Đệ nhất Phó Thủ tướng Fulro". Giờ thì ông là Đại biểu Quốc hội khóa XII.

Hôm gặp bên lề kỳ họp Quốc hội, hỏi chuyện những chiến sỹ an ninh ở Tây Nguyên, người chỉ huy trong Fulro xưa bày tỏ: Các anh an ninh rất dễ gần, họ nói chuyện đều thân thuộc cả, từ lao động, sản xuất đến chuyện kẻ địch lợi dụng như thế nào. Tôi ngày xưa cũng vì hiểu không đầy đủ mà làm sai trái. Ban đầu không muốn gặp các anh ấy (an ninh) đâu, nhưng sau này gặp rồi thấy gần gũi lắm, lại hiểu rõ nhiều điều".

Giờ khi đã là đại biểu của dân, ông gặp gỡ bà con khuyên rằng, những cái người này người kia rêu rao, đó chỉ là trò lừa mị. Một số thanh niên không biết, không hiểu, nhẹ dạ cả tin, làm tay sai cho kẻ xấu ở nước ngoài. "Cho nên đây là trách nhiệm của tôi, trách nhiệm của tất cả bà con, phải làm thế nào đừng để con cháu mình bị kẻ xấu lợi dụng, bị mua chuộc nữa. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đúng, rõ ràng, nhưng mà tự bản thân người dân tộc cũng phải tự vươn lên" - Nahria YaDuck bày tỏ. Khi có người nhầm tưởng Kso Kơk "làm to", ông nói với cán bộ an ninh: Kso Kơk trước kia đã từng làm bảo vệ cho tôi. Anh này nói về trình độ năng lực thì hạn chế…

Tình yêu miền đất đỏ quyện như cà phê sánh

Người dân trên địa bàn Kla và Ia Mơr (Gia Lai) vẫn có thói quen dành những món ăn đầu mùa thu hoạch cho các chiến sĩ an ninh. Họ cũng tình nguyện giao nộp 12 khẩu súng cho cơ quan Công an. Mới đây, các chiến sỹ an ninh phối hợp Bộ đội Biên phòng, các trạm y tế xã và trung tâm y tế các huyện biên giới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức được 108 buổi khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí khoảng 1.000 lượt.

Già làng Rơ Mah Quyêng, làng Krol, xã Ia Krêl (Đức Cơ) khi nhận những món quà từ các chiến sỹ Cục An ninh Tây Nguyên, xúc động: Không có các anh, con đường về buôn không cứng thế này. Xưa già nầy cứ bì bõm xắn quần quá gối vẫn không nhấc chân lên được (ý nói nhờ cán bộ an ninh, nay đường đổ bê tông cứng, đi lại thuận tiện).

Bây giờ, Cục An ninh Tây Nguyên cũng là nơi những chiến sỹ trẻ hiện thực hóa những bài học vận động quần chúng, từ dân vận đến vận động đối tượng cá biệt. Sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ của Cục, Báo CAND luôn dành những phần quà ý nghĩa đến với bà con. Cuối tháng sáu vừa qua, Báo CAND và Cục An ninh Tây Nguyên tổ chức trao nhà tình nghĩa cho 2 gia đình chính sách tại huyện Chư Sê (Gia Lai). Đó là gia đình bà Kpui H'Yo (làng Lũ Hyố) và Rơ Mah H'Bua (thôn Tao Chor B), xã Ia Hrú.

Tôi nhớ ý Đại tá Phạm Đức Thanh, Phó Cục trưởng A41, người có thời gian dài cắm bản ở Tây Nguyên rằng, cứ mỗi đêm thức dậy, lòng cảm thấy tình yêu miền đất đỏ cũng quyện lại như những giọt cà phê đặc sánh. Những món ăn của đồng bào đơn sơ như hoa củ trong rừng, dẫu ban đầu chưa quen thì khi đã thấm tình người, tình đất, dư vị ngai ngái của hoa, của củ lại quyến luyến chẳng dễ gì xa...

Đăng Trường - Xuân Mai
.
.