Âm thầm chế ngự cái ác

Thứ Ba, 17/01/2006, 08:49

Bắt giữ tới 60 đối tượng có lệnh truy nã, trong đó có 15 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, thành tích này của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh An Giang trong năm 2005 đã được đánh giá cao. Tuy nhiên, với nhiều cán bộ, chiến sĩ mà tôi gặp sau những ngày truy lùng theo dấu vết của "quỷ" đầy cam go, vất vả, họ rất khiêm tốn khi kể lại chiến công của mình.

Đại úy, Đội trưởng Lê Tấn Tài, người có bề dày về thành tích bắt đối tượng có lệnh truy nã số 1 của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh An Giang, cho biết, trong số 15 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bị các anh bắt giữ trong năm 2005, có trường hợp sau khi phạm tội đã sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ngót hàng chục năm. Đó là đối tượng Nguyễn Thị Tuyết (50 tuổi), ngụ Đông Sơn I, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Tuyết nguyên là Giám đốc Công ty Thương nghiệp vật tư huyện Thoại Sơn. Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt một số tiền khá lớn của Nhà nước, thị đã cao chạy xa bay vào năm 1996.

Mãi đến thời điểm cuối năm 2004, Đội truy nã nhận được nguồn tin báo cho biết, có một phụ nữ tên Nguyễn Thị Tuyết. Tuy nhiên, nguyên quán lại là tổ 4, khu vực Thới Thuận, phường Thới Hòa, quận Ô Môn (Cần Thơ). Đáng chú ý hơn là người phụ nữ này đã hoàn tất một số thủ tục chuẩn bị xuất cảnh với số hộ chiếu: A1123909B cấp ngày 15/5/2004. Qua xác minh, các trinh sát được biết, Tuyết đã gian lận trong thủ tục xin cấp CMND mới mà không bị cơ quan chức năng của Cần Thơ phát hiện và đã được cấp vào ngày 21/11/2001.

Điều khó khăn nhất là đến thời điểm các trinh sát xác minh, thị Tuyết chẳng còn ở đó. Chủ nhân của căn nhà trên thừa nhận có quan hệ với Tuyết nhưng cũng không biết Tuyết đi đâu. Công cuộc truy lùng theo dấu vết của một người sắp được xuất cảnh âm thầm nhưng hết sức ráo riết. Cho đến ngày 31/11/2005, được sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp tại Tp.HCM, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an An Giang đã bắt được thị Tuyết khi đang lẩn trốn tại địa chỉ 18/13 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, Tp.HCM.

Trong vụ truy tìm hai tên Vũ Văn Tâm (45 tuổi), ngụ Trần Hưng Đạo, quận 5, Tp.HCM, và Nguyễn Trọng Tuấn (33 tuổi), Bến Vân Đồn, quận 4, Tp.HCM, các trinh sát cũng gặp không ít vất vả. Theo Đại úy Lê Tấn Tài, đây là hai thuyền viên của một chiếc xà lan chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình bờ kè chống sạt lở, bảo vệ thị trấn Tân Châu. Vào khoảng tháng 3/2005, khi "thả rong" ở khu vực thị trấn Tân Châu, cả hai đã thống nhất và thực hiện hành vi hiếp dâm một phụ nữ bán vé số. Biết trước sau gì cũng bị Công an bắt giữ, cả hai bỏ trốn. Tuy nhiên, chúng chẳng ngờ các trinh sát ngay sau khi nhận được tin báo về vụ việc đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ và ráo riết truy lùng. Cả hai đã bị "tóm" sau khi gây án gần 2 tháng.

Công việc truy bắt đối tượng phạm pháp bỏ trốn thường không vụ nào giống vụ nào. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với tập thể cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an An Giang, tôi nhận ra được một điều giống như công thức mà các anh vẫn thường vận dụng khi đối mặt với một vụ án. Đó là thái độ tỉ mỉ ngay từ quá trình tiếp nhận thông tin, thu thập chứng cứ ban đầu (dù chỉ là một sợi tóc, một dấu vân tay), sự kết hợp đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ với "thế trận" lòng dân, là sự đoàn kết, siết chặt tay nhau, quyết truy bắt tội phạm đến cùng...

Thượng tá Nguyễn Tấn Phước, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh An Giang, điểm lại một số vụ án mà theo anh, công cuộc truy bắt khó khăn, vất vả và "tốn" lực lượng và thời gian nhất. Trong đó có cuộc truy bắt khá "rầm rộ" kéo dài gần 3 tháng trời đối với tên Huỳnh Thanh Lâm - thủ phạm giết người, cướp tài sản tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn. Thiếu tá Trần Việt Dũng - Đội trưởng Đội Trinh sát điều tra phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn kể: "Có ít nhất hai lần công cuộc truy tìm tên Lâm rơi vào thế bế tắc, bởi hắn đã "mất dấu". Tuy nhiên, mỗi khi nhớ lại sự mất mát, đau đớn khôn cùng của người nhà nạn nhân, nhớ lại cái tin đồn thất thiệt rằng hắn là đàn em của Năm Cam lẩn trốn bấy lâu nay trong rừng tràm, đói quá nên ra ngoài "giết người, ăn cướp" gây hoang mang trong nhân dân… anh em chúng tôi không thể chùn bước". Những cuộc họp, hội ý chớp nhoáng diễn ra và bước chân các anh lại vội vàng bước đi, bất kể ngày đêm hay trời đang mưa, lũ. Ngày thứ 88, nhờ sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp Công an Bình Thuận, tên Lâm đã bị bắt.

Cái "máu" trinh sát là máu nóng nhưng cái đầu luôn hết sức "lạnh" và bình tĩnh - bình tĩnh để không rơi vào sự suy đoán chủ quan, lệch hướng, tự mình gây khó khăn cho mình và đồng đội. Cái lý thuyết tưởng rằng đơn giản ấy, đối với các anh, những người truy lùng "quỷ dữ", thật không thừa chút nào. Và cho đến những ngày cuối năm này, các cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh An Giang có dịp ngồi lại, xâu chuỗi những tồn tại, thành công trong từng vụ việc, phần việc... Và tôi biết, các anh không thể quên được một điều đặc biệt rằng, mình là người của một đơn vị từng được Đảng, Nhà nước và nhân dân phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND

Thái Bình
.
.