Câu chuyện ngày Chủ nhật:

Điểm huyệt Miura - Miura điểm huyệt

Chủ Nhật, 13/12/2015, 10:09
Thời gian qua, bóng đá Việt Nam sôi lên với những câu nói được ví von như sự "điểm huyệt" HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) Toshiya Miura của Phó Chủ tịch tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức. 

Chẳng biết có phải vì thế không mà nhà cầm quân người Nhật đang bỗng trở nên cau có, khó khăn với giới truyền thông bóng đá nước nhà hơn bao giờ hết. 

Thật ra thì Miura luôn là HLV hạn chế tiếp xúc với truyền thông hơn bất cứ ông thầy nào khác trước đây. Nhưng Riedl, Calisto có thể khó chịu với báo giới và tuyên bố "không trả lời báo giới" trong một khoảng thời gian nào đó, còn lại, họ luôn sẵn lòng ngồi cả tiếng đồng hồ với các nhà báo sau một buổi tập hay một bữa cơm của đội tuyển. Còn với Miura, tính trung bình một tuần ông chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn trực tiếp 1 lần.

HLV Miura đã "nói thật" nhiều điều về BĐVN với truyền thông quê mình.

Mới đây nhất ông thậm chí đã đề nghị báo giới phải gửi trước câu hỏi để mình nghiền ngẫm trước khi quyết định có trả lời hay không. Ở đây cũng không nên trách Miura khó khăn hay cứng nhắc, vì mỗi một đời HLV có một nguyên tắc hoạt động riêng, và bản thân vấn đề truyền thông, báo giới của VFF nhiệm kỳ VII với sự xuất hiện của Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ cũng có rất nhiều đặc điểm riêng, khác biệt so với những nhiệm kỳ trước.

Vấn đề đáng bàn là, trong những lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam, ông Miura thường chỉ trả lời chung chung với một tinh thần cẩn thận, cầu toàn khá rõ. Còn trong những lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản quê mình, ông lại không ngần ngại "điểm huyệt" nhiều tồn đọng của bóng đá Việt Nam, và có lẽ chính vì thế mà những cuộc trả lời phỏng vấn của ông với truyền thông Nhật luôn tạo sóng trong dư luận. 

Năm 2014, sau một thời gian ngắn làm quen với bóng đá Việt Nam và văn hoá Việt Nam Miura từng bày tỏ sự sửng sốt với "cách thức làm việc ở VFF, đặc biệt là hiện tượng nhân viên uống bia trong giờ nghỉ trưa" với một đài truyền hình Nhật Bản. Còn mới đây, trong một cuộc trả lời đáng chú ý với báo giới quê mình, Miura đã "điểm huyệt" hai điểm chết của bóng đá Việt Nam lúc này.

Thứ nhất là vấn đề tinh thần, khát vọng thi đấu - thứ mà bóng đá Việt Nam lâu nay luôn cho là điểm mạnh nhất của mình. Miura bảo, trong khuôn khổ AFC Champions League 2015, hai đội bóng hàng đầu Việt Nam là Bình Dương và HN.T&T đã có những trận thua đậm với lần lượt các tỷ số 1-5 và 0-7, trong khi các đội bóng ở nền bóng đá láng giềng Thái Lan thì không như vậy. Ông phân tích một điều dễ thấy hơn: "Ở Việt Nam, khi có bóng, cầu thủ có thể cầm bóng, tổ chức lối chơi, nhưng khi mất bóng, họ có nhiều biểu hiện thiếu mạnh mẽ, quyết tâm để tranh bóng lại bằng mọi giá".

Thứ hai là ở Việt Nam công tác phân tích đối thủ gần như bỏ trống. Miura bảo: "Các đội bóng Việt Nam thiếu hẳn một bộ phận chuyên nghiên cứu, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của đối phương để đề ra chiến thuật phù hợp với từng đối phương khác nhau". Ông cũng nói rằng, ở cấp độ Đội tuyển quốc gia, ông đã thực hiện công tác này và gặt được một vài thành công trong một vài trận đấu với những CLB lớn, điển hình nhất là trận Việt Nam hoà Iraq 1-1 tại vòng loại World Cup 2018, khu vực châu Á cách đây vài tháng. Tuy nhiên, Miura cũng thừa nhận ông phải cố gắng nâng cao trình độ của mình hơn nữa, để có thể đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Nếu những cái thiếu về công tác phân tích đối thủ mà Miura chỉ ra là điều không có gì phải bàn cãi thì việc ông "phê" cầu thủ Việt Nam không có tinh thần thi đấu tốt chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải giật mình.

Đã đành Miura vừa phải chịu "một cơn sóng dữ" từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức, và tương lai của ông ở Việt Nam hiện giờ cũng rất mong manh, nhưng những điều mà ông "điểm huyệt" bóng đá Việt Nam vẫn rất đáng để chúng ta tham khảo và nghiền ngẫm.


Diệp Xưa
.
.
.