Sau 12 năm, người hùng nước Đức giờ làm gì?

Chủ Nhật, 25/03/2018, 09:48
12 năm trước, bóng đá Đức trở lại bản đồ thế giới. Họ đã nằm im quá nửa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI để nhìn thấy cuộc cách mạng vào năm 2000 cho ra trái ngọt. Tại kỳ World Cup tổ chức trên quê hương, nước Đức tự mở ra trang sử mới cho nền bóng đá của mình.

Từ cậu bé bán bánh tới HLV quốc dân

Joachim Loew đã tận dụng hiệu quả nền tảng tuyệt vời ấy. Loew đã cùng Đức vô địch World Cup 2014 và xây dựng một đội tuyển có tính kế thừa. Đức sẽ mang tới Nga đội hình trẻ nhất trong lịch sử, nhưng cũng là đội hình khó đánh bại nhất, qua cái cách họ chèn ép Tây Ban Nha ở trận giao hữu rạng sáng qua.

Nhưng trong khi Loew vẫn đang tận hưởng bóng đá đỉnh cao, thì người đặt viên gạch đầu tiên cho cuộc cách mạng ấy, đã rời xa thế giới túc cầu 1 năm. 

Ông là Juergen Klinsmann, HLV trưởng Đức 2006 và cũng là “đại ca” của Loew ở giải đấu năm đó. Sau khi chia tay tuyển Mỹ vào năm 2016, Klinsmann đã dành toàn bộ thời gian để gìn giữ nghề gia truyền của dòng tộc: Làm bánh. Ông từ chối lời mời tới Premier League của Everton và cũng lắc đầu trước tiếng mời gọi của Liên đoàn Bóng đá Đức cho chức danh Giám đốc kỹ thuật.

Klinsmann (phải) và người trợ lý cũ Joachim Loew gặp lại nhau.

Bên trong căn phòng ở thung lũng Botnang (Stuttgart) chuyên làm món bánh Swabian trứ danh, rất khó tìm ra những manh mối chỉ dẫn về thực tại rằng, Klinsmann là một cầu thủ, là một HLV. Độc một khung hình in ảnh Klinsmann, trên tay là tấm bằng cử nhân trường làm bánh.

Đại gia đình Klinsmann có truyền thống bán bánh. Thích hay không thì công việc của mỗi thành viên trong tập thể lớn ấy là quấy – nhào - nặn bột hằng ngày. Klinsmann tất nhiên không thể đứng ngoài vòng quay ấy.

Đức tự hào là quốc gia tiên phong cung cấp dịch vụ giáo dục miễn phí. Nhưng người Đức không mở đại học trên diện rộng cho nhu cầu “lấy cái chữ” của đại bộ phận nhân dân, hay phục vụ ham muốn nghiên cứu của những anh chàng "đầu to mắt trố".

Họ muốn sinh viên của mình sau năm tháng rèn luyện trên ghế nhà trường sẽ trở thành những nghệ nhân tinh xảo, biến các công đoạn phức tạp trên dây chuyền sản xuất thành phản xạ tự nhiên.

Ausbuildungs, chương trình dạy nghề cấp cao ra đời, đào tạo thợ xây, thợ điện, thợ may và thợ làm bánh. Phải nhấn mạnh vào hai chữ “cấp cao”, vì mục đích của Chính phủ Đức là xuất xưởng những thợ thủ công lành nghề thích ứng được với môi trường kinh tế thị trường.

Năm 16 tuổi, Klinsmann theo học Ausbuildungs, rồi sau đó tốt nghiệp loại ưu khoa làm bánh. “Tim tôi có hai ngăn: Một cho bóng đá, một cho làm bánh” – trích đoạn cuộc phỏng vấn của New Yorker với Klinsmann cách đây hai năm.

Chọn là người nổi tiếng hay cuộc sống yên bình?

Klinsmann trưởng thành trong khu học viện kiểu mẫu, một công xưởng “sản xuất” ra các sản phẩm kiểu mẫu: Làm việc, làm việc và làm việc. Thật kỳ lạ, một sản phẩm ưu tú của mô hình, ở đây là Klinsmann,  lại rất sợ cuộc sống nhàm chán ấy. 

Ông chuyển tới Anh và Italia trong những năm cuối sự nghiệp vì lý do như thế. “Tôi muốn thay đổi không khí, ở nhà ngột ngạt lắm”, Klinsmann nói về quyết định gia nhập Tottenham.

Thời thi đấu, Klinsmann luôn nằm trong số những chân sút hay nhất làng bóng đá thế giới. Song báo chí mô tả ông là sản phẩm của những kỹ nghệ được trau chuốt hơn là tài năng thiên bẩm. Tờ Mirror gọi Klinsmann là “thợ lặn chuyên nghiệp”.

“Không, tôi là tôi, sự kết hợp của những giờ học nghiêm túc và tiềm năng bên trong”, Klinsmann nói với tờ Wall Street Journal.

Với Klinsmann, làm bánh và đá bóng là nghệ thuật. Không nên và không thể đánh đồng hai công việc ấy như những hoạt động cơ học. “Người nghệ sỹ sẽ bật lên nếu nắm công nghệ trong tay, nhưng anh công nhân không bao giờ có thể thay đổi thế giới. Vì anh ta không có tâm hồn, không có nét riêng của mình”, trích đoạn trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Si của Klinsmann.

Tiệm bánh của Klinsmann khác xa những tòa địa ốc thường thấy trên đường phố Berlin hay Hamburg. Nó nằm dưới chân một quả đồi, tường sơn màu nâu nhạt, ốp gỗ hình ống bao quanh, cửa sở dạng cổ điển chuẩn kiến trúc Pháp.

Cách đó 5 phút đi bộ là khu nhà kho, đâm thẳng ra trục đường Kaufmannstrasse. Vẫn là mái nhà lợp tôn, trên nóc cắm chiếc cờ Tây Tạng rách nát sót lại từ chiến tranh.

Klinsmann không thay đổi những gì thuộc về tạo hóa, vì nếu ông thay đổi, nghĩa là ông đã trở thành những con người điển hình của thế kỷ XXI ngoài kia. “Không thay đổi tức là khác biệt”, Klinsmann giải thích với phóng viên tờ Bild khi tiếp đón truyền thông tại tiệm bánh của mình dịp 2006.

Quyết định chọn Mỹ làm điểm dừng chân, lấy vợ Mỹ sau khi kết thúc công việc ở Đức đã mô tả chân thực con người ấy. Mỹ là thiên đường của chủ nghĩa tự do và chất phóng khoáng, với những khoảng trời mênh mông cho phép Klinsmann mặc sức thả trí tưởng tượng và trình bày quan điểm cá nhân.

Ít nhất thì Klinsmann hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ông có một cửa tiệm bánh truyền thống tại New York và theo dõi bóng đá dưới lăng kính của riêng mình. Tại Đức, con trai Klinsmann – Jonathan vừa được lên đội một Hertha Berlin tại Bundesliga.

“Tôi sẽ quay trở lại bóng đá, nhưng phải sau World Cup hoặc mùa giải sau. Đây là kỳ nghỉ đẹp nhất trong cuộc đời tôi”, Klinsmann trả lời ESPN vào tuần trước.

Đơn Ca
.
.
.