Phan Văn Santos – Gã “Kinh Kong” dị biệt trong khung thành

Thứ Sáu, 17/04/2020, 09:36
Trận đấu giao hữu giữa ĐT Việt Nam và Olympic Brazil ngày 1/8/2008 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, bởi đó là trận đấu đầu tiên có một cầu thủ nhập tịch khoác áo đội tuyển Việt Nam. Đứng giữa các đồng đội, Phan Văn Santos (Fabio dos Santos) trông nổi bật hơn hẳn bởi chiều cao vượt trội và… hát quốc ca của đối thủ.


Thủ môn của những kỷ lục

Các cầu thủ Olympic Brazil, trong đó có nhiều ngôi sao đẳng cấp như Ronaldinho, Thiago Silva, Anderson, Alexandre Pato…; ngày hôm ấy có lẽ cũng ngạc nhiên khi một người đồng hương của họ lại khoác áo một đội tuyển xa xôi tận Đông Nam Á.

Phan Văn Santos có lẽ cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó khi bắt đầu sự nghiệp tại quê nhà. Thủ môn sinh năm 1977 xuất thân từ lò đào tạo của CLB Vasco da Gama, song anh không có cơ hội bắt chính ở đội bóng này. Đối thủ cạnh tranh của Phan Văn Santos thời ấy không phải ai xa lạ mà chính là Helton, thủ môn từng bắt cho Porto từ năm 2005-2016. Helton kém Santos 1 tuổi song sự nghiệp sáng hơn nhiều, bắt chính cho Vasco da Gama từ năm 1999. Ngoài nhiều năm chơi cho Porto và giành tới 7 chức vô địch Bồ Đào Nha trong 8 mùa  từ 2005-2013, Helton còn từng được triệu tập vào đội Brazil dự Copa America 2007.

Thủ môn Phan Văn Santos trong màu áo ĐT Việt Nam.

Phan Văn Santos thì lận đận hơn nhiều. Không tìm được đất dụng võ tại quê nhà, thủ môn sinh năm 1977 phiêu bạt đến Việt Nam năm 2001 để khoác áo Đồng Tâm Long An. Đó là một bước ngoặt lớn và mãi mãi thay đổi cuộc đời của chàng trai Brazil Fabio dos Santos.

Dưới sự dẫn dắt của “thầy phù thủy” Henrique Calisto, thủ môn Brazil nhanh chóng trở thành một trụ cột của ĐTLA. Santos quả thực rất nổi bật trên sân cỏ Việt Nam khi ấy với chiều cao lên đến 1m98, sải tay rộng và những cú phát bóng vào thẳng vòng cấm địa của đối phương. To lớn và mạnh mẽ, Santos chẳng khác gì một chú King Kong rất khó bị đánh bại trong khung gỗ.

Một đặc sản khác của Santos là tài sút phạt. Đó dường như là đặc ân của các thủ môn tại Nam Mỹ với những “người gác đền” kiêm chân sút phạt lừng danh như Jose Luis Chilavert hay Rogerio Ceni. 

Với Santos, những cú sút bằng mu chính diện mạnh như búa tạ của anh thực sự là cơn ác mộng với các đồng nghiệp bên kia chiến tuyến. Theo một thống kê, Santos đã ghi đến 20 bàn thắng từ những tình huống đá phạt trong màu áo Đồng Tâm Long An, giúp anh lọt tốp những thủ môn ghi bàn nhiều nhất trong sự nghiệp. Cho đến thời điểm này, thủ môn Brazil cũng đang nắm giữ một kỷ lục đặc biệt khác khi là người đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này ghi bàn ở AFC Champions League. Đó tất nhiên cũng là một cú đá phạt, ở khoảng cách 22m vào lưới Thân Hoa Thượng Hải năm 2006.

Đỉnh cao và vực sâu

Hai chức vô địch V.League liên tiếp cùng Đồng Tâm Long An năm 2005 và 2006 là đỉnh cao trong sự nghiệp của Phan Văn Santos. Trên bình diện bóng đá Việt Nam khi đó, anh được xem là “người gác đền” xuất sắc nhất. Cuối năm 2007, Santos nhập quốc tịch Việt Nam, lấy họ theo hai người đồng đội nổi danh ở CLB là anh em Phan Văn Giàu, Phan Văn Tài Em. 

Cùng với việc ông Calisto ngồi vào vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam, nhiều CĐV lúc đó đã chờ đợi giây phút Phan Văn Santos trở thành tuyển thủ quốc gia. Điều đó trở thành sự thật ở trận giao hữu gặp Olympic Brazil. Santos đã chơi hay trước những người… “cựu đồng hương” và để lại ấn tượng bằng một cú sút phạt làm người đồng nghiệp Renan phải vất vả. Nhưng cũng ở trận đấu ấy, anh cũng làm các CĐV Việt Nam khó hiểu khi hát trọn vẹn cả bài quốc ca Brazil, một hành động không nên có ở một cầu thủ đã nhập tịch.

Không ai ngờ được đó lại là cột mốc đánh dấu sự xuống dốc của Phan Văn Santos. Anh tiếp tục được HLV Calisto sử dụng trong giải đấu chuẩn bị cho AFF Cup 2008 là Cúp Bóng đá TP.HCM tháng 10/2008. Thủ thành của Đồng Tâm Long An mắc những sai lầm nghiêm trọng, trong đó có 2 tình huống dẫn đến trận thua 2-3 của tuyển Việt Nam trước Turkmenistan. Sau trận đấu đó, Santos bị loại khỏi chiến dịch chuẩn bị cho AFF 2008, giải đấu mà sau đó thầy trò HLV Calisto đăng quang với người hùng Dương Hồng Sơn trong khung gỗ.

Phan Văn Santos thì tụt dốc không phanh. Nhiều người nói anh mắc bệnh ngôi sao khi càng ngày càng trễ nải trong việc tập luyện. Có thời điểm, thủ thành này vọt lên tới hơn... 120 kg vì sinh hoạt không điều độ. Từ chỗ là một ngôi sao, Phan Văn Santos trở thành gánh nặng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của Đồng Tâm Long An. Năm 2010, anh chia tay đội bóng chuyển đến Navibank Sài Gòn. Những chuỗi ngày sau đó là khoảng thời gian Phan Văn Santos vật lộn tìm lại phong độ, nhưng không bao giờ anh lấy lại được hình ảnh của “King Kong” trước khung thành. Phan Văn Santos giải nghệ năm 2014 sau những khoảng thời gian ngắn khoác áo Becamex Bình Dương và An Giang. 

Phan Văn Santos là một thủ thành đặc biệt, đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với rất nhiều những kỷ lục. Song cũng từ trường hợp của anh, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đã phải nhìn lại và sau đó siết chặt hơn những quy định về việc triệu tập các cầu thủ nhập tịch. Chính Phan Văn Santos, sau một khoảng thời gian nhập tịch đã từng nói với các phóng viên: “Hãy gọi tôi là Fabio dos Santos chứ không phải Phan Văn Santos”.

Có lẽ Santos chưa bao giờ sẵn sàng để khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong thâm tâm, anh vẫn là một người Brazil nguyên vẹn.

Santos suýt nữa sang Premier League

Vào khoảng năm 2005, 2006 khi đang ở đỉnh cao phong độ, đội bóng Bolton Wanderers tại Premier League từng chú ý đến Phan Văn Santos khi tìm người bắt dự bị cho thủ thành chính thức Jussi Jaaskelainen. Tuy nhiên đã có không có hợp đồng nào được ký kết, Bolton sau đó đã chiêu mộ một thủ thành châu Á khác là Ali Al-Habsi người Oman, thủ môn được nhớ đến với thời gian khoác áo Wigan và Reading. 

Không chỉ sự nghiệp đi xuống mà cuộc đời của Phan Văn Santos cũng gặp nhiều trắc trở sau khi nhập tịch. Anh chia tay với người vợ Brazil và sau đó tái hôn với một giáo viên người Hà Lan. Phan Văn Santos đang sống tại Sài Gòn, cùng góp vốn với một người bạn mở trung tâm bóng đá cộng đồng ở Quận 7.

Giữa năm 2018, Phan Văn Santos gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng, các đồng đội cũ của anh tại đã tìm cách gây quỹ, tổ chức những trận đấu giao hữu quyên góp tiền để hỗ trợ Santos kinh phí điều trị.

Đơn Ca
.
.
.