Lee Nguyễn: Đón Tết lại nhớ giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam

Thứ Hai, 08/02/2021, 08:46
Dự kiến phát sóng vào 20h ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên kênh ANTV, chương trình “Xuân bình yên” hứa hẹn mang đến cho khán giả những hình ảnh đẹp, những thông điệp nhân văn xoay quanh câu chuyện bảo vệ an ninh trật tự của đất nước.

Trong những ngày Tết đến, xuân về, Lee Nguyễn lại nhớ đến giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam trước đây, một trong những niềm nuối tiếc lớn nhất cuộc đời anh.

Giấc mơ cuộc đời

Lee Nguyễn sinh ngày 7/10/1986 tại Dallas, Texas (Mỹ). Anh được học bóng đá từ khá sớm tại Học viện Dallas Texans và nhanh chóng trở thành tài năng trẻ sáng giá của Mỹ. Năm 2005, anh tham dự giải Copa Chivas cùng U18 Mỹ và dần dần chiếm một vị trí thường xuyên ở các đội trẻ Mỹ, tham dự U20 World Cup, U23 Toulon. Đây cũng là thời điểm Lee Nguyễn chuyển sang châu Âu thi đấu và được gọi lên tuyển quốc gia Mỹ.

Con đường sự nghiệp của Lee Nguyễn là niềm mơ ước của nhiều cầu thủ Mỹ, nhưng cá nhân anh vẫn hướng về quê hương Việt Nam, nơi bố anh - ông Nguyễn Văn Phẩm sinh ra và lớn lên. Cũng chính vì điều này, Lee Nguyễn đã bất ngờ từ bỏ cơ hội ở châu Âu để về Việt Nam đầu quân cho HAGL vào năm 2009.

Cho dù thời gian ngắn khoác áo HAGL không thực sự thành công, nhưng những ngày sống ở phố Núi đã giúp Lee Nguyễn gắn bó hơn với Việt Nam và thôi thúc anh đại diện cho màu áo cờ đỏ sao vàng. Cuối năm 2010, Lee Nguyễn cùng bố tiến hành thủ tục nhập tịch Việt Nam.

Lee Nguyễn bắt đầu một giấc mơ mới với CLB TP Hồ Chí Minh.

Anh và người thân đã nghiên cứu rất kỹ quy định của FIFA. Trước đó, tiền vệ này đã có 3 lần khoác áo tuyển Mỹ, thậm chí có tên trong danh sách tham dự Copa America 2007. Tuy nhiên, trong cả 3 lần, Lee Nguyễn đều ra sân khi chưa đầy 21 tuổi và chơi ở các giải đấu không do FIFA tổ chức. Điều đó có nghĩa Lee Nguyễn hoàn toàn đủ điều kiện lên tuyển Việt Nam sau khi có quốc tịch Việt Nam.

Lee Nguyễn chưa bao giờ giấu niềm tự hào về dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản và tình yêu dành cho bố anh, ông Nguyễn Văn Phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, giấc mơ của anh đã không trở thành sự thật. Năm 2014, sau khi tỏa sáng ở giải nhà nghề Mỹ (MLS), Lee Nguyễn được Jurgen Klinsmann gọi lên tuyển Mỹ. Đây cũng là thời điểm anh chấm dứt hy vọng khoác áo tuyển Việt Nam.

Cho đến bây giờ, Lee Nguyễn vẫn xem đây là điều anh tiếc nuối nhất cuộc đời. “Nếu thời gian quay trở lại, nếu tôi được chọn lại, tôi sẽ chọn khoác áo tuyển Việt Nam. Tôi vẫn luôn cảm thấy tiếc nuối khi không được đại diện cho Việt Nam. Đây là giấc mơ của đời tôi”, tiền vệ đang khoác áo CLB TP.HCM tâm sự.

Làm lại từ đầu

Với tình yêu cháy bỏng đó, Lee Nguyễn đã chọn cho mình một con đường khác, bắt đầu từ việc chơi bóng tại V.League. Cách đây hơn 10 năm, anh bị xem là thất bại tại HAGL. Tuy nhiên, tiền vệ nhỏ con này nhanh chóng chứng minh tài năng và đẳng cấp ở MLS, nơi anh trở thành một trong những tiền vệ tấn công hay nhất giải đấu bất chấp những tên tuổi danh tiếng từ châu Âu đổ về.

Trở lại Việt Nam khoác áo CLB TP.HCM đúng vào dịp Tết đến, xuân về, Lee Nguyễn càng thêm niềm tin cho lựa chọn của anh. Trong không khí năm mới, tiền vệ này cũng bắt đầu nghĩ đến các kế hoạch mới, mục tiêu mới.

Đáng chú ý, lần đầu tiên anh ám chỉ tham vọng trở thành HLV tuyển quốc gia. Tất nhiên, đó sẽ là câu chuyện dài phía trước, nhưng người hâm mộ đã có một cái gì đó rất thú vị để hy vọng và chờ đợi trong tương lai - thời hậu HLV Park Hang-seo, hoặc xa hơn.

So với các cầu thủ ở các vị trí khác, các tiền vệ luôn có ưu thế khi bước sang sự nghiệp HLV, bởi lẽ từ khi chơi bóng, họ đã phải học cách bao quát sân đấu và là người hấp thụ chiến thuật nhiều nhất từ ban huấn luyện, qua đó triển khai lối chơi đúng kế hoạch cho toàn đội bóng. Trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều HLV thành công khi có xuất phát điểm ở hàng tiền vệ. Có thể kể đến Pep Guardiola, Zidane, Deschamp, Ancelotti. Ngay cả trong thế hệ HLV mới, những ngôi sao tuyến giữa như Andrea Pirlo, Mikel Arteta hay Thiago Motta cũng tạo ra nhiều kỳ vọng hơn các đồng nghiệp cùng lứa.

Lee Nguyễn vốn là một tiền vệ thông minh, giỏi thích nghi và có kinh nghiệm phong phú. Việc chơi bóng ở V.League một lần nữa cũng có thể xem như là bước chuẩn bị cho Lee Nguyễn thực hiện tham vọng này. Nó ít nhiều cho thấy sự nghiêm túc của anh.

Tấm gương chuyên nghiệp

Bên cạnh tài năng, một trong những yếu tố quan trọng giúp Lee Nguyễn vượt qua cuộc khủng hoảng ở giai đoạn đầu sự nghiệp để bứt phá, gặt hái thành công và được đám đông ghi nhận chính là sự chuyên nghiệp. Về chuyện này, Lee Nguyễn chắc chắn phải cảm ơn sự nghiêm khắc của ông Nguyễn Văn Phẩm.

Không chỉ chuyện ăn uống, mà chế độ tập luyện của Lee Nguyễn đều được lên kế hoạch như các cầu thủ hàng đầu châu Âu. Những tiêu chí mà Lee Nguyễn ưu tiên là sự chuyên cần và hạn chế những thứ tiêu cực cho sức khỏe. Chính vì thế, dù bất ngờ, nhưng anh không lo ngại quy định phạt cầu thủ tăng cân mà CLB TP.HCM vừa đưa ra.

“Các cầu thủ phải tự chịu trách nhiệm về bản thân”, Lee Nguyễn nói. “Tôi từng sang Hà Lan, Đan Mạch khi mới 19, 20 tuổi nhưng đều phải tự lập, thuê nhà riêng và sinh hoạt riêng chứ không có chuyện ăn ở tập trung với đội bóng. Vì thế, mỗi cầu thủ phải tự ý thức việc gì nên làm và không nên làm”.

“Ngoài ra, sự chuyên cần và kiên trì là điều quan trọng nhất trong bóng đá. Bạn có thể có tài năng, có kỹ năng tốt, nhưng nó sẽ mai một đi nếu bạn không rèn luyện hàng ngày”, Lee Nguyễn nói thêm.                       

Giảm lương để cứu vãn sự nghiệp

Sau chuyến phiêu lưu ngắn ở Hà Lan và Đan Mạch, Lee Nguyễn quyết định về Việt Nam thi đấu. Tuy nhiên, khác biệt về văn hóa cùng nhiều vấn đề khác khiến tiền vệ này không thể thích nghi. Anh gây thất vọng lớn trong 2 năm rưỡi màu áo HAGL và Bình Dương.

Năm 2011, Lee Nguyễn đưa ra một quyết định bước ngoặt: từ chối các đề nghị hấp dẫn ở V.League để trở lại Mỹ cứu vãn sự nghiệp. Ở thời điểm đó, Lee Nguyễn đang nhận mức lương thưởng lên đến 400 nghìn USD/1 mùa ở Bình Dương nhưng thi đấu không thành công. Cộng thêm chấn thương và sự bất ổn của Bình Dương, tiền vệ này càng quyết tâm tìm một hướng đi mới.

Trở về MLS, Lee Nguyễn phải chấp nhận mức lương ngang bằng các cầu thủ ở học viện (44 nghìn USD/1 mùa, chưa trừ thuế). Thu nhập của anh giảm gấp 10 lần, nhưng đổi lại là cơ hội chơi bóng ở môi trường chuyên nghiệp, giàu sức cạnh tranh hơn. Những gì diễn ra sau đó chứng minh Lee Nguyễn đã có một lựa chọn hoàn toàn chính xác.

P.V
.
.
.