Công Vinh làm "sếp"

Chủ Nhật, 15/01/2017, 10:55
Cú sốc Công Vinh từ giã sự nghiệp cầu thủ sau AFF Suzuki Cup 2016 còn chưa kịp qua đi thì một cú sốc khác lại đến: Công Vinh trở thành quyền Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh. Và sau 2 vòng V.League đầu tiên, một Công Vinh "chủ tịch" - một Công Vinh làm "sếp" cũng đã để lại những ấn tượng và cả những tranh luận khác nhau.

Bỏ qua những lùm xùm về việc CLB TP Hồ Chí Minh đột ngột thanh lý hợp đồng với 6 cầu thủ trước ngày khai mạc V.League - cái việc mà có người tố là "Công Vinh chơi... ác", còn Công Vinh thì bảo: "Đấy là việc chuyên môn của HLV trưởng, tôi không can thiệp", những ấn tượng đầu tiên mà ông tân Chủ tịch CLB này để lại chính là hình ảnh trực tiếp đứng ngoài sân vận động bán vé, và sau trận đấu cũng trực tiếp xuống sân, dẫn các cầu thủ chạy vòng quanh sân, cảm ơn khán giả. Một bộ phận dư luận đặt ra câu hỏi: Có phải Công Vinh "làm màu"?

Dẫn các cầu thủ chạy quanh sân cảm ơn khán giả, một hình ảnh mới của “sếp” Công Vinh.

Có thể chia sẻ ít nhiều với luồng dư luận này vì trong quá khứ, Công Vinh đã nổi tiếng là một cầu thủ rất giỏi đứng trước ống kính truyền thông, và rất biết phải nói năng, thể hiện ra sao để làm bật giá trị hình ảnh của mình. Lại có người bình luận: Công Vinh chưa trải qua những khoá đào tạo, học hành bài bản nào nên mới làm "sếp" theo kiểu như vậy.

Bởi điều quan trọng nhất của một "sếp lớn" là những việc mang tầm vĩ mô, chứ không phải những việc trực tiếp, vụn vặt, và hiển lộ. Cũng không phải vô lý. Bởi ở bên Anh, sau trận đấu của Chelsea, có bao giờ ông chủ Abramovic xuống sân dẫn cầu thủ đi chào khán giả như vậy đâu, còn ở Việt Nam, có bao giờ bầu Hiển - một trong những ông bầu âm thầm nhưng quyền lực nhất hiện nay cũng làm như vậy?

Theo quan điểm của chúng tôi thì chuyện "làm màu" hay không thật khó phán xét, vả lại cứ cho là "làm màu", nhưng nó không hại ai, mà bước đầu đem lại những lợi ích tích cực thì cũng không phải là lý do để chê trách hay lên án. Còn chuyện "vụn vặt", "khác người" thì cũng không thể đem tiêu chuẩn của giải Ngoại hạng Anh hay những nền bóng đá thật sự chuyên nghiệp, quy lát để áp vào môi trường V.League được.

Vì không chỉ đẳng cấp Ngoại hạng và đẳng cấp V.League quá khác nhau, mà văn hoá Anh và văn hoá Việt cũng quá khác nhau. Thế mới có chuyện năm 1997, khi sang Việt Nam làm HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia, thầy Anh Colin Murphy mới bảo việc đầu tiên của ông là phải làm quen với văn hoá Việt Nam, và đã có lần ông thầy theo trường phái Ăng- Lê này chủ động đội lên đầu một chiếc nón lá Việt Nam.

Điều đáng nói ở đây là tất cả những gì Công Vinh đã làm thực sự có ích với đội bóng của anh hay không? Chúng tôi nghĩ là có, vì nó tạo nên sự tin tưởng ban đầu cho các cổ động viên. Còn về việc niềm tin này có tiếp tục được duy trì hay không thì hãy đợi thời gian kiểm chứng và kết luận.

Ở vòng 2 V.League, khi CLB TP Hồ Chí Minh thua trên sân Quảng Ninh thì quyền Chủ tịch Lê Công Vinh cũng lại làm một việc mà trước đó chưa ông sếp CLB nào làm được thì phải: thua nhưng vẫn thưởng 200 triệu đồng. Lý do là hôm ấy CLB của Vinh thua về tỷ số, chứ không thua về tinh thần và lối chơi chung. Hành động thưởng tiền, mà lại là thưởng khá khi đội thua ẩn trong nó một thông điệp giàu ý nghĩa. Nó như muốn nói với các cầu thủ và với cả cổ động viên nhà rằng ở đây những thắng - thua nhất thời không quá quan trọng. Điều quan trọng phải chăng là cách làm, cách đá và tính bền vững cho những chặng đường xa?

Ngay từ khi còn là cầu thủ Công Vinh đã cho thấy mình là người có tố chất lãnh đạo. Hẳn nhiên, không thể làm lãnh đạo một cách hoàn hảo ngay được, nhưng những gì đã trải qua, kể cả trên sân cỏ lẫn trên "sân khấu văn hoá" cuộc đời mình, Công Vinh cho thấy mình là mẫu đàn ông cầu tiến, nhanh thích nghi, học hỏi để không ngừng nâng cao giá trị bản thân.

Hãy cứ chờ thêm một quãng đường nữa (đặc biệt là chờ những đường đi nước bước của một ông chủ thực sự đứng đằng sau Công Vinh) để kết luận vấn đề, nhưng ở thời điểm này, có thể nói sự nhập cuộc bước đầu của  Công Vinh là hanh thông, sáng sủa!

"Văn hoá khích lệ..."

Sau những ý kiến trái chiều, đặc biệt là những dấu hỏi về việc "có phải đang "làm màu"?" sau hàng loạt những động tác lạ như dẫn đội chạy quanh sân cảm ơn khán giả, thưởng nóng sau khi đội thua thua 0-2 trên sân Quảng Ninh... quyền Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh Lê Công Vinh đã đột ngột viết một status dài, trần tình cho ra nhẽ trên Facebook cá nhân.

Ở đây, Vinh nhấn mạnh đến việc mình thưởng khi đội thua là biểu hiện của "văn hoá khích lệ" - điều vẫn diễn ra ở những xã hội, những nền bóng đá phát triển. Và ở Việt Nam, có vẻ chúng ta đã quá quen "với văn hoá chỉ trích", mà xa lạ với "văn hoá khích lệ".

Công Vinh cũng cho biết là mỗi người có một cách làm bóng đá riêng, vì thế không thể vì thấy cách làm đó khác với mình là đã vội quy kết đó là cách làm sai. Ngay cả status này của Công Vinh cũng khiến dư luận chia đôi, một phần hết sức ủng hộ anh, một phần đánh giá việc anh phải lên tiếng chia sẻ, giãi bày vào lúc này cho thấy anh chưa thật "lỳ" - thứ phẩm chất mà một lãnh đạo đội cần có hơn bất cứ phẩm chất nào(?).

Ngọc Anh



Diệp Xưa
.
.
.