Câu chuyện bóng đá: Tạm biệt Minh Phương!

Thứ Tư, 23/09/2015, 06:25
V.League 2015 khép lại cũng là lúc tiền vệ Nguyễn Minh Phương chia tay cuộc đời cầu thủ. Nói như HLV Trần Minh Chiến, thì kể từ sau thời của Nguyễn Hồng Sơn, Minh Phương xứng đáng là tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam.

Thực tế thì Minh Phương và Hồng Sơn có một điểm rất giống nhau, đó là ở thuở đầu bước chân vào bóng đá, cả hai đều chơi ở một vị trí không phải là vị trí mà sau này mình đã thành danh. Giải vô địch quốc gia năm 1990, Hồng Sơn lần đầu tiên trình làng ở vị trí tiền đạo, và ở vị trí ấy người ta sớm nhận ra một Hồng Sơn khéo léo, mềm mại, rất giỏi "đánh hơi" bàn thắng, còn với Minh Phương, vị trí đầu tiên mà anh thi đấu cho Cảng Sài Gòn (giờ đã giải thể) lại là vị trí hậu vệ biên.

Năm 2002, khi được HLV trưởng Henrique Calisto gọi vào ĐTQG tham dự Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup bây giờ) thì Minh Phương vẫn là một cầu thủ bám biên, phải đến một năm sau, khi ông Alfred Riedl xuất hiện và một cuộc khủng hoảng tuyến giữa diễn ra trong lòng ĐT U.23 Việt Nam, thì Minh Phương mới bất đắc dĩ được chuyển từ hậu vệ biên lên tiền vệ.

Khách quan mà nói, ở vị trí này, Sơn "công chúa" (biệt danh một thời của Nguyễn Hồng Sơn) xứng đáng là một bậc thầy về kỹ thuật và khả năng chuyền bóng, nên đến lượt mình, dĩ nhiên Minh Phương vẫn đứng dưới Hồng Sơn một bậc. Nhưng bù lại, Minh Phương và thế hệ của mình lại làm được cái điều mà Hồng Sơn và thế hệ của Sơn không làm được: vượt qua cái bóng lớn của Thái Lan để giật cúp vàng Đông Nam Á.

Minh Phương với cúp vô địch V.League cùng SHB. Đà Nẵng. Ảnh: H.M.

Người ta chưa quên, "thế hệ vàng" của Hồng Sơn cứ gặp Thái Lan là "cóng", còn thế của Minh Phương lại có chiến thắng quật khởi trước Thái Lan tại Chung kết AFF Suzuki Cup 2008. Trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình năm ấy, khi Việt Nam bị dẫn trước 1-0, và nhiều lúc cuốn theo lối chơi người Thái,  thì ông Calisto đã quyết định rút một tiền vệ phòng ngự để tung Minh Phương vào sân. Lập tức, chúng ta lấy lại thế trận, và ở cái phút 90+ 3 lịch sử, thì chính Minh Phương là người thực hiện đường chuyền định mệnh, giúp Công Vinh ghi bàn định mệnh, làm ngây ngất cả một nền bóng đá.

Cái hay của Minh Phương là bên cạnh tố chất khéo léo, cùng khả năng thực hiện những đường chuyền, hoặc những cú sút phạt chính xác, anh còn là mẫu tiền vệ chăm chỉ và luôn thi đấu đến cháy mình. Có lẽ chính vì thế mà từ Cảng Sài Gòn đến Đồng Tâm.Long An, rồi SHB. Đà Nẵng - đội bóng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ, ở đâu Phương cũng được bầu làm đội trưởng. Riêng ở cấp độ ĐTQG, Phương từng được gợi ý làm đội trưởng ngay từ năm 2003, nhưng tự thấy lúc đó mình chưa thật phù hợp nên đã từ chối, và mãi sau này mới chính thức đeo băng đội trưởng đội tuyển trên tay. Một chi tiết nhỏ nhưng nói lên sự biết mình biết người và... biết thời của Minh Phương.

Sau này, mỗi khi được hỏi ai là người tác động lớn nhất lên cuộc đời cầu thủ của mình, thì Minh Phương không quên nhắc lại những ông thầy của Cảng như Tam Lang, Đặng Trần Chỉnh, nhưng thừa nhận người số 1 phải là Henrique Calisto. Phương bảo, gần chục năm gắn bó với thầy "Tô" cả ở cấp độ CLB lẫn cấp độ ĐTQG, anh đã học được cái tính cách chân thật, mạnh mẽ, và luôn khát khao chinh phục những cái đích mới ở thầy. Chắc chắn là những bài học lớn từ thầy "Tô" rồi sẽ được Minh Phương chuyển đến những thế hệ cầu thủ sau này, bởi ngay sau khi giải nghệ, anh đã có kế hoạch sớm chuyển sang công tác huấn luyện.

Hiện tại Minh Phương vẫn đang theo học các lớp huấn luyện của AFC, và không bất ngờ nếu trong thời gian rất ngắn tới đây, anh sẽ xuất hiện trên từ cách HLV trưởng một đội hàng Nhì, rồi từ đó lên hạng Nhất và V.League.

Xin tạm biệt cuộc đời cầu thủ sạch sẽ của Minh Phương và chúc cho cuộc đời huấn luyện của anh sau này cũng sạch sẽ, trơn tru như vậy.

Từng là trung tâm điểm tranh cãi

Năm 2003 vụ chuyển nhượng Minh Phương từ Cảng Sài Gòn về Đồng Tâm.Long An (ĐT.LA) từng là tâm điểm tranh cãi của dư luận. Hồi đó, VFF chưa đưa ra quy chế chuyển nhượng cầu thủ, và vì thế ban lãnh đạo ĐT.LA đã căn cứ vào Luật Lao động - điều luật qui định người lao động chỉ cần thông báo thôi việc với đơn vị mình lao động trước 45 ngày là có thể tự do kết thúc công việc để "thanh lý" những ràng buộc giữa Minh Phương với Cảng. Khi ấy, lãnh đạo Cảng Sài Gòn đã không ngại chỉ trích cả Minh Phương lẫn phía ĐT.LA, nhưng sau nhiều tranh cãi, rốt cuộc phía Cảng cũng đồng ý để Minh Phương về ĐT.LA, với giá chuyển nhượng lên tới 400 triệu đồng.

Đó là một mức giá chuyển nhượng kỷ lục thời điểm ấy, và từ thời điểm ấy về sau, giá chuyển nhượng cầu thủ ở Việt Nam không ngừng được đẩy cao. 

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.