Cờ vua nam Việt Nam tái lập hạng 7 đồng đội thế giới:

Bài toán giữ hạng không dễ

Chủ Nhật, 07/10/2018, 14:00
Đội tuyển cờ vua Việt Nam đã kết thúc hành trình thi đấu ở Olympiad cờ vua lần thứ 43 năm 2018 - giải cờ vua đồng đội giàu uy tín nhất trong làng cờ thế giới, với thành tích đầy ấn tượng của các kỳ thủ nam khi xếp hạng 7 chung cuộc.

Đó là thành tích tốt nhất của cờ vua Việt Nam trong lịch sử tham dự giải đấu. Vấn đề giờ nằm ở khâu đầu tư để các kỳ thủ có thể giữ hạng cho cờ vua Việt Nam.

Tái lập cột mốc lịch sử

Olympiad cờ vua là giải đồng đội nằm trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Giải đấu này quy tụ toàn bộ các nền cờ vua trên thế giới và luôn được người trong nghề xem trọng. 

Mỗi kỳ Olympiad cờ vua luôn thu hút từ 150 đội nam và nữ trở lên. Điều đó đủ cho thấy uy tín của giải đấu này. Quan trọng hơn cả, thành tích từ giải này được xem là cơ sở đánh giá thực lực của mỗi nền cờ vua trên bản đồ cờ vua thế giới.

Không ngẫu nhiên khi cờ vua Việt Nam từng tự hào vì đội nam đã xếp thứ 7/157 tại Olympiad cờ vua năm 2012. Đấy là thành tích tốt nhất của cờ vua Việt Nam khi tham dự giải đấu này. Thực tế, ngay sau giải đó, không ít người lo ngại rằng cờ vua Việt Nam khó tái lập kỳ tích này trong tương lai. 

Người trong nghề có những lý do để lo ngại nhất là khi sự đầu tư cho các kỳ thủ Việt Nam và của chính kỳ thủ Việt Nam cho nghiệp cờ của mình còn quá hạn chế so với nhiều nền cờ vua khác. 

Khi ấy, mới chỉ có một Lê Quang Liêm được ngành thể thao và gia đình đầu tư tối đa để có thể tham dự nhiều giải quốc tế, qua đó tích lũy thêm hệ số elo để trở thành Siêu Đại kiện tướng quốc tế. Còn các kỳ thủ khác vẫn chỉ loanh quanh thi đấu trong nước và trông chờ ngân sách để được dự một số giải quốc tế. 

Lo ngại từ sau giải đấu 2012 đã phần nào có cơ sở nếu nhìn vào thành tích ở hai kỳ Olympiad gần đây của các kỳ thủ nam. Ở Olympiad lần thứ 42-2016 tại thành phố Baku (Azerbaijan), đội nam Việt Nam chỉ được 13 điểm chung cuộc (6 ván thắng, 1 ván hòa, 4 ván thua) xếp hạng 42/150. Trước đó, ở Olympiad cờ vua năm 2014, đội nam xếp hạng 27/150.

Vì vậy, khi tham dự Olympiad 2018, những nhà quản lý cũng không dám đặt nặng mục tiêu vào nhóm 10 nước dần đầu cho đội tuyển nam. Thế nhưng, các kỳ thủ nam Việt Nam liên tục gây ấn tượng mạnh để rồi xếp hạng 7 chung cuộc với 6 trận thắng, 4 trận hòa, 1 trận thua khi giải đấu kết thúc vào đêm ngày 5-10. 

Trên bảng xếp hạng, đội nam chỉ chịu xếp sau Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ba Lan, Anh và Ấn Độ. Ngoài ra, đội xếp trên cả những cường quốc cờ vua như Armenia, Pháp, Ukraina và Azerbaijan.

Trong thành tích của đội nam, kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn còn giành Huy chương vàng cá nhân ở vị trí bàn đấu số 2. Đây là tấm Huy chương vàng cá nhân thứ hai của Nguyễn Ngọc Trường Sơn tại Olympiad (lần trước là vào năm 2014).

Chính vì vậy, giới trong nghề và chính các kỳ thủ Việt Nam cũng đều coi việc xếp hạng 7 chung cuộc là thành tích ngoài mong đợi. Đúng là ở nhiều môn thể thao khác, thành tích trên không quá đáng kể. Nhưng tại làng cờ vua thế giới, nơi quy tụ nhiều nền cờ vua mạnh và đồng đều, đây thực sự là thành tích ấn tượng, nhất là khi đội chỉ được xếp hạng hạt giống thứ 27 tại giải.

Đội tuyển cờ vua Việt Nam tại Olympiad - 2018.

Lực lượng đủ dày mới mong giữ hạng

Tại Olympiad cờ vua năm nay, lực lượng của cờ vua nam Việt Nam không quá nổi trội. Nếu chỉ tính theo hệ số elo thì đội xếp hạng 27. Thực tế, thứ hạng hạt giống của đội có thể cao hơn nếu một số kỳ thủ trong đội thi đấu quốc tế liên tục và tích lũy thêm hệ số elo. 

Thế nhưng trong thành phần đội nam, ngoài Lê Quang Liêm và Trần Tuấn Minh liên tục thi đấu quốc tế thì những Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Đào Thiên Hải ít dự giải quốc tế. Một phần nguyên nhân đến từ điều kiện kinh phí, phần khác đến từ sự bận rộn học tập (như Nguyễn Anh Khôi)  hay huấn luyện (như trường hợp Đào Thiên Hải, hiện còn kiêm luôn việc huấn luyện tại TP Hồ Chí Minh).

Vì thế, thành tích xếp hạng 7 của đội tuyển nam càng đáng nể. Dù vậy, bài toán giữ hạng cũng được đặt ra với đội tuyển nam khi các kỳ thủ có môi trường phát triển khác nhau. Sẽ quá lý tưởng nếu các kỳ thủ đều có điều kiện như Lê Quang Liêm để hoàn toàn chuyên tâm tập luyện và sống được bằng nghề thi đấu cờ vua. 

Lúc ấy đương nhiên, đội tuyển cờ vua nam sẽ sở hữu lực lượng đáng nể tại mỗi kỳ Olympiad. Nhưng thực tế là các kỳ thủ Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố để phát triển. Như trường hợp kỳ thủ trẻ Trần Tuấn Minh vẫn phải trông vào nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của đơn vị chủ quản là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. 

Nếu không, kỳ thủ này khó có cơ hội thi đấu và tập huấn quốc tế liên tục như vài năm gần đây. Hay trường hợp Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Đào Thiên Hải cũng phải cân nhắc trước mỗi quyết định tham dự giải quốc tế.

Vì vậy, sự vận động của chính các kỳ thủ cũng như sự kêu gọi xã hội hóa của Liên đoàn Cờ Việt Nam thực sự đóng vai trò quan trọng để giúp cờ vua nam Việt Nam luôn có đội hình đủ dày, nhằm đạt thứ hạng cao tại mỗi kỳ Olympiad. 

Ngay ở kỳ Olympiad này, đội tuyển cờ Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ HDBank – nhà tài trợ cho giải đấu quốc tế HDBank nổi tiếng tại Việt Nam và châu lục, trong khâu di chuyển, trang phục (ước tính khoảng 30.000 USD). Nếu chỉ trông vào nguồn kinh phí từ Liên đoàn hay từ Tổng cục TDTT thì đó thực sự là bài toán khó của đội tuyển.

Ngoài ra, cũng cần có thêm nhiều giải quốc tế tại Việt Nam nhằm giúp các kỳ thủ Việt Nam cọ xát, tích lũy elo và bớt kinh phí di chuyển thi đấu quốc tế. Những động thái gần đây cho thấy, đây là việc trong tầm tay. 

Ngay trong năm 2019, dự kiến tại Hà Nội sẽ diễn ra giải đấu quốc tế do câu lạc bộ “Kiện tướng tương lai” chủ trì nhằm giúp các kỳ thủ Việt Nam tích lũy hệ số elo. Có thể, đây sẽ là nguồn cảm hứng để các nhà tổ chức khác mang đến những giải đấu quốc tế ở Việt Nam.

Một bài toán giữ hạng cho cờ vua nam Việt Nam nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề trong cách phát triển của cờ vua Việt Nam. Biết là bài toán không dễ giải nhưng không có nghĩa là khó giải khi tiềm năng phát triển môn cờ vua ở Việt Nam được xem là cực lớn.

Giải đấu “khủng” về số lượng vận động viên

Olympiad - Giải vô địch cờ vua đồng đội thế giới, được tổ chức hai năm một lần, là một trong những giải đấu quan trọng bậc nhất cờ vua thế giới. Tuyển Việt Nam dự giải năm nay với đội hình gồm Lê Quang Liêm, Trần Tuấn Minh, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Khôi (đồng đội nam); Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng, Hoàng Thị Bảo Trâm và Bạch Ngọc Thùy Dương (đồng đội nữ). Kết thúc giải, ngoài đội nam xếp hạng 7 thì đội nữ xếp hạng 15 (kỳ giải trước xếp hạng 7). Tổng hạng, đội tuyển cờ vua Việt Nam xếp hạng 10.

Theo danh sách đăng ký, góp mặt tại giải năm nay có đến 1.668 kỳ thủ trong đó có 920 kỳ thủ nam và 748 kỳ thủ nữ.                                           

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.