Uber làm khó quản lý nhà nước, nhưng lợi cho người tiêu dùng?

Thứ Bảy, 27/12/2014, 09:51
Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước về GTVT đang bàn tính các giải pháp hữu hiệu nhất để thu thuế, bảo đảm hoạt động kinh doanh của dịch vụ Uber đúng pháp luật thì người dân TP Hồ Chí Minh, từng ngày, từng giờ vẫn chọn lựa di chuyển với loại hình dịch vụ taxi Uber.

Dịch vụ taxi Uber làm nóng sự quan tâm người dân nhiều hơn cả việc xăng dầu giảm giá, nhưng cước vận tải vẫn bất động, phớt lờ. Trong khi mùa xuân đang đến quá gần, nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân gia tăng gấp nhiều lần bình thường, điều này đồng nghĩa với việc “không rõ ràng” của Uber sẽ có thêm một khoản thu nhập rất lớn từ dịch vụ này khi người dân sử dụng. Những đối tác của Uber tại Việt Nam, tại TP Hồ Chí Minh là doanh nghiệp (DN) nào? Điều kiện kinh doanh của những DN này đảm bảo đúng pháp luật quy định không?

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG - ông Khuất Việt Hùng - cho biết, đã đi thử 10 chuyến xe taxi Uber nhưng cả 10 chuyến xe này đều không đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng luật định như không có phù hiệu, không niêm yết thông tin của xe... Hiện tại ở Việt Nam có 5 loại hình kinh doanh vận tải (taxi, vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng, buýt, vận tải hàng hóa). Uber chỉ có thể bán công nghệ cho DN thuộc 5 loại hình kinh doanh vận tải này. Uber tuân thủ quy định này thì có thể hoạt động hợp pháp và sẽ được hoàn toàn ủng hộ.

Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua tuy chưa xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến khách và tài sản, nhưng không thể tự hài lòng về điều chưa xảy ra. Nếu xảy ra sự cố đáng tiếc, khi đó hàng loạt vấn đề pháp lý sẽ phát sinh ngay lập tức. Từ bảo hiểm hành khách, hàng hóa đến cơ quan chủ quản phương tiện, người điều khiển phương tiện, người sử dụng dịch vụ phương tiện. Muốn có taxi Uber phục vụ ngay, ai cũng biết cần vài thao tác đơn giản và sẽ hài lòng về giá cả, cung cách phục vụ. Nhưng muốn có sự minh bạch, công khai, rõ ràng về cơ quan quản lý, chủ dịch vụ, khiếu kiện hoặc đề nghị khác thì khác nào mò kim đáy biển.

Ông Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Uber tại Việt Nam đã cho biết: “Có thể các đơn vị vận tải hợp tác với chúng tôi không phải là taxi mà là xe hợp đồng” và khẳng định sẽ cho kiểm tra các xe này có được cấp phù hiệu, có niêm yết giá và có lắp thiết bị giám sát hành trình hay không.

Không phải người dân nào cũng lựa chọn dịch vụ taxi Uber và cũng không phải ai cũng phản đối dịch vụ này. Nhóm người phản đối quyết liệt nhất là chủ DN taxi và tài xế các hãng taxi hiện nay tại TP Hồ Chí Minh. Họ không phải vô lý khi trật tự quản lý bị cạnh tranh và xáo trộn từ việc xuất hiện một đối thủ “vô hình” bằng dịch vụ công nghệ cao, phương tiện tốt hơn, thỏa mãn nhiều yêu cầu riêng của người sử dụng. 

Liên quan đến vấn đề thuế, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cơ quan Thuế đã phân tích cụ thể và có phương án rõ ràng về Uber. Sẽ có hai loại đối tượng chịu thuế, đó là người dân, DN vận tải tham gia trên Uber, những đối tượng sẽ nộp thuế theo quy định hiện hành. Vì đây là một dịch vụ lạ, nếu Uber được cấp phép hoạt động sẽ đặt ra cho ngành Thuế nhiều vấn đề mới trong việc quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng. Uber thu tiền qua 3 loại thẻ tín dụng thanh toán quốc tế, với 20% số tiền cước vận tải. Công ty Uber International Holding B.V tại Hà Lan là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với các DN vận tải Việt Nam, còn Công ty TNHH Uber Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo… Do đó, từ ngày 14/10 đăng ký đến nay, Uber Việt Nam cho rằng chưa phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Trên thực tế Uber Việt Nam đã hoạt động nhiều tháng nay trong bối cảnh chưa rõ ràng về pháp lý. Nhà quản lý Uber đẩy hết trách nhiệm cho DN vận tải hợp đồng, vì họ chỉ làm dịch vụ kết nối trung gian qua công nghệ mạng.

Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước về GTVT đang bàn tính các giải pháp hữu hiệu nhất để thu thuế, bảo đảm hoạt động kinh doanh của dịch vụ Uber đúng pháp luật thì người dân TP Hồ Chí Minh, từng ngày, từng giờ vẫn chọn lựa di chuyển với loại hình dịch vụ taxi Uber.

Hoàng Châu
.
.
.